Chủ Nhật, 1 tháng 12, 2019

Câu chuyện xúc động nhân Giáo hoàng thăm Nhật

Nhật báo Asahi Shimbun tiết lộ rằng các quan chức Nhật đã tung ra một lực lượng rất lớn để tìm cậu bé cõng em trong bức ảnh do Đức Thánh Cha ký tên và truyền cho các phương tiện truyền thông của Tòa Thánh công bố.
Ước mong của chính phủ Nhật là tìm cho được cậu bé ấy và dẫn đến diện kiến Đức Thánh Cha trong cuộc gặp gỡ của ngài với chính phủ Nhật và ngoại giao đoàn tại Tokyo vào hôm thứ Hai 25 tháng 11 tại lâu đài Kantei.
Vì không thể tìm được, cho nên trong cuộc gặp gỡ tại lâu đài Kantei, bức ảnh của cậu bé đã được phóng lên trên một màn ảnh TV rất lớn và rất đẹp. Trong cuộc gặp gỡ chiều thứ Hai, thủ tướng Nhật Bản là ông Abe Shinzō đã chào mừng Đức Thánh Cha và nói rằng việc ngài công bố bức ảnh này là một nghĩa cử cao đẹp chiếm trọn cảm tình của người Nhật. Ông cũng tiết lộ với Đức Thánh Cha rằng chính phủ Nhật muốn dành một sự ngạc nhiên cho Đức Thánh Cha nên đã âm thầm tìm kiếm cậu bé. Nhưng đáng tiếc là đến nay vẫn chưa tìm ra.
Tưởng cũng nên nhắc lại là cuối năm 2017, Đức Thánh Cha đã ký tên vào một tấm ảnh rất bi đát và truyền cho Vatican media công bố.
Bức ảnh cho thấy một cậu bé Nhật Bản đang cõng em trai của mình trên lưng. Đứa em đã chết, và cậu bé đang đứng xếp hàng chờ đợi trước một lò hoả thiêu.Bức ảnh được chụp bởi nhiếp ảnh gia người Mỹ Joseph Roger O'Donnell sau khi một quả bom nguyên tử rơi vào Nagasaki vào ngày 9 tháng 8 năm 1945.Đức Thánh Cha Phanxicô viết thêm một nhận xét ngắn gọn: “il frutto della guera” (hoa trái của chiến tranh), tiếp theo là chữ ký của ngài.
Những dòng chữ bên dưới là tiếng Tây Ban Nha nghĩa là:
“Đứa bé trai đang xếp hàng tại một lò hoả thiêu cõng đứa em mình đã chết. Ảnh của nhiếp ảnh gia người Mỹ Joseph Roger O'Donnell sau vụ nổ bom nguyên tử ở Nagasaki. Cảm giác buồn bã của cậu bé thể hiện nơi đôi môi căng mọng và rướm máu.”
Bức ảnh có tựa đề “Cậu bé đứng bên lò thiêu,” đã trở thành một trong những hình ảnh mạnh mẽ nhất về tội ác chiến tranh.


Nhật báo Asahi Shimbun tiết lộ thêm rằng ông Masanori Muraoka, một người Công Giáo, năm nay 85 tuổi ở Nagasaki, nghĩ rằng ông ta biết cậu bé ấy. Nếu cậu bé ấy còn sống, cậu ta cũng trạc tuổi ông Muraoka.
Muraoka đã ở một địa điểm cách trung tâm vụ nổ nguyên tử khoảng 1.6 km vào ngày hè định mệnh đó. Anh trú ẩn trên ngọn đồi gần một trường học. Ở đó, anh nhìn thấy cậu bé.“Tôi thấy cậu ta cõng theo một đứa trẻ trên lưng, y hệt như cậu bé trong hình.” Muraoka nhớ lại rằng “Khi ánh mắt chúng tôi gặp nhau, cậu ấy đi về phía tôi.”
Muraoka hỏi thăm cậu bé, và được trả lời rằng “Tôi đang đi tìm mẹ tôi,” và sau đó bỏ đi.
Muraoka nhớ anh và cậu bé đã chơi với nhau nhiều lần trong sân trường của ngôi trường mà hai người cùng theo học vào thời điểm đó.
Muraoka tin rằng họ bằng tuổi nhau, khoảng 10 tuổi. “Cậu bé có thể là một học sinh chuyển trường, từ một nơi khác đến,” Muraoka nói. Nhưng ông không thể nhớ tên của cậu bé.
Giáo Hội Công Giáo tại Nhật cũng âm thầm tìm người trong hình từ tháng 8 năm 2018. Do đó, từ năm ngoái, ông Muraoka đã được Đức Tổng Giám Mục Joseph Mitsuaki Takami mời vào nhóm tìm kiếm cậu bé này.
Từ đó ông bắt đầu tìm kiếm cậu bé, đến thăm khu vực mà ông nhìn thấy cậu bé sau vụ đánh bom.
Từng chút một, ông đã mở rộng phạm vi tìm kiếm, đi ra cả bên ngoài Nagasaki và cố gắng tập hợp các manh mối dựa trên ký ức của những người mà ông phỏng vấn.
Nhưng tiếc rằng đến nay, ông Muraoka vẫn chưa tìm thấy dấu vết của cậu bé.
O'Donnell, nhiếp ảnh gia người Mỹ, là người chụp bức ảnh này, có thể hỗ trợ được, nhưng ông đã qua đời năm 2007.
Trong một cuốn sách về những bức ảnh của mình, O'Donnell, lúc đó đóng quân ở Nagasaki sau khi chiến tranh kết thúc, đã mô tả cậu bé khoảng 10 tuổi và đứa trẻ trên lưng chưa đến 2 tuổi. Nhưng ông lại không nhắc đến vị trí đã chụp ảnh và các thông tin cụ thể khác.
Tetsuo Ohara, 72 tuổi, người chỉnh sửa cuốn sách, đã nói về bức ảnh vào ngày 16 tháng 11 tại một bài giảng ở Fukuoka.
“Chứng kiến cảnh tàn bạo và bi thương này, O'Donnell có một niềm tin mạnh mẽ rằng chiến tranh không bao giờ nên xảy ra một lần nữa. Tôi chắc chắn rằng ông muốn truyền đạt rằng vụ đánh bom nguyên tử ở Nagasaki không bao giờ có thể lặp lại ở bất cứ nơi nào trên thế giới.”
Sei Matsuda, 64 tuổi, người đứng đầu nhóm tìm kiếm của chính phủ Nhật, tự hỏi tại sao bí ẩn xung quanh bức tranh của O'Donnell vẫn chưa được giải đáp.
“Khuôn mặt của cậu bé đứng ở lò hỏa táng được chụp rất rõ ràng. Tuy nhiên, chúng ta không biết cậu ấy là ai thì thật là không bình thường.”
Núi và trang trại có thể nhìn thấy đằng sau cậu bé trong bức ảnh. Đường dây điện bị cháy nám được nhìn thấy rải rác trên mặt đất.
“Có rất nhiều cây xanh,” Yoshitoshi Fukahori, 90 tuổi, một tình nguyện viên trong nhóm tìm kiếm nhận xét.
Dựa trên các đầu mối này, ông nói, “Tôi nghĩ chắc chắn rằng vị trí chụp hình không ở gần trung tâm vụ nổ.”
Tuổi thọ của người Nhật khá cao cho nên ít người tin rằng cậu bé có thể đã chết. Vì thế, tờ Asahi Shimbun tiết lộ các nhóm tìm kiếm của chính phủ và Giáo Hội vẫn chưa bỏ cuộc. Và bây giờ họ công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông với hy vọng người trong ảnh tiến ra. Nếu tìm được cậu, họ sẽ đưa cậu sang Rôma diện kiến Đức Thánh Cha. Người Nhật không chịu bỏ cuộc dễ dàng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips