Thứ Năm, 21 tháng 2, 2019

Giận cá chém... lư hương

Người dân Sài gòn biết rõ từ gần chục năm nay vào những dịp có yếu tố Trung Quốc, những ngày lịch sử như ngày mất Hoàng Sa 19/1, hay ngày mất Gạc Ma 14/3… nhất là ngày kỷ niệm cuộc chiến tranh chống xâm lược biên giới phía Bắc 17 tháng 2 năm 1979 thì tại tượng đài Trần Hưng Đạo luôn có sự hiện diện của thành viên Câu lạc Bộ Lê Hiếu Đằng đến để phát biểu những ưu tư của người dân đối với vận nước.
Họ thắp hương, đưa hình ảnh này lên phương tiện internet nhằm thúc đẩy những ai chưa quan tâm tới nguy cơ Trung Quốc và hầu như năm nào họ cũng gặp khó khăn trên đoạn đường tưởng ngắn nhưng đầy chông gai hiểm trở.


Chính quyển thành phố thấy rõ sự nguy hiểm mà CLB Lê Hiếu Đằng đang tạo ra cho chế độ. Họ lên tiếng thay cho nhiều triệu người sống trong nước nhưng hoàn toàn ngây thơ trước họa diệt vong từ Trung Quốc. Họ thách thức sự cai trị của chính quyền bằng chính kinh nghiệm của họ vốn là những chuyên gia về biểu tình, về tuyên truyền dân vận và nhất là thấu hiểu cặn kẽ cách thức mà cộng sản hành động. Họ đang dấn thân như đã từng dấn thân chống chế độ Sài gòn hơn 45 năm về trước và từng thành công trong lần đó để lần này họ dùng chính những chiếc huy chương của Đảng đã trao để tranh đấu với chính quyền hiện tại.

5 nhận xét:

  1. Uống nước nhớ nguồn là truyền thống dân tộc Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử, đi đến đâu tổ tiên cũng lấy tên cội nguồn đặt cho bến sông, con đường như Bến Hàm Tử, Bến Bạch Đằng, đường Chi Lăng… để nhắc nhở con cháu muôn đời không quên nguồn cội. Những người Việt dù xa đất nước vẫn đặt địa danh theo tên những vùng miền cố hương, những chiến công hiển hách của tổ tiên, cũng để nhắc nhở con cháu về cội nguồn.

    Lư hương đối với người Việt là cái thiêng liêng nhất, dù đi bất cứ nơi đâu, dù nghèo khó, gia đình nào cũng làm một cái lư hương hàng ngày thắp nhang tưởng nhớ tổ tiên.

    Nối tiếp truyền thống đó, câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng thông báo, ngày 17 tháng 2 năm 2019, kính mời các thành viên câu lạc bộ, thân hữu, đồng bào đến tượng đài ĐỨC THÁNH TRẦN ở Bến Bạch Đằng dâng hương tưởng nhớ và tri ân chiến sĩ đồng bào đã hy sinh trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc ngày 17 tháng 2 năm 1979.

    Đáng giận là một số quan chức chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã hạ lệnh giăng dây ngăn khu tượng đài ĐỨC THÁNH TRẦN, đem xe vệ sinh án ngữ tượng đài, và tệ hơn là cẩu lư hương đi chổ khác nhằm cản phá đồng bào dâng hương tưởng niệm và tri ân.

    Những hành động ấy, đặc biệt là hành động dẹp lư hương tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Đức Thánh Trần Hưng Đạo ba lần đánh thắng Nguyên Mông, cẩu lư hương đi ngay trong cái ngày 40 năm trước hơn 20.000 chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ tổ quốc và hơn 100.000 người dân vô tội bị sát hại dã man bởi quân xâm lược Trung Quốc, là việc làm không thể biện minh. Đó là sự bất kính vô cùng nghiêm trọng đối với tổ tiên, là sự xúc phạm trắng trợn lòng tự hào dân tộc, lòng yêu nước và đời sống tâm linh của người dân Việt Nam, không thể tha thứ. Đặt trong hoàn cảnh đất nước đang đối mặt với nguy cơ bành trướng, xâm phạm lãnh thổ Việt Nam của nhà cầm quyền Trung Quốc, hành động ấy khởi lên trong lòng dân mối nghi ngờ khó lòng giải toả về một âm mưu thoả hiệp, cấu kết với ngoại bang, bán rẻ lợi ích quốc gia.

    Vì những lẽ trên, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh lập tức đưa trả lại Lư hương trước tượng ĐỨC THÁNH TRẦN tại bến Bạch Đằng, và truy cứu, nghiêm trị những đơn vị và cá nhân có trách nhiệm về những hành động sai phạm tại khu vực tượng đài ngày 17/2/2019 vừa qua.

    TM câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng

    Chủ nhiệm

    Lê Thân

    Trả lờiXóa
  2. Giữa cơn giận dữ đang ngày càng lan rộng của người dân Việt, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh vội vã tổ chức lễ an vị lư hương của Đức Thánh Tổ Trần Hưng Đạo tại đền thờ Ngài tại số 36 Võ Thị Sáu, phường Tân Định, quận 1, (tức Hiền Vương cũ), ngay vào trưa 20-2, nhằm 16 âm lịch Kỷ Hợi.

    Trong những bản tin ngắn đầy tính đối phó về việc an vị lư hương, nhà cầm quyền thành phố Hồ Chí Minh không cách nào che giấu nổi sự vội vã và lấp liếm sự kiện này, bắt nguồn từ việc đã manh động nhằm cản trở người dân đến thắp hương tưởng niệm Đức Thánh Trần, nhân ngày 17-2-1979, ngày tưởng niệm Trung Cộng xua 600.000 quân sang Việt Nam, giết hại người già, phụ nữ, em bé… và tàn phá làng mạc Việt Nam.

    Trên thực tế, hành động vô thần của nhà cầm quyền, đã và sẽ không có lời nào giải thích nổi vì sao một bộ máy nhà nước hùng hậu đã cho quây xe rác, dựng bao cát, kẽm gai chắn tượng đài, tổ chức an ninh, mật vụ bao vây khu vực này, không cho ai đến gần tượng đài Đức Thánh Trần vào ngày 17-2, một ngày chủ nhật, và cẩu lư hương đi mà không có bất kỳ một hành động tôn kính nào, chẳng hạn như làm lễ niêm hương cho việc di dời đó. Nên việc tổ chức rình rang lễ an vị, có hình ảnh phát đi chỉ cho thấy sự trí trá, mưu mẹo của kẻ cầm quyền. Đặc biệt thô bỉ khi cố ý tách một lư hương trong tổng thể kiến trúc tâm linh của người Việt đã có từ năm 1930, để gá ghép thừa vào một đền thờ vốn đã hoàn chỉnh.

    Đó là còn chưa nói vô số người yêu nước bị an ninh, mật vụ bao vây trước cửa nhà, đuổi chặn trên khắp các con đường dẫn đến tượng đài của Đức Thánh Tổ Trần Hưng Đạo vào ngày 17-2. Chuỗi bi kịch về con người, đất nước Việt Nam trong các hành xử nhà cầm quyền lâu nay nhiều đến mức để không ai có thể đủ sức nhếch mép cười nổi, khi chứng kiến trò hề nhạt vào trưa 20-2 vừa rồi.

    Nội bộ của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh rối loạn đến mức, ai cũng đùn đẩy việc có mặt tại lễ an vị lư hương, và cố ý chỉ để phát đi những bức ảnh chính được chụp từ sau lưng vì sợ dư luận quần chúng. Bà Trần Kim Yến, bí thư quận nhứt đã trở thành con dê tế thần trước dư luận sôi sục vừa qua để chạy án cho hành động ngu xuẩn tập thể.

    Nhưng gánh nặng quá lớn đến mức một ngày sau, phía chính quyền đã phải đưa ra thêm công văn, ghi rằng có quyết định di dời lư hương là do bà Phó chủ tịch Ủy ban thành phố Nguyễn Thị Thu đưa ra. Tin trong giới thân quen với gia đình bà Thu cho biết cách làm hèn hạ, đùn đẩy trách nhiệm cho một người chết, là điều khiến cho gia đình cũng như bạn bè của bà Thu vô cùng tức giận.

    Đang có lời vận động từ trong nhiều nhóm và cá nhân trên facebook, nói rằng mỗi người dân cần mang một lư hương nhỏ đến trước tượng đài để thắp hương, bày tỏ lòng tôn kính Đức Thánh Trần cũng như bày tỏ sự phản đối với hành động báng bổ tồi tệ của nhà cầm quyền hiện nay. Một facebooker giấu tên nói rằng nếu nhà cầm quyền ngăn cản, thì hãy thắp hương ở bất kỳ nơi nào chung quanh đó, hoặc đặt một lư hương trên các lề đường bất kỳ của thành phố để biểu lộ thông điệp về sự bất bình. Điều đáng nói, câu chuyện này đang xuất hiện ở các nơi, với sự bàn thảo bởi những guơng mặt rất mới, chưa từng tham gia bàn luận gì về chính trị. Họ chỉ bắt đầu bằng sự phẫn nộ của ý thức mình là người Việt.

    Một nhà báo từ miền Trung, hiện đang viết cho các tờ báo thời sự quốc tế, nhận định vào tối ngày 20-2 rằng có điều gì đó đang diễn ra, cho thấy một phía là bộ mặt chính quyền đang sụp đổ hoàn toàn trong dân chúng, một mặt là sự nhen nhóm của một làn sóng bất mãn, bất tuân, tạm gọi tên là cuộc “Cách mạng lư hương”.

    Cũng trong ngày 20-2, có tin các nhóm dư luận viên hàng đầu đang được phổ biến gấp các nội dung để tuyên truyền chống đỡ cho giới nhà cầm quyền. Trước các diễn biến rất mới và liên tục, nội dung phổ biến của “phản sự kiện” này vẫn lặp đi lặp lại cách làm rất cũ, là nhân dân “bị kích động, xúi giục”.
    TUẤN KHANH

    Trả lờiXóa
  3. Gồng mình dở trò yêu nước, nhưng không dám nhắc tên ''nước lạ'' đã dày xéo quê hương, đã giết hại đồng bào mình. Sai bọn du côn vác cờ búa liềm ra hành hung người dân đến thắp nén hương cho người chết. Đem giấu cái lư hương, để thiên hạ khỏi tưởng niệm.
    Phải bơi lội trong cái văn hóa đểu cáng từ nhỏ mới nghĩ ra những trò đó. Người bình thường, có nặn óc cũng không tưởng tượng nổi.
    Đó không chắc chỉ là quyết định của cấp nhỏ. Không một bí thư quận ủy nào dám tự tiện, nếu không phải là quốc sách, nếu không có chỉ thị của cấp trên.
    Albert Einstein nói: ''Có 2 cái vô cùng: vũ trụ và sự ngu dốt của con người. Về vũ trụ, tôi không dám quả quyết''. Ông ta quên cái thứ 3: sự đểu cáng. Nhất là khi cái đểu cáng là nghệ thuật sống, là bí quyết thành công, dưới một chế độ đầu trộm đuôi cướp.
    Rùng mình, khi nghĩ những người với tư duy, và tư cách bệ rạc đó dẫn đường, chỉ đạo cho gần 100 triệu dân, ở thế kỷ 21.
    Muốn ôm bụng cười, khi nghe nói có một chế độ bệnh hoạn, trơ trẽn như vậy. Nhưng không cười được, trái lại, đau khi nhớ ra: cái quốc gia đó là đất nước của chính mình.
    Đọc trên báo nhà nước: ''Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: bỏ lư hương trươc tượng đài Trần Hưng Đạo là tốt cho quy hoạch không gian thành phố''.
    Chỉ trong một cái tựa ngắn, 4, 5 từ ngữ hoặc tối om, từ điển cũng lắc đầu chịu thua, hoặc chữ chửi cha nghĩa, hay ngược lại.
    Thí dụ: nhà nghiên cứu, hùng vĩ, quy hoạch, không gian thành phố vv...
    Nghiên cứu cái gì, hùng vĩ ở chỗ nào, quy họach gì, không gian thành phố là cái quái quỉ gì, ở một xứ ô nhiễm nhất thế giới (ô nhiễm theo nghĩa đen, nghĩa bóng) ?
    Ngày nay, ra đường phải đeo khẩu trang vì ô nhiễm. Có lẽ phải lấy bông gòn bịt tai, để tránh cái ô nhiễm còn tai hại hơn nữa, là các nhà nghiên cứu đúng quy trình...

    Câu hỏi: Các ''nhà nghiên cứu'' nói với ai nghe, viết cho ai đọc ? Cho người Tàu hay người ta ?
    Cuộc thi nổ, để kiếm cơm thừa canh cặn, đã bắt đầu. Nhiều nhân tài, nhân sĩ đã và sẽ đua nhau xuất hiện. Đồng chí Quang Lùn có thể yên tâm về hưu.
    Vụ cất giấu lư hương, mới đầu tưởng là tuyệt chiêu, nay trở thành một chuyện tang gia bối rối. Thay vì sai các ‘’nhà nghiên cứu’’ ra ăn nói lảm nhảm, cạnh tranh bất chính với Thủ tướng và các bộ trưởng, dân biểu, chúng tôi đề nghị giải pháp sau đây để giúp Đảng tìm lối thoát:
    1. Trả lại lư hương, nhưng VN và Huawei tuy hai mà một, xin Huawei trang bị, trong lư hương, các máy quay phim, chụp hình để ghi mặt người nào lai vãng, máy ghi âm để biết họ bàn gì với nhau, nói gì với người đã khuất.
    2. Đốt nhang có chất độc, để trừng trị những người ngoan cố tiếp tục tới tụ tập đông người.
    3. Nếu lư hương bằng đồng, nên bán lấy tiền chia nhau, thay bằng lư giả bằng nhựa, ma dzê in China, vừa rẻ vừa có nhiều mầu sắc xanh đỏ bắt mắt.
    Nếu các biện pháp này không hữu hiệu, phải tiến hành kế hoạch B: tuyên bố Đức Thánh Trần đã cư ngụ bất hợp pháp và giải tỏa công viên, như Đảng ta đã làm, một cách quyết liệt và anh dũng, ở vườn rau Lộc Hưng.
    Chỉ cần một nhóm cờ đỏ yêu nước. Nếu địch kháng cự mạnh, sẽ huy động các tướng lãnh đông đảo, lúc nào cũng sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương.
    Đó là chuyện bình thường, nhưng hữu hiệu nhất. Nghe nói đất khu này rất được giá.
    TỪ THỨC

    Trả lờiXóa
  4. Thấy thiên hạ ném đá nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ, một người tôi tin tưởng nhất trong các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tôi lại mất thời gian đọc kỹ điều ông nói.

    Ông Vỹ đồng ý chủ trương của lãnh đạo thành ủy TP Hồ Chí Minh về việc dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo ở Quận 1, và không chỉ đối với tượng Trần Hưng Đạo mà còn đối với tượng đài Lý Thái Tổ ở thủ đô Hà Nội.

    Cùng với những bài viết, những phát ngôn trước đó về tệ nạn mê tín dị đoan trong các lễ hội, ông Vỹ nói trong bài này: “Không thể để một xã hội “thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”, chỗ nào cũng hương khói. Một xã hội nghi ngút hương khói là một xã hội nhộn nhạo”. Đây là tư tưởng đúng và phân biệt ông với đa số các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian khác, những người xem mê tín dị đoan như một bản sắc văn hóa Việt.

    Tôi hoan nghênh ông ở tư tưởng này. Ở Việt Nam, đất nước không chịu tiến bộ mà cố tình duy trì cuộc sống nguyên thủy, đúng là ở đâu, chỗ nào cũng mù mịt khói hương đồng bóng. Khỏi dẫn thêm cái tổ mối, cây gạo, cây đa cho đến con chó, con mèo chết… chỗ nào người ta cũng đặt bát nhang và sì sụp lạy để cầu may, tôi chỉ nói về các tượng đài danh nhân. Người Việt, đúng ra là những kẻ cầm đầu hay lãnh đạo văn hóa, không phân biệt tượng nghệ thuật và tượng thờ, cứ thấy tượng là đặt bát nhang và sì sụp lạy. Có địa phương đặt bát nhang luôn ở công viên thiếu nhi, trước tượng Bác Hồ bế một em bé. Tôi không thể hiểu nổi cái em bé kia thành ma thành quỷ hay thành thánh như Bác mà cũng bị biến thành đối tượng tín ngưỡng. Rồi cái công viên vui chơi của các cháu không chừng cũng hóa thành nơi bị… ma ám!

    Về nguyên tắc, tượng nghệ thuật khác tượng thờ ở chỗ, tượng thờ trang nghiêm đại diện cõi chết (dù là được xem bất tử), tượng nghệ thuật dù là tượng về người đã chết, thậm chí cho danh nhân, là cái đại diện cho sự sống đời thường. Bác Hồ với thiếu nhi hay Bác Hồ đọc sách cũng như các pho tượng nghệ thuật về thần linh và danh nhân ở phương Tây luôn được xem là biểu trưng của sự sống, không ai sụp lạy hay trang nghiêm tưởng niệm bao giờ, trừ người Việt u mê.

    Tục khói hương chỉ có ở Việt Nam và Trung Quốc. Ngay cả ở những nước không khí tín ngưỡng phủ trùm lên đời sống của mọi người như Hy Lạp, Ấn Độ và các nước Trung Đông, kể cả Campuchia, người ta cũng không dại sì sụp ngửi khói độc để tỏ ra thành kính thần linh.

    Tiếc là nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ, cũng như GS.TS. sử học Phạm Hồng Tung trước đó, đã đúng một cách thiên lệch, thậm chí đánh tráo cái đúng vào đối tượng có vấn đề phe phái chính trị nên bị thiên hạ ném đá cũng phải. Sao lại chỉ đòi dời lư hương trước tượng đài Trần Hưng Đạo và Lý Thái Tổ mà không phải cho tất cả các tượng đài khác? Nếu cái đúng đó phải áp dụng công bằng cho tất cả, các ông có dám đòi dời lư hương trước các tượng đài liệt sỹ chống Pháp chống Mỹ, kể cả tượng đài Hồ Chí Minh ở những nơi công cộng mà các lãnh đạo vẫn đến đó sì sụp thắp hương không?

    Thiên vị như vậy liệu có phải đang thực hiện âm mưu dọn đường cho sự độc tôn tôn giáo mà các ông đang tự diễn biến từ chủ nghĩa duy vật đến chủ nghĩa duy tâm độc thần?

    Mà thiên hạ nguyền rủa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đâu phải chỉ chuyện di dời lư hương theo cái lý của bà bí thư quận ủy Quận 1? Họ đặt vấn đề tại sao lại giăng xe rác ô uế trước tượng đài và lại di dời lư hương vào đúng ngày kỷ niệm 40 năm chống bành trướng Trung Quốc? Và càng nghi ngờ hơn khi chính ông Nguyễn Hùng Vỹ đòi dời luôn lư hương trước tượng đài Lý Thái Tổ, khi đây là hai nơi bọn “phản động yêu nước căm giặc Tàu” thường hay tổ chức dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ chống Tàu.

    Liệu có khi nào bức xúc đến mức không chống được bọn “phản động yêu nước” đó, các ông cho đập luôn tất cả các tượng đài của bất cứ ai từng chống Tàu xâm lược để được tự do ăn ngon ngủ yên với giặc Tàu?

    Trả lời rốt ráo các câu hỏi trên thì cái lý rất đúng của ông mới thật sự thuyết phục thiên hạ, ông Nguyễn Hùng Vỹ ạ.
    CHU MỘNG LONG

    Trả lờiXóa
  5. Ngày 27 tháng 5 năm 2019. Nhằm ngày 23 tháng 4 năm Kỷ Hợi. Giờ Tỵ Hậu duệ họ Trần: Chủ tế Trần Thanh Cảnh cùng các đồng tộc: Trần Phan, Trần Hùng, Trần Ngọc Tuấn. Các đồng bào: Hồ Anh Tài, Nguyễn Hồng Thanh, Phạm Thanh Khương
    Sửa soạn đèn hương hoa rượu, lễ bạc lòng thành kính dâng lên Đức Thần Văn Thánh Vũ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, trình cáo một sự sau đây:


    Ngày 17 tháng 2 năm 2019, nhằm ngày 13 tháng giêng năm Kỷ Hợi. Nơi tượng thờ Đức Thánh trên bến Bạch Đằng, thành Sài Gòn, đất Gia Định xảy ra một việc: Bọn sai nha càn rỡ dám đem lư hương đi khỏi nơi vốn là chốn muôn dân đất Việt sinh sống ở phương Nam đến thờ vọng chiêm bái anh linh ngài...

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips