Thứ Bảy, 19 tháng 7, 2014

Nghệ thuật phản kháng: Tiếng gào phẫn nộ

Phản kháng có nhiều cách, mà một trong những cách phản kháng là dùng nghệ thuật để phản kháng. Nghệ Thuật Phản Kháng (Protest Art) là một từ rất rộng ám chỉ những công việc sáng tạo do các nhà tranh đấu (activist), hoạt động chính trị hay xã hội tạo ra. Bạn có bao giờ nghĩ rằng nghệ thuật thay đổi được thế giới không?
Đó là câu hỏi mà nhiều nghệ sĩ tranh đấu tự hỏi và phải đương đầu. Tuy nhiên những sự kiện và biến cố lịch sử đã xảy ra từ xưa đến nay chứng minh được câu trả lời là có. Với đà tiến bộ của máy điện toán và sự truyền bá thông tin nhanh nhạy của mạng lưới toàn cầu, sự ảnh hưởng của nghệ thuật phản kháng không phải nhỏ.
Tổ chức bảo vệ thú vật, kêu gọi mọi người không ăn thịt
Những nhà tranh đấu thường hay dùng những hình thức như bích chương, băng-rôn, dấu hiệu, hay các tài liệu in ấn thông thường để chuyển tải những nội dung mà họ muốn tranh đấu. Tuy nhiên những hình thái nghệ thuật được sáng tác bởi các nghệ sĩ có óc sáng tạo dễ gây ấn tượng sâu đậm và để lại cho người xem những cảm xúc rất lâu trong lòng.
Pyotr Pavlensky
Ở các nước tự do, Nghệ Thuật Phản Kháng lộ liễu, công khai và rầm rộ. Trong các nước độc tài, tư tưởng, mắt nhìn, âm thanh, tiếng nói của người dân bị chặn, che, bóp, bịt nên những lỗ hổng mà người nghệ sĩ thường lợi dụng để thoát ra là phương pháp ẩn dụ. Người xem thường phải ngẫm nghĩ, suy đoán và diễn giải một tác phẩm Nghệ Thuật Phản Kháng theo ý riêng của mình. Một khi nghĩ ra được thông điệp hay ẩn ý dấu kín của bức tranh hay hình vẽ, cái “sướng” của người xem như chợt vỡ oà và thú vị vô cùng. Nhất là những nội dung có tính cách châm biến, cười cợt hay chọc ghẹo một cách hài hước.
Hoạ sĩ Zhou Chunya người Trung Quốc, là một hoạ sĩ và điêu khắc gia đương đại, ông tốt nghiệp hội hoạ ở đại học Trung Quốc và từng tu nghiệp ở Đức, và triển lãm tranh ở Đức, Áo, Hoa Kỳ. Ông vẽ theo trường phái hiện thực và biểu hiện. Ông nổi tiếng với hàng loạt tranh về chó có màu xanh lá cây. Có xem những con chó màu xanh lưỡi đỏ dài, nanh nhọn, tai vểnh trông rất hung dữ và độc ác người ta mới thấy được tấn kịch bi hài hiện thực của thời đại mà có lẽ ông muốn tả chân.
Bức tranh trên đây mang ẩn dụ gì khi một bầy chó vây quanh và tấn công một thân người trần truồng có màu da hồng đỏ. Bên dưới là những mặt người nam và nữ khác nhau. Người xem có thể suy diễn ra tác giả muốn nói đến cảnh bạo lực của con người đối với con người mà chính bầy chó là những người thuộc thành phần được tôn vinh và nuông chìu nhất trong xã hội Trung Quốc đương đại. Màu xanh của bầy chó chính là màu xanh đồng phục của công an vũ trang TQ. Màu đỏ trên thân nạn nhân chính là của người dân sống trong chế độ cộng sản bị nhuộm đỏ tô hồng. Màu đỏ của lưỡi chó là màu của máu, màu của lũ khuyển tặc lúc nào cũng khát máu, dù khoác lên mình màu xanh thân thiện. Dễ sợ hơn cả hình ảnh của con chó săn chỉ huy đầu đàn luôn hung hăng và tàn ác.
Nghệ sĩ đương đại Trung Quốc Liu Bolin, còn được biết với cái tên “Người tàng hình”. Ông từng tốt nghiệp khoa điêu khắc Học viện Nghệ thuật Trung tâm Bắc Kinh. Nổi tiếng với việc hoá trang hay sơn mình để đứng hòa lẫn vào các cảnh nền khác nhau rồi chụp ảnh, Liu đã thực hiện hàng loạt tác phẩm có tên “Hiding in the City”, có nghĩa “Ẩn mình trong thành phố”. Ông đi lưu diễn khắp nơi, chia sẻ kỹ thuật và ý nghĩa sự tàng hình của mình cho khách thưởng ngoạn xem. Ông phát biểu “Ngay từ đầu loạt tác phẩm này đã phản ánh một mầm mống bất ưng, một tiếng nói phản kháng. Tuy nhiên, nghệ thuật là nghệ thuật, thái độ của một nghệ sĩ mới là yếu tố chính. Nếu một tác phẩm nghệ thuật lay động được người xem, thành quả của nó không những ở kỹ thuật mà còn ở tư tưởng và những thử thách của tác giả đã trải nghiệm qua trong cuộc sống”.
Bằng các tác phẩm nhiếp ảnh-trình diễn của mình, Liu Bolin diễn tả cái bi kịch của người dân Trung Quốc sống trong chế độ độc tài toàn trị. Ở đó, cá nhân bị tiêu trừ, bị “đồng nhất hóa” trong màu sắc ý thức hệ và “bản sắc văn hóa”. Họ như bị xâm mình, vùi lấp trong sự huyễn hoặc của thời trang, của lối sống tiêu thụ, thực dụng, và cả trong sự bần hàn.
Ở Trung Quốc, vì ảnh hưởng tư tưởng phán kháng của Liu lan rộng ra mức quốc tế, để ngăn chặn, cả hệ thống truyền thông và phê bình chính thống, đã đánh lạc hướng dư luận bằng cách chỉ chăm chú đến yếu tố kỹ thuật, gọi ông là “người tàng hình”.
Ở Việt Nam, với sự kiện Trung Quốc lấn chiếm Việt Nam ngoài hành động biểu tình, đốt phá, chửi rủa công khai, người dân Việt còn thể hiện tư tưởng phản kháng của mình bằng cách lưu truyền qua các blog, email, website hay face book những tranh ảnh, các bức Biếm Hoạ, Hí Hoạ có tính châm biếm và hài hước.
Bức biếm hoạ trên được chuyển đi với một tiêu đề “Trung Quốc rao bán hoà bình”. Hình vẽ miêu tả một cái đầu nhỏ xíu có bím tóc ngự trên một thân hình to lớn đang vác một cái lồng chim nhốt một con chim câu hoà bình. Ai cũng nhìn ra nét châm biếm nước Trung Hoa vĩ đại với một bộ óc mưu mô xảo quyệt bé tí đang mưu toan lừa phỉnh cả thế giới với chiêu bài hoà bĩnh hữu nghị viễn vông. Tác giả lại chính là Kuang Biao, một hoạ sĩ Trung Quốc nổi tiếng với biếm hoạ. Ông đã từng bị quở phạt, cho nghỉ việc, và cắt tài khoản liên mạng vì những bức biếm họa nhạy cảm nói lên sự thật chính trị và xã hội của một xã hội chủ nghĩa.
Bức hoạ của Kuang Biao với một nhà sư lưng phủ chiếc tăng bào đỏ, búa liềm vàng, được hiểu như đất nước Tây Tạng bị nhuộm đỏ bởi chủ nghĩa vô thần. Một chủ nghĩa không chấp nhận bất cứ tôn giáo nào ngoài đảng Cộng Sản. Và nếu những chiếc tăng bào có phơ phất chốn thiền môn thì những tăng bào ấy cũng chỉ là các nhà sư quốc doanh hệt như ở Việt Nam thôi.
Dưới tình trạng chính quyền đàn áp, bắt bớ, bỏ tù, đánh đập dã man kẻ chống đối, người phản kháng đôi lúc phải thể hiện tinh thần yêu nước của mình qua nghệ thuật một cách lén lút (yêu nước lén) bằng phương pháp ẩn dụ hoặc dấu tên. Thậm chí họ còn mượn tạm những bức tranh hay hình ảnh nghệ thuật khác chua thêm vài câu châm biếm, phê bình hay diễn dịch bức hoạ theo ý mình để phản kháng một cách gián tiếp. Tuy nhiên Nghệ Thuật Phản Kháng vẫn làm tròn nhiệm vụ truyền đi tiếng nói bi phẫn của mình một cách ôn hoà, lặng lẽ nhưng hiệu quả.
Bức hình chụp trên lột tả được nét hài hước và có tính châm biếm hiện trạng đất nước trong cảnh an thân phì gia của một số lãnh đạo và người dân.
Biếm họa luôn là hình thức phản kháng dễ vẽ và thâm thúy, sâu xa. Một bức biếm hoạ ở trên một website ở Việt Nam nói lên tình trạng Trung Quốc ăn hiếp VN “vừa ăn cướp vừa la làng”
Nghệ Thuật Phản Kháng độc đáo nhất phải kể là loại nghệ thuật vẽ tường trên đường phố. Nó có thể được thực hiện bởi các nghệ sĩ được huấn luyện chuyên môn trong lĩnh vực này. Tranh tường vượt qua ranh giới của nghệ thuật thị giác và những luật lệ cố hữu. Nó xoá bỏ những quan niệm về không gian của những hệ thống phòng tranh thương mai để vươn ra một thế giới khách thưởng ngoạn rộng lớn hơn. Nó bày và đập thẳng vào mắt người xem, không phải một người mà cả một khu phố, rồi lây lan qua các khu phố lân cận với những bức tranh tường phản kháng khác. Với đường dây liên mạng viễn thông, nó được truyền đi khắp nơi trên toàn thế giới.
Điển hình là ở Brazil, nơi nghệ thuật đường phố tràn ngập và nổi tiếng nhất. Ba Tây, là đất của cảnh đẹp, người xinh, và những bờ biển trải dài với các lối đi cẩn đá theo hình Mosaic nổi bật bên ngút ngàn những hàng cọ cao. Brazil còn được biết đến với bóng đá và World Cup 2014. Tuy nhiên đây chính là nơi có những hố cách biệt giữa người giàu và nghèo. Tỷ lệ thất nghiệp lại cao. Sưu cao, thuế nặng, luật pháp, thiếu sự cân bằng của cán cân công lý. Do đó thành phố São Paolo, một thành phố đông dân nhất Ba Tây, đã trở nên vương quốc của nghệ thuật vẽ tường. Đến đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng những bức tranh tường phản kháng đầy ý nghĩa sâu sắc do các hoạ sĩ tranh đấu tài hoa vẽ.
Dưới đây là những bức tranh tường nói lên sự việc dân chúng đã phản đối chính phủ trong vấn đề dùng tiền đóng thuế của dân vào việc xây các vận động trường cho các trận đấu của World Cup 2014, và Thế vận hội Olympic 2016 sắp tới đây.
Bức tranh của Paulo Ito vẽ nổi bật lên hình ảnh một em bé Brazil đang cầm dao nĩa sẵn sàng cho một bữa ăn. Nhưng trước mặt câu bé, trên đĩa không phải miếng thịt, khoanh bánh mì, mà là một quả bóng tròn. Cậu bé gào khóc to với một khuôn mặt thê thảm vì đói.
Chúng ta có thể thấy trên đây những vấn đề chính trị và xã hội đương thời được phản ánh qua góc nhìn của Nghệ Thuật Phản Kháng. Để tranh đấu cho sự thật, lẽ phải và công bình, các nhà tranh đấu phải đối đầu với những áp đảo của các thế lực nặng nề. Họ có thể bị phỉ báng, nói xấu, xa lánh, đuổi việc, bắt bớ và giam cầm. Sự hy sinh tài năng, sinh lực, việc làm, gia đình và mạng sống của họ cho lý tưởng là một cái giá rất đắt. Tuy nhiên tiếng gào phẫn nộ của họ sẽ giữ lửa cho ngọn đuốc tranh đấu cháy đỏ. Ký ức sẽ sống lại, công bằng được đơm hoa. Nó giúp con người vượt qua và đẩy lùi thử thách để tiến tới. Khi đó, câu trả lời của Nghệ Thuật có thay đổi thế giới hay không, sẽ được lịch sử và thời gian chứng minh.
-TRỊNH THANH THỦY
-Xem thêm các bài sưu tầm về Nghệ Thuật
Các bài khác của Trịnh Thanh Thủy:
-Chuyến nghỉ lễ 4 triệu đô tai tiếng của Tổng Thống Mỹ
-Phục sinh những nốt nhạc của địa ngục
-Ba Lan - Đất nước của những nhân vật lẫy lừng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips