Thứ Bảy, 10 tháng 5, 2014

Phục sinh những nốt nhạc của địa ngục

Thật là kỳ diệu khi ngày nay chúng ta có thể nghe được điệu nhạc của âm ty sau 600 năm kể từ khi hoạ sĩ Hieronymus Bosch hoạ bức tranh lừng danh The Garden of Earthly Delights vào năm 1504. Không ai có thể ngờ rằng những nốt nhạc bé li ti trong một bản nhạc thời Tiền Phục Hưng (Renaissance) được cây cọ bậc thầy của trường phái siêu thực Bosch ghi lại trên mông bị xăm của một tội phạm, nay bỗng dưng sống dậy và trổi nhịp phát âm.
Ý kiến tuyệt vời này do Amelia, một blogger, một sinh viên ngành âm nhạc của đại học Oklahoma Christian University nghĩ ra. Sở thích lạ lùng của cô là hay nghiên cứu những gì kỳ quái. Một hôm, trong khi cô và người bạn, Luke, quan sát hoạ phẩm bộ ba “Khu vườn hưởng lạc trần tục” (The Garden of Earthly Delights) họ đã khám phá ra điều đặc biệt kỳ thú.
Tác phẩm này miêu tả tội tổ tông của nhân loại và quá trình buông thả sa ngã của con người. Nó gồm ba bức miêu tả ba cảnh sống ở ba không gian: thiên đàng, trần gian và địa ngục. Bức bên trái có thể gọi tạm là “Vườn điạ đàng”, bức giữa, “Vườn khoái lạc trần gian” và bức bên phải “Vườn điạ ngục”.

Trong quang cảnh hỗn độn của điạ ngục với những hình ảnh khủng khiếp của những tội đồ bị tra tấn hay bị ném vào lửa đỏ, và các khổ hình con người phải cam chịu, con mắt sắc bén của cô sinh viên đại học đã bắt được hình ảnh một nhạc phổ được xăm trên mông người.
Cô quyết định chép và thâu lại bản nhạc của thế giới âm ty này. Cô biết nó thuộc dạng những bài thánh ca thuộc kỷ nguyên Gregorian vào khoảng thế kỷ thứ 9 hay 10 gì đó. Nhờ sự hợp tác của một blogger khác là Wellmanicuredman, một bản thánh ca do họ hợp soạn đã được làm sống lại. (Xin nghe trong link bên dưới.)
Quan sát kỹ bức điạ ngục trong bộ ba sáng tác này, nếu bạn sở hữu một bộ óc thích cảm giác lạ, hẳn bạn phải ngạc nhiên với không gian và những hình ảnh đáng sợ của các nhân vật trong tranh Bosch. Trí tưởng tượng của bạn có thể được thoả mãn với hình tượng một người đàn ông đang bị một con heo đội khăn choàng của một nữ tu hôn hay cưỡng dâm.
Trên cao là một người cây cổ quái trổ gai nhọn đâm xuyên qua chiếc bụng hình vỏ trứng trắng hếu mà trong bụng là một bàn tiệc người và rượu thịt ê hề.
Những lá bài, con xúc xắc nằm lăn lóc bên cạnh các dụng cụ âm nhạc như đàn, trống, kèn xuyên qua cơ thể, hậu môn và từng cơ phận con người.
Ở phương Tây, thời trung cổ, khi nhắc tới thiên thần, các hoạ sĩ thường vẽ các em bé khoả thân bụ bẫm với đôi cánh trắng thật dễ thương, còn quỷ sứ người ta hay phác hoạ ra những con quỷ mặt người với răng nanh, có đuôi và sừng. Những mụ phù thủy thì tượng trưng cho ma quái phù phép, các vị thần hoá thân nửa người nửa thú. Đặc biệt trong cõi âm u siêu thực của Bosch lại có rất nhiều quái thú kỳ lạ biến thể từ những con vật như rắn độc, chó, chim, chuột, cú, bướm, khỉ, dơi... Chúng thay phiên nhau đâm con người bằng gươm, giáo, dao, hay bằng các vật nhọn, thâm chí bằng cả các dụng cụ âm nhạc hoặc ăn tươi nuốt sống họ.
Có lẽ Bosch đã thay mặt các đấng tối cao trao cho thú vật và cây cỏ những uy quyền của các vì vua, hoàng tử, linh mục và thần thánh để đọc kinh cứu rỗi, trừng trị hay hành xử con người. Vương quốc động vật trong thế giới u linh này đầy bạo lực và quyền năng. Hay ông muốn cảnh cáo con người rằng tất cả dục vọng, thậm chí cả những thứ dường như “ở ngoài dục vọng” như là tình yêu hay âm nhạc, cũng có thể bị lợi dụng bởi ma quỷ.
Trên cùng bức hoạ địa ngục là hình ảnh những trận hồng thủy, lụt lội, hoả hoạn, chiến tranh, xác người trôi và những thân người trần truồng bị đóng đinh trên thập tự giá. Chúng như những câu chuyện kể theo thứ tự từ trên xuống dưới khiến chúng ta liên tưởng đến ngày tận thế cuối cùng. Quả đất bị hủy diệt do sự phá hoại và tàn bạo của con người. Nơi đây, đầy dẫy những quỷ dữ ma vương hệt như 18 tầng địa ngục của Phương Đông. Tôi bỗng nẩy niềm cảm khái, có phải hai nền văn hoá Đông Tây gặp nhau ở đây không. Sự xắp xếp diễn biến của bức tranh đưa tôi đến suy tưởng về thuyết nhân quả và luân hồi trong Phật Giáo. Những cám dỗ của tiền bạc, quyền thế, dục, lạc đưa con người sa địa ngục.
Biểu tượng của trần gian tội lỗi được Bosch minh hoạ như rượu chè, cờ bạc, bạo lực, lạc thú, vui chơi, đàn hát, đồi trụy, sa đoạ, sát nhân, hại vật, tàn phá cây cỏ, thiên nhiên. Bao nhiêu tội ác của loài người khi còn sống phạm phải, khi chết, xuống địa ngục sẽ bị quỷ sứ là chính những người hay con vật bị hại hiện thân ra, trừng trị bằng các hình phạt, cắt tai, cắt cổ, đâm chém, khổ nhục đời đời...
- Trịnh Thanh Thủy <= Xem toàn bài và nghe nhạc địa ngục.
The Garden of Earthly Delights hiện được lưu giữ ở bảo tàng Prado, Madrid
 Thiên đàng và trích đoạn
Trong bộ ba tranh, bức thiên đàng có ít nhân vật nhất: Chúa, Adam và Eva, còn lại là kỳ hoa dị thảo và những động vật "lạ". Đẹp mà hiu quạnh chả trách con người cứ chen nhau ở Trần gianĐịa ngục nơi đan xen biết bao nghịch lý: hạnh phúc - đau khổ, cay; đắng; ngọt bùi, dục vọng và thánh thiện... Vậy mới là cuộc đời, vậy mới gọi là đáng sống chứ :-)
 Trần gian và trích đoạn

1 nhận xét:

  1. Để có một chỗ đứng trong thế giới văn hóa–nghệ thuật–giải trí không phải là điều dễ, dù ở thế kỉ 21 hay thời Trung Cổ. Tài năng là một điều cần nhưng chưa đủ. Những người được chú ý nhất, nhớ đến nhất, bàn tán nhiều nhất thường là những “outliers” – những kẻ từ chối đi theo lối mòn. Có những “outliers” trở thành “visionaries” – những người có cái nhìn tiên tri, những kẻ tiên phong mở đường. Có những “outliers” vĩnh viễn đứng một mình một cõi, đơn giản vì không một kẻ đến sau nào đủ độ “quái” để trở thành truyền nhân của họ. Hieronymus Bosch chính là một kẻ lập dị như vậy.

    Nghệ sĩ tiếng tăm nào cũng có một phong cách đặc biệt, một cái lạ riêng. Botero vẽ người béo, Giacometti đúc người gầy, Yves Klein bị ám ảnh với màu xanh lam, Arcimboldo lắp ghép hoa quả thành người, Bruegel chỉ thích vẽ nông dân, v.v,… Điều khiến Bosch vượt lên, thuộc về một đẳng cấp khác là ông có một tầm nhìn rộng lớn hơn, một trí tưởng tượng xuất chúng hơn, một tài năng linh hoạt hơn – ba yếu tố không thể thiếu giúp Bosch tạo ra những thế giới màu nhiệm và quái dị có một không hai. Để dễ dàng so sánh, có thể đặt Bosch ngang hàng với những J. R. R. Tolkien (The Lord of the Rings), J. K. Rowling (Harry Potter) của văn học hay George Lucas của điện ảnh (Star Wars). Đa phần người thường sẽ quá “đuối” nếu phải dựng lên một vũ trụ tưởng tượng với đủ chi tiết từ vi mô đến vĩ mô. Bosch không hề muốn làm một người bình thường, cả trong sự nghiệp lẫn trong đời tư.

    Ngoài tên gọi và năm mất, cuộc đời Bosch vẫn là một ẩn số. Ngay cả năm sinh chính xác của họa sĩ cũng không được xác định mặc dù Bosch có tiếng tăm và được chào đón với các đơn đặt hàng nước ngoài. Ông có lấy vợ (thời điểm không rõ) và qua đời ở tuổi 60. Không còn một tài liệu, thư từ nào của bạn bè, đồng nghiệp, hay họ hàng, có thể giúp gợi ý cho chúng ta lý do Bosch có cách tiếp cận nghệ thuật độc đáo như vậy. Cá biết bay, cây ăn thịt, lửa địa ngục chỉ là một trong số những hình ảnh trong tranh Bosch. Sự ám ảnh của Bosch với tội lỗi và trừng phạt giúp ông phát huy trí tưởng tượng của mình đến mức tối đa. LSD chưa tồn tại ở thế kỉ 15, nhưng nhìn tranh Bosch, ta không khỏi thắc mắc không biết họa sĩ có… xài loại ma túy gây ảo giác nào chăng.

    Tác phẩm nổi tiếng nhất của Bosch mà ta sẽ phân tích trong bài này là “The Garden of Earthly Delights” (Khu vườn của những niềm lạc thú trần tục). Chất liệu sơn dầu, năm vẽ không xác định chính xác, từ khoảng 1490-1510, bức tranh hiện nằm ở bảo tàng Museo del Brado, Madrid. Kích cỡ: 220×389 cm...
    SOI
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips