Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

Miến Điện suy ngẫm

Một nữ tu cầu xin cảnh sát không làm hại những người biểu tình ở Myitkyina thuộc bang Kachin của Myanmar, trong bối cảnh chiến dịch trấn áp các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội ngày càng gia tăng khốc liệt.
Ở Miến Điện, người theo Ki-tô giáo chỉ chiếm khoảng 6,2% dân số.

1 nhận xét:

  1. Bạo lực và lòng trắc ẩn
    Ngày 08/03/2021, tại thành phố Mytikyina, bắc Miến Điện, xơ Ann Roza Nu Thawng, 45 tuổi, tu sĩ dòng Phanxicô Xaviê không có ý định biểu tình. Nhìn thấy cảnh đám đông hoảng loạn trốn chạy cảnh sát bắn đuổi, bà quyết định can thiệp. Xơ Ann đến trước nhóm cảnh sát đang tấn công, quỳ xuống và kêu gọi họ bắn vào bà, nếu muốn, nhưng hãy tha cho những người biểu tình trẻ tuổi.

    Nhiều người quan sát có mặt tại chỗ cho biết, nhóm cảnh sát đã sững sờ dừng tay. Một viên cảnh sát quỳ xuống, một cảnh sát khác chắp tay. Không khí chùng lại trong vòng vài phút. Ngay sau đó tiếng lựu đạn lại vang lên, súng tiếp tục nổ. Tuy nhiên, trong thời gian ít phút đối thoại giữa xơ Ann và cảnh sát, nhiều người biểu tình đã có đủ thời gian trốn thoát, các xơ có thời gian đưa được nhiều người biểu tình, trong đó có nhiều người bị thương, vào tu viện gần đó.

    Hình ảnh bà xơ quỳ trước cảnh sát, đánh động lòng trắc ẩn của những người cầm súng, xin tha mạng người biểu tình, đã lan truyền trên mạng Internet. Nhiều người coi đây là một biểu tượng mới của cuộc tranh đấu bất bạo động chống chế độ độc tài quân sự tại Miến Điện. Hôm đó, tại thành phố Myitkyna đã có ít nhất hai người chết vì đạn của lực lượng an ninh. Nếu xơ Ann không can thiệp, số người thiệt mạng có thể đã nhiều hơn.

    Hành động xả thân của xơ Ann Roza Nu Thawng vào cái ngày hôm đó hoàn toàn không phải là bột phát. Ngày 28/02, cũng tại thành phố Myitkyna, vị nữ tu dòng Phanxicô Xaviê này lần đầu tiên chặn đường tiến của một đoàn cảnh sát, vũ trang đầy mình. Vào thời điểm đó, nhiều người đã so sánh hành động quả cảm của xơ với bức hình nổi tiếng người sinh viên Trung Quốc đứng chắn đoàn xe tăng trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, sau vụ thảm sát. Trả lời báo Pháp, xơ Ann cho biết : « với tư cách một người tu hành, tôi cầu nguyện hàng ngày cho hòa bình. Nhưng với tư cách một công dân, tôi hiểu rằng cầu nguyện là không đủ. Cần phải hành động ».

    Thái độ dè dặt của Giáo hội Công giáo
    Cộng đồng Công giáo Miến Điện vốn có thái độ rất thận trọng sau cuộc đảo chính. Hội đồng giám mục Công giáo Miến Điện (CBCM) cầu nguyện cho hòa bình, nhưng cũng đồng thời ra thông báo cấm tất cả các linh mục, tu sĩ, chủng sinh tham gia biểu tình, « với các biểu tượng Công giáo, hay nhân danh các tổ chức Công giáo ». Các linh mục, tu sĩ có quyền tham gia biểu tình, nhưng chỉ với tư cách cá nhân. Tuy nhiên, theo báo Công giáo Pháp La Croix, bất chấp lệnh cấm, nhiều chức sắc tôn giáo đã chính thức tuyên bố ủng hộ phong trào chống đảo chính.

    Trên thực tế, hành động của người Công giáo chủ yếu mang tính biểu tượng tại một quốc gia mà tín đồ Công giáo chỉ chiếm khoảng 1% dân số Miến Điện. Thái độ của giới sư tăng mới có ý nghĩa quyết định trong cuộc đối đầu hiện nay giữa tập đoàn quân sự với đông đảo người dân chống đảo chính. Khác với cộng đồng Công giáo, sư tăng Phật giáo phân hóa khá rõ, giữa một bên là nhiều tổ chức Phật giáo lớn, và sư tăng « dân tộc chủ nghĩa » hậu thuẫn tập đoàn quân sự, và bên kia là khá đông đảo sư tăng công khai ủng hộ phong trào đòi khôi phục chính phủ dân sự./RFA

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips