Thứ Tư, 11 tháng 12, 2019

Túi nilon từ "anh hùng" đến "tội đồ"

Rác nilon hiện nay đã trở thành một vấn nạn toàn cầu mà cả thế giới phải đối mặt để giải quyết. Nhiều quốc gia, tổ chức đã có những chính sách, hoạt động kêu gọi mọi người hạn chế sử dụng túi nilon và tích cực tìm kiếm sản phẩm thay thế. Tuy vậy, có một điều không phải ai cũng biết, đó là mục đích ban đầu khi phát minh túi nilon là vì để cứu trái đất, nó được ca ngợi và hy vọng sẽ giúp thế giới ngày càng xanh thêm. Nhưng không ngờ…

Vào năm 1959, Sten Gustaf Thulin, một kỹ sư người Thụy Điển đã phát minh ra một chiếc túi nilon hiện đại. Trước đó đa phần mọi người đều sử dụng túi giấy.
Thulin cho rằng, sản xuất túi giấy sẽ phải chặt phá rừng, điều này không tốt cho môi trường. So với túi giấy, túi nilon chắc chắn hơn, lại có thể tái sử dụng, là một lựa chọn hay có thể thay thế cho túi giấy. Phát minh của Thulin quả thực rất tiện lợi. Sau khi Celloplast giành được quyền sở hữu phát minh trí tuệ, thì túi nilon được phổ biến khắp châu Âu, dần dần thay thế cho túi giấy và túi vải.
Vào năm 1979, túi nilon đã chiếm lĩnh 80% thị trường đóng gói châu Âu. Năm 1982, hai chuỗi siêu thị Safewayvà Kroger lớn nhất của Mỹ cũng đổi sang sử dụng túi nilon. Tới khoảng năm 2000, thì túi nilon đã toàn thắng trên toàn thế giới, hầu như hoàn toàn thay thế cho túi giấy.
Thulin không thể ngờ được rằng, ông phát minh ra túi nilon nhằm giải cứu thế giới, nhưng hiện nay lại trở thành một trong những vấn nạn lớn nhất mà cả trái đất và đại dương đang phải đối mặt.
Gần đây, Raoul Thulin, con trai của Sten Gustaf Thulin bất lực bày tỏ rằng, ban đầu cha ông cho rằng túi giấy không chắc chắn, không bảo vệ môi trường, nên mới phát minh ra túi nilon. Ông không thể ngờ được rằng mọi người lại có thể tùy tiện vứt bỏ túi nilon như vậy.
Túi nilon quá rẻ, quá tiện lợi, nên rất nhiều người căn bản không muốn giữ lại tái sử dụng. Hiện nay hơn 20 quốc gia đã bắt đầu cấm sử dụng túi nilon, ngay cả ống hút, bộ đồ ăn cũng bắt đầu tìm kiếm vật liệu bảo vệ môi trường. Nhưng những vật liệu thay thế mà mọi người tìm kiếm có thực sự bảo vệ môi trường hay không?
Rốt cuộc thì ban đầu khi phát minh ra túi nilon, Thulin cũng là vì muốn thay thế những chiếc túi giấy không ‘đủ’ bảo vệ môi trường. Hiện nay đồ thay thế túi nilon thường gặp nhất lại chính là túi giấy và túi vải, điều này thật trớ trêu.
Quá trình sản xuất túi giấy cũng phải tiêu hao một lượng nước và năng lượng rất lớn, còn hao phí rất nhiều chi phí vận chuyển. Theo số liệu của Cục bảo vệ môi trường nước Anh, muốn bảo vệ môi trường như việc thu hồi, tận dụng túi nilon, thì túi giấy cần tái sử dụng 3 lần mới ổn.
Túi bông dệt từ bông trông thì có vẻ bảo vệ môi trường, nhưng trong quá trình trồng bông, chế tạo túi bông, cũng phải tiêu tốn rất nhiều nước và tài nguyên. Như vậy tính ra cần phải tái sử dụng 131 lần, mới có thể bảo vệ môi trường so với việc thu hồi, tái sử dụng túi nilon.
Cũng có người đề xuất tái sản xuất túi nilon, nhưng vật liệu này cũng tồn tại vấn đề tương tự. Với tình hình hiện nay mà nói, tuyệt đại đa số túi nilon có thể thu hồi đều không được thu hồi, tái sử dụng, cuối cùng chúng vẫn bị chôn hoặc xâm nhập vào tự nhiên. Trong môi trường tự nhiên, túi nilon tái sinh chí ít cũng cần mất khoảng 1000 năm mới có thể hoàn toàn phân giải.Các nhà khoa học hiện nay đang tích cực tìm kiếm phương án giải quyết vật liệu thay thế hữu hiệu hơn, các nước đều đang kêu gọi người dân thu hồi, tái sử dụng túi nilon. Trước kia có một bản tin chỉ ra rằng trong tã của trẻ sơ sinh cũng có hạt nhựa, các bài viết về vấn nạn túi nilon cũng không phải ít.
Mong rằng mọi người có thể từ chính bản thân mình thay đổi để làm tốt hơn, khi ra khỏi nhà hãy mang theo túi, bộ đồ ăn bảo vệ môi trường và chai nước riêng, vừa tiết kiệm rác thải ra, vừa là để bảo vệ sức khỏe cho bản thân. Tuy rằng làm vậy có thể hơi bất tiện nhưng lại có thể giảm bớt rất nhiều gánh nặng cho trái đất, mang lại môi trường tốt đẹp cho con cháu đời sau. Mức độ nghiêm trọng của rác nilon đã uy hiếp tới sự sinh tồn của nhân loại. Nếu vẫn tiếp tục không coi trọng, thì cuối cùng con người sẽ tự gánh hậu quả cho chính mình gây nên.
Lê Minh - TrithucVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips