Lễ Chúa Giáng sinh lại đến với thông điệp không đổi: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Người thiện tâm sẽ có niềm vui bình an trong tâm hồn và đồng thời sẽ tạo nên một xã hội bình an. Nhưng rõ hơn lúc nào, thông điệp này có vẻ lạc lõng giữa lòng một thế giới đang có rất nhiều mối bất ổn. Nhìn vào thực trạng thế giới ngày nay, người ta hoang mang không rõ nó đang đi từng bước tới một xã hội bình an hay một xã hội đầy mối bất an. Nỗi hoang mang phần nào có thể nhận ra qua những tác phẩm văn chương, một dạng thức phản ảnh tâm trạng thời đại. Nói cho hợp với ngôn ngữ thời đại, câu hỏi sẽ là: thế giới tương lai của chúng ta sẽ là một utopia hay một dystopia.
Utopia (tiếng Latinh) là một điển tích văn học nói về một xã hội lý tưởng, nơi có đầy đủ phẩm chất của sự sống. Utopia là hình ảnh cuộc sống ở vườn địa đàng được miêu tả trong kinh điển Thiên Chúa Giáo. Ở đó mọi người đều bình đẳng, tâm trí không vướng mắc tội lỗi, chúng sinh đối với nhau tràn ngập yêu thương, trong một môi trường bình an và phong phú tài nguyên.
Trái ngược lại, dystopia (tiếng Hy Lạp) là một xã hội điêu tàn do hậu quả của ách thống trị độc tài áp bức. Cuộc sống đầy bất an bởi nạn khủng bố. Dân chúng nghèo đói do suy thoái kinh tế. Người đối với người toàn những mánh lới xấu xa với não trạng buông thả trong lối sống vô luân.
Trong khi danh xưng utopia đã có trên văn học Tây phương từ thế kỷ 16, danh xưng dystopia phải đến thể kỷ 19 mới có. Rồi sau thế chiến II, ám ảnh dystopia trở nên phổ cập. Nó phản ảnh nỗi sợ hãi bị hủy diệt bởi vũ khí nguyên tử và hóa học. Nỗi ám ảnh càng ngày càng lớn cho đến ngày nay, các nhà tâm lý học cho biết dystopia không còn là một ý niệm mơ hồ, nhưng là một ý thức lo lắng thật sự. Ý thức này lộ diện rõ nhất trong trí óc của các nhà văn, những người có óc trực giác bén nhậy đi trước thời đại. Chính họ đã tiên tri về thế giới tương lai theo mô thức dystopia.
Dựa vào những tác phẩm nói về dystopia, giới điện ảnh Hollywood triệt để khai thác viễn ảnh này. “Được” đánh trúng tâm lý, thiên hạ ùn ùn móc tiền túi mua vé xem phim để được đối diện với nỗi sợ hãi, qua một tương lai ảo. Tôi xin đưa ra vài hình ảnh tượng trưng mà họ mô tả. Thế giới tương lai sẽ bị cai trị bởi những nhà lãnh đạo độc tài hay bởi hệ thống điện toán siêu thông minh. Quan chức và công dân thực sự của thế giới ấy là những tên robot. Con người trở thành những công nhân nô lệ. Để kìm kẹp con người trong tình trạng nô lệ, óc con người sẽ bị xóa bỏ trí nhớ, bị tẩy não, để thay vào đó là những mệnh lệnh và chương trình làm việc. Dân chúng bị phân chia thành nhiều khu định cư, xếp đặt theo nhu cầu lao động chuyên ngành. Tư tưởng tự do không còn, con người bị kiểm soát bởi chế độ quản chế lương thực và hệ thống an ninh theo dõi… Các bạn có thể tìm thấy tất cả những hình ảnh này qua những tập chuyện được chuyển thành phim rất ăn khách như Terminator, The Hunger Games (ảnh trên), the Giver, Divergent, Edge of Tomorrow …v.v. và v.v.
Cũng có nhiều học giả, đóng vai tiên tri thời đại, có nhận định cùng chiều với “nhóm dystopia”. Họ đưa ra hình ảnh thế giới hiện tại làm dẫn chứng cho nhận định của họ. Chẳng hạn chủ trương khủng bố của nhóm ISIS; hiện tượng nước mạnh áp chế nước nhỏ; những nhà lãnh đạo độc tài khùng; tình trạng khan hiếm năng lượng và lương thực; bệnh đại dịch AIDS và Ebola; sự biến đổi khí hậu toàn cầu… Thế giới hầu như không còn chỗ nào có thể được coi là utopia. Ngay tại nước Mỹ, nơi được cho là một quốc gia khuôn mẫu về tự do tư tưởng và dân chủ. Vào tháng 10-2014 vừa qua thành phố Oklahoma đã cho phép nhóm thờ Satan cử hành “lễ đen” (black mass) dưới phòng hội của tòa thị chánh (ảnh trên), dù có hằng trăm ngàn người phản đối. Ông tỉnh trưởng không thể ngăn cản chúng vì chính chức vụ của ông là phải bảo vệ lý tưởng tự do của hiến pháp Mỹ, trong đó xác định rằng mọi tôn giáo đều được quyền bình đẳng. Điều trớ trêu của sự kiện là lý tưởng tự do đã tiếp tay cho những kẻ xấu lợi dụng. Những kẻ khủng bố được quyền tự do mang súng. Hiện nay, vì ngăn ngừa nạn khủng bố, Mỹ đang trên đường hy sinh lý tưởng “utopia” tự do và bình đẳng của mình để kiểm soát dân chúng chặt chẽ hơn.
Dĩ nhiên cũng có nhiều học giả có nhận định ngược chiều với viễn ảnh dystopia. Lời nhận định của những vị này đáng cho chúng ta chú ý hơn. Nhà văn James Hilton chẳng hạn, ông cho rằng xã hội utopia có thật. Qua cuốn ký sự Lost Horizon (Chân trời thất lạc), ông thuật lại chuyện 4 người sống sót sau vụ máy bay bị rơi trên rặng núi Himalayas. Họ được cứu rồi đưa về sống trong tu viện “Trăng Xanh” (Blue Moon) xứ Tây Tạng. Ở đó họ khám phá ra một mảnh đất bình an đúng như những gì đã miêu tả về utopia.
Dòng đời trôi theo thời gian và sẽ đưa chúng ta tới tương lai, nhưng một tương lai thế nào. Đó là vấn đề của thời đại hôm nay, của mỗi người trong cộng đồng. Dĩ nhiên chúng ta không thể ngây thơ tin vào một xã hội utopia quá lý tưởng hay một xã hội dystopia quá bi thảm. Tuy nhiên hai hình ảnh về utopia và dystopia bắt buộc phải có. Bởi vì làm sao con người có thể tạo tác một xã hội tương lai nếu không có một hình ảnh gợi ý về nó. Văn chương đóng vai trò cụ thể hóa viễn tượng ấy. Việc làm này cũng là nhiệm vụ của tôn giáo, hay chính trị, hoặc một triết thuyết. Tuy nhiên văn chương và điện ảnh bao giờ cũng là hai dạng truyền thông gây ấn tượng mạnh nhất, hấp dẫn nhất, và phổ cập hơn cả. Để rồi cuối cùng ai cũng thấy rõ một điều chắc chắn là: trong viễn ảnh tương lai, nơi nào thiếu tình yêu nơi đó sẽ là dystopia.
Triết gia Ernst Bloch nhận định rằng: utopia là niềm hứng khởi trong ý thức con người chứ không mang ý nghĩa một nơi chốn. Nó là nguyên lý của hy vọng.Utopia là tâm điểm của sự chuyển hóa. Chúng ta tin vào một tương lai có thể kiểm soát bởi những cố gắng không ngừng. Lý do giản dị vì chúng ta vẫn còn niềm tin vào bản tính thiện của con người. Thiện tâm là cấu trúc của xã hội bởi vì xã hội là thành quả của những gì con người nắm giữ. Sự hiện hữu của văn hóa dystopia chỉ để cảnh báo con người đừng có những chọn lựa sai lầm mà thôi. Nó không thể là một thế giới tương lai của chúng ta.
Thời sự cũng đã chứng minh ngay trong bối cảnh dystopia vẫn có những người thiện tâm. Cách đây vài hôm, ngày 16/12/2014, một tên khủng bố vào quán cà phê Lindt Chocolate Café ở Sydney bắt cóc 15 người. Chủ quán là anh Tori Johnson đã cướp súng của hắn để giúp 15 người khách chạy thoát. Johnson đã bị hắn bắn chết. Một khách trong tiệm là cô luật sư Katrina Dawson đã lấy thân mình che đạn cho người bạn mang thai, nên cũng bị chết. Bao nhiêu người thương tiếc hai nạn nhân. Cả một rừng hoa đã đặt ở góc phố trước của tiệm.
Quang cảnh nơi đặt hoa thương tiếc Tori Johnson và Katrina Dawson
Vào thời Đức Giêsu ra đời, tất cả những bất công, áp chế, kỳ thị, tàn ác… đều có mặt. Đức Giêsu không tránh né chúng, Người đã hứng chịu nỗi bất công bi đát ấy nhưng không nói ngược lại niềm tin vào con người. Người đến để nhắc nhở con người hãy yêu thương lẫn nhau.
Đức Giêsu giảng rằng dystopia chỉ là hậu quả của sự lựa chọn sai lầm, nhưng có thể sửa đổi. Bởi vì thế giới không thể bình an nếu còn có những ác tâm bùng lửa ganh ghét, thù hận, tàn bạo, bóc lột. Mỗi năm vào dịp lễ Giáng Sinh, thông điệp “Bình an dưới thế cho người thiện tâm” lại nhắc nhở nhân loại hãy chung sức xây dựng một thế giới bình an.
-ĐỖ NGỌC TRANG
(Cựu Giáo sư Việt Văn, Trung học Kiến Tường; Elk Grove, California Noel 2014)
-ĐỖ NGỌC TRANG
(Cựu Giáo sư Việt Văn, Trung học Kiến Tường; Elk Grove, California Noel 2014)
Vào mùa Giáng sinh, ngoài cảnh “Hang đá-máng cỏ”, “Cây thông Noel mừng Chúa giáng sinh”, còn có câu “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm”(Lc.2,14) .
Trả lờiXóa“Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” thì không dám bàn, chỉ nói đôi điều về “Bình an dưới thế...”
Các ngày lễ lớn của cả nước thì toàn dân được nhắc nhở làm vệ sinh đường phố, treo cờ lại có thêm các cuộc vui công cộng nên quang cảnh khác hẳn ngày thường. Còn các ngày lễ lớn của các tôn giáo như Phật đản, Giáng sinh thì chỉ có các cơ sở tôn giáo, các tín đồ liên quan mới vui mừng long trọng tổ chức. Tuy nhiên, ngày nay, có một số ngày lễ tôn giáo dường như đã trở thành ngày vui của cộng đồng dân tộc. Ví dụ, những ngày trước lễ Giáng sinh, một số cửa hàng trang trí đèn hoa, áo mũ ông già Noel, nhạc Noel làm cho không khí thêm rộn ràng. Phóng sự của VTV cho thấy ở các thành phố vào đêm 24.12 đông nghịt nam thanh nữ tú, phần đông họ không phải là tín đồ Cơ Đốc. Họ “chơi” Noel rất “đời” theo nhiều cách, nhiều lý do khác nhau, nhưng có điểm giống nhau là VUI, và để được vui thì cần nhiều yếu tố, trong đó có BÌNH AN.
“Bình an dưới thế” là mong ước chung của mọi người. Ai cũng muốn có một cuộc sống an lành, một gia đình hòa thuận, một xã hội công bình, một môi trường trong sạch. Không ai muốn bị bệnh hiểm nghèo, bị hoạn nạn, bị đối xử bất công, bị vu oan giá họa. Ngay những người ít thiện tâm, hay làm điều ác cũng muốn mình, gia đình mình, người thân của mình được an khang thịnh vượng. “Bình an dưới thế” là cho từng người hay cho nhiều người đều đáng quí như nhau. Ở những nước văn minh, sự an bình của từng công dân rất được coi trọng.
Ở Việt Nam ta, trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chuyện cướp của giết người xảy ra như cơm bữa, tai nạn giao thông thảm khốc, tranh gia tài, đất đai dẫn đến những người thân giết nhau bất chấp luân thường đạo lý, không còn là chuyện lạ. Hàng giả, hàng nhái thì đã đành, nhưng đến đồ ăn thức uống, thậm chí là thuốc chữa bệnh cũng giả, cũng có chất độc hại. Lụt lội, bảo tố, ô nhiểm môi trường ngày càng trầm trọng cũng do con người tạo ra. Ngay trong những nơi được xem là an bình như trường học, bệnh viện... gần đây cũng bị đảo lộn bởi nạn bạo hành trẻ em, bắt cóc tống tiền, tiêm nhầm thuốc. Chuyện thi PTTH năm nay, một hay hai đề/kỳ, chuyện xét tuyển vào ĐH, CĐ, chuyện chấm bài theo thang điểm 20 cũng làm cho học sinh lo lắng. “Chạy” bằng cấp cũng là một cách làm mất an bình cho người khác, như “chạy” bằng bác sĩ, thì làm sao chữa bệnh và như vậy là giết người, “chạy” bằng cấp cao để làm công tác văn hóa là giết văn hóa, để làm việc hưởng lương cao là hại của dân.
Có những bất an mà hậu quả chỉ gây ra cho một hoặc ít người, có những bất an mà hậu quả gây ra cho nhiều người như bắt cóc con tin tập thể, đặt chất nổ chỗ đông người, chính quyền đàn áp các cuộc biểu tình ôn hoà nhân danh các điều luật mơ hồ, nạn phá rừng khai thác gỗ bừa bãi, xây các đập thủy điện không an toàn, hủy hoại môi trường sinh thái, thậm chí đe doạ tính mạng con người. Vụ Đạ Dâng-Lâm Đồng vừa qua là ví dụ điển hình.
“Bình an dưới thế cho người thiện tâm”, người có thiện tâm không những không làm điều ác mà còn vì người khác như cứu người gặp nạn, hoặc thấy chuyện bất bình, oan khiên thì lên tiếng. Ông bà ta đã nói ở hiền, gặp lành , nhưng thực tế không thiếu trường hợp cây ngay chết đứng, còn kẻ thủ ác thì lại sống khoẻ. Đó chính là cuộc sống luôn tiềm tàng sự bất trắc. Những kiếp nạn mà ta có tránh đến mấy nó vẫn cứ vận vào.
XóaNguyễn Trãi trong “Bình Ngô đại cáo” đã từng viết Việc nhân nghĩa cốt ở an dân. Ngày trước các vua chúa phong kiến thường có lễ cầu “quốc thái dân an”. Cầu khấn là một chuyện, nhưng chuyện quan trọng vẫn là Nhà nước phải có được một CHÍNH SÁCH AN DÂN. Có điều, chính sách hay pháp luật không phải từ trên trời rơi xuống mà do con người đặt ra,. Tuy nhiên những chính sách ấy có xuất phát từ thiện tâm của người cầm quyền? Và, điều quan trọng là nó có tính khả thi, có thực sự đi vào lòng dân, hay chỉ là thứ bùa phép, chỉ để trị dân, còn phần lớn quan chức thời nay thì hành xử ngoài vòng pháp luật, thậm chí đứng trên pháp luật.
Các đạo luật trong xã hội đối với công dân về cơ bản, khác kinh đạo của tôn giáo đối với tín đồ. Kinh bổn thì tín đồ không dám sửa, nhưng luật pháp nếu chưa phù hợp thì phải sửa. Bằng chứng là nhiều nước đã nhiều lần tu chỉnh Hiến pháp thông qua Trưng cầu dân ý, bãi bỏ các điều luật lỗi thời, thêm các điều luật tiến bộ. Việt Nam cũng đã sửa đổi, bổ sung một số luật như Luật Đầu tư, Luật Cho người ngoại quốc được mua nhà đất…, nhưng bộ luật cơ bản nhất là Hiến pháp được Quốc hội thông năm 2013, xem ra có vẻ thụt lùi một bước khá xa nếu so với Hiến pháp 1946.
Việc Mỹ và Cuba thông báo bình thường hóa quan hệ là một cách “sửa luât”, vì theo Tổng thống Obama các luật lệ cũ không còn phù hợp nữa. Trong thể thao cũng có luật, luật của FIFA, luật của AFF... nhưng không phải luật này chống luật kia, luật của nước này khác luật của nước kia. FIFA, AFF...cũng đã nhiều lần thay đổi luật chơi để cho việc tranh tài thể thao tốt hơn, vận động viên được an toàn hơn. Tuy nhiên trọng tài cũng là cái cân công lý của luật, nếu trọng tài công minh, hiểu luật thì quá tốt, ngược lại là phản tinh thần thể thao. Tương tự vậy, có luật rồi, nhưng việc thi hành luật cũng là vấn đề, luật một nơi thi hành một nẻo thì bộ luật ấy, chẳng khác gì cái “khiên” che cho bọn cơ hội núp vào đó để nhũng nhiễu dân lành. Hiện tượng các địa phương lợi dụng Luật Đất đai, vẽ ra “dự án ma”, cưỡng chế giải toả với với giá rẻ mạt, rồi phân lô bán với giá trên trời, biến một bộ phận không nhỏ nông dân thành kẻ vô gia cư, phải gia nhập đám “dân oan” đội đơn về thủ đô kêu cứu đã thành “chuyện thường ngày”.
Đến Noel thì cũng sắp hết năm cũ sang năm mới, mọi người đều có hy vọng mới, nhà nào cũng sắm một quyển lịch mới. Có nhà treo lịch để trang trí, có nhà treo lịch để xem ngày tháng, có lịch đẹp, có lịch thường. Nhưng phần lớn, trên các tấm lịch có những câu chữ rất phổ thông với hàm ý cầu mong BÌNH AN. Hai chữ BÌNH AN, nghe tưởng bình thường, mà sao với người dân đất nước hình chữ S nay còn quá xa vời…
TRẦN KHẢ NGUYÊN