Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Khởi Đầu Thảm Kịch Việt Nam

Hội nghị Genève 1954
Chúng ta đang vào Tháng 7, thời điểm với biến cố quyết định Lịch Sử Việt Nam: Ngày 20 Tháng 7 năm 1954 – Ngày ký kết Hiệp Định Genève chia đôi đất nước - Tiền đề của Bi Kịch Việt Nam suốt 60 năm qua và của hôm nay. Bởi sách lược bành trướng của nhà nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa từ lần thành hình 1949 đến hiện tại đã và đang được thực hiện bằng những bước cụ thể, khởi đầu từ sự kiện 60 năm trước: Mở rộng chiến tranh xâm lăng VNCH, dần lấn chiếm Biển Đông, tiệm tiến hoàn tất quá trình mở rộng về phương Nam Châu Á bằng xương máu dân chúng ba nước Đông Dương mà người Việt là thành phần thụ nạn hàng đầu khốc liệt nhất - Người dân của hai miền Nam-Bắc không phân biệt. Quá trình xâm thực của Bắc Kinh được chỉ huy, thực hiện bởi tập đoàn chỉ đạo, thành phần thừa hành đắc lực thống thuộc trong Đảng cộng sản Việt Nam.

NAQ - Hồ Quang - Linov - HCM...
Cần nhắc lại sự kiện quan yếu: Đảng cộng sản hiện tại ở Hà Nội là hậu thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, tổ chức chính trị được tập hợp và thành lập tại Quảng Châu, Trung Hoa vào năm 1930 với nhân vật tên gọi Nguyễn Ái Quốc. Nguyễn Ái Quốc, người phát động tuyên cáo thống nhất các tổ chức cộng sản trên toàn xứ Đông Dương cũng là Hồ Quang, thuộc viên Văn Phòng Đệ Bát Lộ Quân của giải phóng quân Trung Hoa. Và cần phải kể đầy đủ hơn là cán bộ Linov của đảng cộng sản Nga, hay Hồ Quang của cộng sản Trung Hoa cũng chính là chủ tịch Hồ Chí Minh sau nầy của Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa thành hình vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 tại Hà Nội chứ không ai khác.
Đồng (1) - Chu (2) tại Genève - 1954
Nhắc lại lý lịch Hồ Chí Minh có mục đích xác nhận trước lịch sử và quốc dân thêm một lần: Những tác nhân chính của Hiệp Định Genève năm 1954 là Chu Ân Lai của Bắc Kinh, và Phạm Văn Đồng của Hà Nội.
Công hàm nay được gọi là công thư cho... nhẹ tội?
Đấy là những đồng chí, đồng sự, bộ tướng thân cận của Nguyễn Ái Quốc/Linov/Hồ Quang/Hồ Chí Minh... bí danh của một thủ lãnh Đông Phương Vụ Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế. Để sau đó thêm một lần, đấy cũng là hai nhân sự chủ yếu đã thiết lập, hoàn thành Bản Tuyên Cáo về Lãnh Hải của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ấn ký ngày 4 tháng 9 năm 1958; và Công Hàm của nhà nước VNDCCH ấn ký ngày 14 Tháng 9 cùng năm tại Hà Nội chấp nhận và tán thành Bản Tuyên Cáo của phía Bắc Kinh.
Hàng triệu đồng bào miền Bắc chạy giặc Cộng sau HĐ Genève 1954
Đến đây chúng ta có thể kết luận: Tất cả mất mát đau thương của các tầng lớp dân chúng, cảnh tàn phá trên toàn lãnh thổ Việt Nam bởi cuộc chiến 1960-1975; tình thế băng hoại văn hóa, chính trị bế tắc, kinh tế suy sụp toàn diện của xã hội Việt Nam sau chiến tranh 1960-1975 cho đến hiện nay. Và hiện tại, căng thẳng, xung đột trên Biển Đông mà có thể là đầu mối dẫn đến một biến loạn khu vực.
Vĩ tuyến 17 chia cắt đất nước sau HĐ Genève 1954
Tất cả tai họa nầy không do một nguyên cớ nào khác mà bởi từ hiệp định ký kết Ngày 20 Tháng 7, 1954 tại Genève. Hiệp Định phân chia đất nước Việt Nam được tập đoàn lãnh đạo hai đảng cộng sản Trung Hoa và Việt Nam thi hành nhất quán. Thành phần cầm quyền hiện nay ở Bắc Kinh và Hà Nội thực tế chỉ là những kẻ  thừa hành cuối cuộc mà thôi.
 Hồ chủ xị hể hả cụng ly cùng Mao chủ xị
 Cải cách ruộng đất ở miền Bắc, tác phẩm của Hồ
Cách mạng văn hóa, sản phẩm của Mao
Hôm nay, những tranh luận có tính cách áp đặt tại Liên Hiệp Quốc, những giàn xếp ngoại giao một chiều ở Hà Nội về chủ quyền biển đảo trên Biển Đông... Tất cả chỉ là hậu quả, hệ quả tất yếu sau quá trình đoạt thắng bằng phương tiện quân sự qua hai cuộc chiến 1946-1954; 1960-1975. Tiếp được hợp thức hóa bởi biện pháp chính trị-ngoại giao của Hiệp Định Genève 20 tháng 7, 1954 và Hiệp Định Paris 27 tháng 3, 1973. Hai hiệp định được tổ chức, điều hành, ký kết bởi những người cộng sản đến từ Bắc Kinh và Hà Nội chứ không phải ai khác. Đấy là hai lực lượng chủ thể gây cuộc máu xương Châu Á hơn nửa thế kỷ qua, và đến nay quay mặt cấu xé nhau như đã một lần trong chiến tranh biên giới 1979.
Cuộc tranh luận hiện nay giữa Bắc Kinh và Hà Nội có tính chất tranh giành chiến lợi phẩm đánh cướp được giữa hai phe đã một lần đồng thuận thực hiện chung sách lược đoạt thắng, chiếm đóng một quốc gia khác: VNCH. Lẽ tất nhiên, yếu tố của phe thứ ba gồm người Mỹ và các thế lực Âu-Á khác, những yếu tố quyết định trong quá trình hình thành tình thế Biển Đông hiện tại thuộc về chủ điểm của một vấn đề cần phải nghiên cứu, tìm hiểu khác.
Những người cầm quyền của các chế độ Đế Quốc Việt Nam, Quốc Gia Việt Nam, Việt Nam Cộng Hòa từ 1945 đến 1975 cho dẫu có những vấp phạm trong quá trình giữ nước, an dân do những bất cập khó khăn về chính trị, quân sự, xã hội, kinh tế không khả năng giải quyết. Nhưng những nội các Trần Trọng Kim, Trần Văn Hữu, Bữu Lộc, Ngô Đình Diệm, Trần Văn Hương, Phan Huy Quát... dưới quyền lãnh đạo của Bảo Đại, Ngô Đình Diệm (ảnh trên), Phan Khắc Sửu, Nguyễn Văn Thiệu đã xác chứng trước Lịch Sử và Quốc Dân điều tối thượng tiên quyết: Giữ gìn Độc Lập Dân Tộc.
Giọt nước mắt bi phẫn của Ngoại Trưởng Lê Quốc Định, Trần Văn Đỗ tại hội nghị Genève 1954 quyết liệt phản đối sự phân chia đất nước là chứng nhận sắc son của tập thể lãnh đạo quốc gia đối với tồn vong và toàn vẹn đất nước. Và xa hơn nữa, sau ngày thành lập, 17 Tháng 4, 1945 trong tuyên cáo đầu tiên gởi quốc dân để hiện thực tinh thần và nội dung Dụ Số I của Hoàng Đế Bảo Đại, Chính Phủ Thủ Tướng Trần Trọng Kim đã nêu lên yêu cầu tiên khởi là lấy vùng Nam Kỳ về lại cương thổ thống nhất của Đế Quốc Việt Nam. Và cụ thể hơn đối với tình hình hôm nay là sự kiện: Trước diễn đàn thế giới tại Hội Nghị San Francisco 1951, Thủ Tướng Trần Văn Hữu đại diện Quốc Gia Việt Nam đã long trọng tuyên cáo: Hoàng Sa-Trường Sa thuộc về chủ quyền Việt Nam với bằng chứng lịch sử lẫn thực tế pháp lý.
Tuyên cáo của Thủ Tướng Trần Văn Hữu (ảnh trên) được sự đồng thuận của toàn thể thành viên hội nghị bao gồm đại điện Liên Xô. Tóm lại: Các tổ chức nhà nước của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa- Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa-Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là “thủ phạm chính danh” đã chia đôi đất nước và là đầu mối của tất cả thảm họa Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua. Không thể có một giải pháp khả thể để giải quyết cho một vấn đề vốn xấu từ căn bản khởi cuộc: Phân chia/Xâm lược/Chiếm đóng/Cộng sản hóa/Thực dân hóa một dân tộc, một quốc gia.
Tác giả: Phan Nhật Nam/Sống Magazine

2 nhận xét:

  1. Nhân 60 năm Hiệp định Geneve được ký kết, Biên tập viên ĐCV chép lại một đoạn trong cuốn “Trần Đức Thảo Những Lời Trăng Trối” để bạn đọc thấy được một phần quan điểm của triết gia Trần Đức Thảo về viêc Đảng Cộng sản Việt Nam ký hiệp định Genève và sau này là hiệp định Paris.
    Nhân vật “tôi” là Trần Đức Thảo và “họ” là những cán bộ cao cấp của Đảng.

    “Sau khi ký kết Hiệp định Genève hay Paris, họ hỏi tôi nghĩ sao về việc ký kết ấy? Tôi hỏi lại họ: Ký như vậy là có thật sự mong muốn hòa bình hay không? Hay chỉ để câu thời gian, để tổ chức chuẩn bị chiến tranh cho ác liệt hơn. Ký như vậy là đã đạt được mục đích cuối cùng của cách mạng hay chưa? Liên Xô Trung Quốc có thật sự muốn ta ký kết để chấm dứt chiến tranh cách mạng hay không mà sao cứ tuồn vũ khí cho ta?”

    “Tôi thường xuyên nhắc nhở Đảng không nên dối trá trong việc ký kết. Ký kết dối trá về lâu về dài dân sẽ hiểu ra rằng dối trá là chính sách cai trị của Đảng, thì rồi sẽ sinh ra loạn trong xã hội. Từ đó sinh ra tâm thức muốn sống thì phải thường xuyên gian trá. Thế là sẽ loạn, loạn từ nếp suy nghĩ trong đầu, từ thói quen gian trá trong hành động ở mỗi người rồi lan ra toàn xã hội. Những ký kết, những chính sách, những công trình có cái gốc dối trá như thế sẽ là mần mống gieo hậu họa. Sự thực khi Đảng mở lại chiến tranh, là đã cơ bản chủ động xé hai hiệp định hòa bình đã ký. Tôi cảnh báo hậu qủa tai hại khi Đảng muốn tiếp tục chiến tranh trong những hoàn cảnh nước ta chưa đủ sức, nhưng không ai lắng nghe.

    Tuyên truyền thì đổ mọi tội lỗi cho phe địch. Trong khi Đảng dùng thủ đoạn gian lận mai phục, khai triển lực lượng ở lại miền Nam, để rồi xé bỏ hiệp định. Thế nên chính sách dùng thủ đoạn, dùng dối trá đã thành nếp ăn sâu vào việc quản lý và điều hành xã hội.”

    (Trang 146, 147 Trần Đức Thảo Những Lời Trăng Trối; Tri Vũ-Phan Ngọc Khuê, Tổ hợp xuất bản miền Đông Hoa Kỳ 2014)
    Biên tập viên ĐCV

    Trả lờiXóa
  2. Hiệp định Genève là hiệp định đình chỉ quân sự. Chính thể QGVN hay VNCH tức NVN đã thi hành đúng hiệp định Genève, trong khi VNDCCH tức BVN liên tục vi phạm hiệp định nầy. Do tham vọng quyền lực, do chủ trương bành trướng chủ nghĩa cộng sản và do làm tay sai cho Liên Xô và Trung Cộng, VNDCCH tức BVN mở cuộc chiến từ năm 1960, tấn công Việt Nam Cộng Hoà tức NVN dưới chiêu bài thống nhất đất nước và chống Mỹ cứu nước.

    Nhân kỷ niệm 60 năm hiệp định Genève, xin ôn lại điều nầy để giới trẻ trong và ngoài nước thấy rõ nguyên nhân của cuộc chiến 1960-1975, làm cho đất nước điêu tàn và khoảng 3 triệu người Việt tử vong, xuất phát từ VNDCCH hay BVN do đảng Lao Động hay đảng Cộng Sản Việt Nam điều khiển.

    Điều nầy càng làm sáng tỏ chính nghĩa của VNCH, cương quyết chống lại CSBVN, bảo vệ nền tự do dân chủ ở NVN, chống lại sự xâm lăng của cộng sản và sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Dầu thất bại, chính nghĩa tự do dân chủ của VNCH vẫn luôn luôn sáng ngời và luôn luôn là mục tiêu tối hậu mà nhân dân Việt Nam hiện đang cố gắng vươn tới.
    TRẦN GIA PHỤNG
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips