“The Holy Family” miêu tả một thiên thần không đầu đang chơi đàn
luýt (lute). Trong khi đôi cánh thiên thần lại là hai gò núi băng sơn kỳ
ảo mang đầy nét trinh tuyền. Nếu bạn quan sát kỹ hơn sẽ khám phá ra
hình ảnh Đức Mẹ Maria trong chiếc áo choàng màu lam ngọc đang quỳ bên
đấng Chirst vừa mới hạ sinh. Gần đấy một người đàn ông trang phục giống
kẻ chăn chiên đang ngồi, một tay chơi đàn luýt, một tay cầm giải nơ lụa
cổ áo buông rũ rất dài và quyến rũ của thiên thần như chỉ đợi dịp kéo
bung nút thắt. Trên trời, giữa hai gò núi, ta thấy vần vũ những cánh
chim đen bay, tạo cho bức thiếp hoạ một nét hoang mạc của cơn ác mộng kỳ
ảo hơn là cảnh hào quang rực rỡ trong đêm Chúa giáng thế.
“The Christmas Tree” với hình một cây Giáng Sinh kết nối bằng những con
bướm mang màu xanh đen, nâu tối, vàng sẫm, cam đậm trên những nền xanh
dương đậm, lạt, đặt trên một cây gỗ bào đẵn trơ trụi. Nó mang đến cảm
giác u tối cho người xem hơn là những áng màu rực rỡ huy hoàng. Những
điều trái khoáy này hoàn toàn đi ngược lại khiếu màu sắc thẩm mỹ truyền
thống của dân Mỹ thường dùng trong ngày lễ Noel, như màu đỏ tươi, hoàng
kim nhũ, và xanh lục thắm.
Còn đây là hình ảnh Ba Vua “The Three Wise Men” trên lưng lạc đà quen
thuộc đã biến tướng thành những nhân vật trông rất bí ẩn đang cỡi những
con lạc đà hình dung cổ quái nửa như rồng, nửa như ngựa, lúc giống quái
long.
Bạn có biết vào cuối năm 1940 giới yêu nghệ thuật tạo hình đã được tiếp xúc và sở hữu những tấm thiệp Giáng Sinh đầy màu sắc nghệ thuật do nhà sản xuất Hallmark đưa ra. Nhà làm thiệp Hallmark đã có sáng kiến in lại những bức tranh xưa và cả những hoạ phẩm của các hoạ sĩ tài danh thời hiện đại. Hoạ phẩm của Pablo Picasso, Paul Cezanne, Paul Gauguin, Vincent Van Gogh và Georgia O’Keeffe đều có mặt trong các tấm thiệp Giáng Sinh của Hallmark. Thông điệp của nhà sản xuất rất cao nhã, họ muốn chia sẻ những kiệt tác nghệ thuật với người dân Hoa Kỳ.
Năm 1959, Salvador Dali đã đồng ý gia nhập thế giới thiệp gấp với vài điều kiện. Ông đòi $15 ngàn đô tiền mặt đưa trước cho 10 tấm thiệp sẽ được hoạ kiểu. Nhà Hallmark không được quyền ra chủ đề, nội dung hay thời gian hạn định. Mặc dầu thời đó Dali đã nổi tiếng, nhưng đồng thời ông cũng lừng danh với thái độ lập dị, và tính ưa khoa trương, hợm hĩnh. Sau này, càng ngày ông càng đòi tiền tác quyền cao ngất khiến những hoạ phẩm của ông bị chỉ trích là nặng tính thương mại. Điển hình là năm 1970, ông đã đòi nhà làm phim phải trả $100 ngàn đô một giờ cho một vai diễn “Ông Hoàng của Vũ trụ” trong một phim khoa học giả tưởng. Ông đã trở thành một tài tử được trả tiền cát xê cao nhất thời ấy. Nhà làm phim đồng ý mướn ông chỉ một tiếng và sau đó dự định dùng người máy robot thay thế vai ông cho hết cuốn phim. Tuy nhiên kế hoạch làm phim đã bị hủy.
Và những tấm thiệp của Dali đã ra đời năm 1960 như một sự kết hợp kỳ thú giữa thế giới siêu thực và ngày Chúa Hài Đồng giáng thế. Ông đã đưa cho Hallmark 10 tấm thiệp mà sự siêu thực được thể hiện trên cây thông Noel và gia đình của Thiên Chúa. Trong những hình ảnh đẹp mắt nổi bật và gây ấn tượng, nét siêu thực lạ lẫm đã tạo cho những tấm thiệp Giáng Sinh Dali hoạ kiểu có một nét rất riêng. Có những hình ảnh kỳ quái được tạo tác theo phong cách Dali trông giống như nửa ảo, nửa thật. Nó dường như không có bố cục, khiến người thưởng ngoạn có một cảm giác đang lạc vào một thế giới ma mị kinh dị.
Nếu bạn tìm hiểu thêm về Siêu Thực, bạn sẽ thấy những hình ảnh sắp xếp không có bố cục đều có chủ tâm. Tâm điểm của Siêu Thực, chính là đánh mạnh vào trực giác người xem bằng những khái niệm hay hình ảnh phi lý được đặt sát cạnh nhau. Ấy cũng là mục tiêu khởi động những tiềm năng sáng tạo sẵn có trong vô thức của người hoạ sĩ. Tuy nhiên nó lại không là chủ ý của nhà sản xuất thiệp Hallmark. Hallmark cảm thấy chỉ có hai trong 10 hoạ kiểu hợp với tâm nguyện của quần chúng và họ đã cho in đó là bức “The Nativity”(Giáng Sinh) và “Madonna And Child” (Đức Mẹ Madonna và Hài Đồng)
Bức thiệp “Giáng Sinh” (The Nativity) rất siêu thực của Dali có lẽ là
một bước ngoặc quá tiên phong trong trí thưởng ngoạn của khách mua thiệp
Giáng Sinh năm 1960. Bạn phải quan sát rất kỹ trong đống lộn xộn áo
quần sậm màu để thấy hình dáng một con bò đực ngồi phía dưới thấp bên
tay phải. Bên phía vai trái của Đức Mẹ là hai vật giống như chim và một
con ngựa trong tư thế phóng tới. Toàn cảnh tiết lộ một vẻ đẹp phức tạp
nguyên thủy của gia đình Thiên Chúa mà Dali muốn tặng cho người xem.
Tuy nhiên làm sao hình ảnh mờ nhạt của một đống màu sắc hỗn độn ám chỉ
Đấng Christ và Đức Mẹ này đánh đổ được hình ảnh thần tượng đầy nữ tính
dịu hiền của một Đức Mẹ Vô Nhiễm và sự trong sáng chói rạng của một Đấng
Cứu Thế.
Doug Storer, một nhà sản xuất truyền thanh tài năng đã viết trong
nhật báo Evening Independent năm 1981 rằng “Trong khi những bức hoạ
hoang dã của Dali tạo thành công rực rỡ trong các phòng tranh, thì những
bức thiệp của ông nằm ở quầy thiệp Giáng Sinh đã làm quần chúng phản
đối kịch liệt”. Hallmark đã phải ngưng sản xuất và lấy chúng khỏi các
quầy bán. Chỉ còn vài trăm tấm sót lại, sau này trở thành những vật sưu
tập hiếm hoi, đánh dấu một giai đọan thất bại của Dali. Có lẽ đó là một
trong những điều đáng suy ngẫm cho chúng ta và Dali về sự mâu thuẫn giữa
nghệ thuật và thương mại./Trịnh
Thanh Thủy
Madonna And Child |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét