Thứ Tư, 6 tháng 2, 2013

Bệnh hoang tưởng của anh Mười

BÊN THẮNG CUỘC - TẬP 2 - CHƯƠNG III
Cứu chủ nghĩa xã hội
Ngày 15-8-1989, tại Sài Gòn, khi phát biểu khai mạc Hội
nghị Trung ương Bảy, Nguyễn Văn Linh đã tự tin tuyên bố:
“Chúng đang hý hửng về điều mà Tổng thống Mỹ Bu-sơ
(G.W.H. Bush) ngày đêm trông đợi: ‘Chúng ta đang sống ở
thời kỳ kết thúc một ý tưởng, sống ở chương cuối của thể
nghiệm cộng sản’ (111). Đó là giấc mơ giữa ban ngày của bọn
đại biểu cho chủ nghĩa chống cộng khét tiếng, không đội trời
chung với chúng ta”. Ngày 24-8-1989, khi ở Sài Gòn Hội
nghị Trung ương Bảy về chống đa nguyên bế mạc, ở Ba Lan,
Công đoàn Đoàn kết chính thức lên cầm quyền (112). Ông Linh
không còn lòng dạ nào mà “hí hửng” và sau đó ông đã ứng
xử rất “vội vàng”.

Ngày 25-8-1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh triệu tập
Bộ Chính trị họp khẩn cấp tại Cơ quan phía nam của Văn
phòng Trung ương (T78 - đường Lý Chính Thắng, Sài Gòn),
thành phần mở rộng có cả Trưởng Ban Tuyên huấn Trung
ương Trần Trọng Tân. Theo ông Tân, Bộ Chính trị nhận
định, sự kiện Ba Lan là “đảo chính phản cách mạng”. Khi ấy
Tổng Biên tập báo Nhân Dân Hà Đăng đi vắng nên ông Linh
nói với ông Tân: “Cậu phải viết ngay một bài xã luận”. Ông
Trần Trọng Tân ngồi ngay trong phòng họp Bộ Chính trị viết
bài báo có tựa đề: “Sự kiện chính trị ở Ba Lan và thái độ của
chúng ta”. Theo ông Tân, bản thảo bài báo được tất cả các
ủy viên Bộ Chính trị dự họp thông qua rất kỹ.

Bài xã luận đăng trên báo Nhân Dân số ra ngày 26-8-
1989 nhấn mạnh: “Những người cộng sản, giai cấp công
nhân, các tầng lớp nhân dân Việt Nam từ lâu đã có tình cảm
gắn bó với những người cách mạng chân chính ở Ba Lan vô
cùng căm phẫn và cực lực lên án hành động của những lực
lượng phản động chống phá chủ nghĩa xã hội ở Ba Lan” (113).
Cùng ngày, bài báo còn xuất hiện trên một số tờ báo Đảng
địa phương. Theo ông Trần Trọng Tân, sau khi báo ra, ở Hà
Nội, Bộ Chính trị - Ban Bí thư còn cho các đoàn thể cử người
đến Đại sứ quán Ba Lan “thăm hỏi” với tinh thần là “tiếp sức
cho họ”. Ông Tân nói: “Tưởng tay đại sứ thuộc phe cộng
sản, ai lường hắn thuộc phe lật đổ. Tay đại sứ đã cự lại, và
nói với đoàn của ta sự kiện ở Ba Lan không phải là lật đổ mà
chính là sự lựa chọn của nhân dân Ba Lan” (114).
Tình hình Liên Xô và Đông Âu trong năm 1989 thay đổi
từng ngày, từng giờ. Ngày 9-6-1989, Đại hội Đại biểu Nhân
dân Liên Xô bế mạc. Đây là cơ quan nghị viện nhân dân đầu
tiên ở Liên xô được bầu cử công khai với năm ứng cử viên
cho một ghế dân biểu. Ba mươi lăm bí thư vùng của Đảng
đã không đắc cử trong cuộc bầu cử này.
Khi Liên Xô khai mạc đại hội vào ngày 25-5-1989, nhiều
đại biểu đã kêu gọi thành lập “nhóm đối lập” trong đại hội.
Boris Yeltsin cũng bắt đầu xuất hiện ở đây như một chính trị
gia khi ông đòi thúc đẩy nhanh quá trình cải tổ: xây dựng
hiến pháp mới, ra luật về đảng,… Yeltsin bị 964 phiếu chống
khi tranh cử vào Xô viết Tối cao Liên Xô, nhưng một giáo sư
đại học đã nhường lại ghế của mình cho Yeltsin và điều này đã được đại hội chấp thuận.
Một thời điểm xác định của Boris Yeltsin, khi ông đối đầu với Mikhail Gorbachev tại một phiên họp bất thường của Xô viết tối cao trong tháng 8 năm 1991 (BT Blog)
 
Tổng Bí thư Gorbachev cũng đã phải “tranh cử” từ một
cuộc bỏ phiếu có hai ứng cử viên để trở thành chủ tịch Xô
viết Tối cao. Ông phát biểu trong phiên bế mạc: “Lần đầu
tiên trong lịch sử Liên Xô, tại đại hội này đã có thảo luận
công khai. Đại hội đã đưa Liên Xô lên một giai đoạn mới”.
Một ủy ban cũng đã được thành lập để sửa đổi hiến pháp
theo hướng “xây dựng một nhà nước ngăn chặn sự xuất
hiện trở lại ở Liên Xô tệ sùng bái cá nhân, chế độ độc đoán
và quản lý xã hội bằng mệnh lệnh hành chính”.

Gorbachev và nhà lãnh đạo Cộng hòa Dân chủ Đức Erich Honecker tại Đại hội lần thứ XI Đảng XHCN Thống nhất Đức (SED), 1986 (BT Blog)
 
Ở Đức, từ cuối năm 1988 bắt đầu xuất hiện những cuộc
biểu tình đòi cải cách kinh tế. Mùa hè năm 1989, áp lực đòi
cải cách chính trị, đòi tự do ngôn luận, sửa đổi hiến pháp và
đòi chính phủ từ chức qua các cuộc biểu tình càng dâng cao.
Ngay sau khi Hungary từ bỏ thể chế cộng sản, mở cửa biên
giới sang Áo, lập tức có mười nghìn người dân Đông Đức
tràn vào đất nước này và biến nó thành nơi để trốn qua các
nước phương Tây. Làn sóng trốn chạy khỏi các quốc gia cộng
sản Đông Âu đã lên tới “một con số khổng lồ” vào mùa hè
năm 1989. Erich Honecker, tổng bí thư của Cộng hòa Dân
chủ Đức phản đối việc mở cửa biên giới sang Hungary,
nhưng tiếng nói của ông vào lúc ấy không còn được ai nghe
nữa.

Tháng 10-1989, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tới Berlin
dự lễ kỷ niệm bốn mươi năm ngày thành lập Nước Cộng hòa
Dân chủ Đức. Theo ông Lê Đăng Doanh: “Quyết định đi dự
40 năm Quốc Khánh CHDC Đức là quyết định trực tiếp của
cá nhân anh Linh. Anh Linh đã bàn với Bộ Chính trị về việc
phải triệu tập một Hội nghị các Đảng Cộng Sản và Công
nhân quốc tế để cứu phong trào cộng sản, chống chủ nghĩa
cơ hội. Anh sang Berlin là để gặp các đồng chí để bàn về
việc ấy và gặp Gorbachev. Trong một cuộc họp, anh Linh
nhận xét: Gorbachev là kẻ cơ hội nhất hành tinh này”.
Ngày 4-10-1989, từ Hà Nội, hãng Interflug của Cộng hòa
Dân chủ Đức dành cho ông Linh một ghế hạng thương gia,
các thành viên cao cấp khác - Phó Thủ tướng Nguyễn
Khánh, Trợ lý Tổng Bí thư Lê Xuân Tùng, Phó Ban Đối ngoại
Trịnh Ngọc Thái, Đại sứ Tạ Hữu Canh và thư ký Lê Đăng
Doanh - chỉ ngồi khoang hành khách thường.

Một lễ đón đơn giản được tổ chức tại sân bay Berlin-
Schronefeld rồi sau đó đoàn về khách sạn. Năm giờ chiều
ngày 6-9-1989, cuộc mit-tinh lớn bắt đầu, trên lễ đài:
Honecker ngồi giữa, một bên là Gorbachev, một bên là một
phó thủ tướng, Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung
Quốc – Honecker muốn thể hiện chính sách đề cao Trung
Quốc làm đối trọng với Gorbachev; Ông Nguyễn Văn Linh
được ngồi hàng đầu nhưng ghế thứ hai từ ngoài vào, bên
cạnh ghế hàng đầu cuối cùng của Phó Thủ Tướng Lào. Trong
suốt chuyến thăm chính thức ấy, phía CHDC Đức không thu
xếp cho ông Linh một buổi gặp chính thức nào với Honecker
hay một nhà lãnh đạo khác. Thế nhưng, điều đó đã không
làm ông Nguyễn Văn Linh từ bỏ ý đồ đóng vai trò trung tâm
cứu nguy chủ nghĩa xã hội.

Trong ngày 6-10-1989, giữa Berlin rét mướt, ông Nguyễn
Văn Linh đã tìm gặp các nhà lãnh đạo cộng sản đến dự lễ
quốc khánh để thảo luận về một sáng kiến mà ông đưa ra:
triệu tập hội nghị các đảng cộng sản và phong trào công
nhân quốc tế. Ông Linh nói: “Phe ta đang diễn biến phức
tạp. Hơn bao giờ hết, đòi hỏi quốc tế vô sản phải siết chặt
hàng ngũ. Đảng Cộng sản Việt Nam thấy nên có một hội
nghị để thống nhất tư tưởng và hành động, tăng cường tình
đoàn kết”.

Đa số các đảng cộng sản làm ngơ đề nghị của ông Linh,
chỉ có Batmunkho Tổng Bí thư Mông Cổ, Phó Thủ Tướng
Hernandez của Cuba, Tổng Bí thư Ceaucescu của Rumania,
Tổng Bí thư Đảng vừa thất cử của Ba Lan Jaruzelski, Chủ
tịch Đảng Cộng Sản Tây Đức (DKP) Herbert Mies là chấp
nhận gặp. Chỉ có Helbert Mies, lãnh tụ của một đảng không
cầm quyền và Phó thủ tướng Cuba Hernandez là tự tới nơi
ông Linh ở. Theo ông Lê Đăng Doanh, những người khác chỉ
tiếp ông Nguyễn Văn Linh tại phòng riêng của họ.

Đến nơi ở của các nhà lãnh đạo khác mới thấy cách đối xử
của Erich Honecker với ông Nguyễn Văn Linh. Theo ông Lê
Đăng Doanh: Trong khi ông Linh chỉ được xếp một phòng
đôi lớn hơn phòng các thành viên khác trong đoàn một chút
thì chỗ ở của Ceausesscu là một khu vực gồm nhiều phòng.
Ông Linh và tùy tùng phải đi qua một sảnh lớn nơi có một
đội cận vệ 12 người bồng tiểu liên AK báng gập đứng chào.
Ceaucesscu đã để ông Linh phải ngồi chờ rất lâu. Ông Linh
nói: “Mày liên hệ thế nào mà giờ không thấy nó”. Tôi bảo:
“Tính thằng này nó hình thức thế”. Một lúc sau thì
Ceausesscu ra, chính ông ta lại là người tỏ ra hăng hái ủng
hộ sáng kiến của ông Nguyễn Văn Linh nhất. Ceausesscu
thậm chí còn đòi để Rumani đăng cai. Tuy nhiên, cả
Ceausesscu và các nhà lãnh đạo cộng sản khác đều nói với
ông Linh: “Vấn đề là ông kia, nếu ông ấy không đồng ý thì rất khó”.
“Ông kia” đề cập ở đây là Gorbachev.

Trước khi ông Nguyễn Văn Linh rời Hà Nội, Ban Đối Ngoại
đã liên lạc với phái viên Liên Xô và được Gorbachev đồng ý
sẽ có cuộc gặp vào ngày 8-10-1989, hai bên đều mang theo
phiên dịch Nga-Việt và Việt-Nga cho cuộc gặp. Hôm đó, ông
Linh đang đau rất nặng.

Từ 19 đến 21 giờ tối 6-10-1989, sau phần đọc diễn văn,
cuộc mit-tinh được chuyển từ trong một lâu đài ra một lễ đài
ngoài trời duyệt quần chúng, thanh niên rước đuốc. Ông Lê
Đăng Doanh kể: Đám thanh niên tuần hành sôi lên sùng
sục kêu tên Gorbachev, “Gorby! Gorby!”. Anh Linh chỉ mặc
bộ complet, tối nhiệt độ xuống khoảng 8 C, cận vệ quên
mang áo lạnh, ông Nguyễn Văn Linh đứng run bần bật, kêu
tôi: “Tao lạnh quá”. Tôi phải nói với một viên tướng Đức
đứng cạnh đấy: “Tổng Bí thư của tôi quên mang áo ấm”.
Viên tướng cho mượn tạm tấm áo choàng của ông ta.

Sáng hôm sau, 7-10-1989, theo lịch trình, mười giờ sẽ có
duyệt binh, nhưng tám giờ, ông Nguyễn Văn Linh triệu tập
họp Chi bộ Đảng thông báo tình hình sức khỏe: “Mình thấy
có gì đó không bình thường, không nhắm được mắt, miệng
cứng, không ăn được”. Về sau bác sỹ xác định đó là triệu
chứng liệt dây thần kinh số 7. Mọi người đề nghị ông Linh
không ra lễ đài, ông Nguyễn Khánh thay ông Linh dự duyệt
binh rồi báo với “bạn”. Phía CHDC Đức mời ông Linh ở lại
khám chữa bệnh và khuyên ông không nên về trong lúc
này. Tuy bệnh tình càng ngày càng nặng, nước mắt chảy ra
nhiều, miệng có biểu hiện bị méo và nói bắt đầu khó khăn,
ông Nguyễn Văn Linh vẫn hy vọng rất nhiều vào cuộc gặp
với Gorbachev.

Cuộc gặp Gorbachev dự kiến diễn ra lúc 10:30 sáng 8-10-
1989, nhưng chờ đến mười một giờ cũng không thấy văn
phòng ông ta gọi lại. Ông Linh rất sốt ruột. Theo ông Lê
Đăng Doanh: Trong khi đó, sáng ngủ dậy, bệnh ông Linh
càng nặng thêm. Khi ăn cơm, ông kêu tôi ra ngoài vì không
muốn tôi chứng kiến cảnh ông ăn rất chật vật. Hàm bên trái
của ông Linh cứng lại. Ông phải nhai ở phía bên phải sau đó
dùng hai ngón tay đẩy thức ăn vào họng, chiêu một ngụm
nước mới nuốt được.

Cuộc gặp Gorbachev được lùi lại 2:30 rồi 5:30 chiều cùng
ngày. Gorbachev, khi ấy vẫn là nhà lãnh đạo của cả phe xã
hội chủ nghĩa, được bố trí ở trong một tòa lâu đài. Nhưng,
cuộc tiếp tổng bí thư Việt Nam đã không diễn ra trong
phòng khách riêng mà ở ngay một phòng rộng mênh mông
vừa dùng cho một tiệc chiêu đãi lớn, thức ăn thừa còn bề
bộn trên các bàn. Nhân viên dọn một góc, kê bàn để
Gorbachev tiếp ông Nguyễn Văn Linh.

Gorbachev ra đón
ông Linh ở sảnh và khi cửa xe mở, ông cúi đầu nói: “Kẻ cơ
hội nhất hành tinh kính chào đồng chí Nguyễn Văn Linh”.
Dù đang bệnh, ông Nguyễn Văn Linh vẫn trình bày rất
nhiệt tình, nhưng theo ông Lê Đăng Doanh: Sáng kiến nào
của ông Linh cũng được Gorbachev khen là “rất tốt” nhưng
chỉ là những lời khen xã giao. Ông Linh nói: “Tôi đã gặp một
số đảng cộng sản anh em. Trong tình hình này, Đảng Cộng
sản Việt Nam muốn đồng chí đứng ra triệu tập hội nghị các
đảng cộng sản và phong trào công nhân quốc tế”.
Gorbachev liền giơ hai tay lên tươi cười: “Ý này hay nhỉ. Để
xem! Để xem! Rất tiếc là giờ tôi đang nhiều việc quá!”. Ông
Linh trân trọng mời Gorbachev đến thăm Việt Nam.
Gorbachev lại kêu lên: “Hay quá nhỉ! Cám ơn! Cám ơn!
Nhưng, tôi đang có nhiều lời mời quá mà chưa biết thu xếp
cái nào trước”.
Cuối cùng, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đề cập đến
truyền thống viện trợ của Liên xô và khi ông đề nghị Liên
Xô tiếp tục giúp đỡ cho Kế Hoạch 5 năm 1990-1995 của Việt
Nam thì Gorbachev xua tay. Không còn xã giao, lịch sự như
phần trên nữa, Gorbachev nói: “Khó khăn lắm, khó khăn
lắm, các đồng chí Việt Nam tự lo thôi”. Theo ông Lê Đăng
Doanh: Thế nhưng, ngày hôm sau, báo Nhân Dân và Pravda
đều đưa tin về cuộc gặp diễn ra trong “tình hữu nghị thắm
thiết”.

Tối 8-10-1989, từ lâu đài của Gorbachev trở về, ông
Nguyễn Văn Linh không dự chiêu đãi của Honecker mà đi
thẳng vào bệnh viện Chính phủ ở Berlin-Buch. Ông được
điều trị tại “Station 7” - nơi dành riêng cho Bộ Chính trị của
CHDC Đức - mỗi khu cho một bệnh nhân có nhiều phòng
cạnh nhau cho tùy tùng đi theo cùng ở. Trong “Station 7”
được trang bị truyền hình có thể bắt được các kênh phát đi
từ Tây Đức. Thời gian đó, hàng trăm nghìn người dân Đông
Đức đã đổ xuống đường phố Leipzig và Đông Berlin đòi phế
truất Honecker.


Sau lễ mừng Quốc khánh, Honecker cũng phải vào
“Station 7”, nơi ông ta có một biệt thự riêng ở đó. Honecker
cầu cứu Gorbachev nhưng cũng như với Nguyễn Văn Linh,
Gorbachev lại lịch sự từ chối. Ông Lê Đăng Doanh kể: “Tôi
dịch cho ông Linh những thông tin trên truyền hình: Cảnh
sát và người biểu tình đụng độ nhau ở khắp nơi. Cộng hòa
Dân chủ Đức nói đã có 160 cảnh sát bị thương”.
Nhưng cảnh sát không thể ngăn chặn những cuộc biểu
tình của người dân Đức.

Ngày 18-10-1989, Eric Honecker từ
chức, Egon Krenz, (ảnh trên) một ủy viên Bộ Chính trị trẻ tuổi, thay
ông giữ chức bí thư thứ nhất. Ông Lê Đăng Doanh kể: “Tình
hình cũng không vì thế mà có cải thiện. Chúng tôi lo lắng,
nhỡ có chuyện gì xảy ra khi đang còn ở đây thì nguy, trong
túi thầy trò không hề có một đồng đô-la lận lưng nào cả. Tôi
bảo bác sỹ có thuốc gì tốt thì cấp cho xếp tao để ông đủ sức
khỏe bay về”.

Vào lúc mười một giờ ngày 23-10-1989, trước khi rời
Berlin, ông Nguyễn Văn Linh đã đến chúc mừng Egon Krenz
vừa lên nhận cương vị mới. Cuộc gặp vừa để chúc mừng
Egon Krenz, vừa để đưa tin công khai về sự vắng mặt dài
ngày của ông Linh. Ông Linh là vị nguyên thủ duy nhất kịp
bắt tay Krenz. Ngày 24-10-1989, toàn thể Bộ Chính trị và
Đại Sứ CHDC Đức ra tận cầu thang sân bay Gia Lâm đón
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Lễ đón rất trọng thị, mọi
người thăm hỏi sức khỏe và khuyên ông Linh nghỉ một thời
gian để chữa bệnh tiếp.

Không chỉ có Erich Honecker và người kế nhiệm, ông
Egon Krenz, theo Gorbachev thì chính phương Tây cũng có
nhiều nỗ lực để ngăn chặn quá trình thống nhất nước Đức.
Từ Thatcher (Anh), Mitterrand (Pháp) cho đến Andreotti (Ý)
đều “muốn ngăn chặn người Đức thống nhất thành một
quốc gia hùng mạnh trở lại và họ chờ đợi Liên Xô đưa xe
tăng vào Đức cùng với quân lính của Gorbachev”. Nhưng,
theo Gorbachev: “Sự sụp đổ của bức tường Berlin chỉ là hồi
chót của một quá trình đã diễn ra từ rất lâu. Khi Liên Xô bắt
đầu tiến hành một loạt thay đổi mang tính bước ngoặt, như
tổ chức cuộc bầu cử đầu tiên… Khi tiến trình giải trừ quân bị
bắt đầu giữa Nga và Mỹ để chấm dứt Chiến tranh Lạnh” (115).


Ngày 9-11-1989, biên giới giữa Đông và Tây Đức được mở
ra. Ngày 10-11-1989, người dân bắt đầu phá bỏ bức tường
Berlin. Vài tháng sau, chế độ cộng sản ở Đông Đức sụp đổ.
Cũng trong ngày 10-11-1989, Todor Zhivkov cũng bị phế
truất sau ba mươi năm trị vì ở Bulgaria. Tại Praha, người
dân đổ ra đường yêu cầu Husak từ chức. Alexander Dubcek,
người bị Liên Xô bắt giữ hồi “Mùa xuân 1968” bắt đầu xuất
hiện cùng với đoàn người biểu tình. Một tháng sau đó Husak
từ chức. Ngày 29-12-1989, Vaclav Havel, được bầu làm tổng
thống đầu tiên của Tiệp khắc.


Ở Rumani, chế độ của nhà độc tài Ceausescu đã phải sụp
đổ trong một cuộc biểu tình đẫm máu. Lực lượng an ninh
Rumani tấn công những người biểu tình trong khi quân đội
ủng hộ dân chúng. Hàng trăm người dân bị giết chết. Chỉ
hơn một tháng rưỡi sau khi tán đồng với Tổng Bí thư
Nguyễn Văn Linh tổ chức một hội nghị quốc tế cứu vãn phe
xã hội chủ nghĩa, ngày 25-12-1989, Tổng Bí thư Nicole
Ceausescu và vợ ông đã bị những người biểu tình đem ra xử
bắn.
Chú thích:
(111) Tuyên bố ngày 24-5-1989 của Tổng thống G. W. H. Bush.
[Hơn hai mươi ngày trước đó, ngày 26-7-1989, khi phát biểu nhân
kỷ niệm ba mươi sáu năm vụ tấn công vào pháo đài Moncada,
chủ tịch Cu Ba, Phidel Castro, cũng đã nói câu “đế quốc chớ có hí
hửng vội vàng”. Khi đó, Liên Xô đang căng thẳng do xung đột
sắc tộc và do hàng trăm nghìn thợ mỏ đình công ở Siberi và
Donhetsk. Không phải ngẫu nhiên mà từ hai đầu bán cầu, hai nhà
lãnh đạo cùng tương thanh. Ngày 24-4-1989, Tổng Bí thư Nguyễn
Văn Linh đã có chuyến thăm kéo dài năm ngày ở Cu Ba. Trở về
Sài Gòn gặp tổng biên tập các tờ báo Thành Phố, ông Linh đã tỏ
ra hết sức tâm đắc với Chủ tịch Phidel Castro nhất là trên phương
diện chống đế quốc và bảo vệ thành trì cộng sản].

(112) Bước ngoặt lịch sử này có thể nói là bắt đầu được đánh dấu
kể từ ngày 18-1-89, khi Jaruzelski công nhận vai trò hợp pháp của
Công đoàn Đoàn kết. Ngày 6-2-89, đại diện chính phủ và các phe
đối lập đã ngồi lại với nhau để bàn về tương lai của Ba Lan. Theo
đó, một cuộc bầu cử tự do bầu Thượng viên và Hạ viện Ba Lan sẽ
diễn ra vào ngày 4-6-1989. Công đoàn Đoàn kết đã giành thắng
lợi gần như tuyệt đối tại Thượng viện và chiếm được gần phân
nửa tại Hạ viện. Jaruzelski vẫn được quốc hội của Walesa ủng hộ
lên làm Tổng thống Ba Lan. Nhưng, ngày 22-8-1989, khi
Jaruzelski định đưa người của Đảng Công nhân Thống nhất Ba
Lan lên làm thủ tướng, Công đoàn Đoàn Kết đã không chấp nhận.
Ngày 24-8-1989, Tadeusz Mazowwiecki, cố vấn của Walesa trong
các cuộc biểu tình năm 1980 ở Gdansk, đã được đưa lên làm thủ
tướng Ba Lan. Walesa tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đưa Ba Lan trở lại
tình trạng trước chiến tranh, phát triển như là một nước tư bản
chủ nghĩa. Nếu Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan không cùng
đi theo con đường của chúng tôi thì sẽ bị gạt ra khỏi chính phủ”.

(113) Bài xã luận, đăng ngay trong số báo Nhân Dân số ra ngày
26-8-1989, viết: “Thực chất sự kiện chính trị đang diễn ra ở Ba
Lan là Công đoàn Đoàn kết với sự tiếp tay của các thế lực đế
quốc, chủ yếu là đế quốc Mỹ, đang làm cuộc đảo chính phản cách
mạng ở Ba Lan. Cuộc đấu tranh của những người cách mạng Ba
Lan dưới sự lãnh đạo của Đảng Công nhân Thống nhất Ba Lan là
cuộc đấu tranh chính nghĩa, quyết định chủ quyền dân tộc và chủ
nghĩa xã hội ở Ba Lan, quyết định việc bảo vệ thành quả cách
mạng của nhiều thế hệ cách mạng và của giai cấp công nhân và
nhân dân lao động Ba Lan đã giành được, nay đang đứng trước
nguy cơ lớn. Những người cộng sản, giai cấp công nhân, các tầng
lớp nhân dân Việt Nam từ lâu đã có tình cảm gắn bó với những
người cách mạng chân chính ở Ba Lan vô cùng căm phẫn và cực
lực lên án hành động của những lực lượng phản động chống phá
chủ nghĩa xã hội ở Ba Lan”.
(114) Trả lời phỏng vấn tác giả.

(115) Vào ngày 6-10-1989, tại Đông Berlin, Gorbachev tuyên bố:
“Kẻ nào đến quá chậm sẽ bị lịch sử trừng phạt”. Gorbachev nhớ
lại: Khi nghe những nhóm thanh niên đứng dưới lễ đài gào lên
bằng tiếng Đức, “Gorby, tự do”, Thủ tướng Ba Lan Tadeusz
Mazowiecki đến gặp tôi và nói: “Mikhail Sergeevich, ngài có hiểu
tiếng Đức không?”. Tôi trả lời: “Đọc hiệp định bằng tiếng Đức thì
khó, chứ những gì mà họ gào lên với tôi, tôi hiểu cả”. Ông ấy trả
lời: “Thế thì bây giờ ngài sẽ hiểu rằng đấy chính là sự kết thúc”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips