Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

Tại sao Giáo hoàng Francis không tiếp Đạt lai Lạt ma?

Không khí cuộc gặp những người đoạt giải Nobel Hòa bình tại Rome vào hôm qua đã trở nên mờ nhạt trước tin Giáo hoàng Phanxicô không đồng ý tiếp thủ lĩnh tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma, vì “không muốn xúc phạm Trung Quốc” – như cách nói của Alan Cowell trên New York Times 12-12-2014. Vấn đề không chỉ là tránh “xúc phạm” Bắc Kinh. Chính xác hơn, Giáo hoàng Phanxicô, đang có ý định tái lập quan hệ với Trung Quốc bị cắt đứt từ năm 1951, có thể không muốn vì mình mà Trung Quốc đàn áp dữ dội hoặc làm khó giáo dân nhiều hơn.
 Hội nghị thượng đỉnh Thế giới lần thứ 14 những người đoạt giải Nobel Hoà bình được tổ chức tại Rôma


Hội nghị tổ chức tại Rôma từ ngày 12 đến ngày 14-12-2014, Đức Giáo hoàng đã gởi lời chào thân ái đến tất cả các tham dự viên Hội nghị
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp cho các tham dự viên Hội nghị. Sứ điệp được Đức hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình, tuyên đọc như sau:

“Đức Thánh Cha Phanxicô rất vui khi được biết Hội nghị thượng đỉnh Thế giới lần thứ 14 những người đoạt giải Nobel Hoà bình được tổ chức tại Rôma từ ngày 12 đến ngày 14-12-2014 và ngài gởi lời chào thân ái đến tất cả các tham dự viên Hội nghị. - See more at: http://thanhnienconggiao.blogspot.com/2014/12/uc-thanh-cha-gui-su-iep-cho-hoi-nghi.html#sthash.WuMG9CX1.dpuf
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một sứ điệp cho các tham dự viên Hội nghị. Sứ điệp được Đức hồng y Peter Kodwo Appiah Turkson, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh Công lý và Hòa bình, tuyên đọc như sau: - See more at: http://thanhnienconggiao.blogspot.com/2014/12/uc-thanh-cha-gui-su-iep-cho-hoi-nghi.html#sthash.WuMG9CX1.dpuf
 Đức Đạt lai Lạt ma và thị trưởng Rôma Ignazio Marino tại lễ khai mạc
Năm 2003 Cố Giáo hoàng John Paul II đã tiếp Đức Dalai Lama tại Vatican

 Nhiều thánh đường bị Tàu cộng đập phá ở Trung Quốc
 
Bỏ tù, bắt cóc giám mục, phá sập nhà thờ…, không gì mà Bắc Kinh không làm đối với giáo dân Cơ Đốc giáo – theo tác giả Zoe Li viết trên CNN 11-9-2014. Tháng 8-2014, máy bay Giáo hoàng Phanxicô thậm chí phải được đồng ý Bắc Kinh mới có thể bay ngang bầu trời Trung Quốc khi đến Hàn Quốc. Sự kiện này có một chuyện bên lề: hàng chục sinh viên Trung Quốc đã bị ngăn chặn không cho đến Hàn Quốc dự Ngày Thanh niên châu Á bởi họ được tin là nhân đó đến gặp Giáo hoàng.
Bắc Kinh không công nhận quyền Vatican đối với giáo dân nước họ. Chăn dắt hàng chục triệu con chiên là nhiệm vụ của Đảng, dưới lớp áo các tổ chức tôn giáo trá hình. The Diplomat 12-8-2014 cho biết, Trung Quốc đã không ngần ngại nêu vấn đề “quốc hữu hóa” Cơ Đốc giáo, khi trích lời Vương Tác An (Wang Zuoan), giám đốc Cơ quan quản lý tôn giáo (“Quốc gia tôn giáo sự vụ cục”) tại hội thảo Thượng Hải với chủ đề “Trung Quốc hóa Cơ Đốc giáo” (Sinicization of Christianity).
Tất cả nhà thờ Trung Quốc đều phải đăng ký hoạt động và được giám sát chặt bởi ba cơ quan: Phong trào ái quốc Tam Tự (Three-Self Patriotic Movement; “Tam tự ái quốc vận động”; còn gọi là “Tam Tự giáo hội”); Hội đồng Cơ Đốc giáo Trung Quốc; và Hiệp hội Cơ Đốc giáo ái quốc Trung Quốc. Ba cơ quan này “chăn dắt” con chiên Thiên Chúa giáo lẫn Tin Lành. Tôn giáo, dưới lăng kính Bắc Kinh, “phải phù hợp với “đặc tính Trung Quốc” và “tương ứng với con đường XHCN của đất nước” – phát biểu của Vương Tác An tại hội thảo Thượng Hải nói trên (China Daily 7-8-2014)
Bốn tháng trước phát biểu của Vương Tác An đã xảy ra một sự kiện cho thấy rõ hơn “đặc tính Trung Quốc” trong vấn đề tôn giáo tại Trung Quốc: Giáo đường Tam Giang tại huyện Vĩnh Gia thuộc Ôn Châu (Chiết Giang) bị giật sập! Ôn Châu là nơi tập trung đông nhất giáo dân Cơ Đốc giáo, một Jerusalem của người Công giáo Trung Quốc. Nhà thờ Tam Giang (ảnh trên) mới được xây xong năm 2013 sau gần 6 năm, bằng tiền đóng góp giáo dân (5,5 triệu USD). Kiến trúc nhà thờ được cấp phép trên diện tích 1.852 m2, có thể chứa 2.000 người, nằm trong khuôn viên 9.290 m2. Có giấy phép nhưng cuối cùng, khi hoàn thành, Giáo đường Tam Giang lại bị yêu cầu phá hủy bởi “vi phạm diện tích xây dựng” – theo New York Times 29-5-2014. Gần như cùng lúc với sự cố Tam Giang, hơn 10 nhà thờ khắp Chiết Giang cũng được lệnh tháo bỏ thánh giá hoặc giải tỏa trắng.
Việc “kiếm chuyện” được thực hiện từng bước. Bắt đầu là việc “quần chúng” cho rằng nhà thờ được dựng tại một địa điểm ảnh hưởng đến “phong thủy địa phương” lẫn cộng đồng Phật giáo. Tháng 10-2013, “đồng chí” Hạ Bảo Long, bí thư Chiết Giang (được xem là tay chân của Tập Cận Bình – theo New York Times), xuống Ôn Châu thị sát đặc khu kinh tế mới thành lập. “Hạ thượng quan” rất không hài lòng khi thấy ngôi nhà thờ sừng sững. Tháng sau, nhà thờ được yêu cầu tháo bỏ thánh giá trên tháp chuông. Tháng 3-2014, chính quyền địa phương làm mạnh, lệnh rằng nếu thánh giá cùng hầu hết kiến trúc phụ không được dỡ bỏ thì toàn bộ nhà thờ phải bị phá sập. Cuối cùng, giới chức trên tỉnh dứt điểm: nhà thờ là trái phép và phải bị phá bỏ! Ngày 28-4-2014, Giáo đường Tam Giang bị xe ủi phá sập!
Tất nhiên không phải cây thánh giá được dựng cao hay nhà thờ xây lấn diện tích. Vấn đề ở chỗ, ngôi nhà thờ sừng sững hiện diện trong một cộng đồng Cơ Đốc giáo đông nhất Trung Quốc đã trở thành một biểu tượng thách thức gây xốn mắt, giữa tính “chính thống” của Đảng và lòng kính Chúa của giáo dân. Với Bắc Kinh, phải hiểu rằng, Đảng mới thật sự là Chúa! (Mạnh Kim)

3 nhận xét:

  1. Bà bạn người công giáo gọi điện cho mình thở dài thườn thượt bảo, buồn quá bà ơi, Đức Giáo Hoàng đầu hàng tụi ác ôn rồi, ngài không tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma!

    Mình hụt hẫng, bàng hoàng và có phần trách móc. Hình ảnh nụ cười thánh thiện của ông hình như lịm tắt trong lòng mình.

    “Hội nghị các giải Nobel Hòa bình” lần thứ 14 sẽ được diễn ra ở Roma sau khi công luận phản đối nó tại Nam Phi và một vài khôi nguyên hòa bình tẩy chay vì chính phủ Nam Phi từ chối không cho Đức Đạt La Lạt Ma tham dự.

    Sáng hôm12 tháng 12, hãng tin Reuters cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từ chối không gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma. Từ vài tuần trước đây phái đoàn Tây Tạng đã dàn xếp một buổi hội kiến giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhưng Tòa thánh Vatican đã từ chối lời đề nghị này.”

    Đức Giáo Hoàng của người nghèo, bất hạnh nay bỗng nhiên quay mặt lại với người Tây Tạng bị bạc đãi ức hiếp và chà đạp.

    Đức Giáo Hoàng của niềm tin mới nơi người Công giáo sau bao năm chìm đắm trong đức tin một chiều, đóng cửa với xã hội và chỉ làm những việc gì trực tiếp cho Chúa.

    Ngài đã mạnh mẽ nói với giáo dân khắp thế giới rằng hãy tham gia vào các hoạt động chính trị, hãy hòa minh với xã hội để thấm nỗi đau của người chung quanh và hãy bỏ nỗi sợ hãi phía sau vì niềm tin vào công lý cuối cùng sẽ thắng.

    Đức Giáo Hoàng với những cử chỉ lay động quả tim nhân loại ấy nay lại quay mặt đi với một nhân vật thánh thiện khác cũng theo đuổi những mục tiêu như ngài đặt ra. Đức Đạt La Lạt Ma đã suốt đời vì nhân dân Tây Tạng mà đấu mặt với tập đoàn vô nhân Bắc Kinh. Ngài không có một thứ khí giới nào trong tay, vũ khí duy nhất là tiếng nói của những nguyên thủ quốc gia vì hòa bình và công lý lên tiếng ủng hộ cho một đất nước bất hạnh nhất thế giới đang bị tiêu diệt dần mòn dưới thứ chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh.

    Cả ngày mình không yên. Cả ngày quần thảo với những ý nghĩ tiêu cực về con người đáng kính ấy. Bỗng nhiên nổi lên câu hỏi nếu ngay lúc này được cho phép diện kiến ngài và đặt một câu hỏi thì câu hỏi ấy sẽ là gì?

    Trong thời gian trước đây Vatican đã có nỗ lực hàn gắn ngoại giao với Bắc Kinh nhằm tìm kiếm sự cho phép giáo hội Trung Quốc được tấn phong chức Giám mục vốn hàng chục năm qua chưa bao giờ được công khai nghi thức quan trọng này. Giám mục do nhà nước cộng sản dựng lên đã và đang hủy hoại niềm tin trong Ki tô hữu và hơn 50 triệu tín đồ Công giáo đang thực hiện niềm tin của họ dưới bóng tối của chủ nghĩa vô thần.

    Mấy năm gần đây Trung Quốc đã phần nào nới lỏng việc quản thúc giáo hội và khả năng cho phép Vatican phong chức giám mục đang dần hiện rõ. Đây có phải là lý do khiến một vị Giáo hoàng có tư tưởng và hành động khai sáng, dấn thân như ngài phải chùn bước hay không? Và nếu phải chắc ông sẽ rất đau lòng cho quyết định của mình, một quyết định có thể làm sụp đổ niềm tin hàng tỷ người trên hành tinh này, kể cả người ngoại đạo như mình.

    Nếu nhắm mắt thả lỏng tư tưởng để tưởng tượng giáo hội công giáo trong đất nước Trung Quốc hoạt động ra sao, và nhất là nó bị bao vây, cô lập sách nhiễu như thế nào đối với hơn 50 triệu giáo dân âm thầm trong đất nước khổng lồ ấy chắc chắn nhiều người như mình sẽ thấy được những hình ảnh không khác gì đang xảy ra tại các giáo xứ xa xôi nhỏ bé tại Việt Nam. Nơi ấy giáo xứ bị côn đồ ném vật dơ bẩn vào giáo đường, tu sĩ bị đánh đập, Giám mục bị chặn đường không cho hành lễ, nữ tu bị cấm không được giúp trẻ em nghèo khuyết tật và còn biết bao hình ảnh tối tăm khác nữa?

    Nhân lên những hình ảnh ấy chắc chắn bức tranh về tự do tôn giáo tại Trung Quốc sẽ ảm đạm hơn rất nhiều và những hình ảnh đau lòng này buộc Đức Giáo Hoàng phải hy sinh, và sự hy sinh ấy đang làm ông đau đớn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một con người với đức tính nhân ái, khiêm nhường nhưng mạnh mẽ như ngài khó mà chịu được sự dằn vặt khi đưa ra một quyết định phản lại sức mạnh nội tâm của một chủ chiên vốn bị bó buộc vào mục tiêu truyền giáo khắc khe. Tiếng rên xiết của giáo hội Trung Quốc không cho phép ngài giữ danh hiệu một Giáo Hoàng của người người nghèo trong thế giới tư bản khi cùng lúc người nghèo và bị áp bức trong thế giới cộng sản hiện diện song hành.

      Ngài phải chọn một trong hai. Phải hy sinh và chịu sự lên án của dư luận kể cả lòng bất mãn của giáo dân trên khắp thế giới. Sức ép ấy không có gì so sánh được và sự chịu đựng của ngài mới đáng cho mình suy nghĩ.

      Ngài từng mạnh mẽ nói với giáo dân khắp thế giới rằng hãy tham gia vào các hoạt động chính trị, thì đây, ngài đang tham gia chính trị với một quyết định nao lòng. Ngài hòa mình với xã hội Trung Quốc để thấm nỗi đau của người Ki tô hữu và ngài bỏ mặc nỗi sợ hãi vì bị phán xét để tin rằng công lý cuối cùng sẽ thắng.

      Nhận thức được điều này làm mình choàng tỉnh và ngay lập tức muốn tới hôn chân ông, một hình ảnh tỏa sáng hào quang hơn nữa trong trái tim của một người ngoại đạo.

      Mình thấy rõ ngài quỳ gối cầu nguyện mà vai run bần bật. Đôi vai mạnh mẽ ấy phải vác trên vai hàng tỷ tín đồ nay lại phải vác thêm một thách thức kinh khủng của dư luận.

      Mình cũng thấy sự hy sinh của ngài đang làm Bắc Kinh toại nguyện vì cứ tưởng là đã hạ gục một sức mạnh mới của niềm tin. Mình lại cả tin rằng sự toại nguyện ấy sẽ không bao lâu nếu bánh ít đi mà bánh quy không lại.

      Thế giới sau một lúc bàng hoàng vì Vatican từ chối tiếp Đức Đạt La Lạt Ma sẽ theo dõi sự phản ứng của Bắc Kinh ra sao trước sự hy sinh khó tưởng tượng này. Nếu nhỏ mọn, Bắc Kinh sẽ bị tẩy chay khinh bỉ. Nếu thỏa hiệp thì Vatican là kẻ chiến thắng kéo vào lòng mình hơn 50 triệu tín đồ, một sức mạnh không nhỏ chút nào đối với một tôn giáo luôn bị o ép sách nhiễu và cưỡng bách hoạt động theo chủ trương của một chế độ độc tài toàn trị.

      Năm mươi triệu con người ấy có lẽ đang cùng thầm thì cầu nguyện cho ngài, vị chủ chăn dám hạ mình chấp nhận sự phán xét của toàn thế giới để hy sinh cho đàn chiên lưu lạc của ông tại một đất nước mà không một sự thế chấp nào thô bỉ hơn khi công chính bị đòi hỏi để trao đổi cho chủ nghĩa bành trướng vô nhân.

      Tiếp Đức Đạt La Lạt Ma là một chọn lựa dễ dàng, thế giới sẽ tung hô tinh thần bất chấp cường quyền bạo lực của ngài và trong tâm tưởng nhiều người Đức Giáo Hoàng sẽ được ghi thêm một điểm son. Không đưa tay ra với một người như ngài, Đức Giáo Hoàng đã chọn lựa con đường thánh giá với những viên đá nhọn ném vào mình. Sự chọn lựa ấy sẽ làm nhiều người đỗ vỡ và giáo hội công giáo toàn cầu sẽ gồng mình chấp nhận bao nhiêu phán xét.

      Mình biết ngài sẽ khóc nhưng sau những giọt nước mắt ấy là hình ảnh sừng sững của hy sinh để thế giới thấy rõ hơn sự nhỏ mọn hèn hạ của một đất nước luôn tưởng rằng mình vĩ đại.

      Hình ảnh nụ cười của ông từng là chất liệu chữa trị mối hoài nghi của mình trước các vấn đề đạo đức xã hội bỗng nhiên trở lại và mình cay đắng nói với lòng rằng cuộc sống còn quá nhiều hiềm nghi này cần một sự tha thứ như ngài. Ngài đang tha thứ cho chế độ ác tâm bằng những giọt nước mắt cũng như an ủi người lo âu bởi nụ cười từng làm hàng triệu con tim sống lại sau những mất mát trong cuộc sống.
      CÁNH CÒ

      Xóa
  2. Đức Giáo hoàng Phanxicô ngày 19/01/2015 mở ra khả năng gặp gỡ Đạt Lai Lạt Ma, bác bỏ việc Ngài từ chối tiếp nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng hồi tháng 12 « vì sợ Trung Quốc ».

    « Thông lệ trong nghi thức lễ tân của Ban thư ký Tòa Thánh không có việc đón tiếp các nguyên thủ quốc gia hay các nhân vật cao cấp khi họ đến Roma tham dự một hội nghị quốc tế ». Đức Giáo hoàng đã tuyên bố với các nhà báo đi cùng chuyến bay đến Manila như trên.

    Hồi tháng 12, Đạt Lai Lạt Ma có mặt tại Roma để dự hội nghị thượng đỉnh các giải Nobel hòa bình.

    Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở : « Khi diễn ra hội nghị của FAO (Tổ chức Lương Nông quốc tế) hồi tháng 11, tôi cũng đã không tiếp một ai ». Ngài khẳng định : « Một số báo viết rằng tôi không gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma vì sợ Trung Quốc. Điều này không đúng. Lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đã muốn được tiếp kiến cách đây không lâu, và đã được ấn định vào một thời điểm khác, nhưng không phải là lúc này. Chúng tôi đang có quan hệ ».

    Về nỗ lực xích lại gần nhau giữa Vatican và Bắc Kinh, Đức Giáo hoàng giải thích : « Trung Quốc đã nêu ra và chúng tôi cũng thế, đang tiến hành từng bước một. Họ biết rằng tôi sẵn sàng đến thăm Bắc Kinh cũng như tiếp đón các quan chức Trung Quốc tại Vatican ».

    Chiếc phi cơ đưa Đức Giáo hoàng từ Manila về Roma có bay ngang qua không phận Trung Quốc, và người đứng đầu giáo hội Công giáo đã gởi một bức điện đến Chủ tịch Tập Cận Bình – như ngài vẫn làm đối với mỗi nước mà ngài bay qua. Đức Giáo hoàng viết : « Tôi cam đoan sẽ cầu nguyện cho ngài và cho cả dân tộc Trung Hoa, nguyện cầu tràn đầy ơn thánh cho hài hòa và thịnh vượng ».

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips