Tồn tại được 25 năm sau ngày chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, bức tượng nổi
tiếng của nhà tư tưởng Các Mác tại khuôn viên đại học Corvinus-thủ đô
Budapest bị cho vào quên lãng.
Tuần trước, chính phủ của thủ tướng Orban ra lệnh hạ bệ bức tượng của
nhà cách mạng nổi tiếng Các Mác. Đó là một bức tượng đồng, cao 4 thước,
đã trở nên quá quen thuộc với người dân Budapest từ hơn nửa thế kỷ qua.
Tác phẩm này được coi là một trong những bức tượng cuối cùng của Mác
trên thế giới.
Đối với viện trưởng đại học Corvinus việc tháo gỡ bức tượng của cha đẻ
chủ nghĩa cộng sản là một hình thức để khẳng định thêm bản sắc của
trường. Thực ra trường Corvinus trước năm 1990 từng mang tên nhà bác học
người Đức này. Ngày nay đại học ở thủ đô Budapest không phải là thành
trì của những phần tử vẫn ngưỡng mộ Mác hay là nơi tập hợp của những
người "hoài cổ" nuối tiếc thời kỳ vàng son dưới chế độ cộng sản. Dù vậy
rất nhiều sinh viên được hỏi lấy làm tiếc là bức tượng đồng nổi tiếng
nói trên bị hạ bệ.
Hình dáng một nhà bác học ngồi suy tư ngự tọa ngay giữa sảnh chính
của trường đại học, một tay cầm cuốn sách dày, có thể là cuốn «Tư bản»
như đã ăn sâu vào ký ức của biết bao nhiêu thế hệ sinh viên Hungary.
Hàng năm vào mùa khai trường những sinh viên mới đều chụp hình lưu niệm
dưới chân Các Mác. Học xong, trước khi rời nhà trường, họ cũng đến chia
tay với bác Mác.
Đối với những thế hệ trẻ không bị bức màn sắt ám ảnh, thì bức tượng
của nhà cách mạng người Đức này đơn giản là một điểm hẹn lý tưởng của
giới sinh viên trong trường.
Việc chính quyền của thủ tướng Orban ra lệnh hạ bệ tượng Các Mác gây
xôn xao trong dư luận Hungary. Một số nhà trí thức tại Budapest cho rằng
ông Viktor Orban muốn «xóa toàn bộ quá khứ cộng sản» của Hungary để
chứng tỏ rằng đất nước ông đang thực hiện một «cuộc cách mạng theo
hướng dân chủ tự do».
Nhà sử học Andra Mink thuộc đại học Trung Âu Budapest thậm chí còn cho
rằng ông Orban đang theo gót Putin: tất cả những chương trình sửa đổi
hiến pháp, các đạo luật do ông ban hành có khuynh hướng bóp nghẹt tự do
báo chí, chà đạp quyền tự do cá nhân. Thậm chí theo giới phân tích luật
pháp do nội các của thủ tướng Hungary soạn ra phần lớn là để thâu tóm
các quyền lợi kinh tế. Từ mùa xuân năm nay nhiều tổ chức phi chính phủ
trong tầm ngắm của cảnh sát Hung. Nói cách khác dù là thành viên Liên
Hiệp Châu Âu, nhưng nước Hungary của thủ tướng Viktor Orban lại rất gần
gũi với nước Nga của ông Vladimir Putin./RFI
Bài cũ: Triệt tận gốc tàn dư Cộng sản
Bài cũ: Triệt tận gốc tàn dư Cộng sản
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét