Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019

Paris đau đớn nhìn Nhà thờ Đức Bà bị cháy

Người dân Paris đau buồn và các du khách sững sờ hôm thứ Hai ngày 15/4 đã không tin vào mắt mình khi nhìn thấy ngọn lửa hung dữ xé toạc Nhà thờ Đức bà Paris, một trong những công trình lịch sử được yêu mến nhất thế giới.
Khi màn đêm buông xuống trên thủ đô nước Pháp, ngọn lửa đỏ lực vẫn hoành hành từ ngay trong lòng của tòa vương cung thánh đường theo kiến trúc Gothic được xây dựng từ thế kỷ thứ 12 và nó phát ra những tia sáng ma quái đằng sau những ô cửa sổ kính màu. (Xem toàn bài)

2 nhận xét:

  1. Notre Dame de Paris (Nhà thờ Đức Bà), một di sản nổi tiếng của nhân loại, một biểu tượng tâm linh vĩ đại đã bốc cháy tối qua. Một công trình lớn biến mất trong hoả hoạn khiến cả nước Pháp bàng hoàng. Người ta ngồi bên này đống lửa cầu nguyện hàng tiếng đồng hồ nhưng bất lực.

    Chúa ở rất xa và không giúp được gì ngoài việc tổng thống Pháp Macron tới ngay hiện trường và đưa ra một hy vọng cho người dân nước Pháp cũng như nhân loại: Notre Dame sẽ được phục dựng. Ngọn lửa có thể thiêu rụi những gì hiện hữu nhưng không thể thiêu rụi được tinh thần trân trọng và yêu quý di sản của người dân Pháp.

    Viết chừng đó, tôi sẽ dừng nói câu chuyện về Nhà thờ Đức Bà Paris. Chợt tôi nhớ đến một lời mong mỏi trước đây của một ai đó rằng muốn Hà Nội sẽ thành Paris, và ngay sau đó người ta cười hể hả với đủ các lý do, rằng chuyện đó là hoang tưởng.

    Nhưng cũng có người bảo điều đó là có thể bằng một giải pháp có lẽ là duy nhất: Bạn cứ đưa các ông chủ Sun Group, Vin Group sang Paris và cho họ cái quyền đập bỏ các di sản, trong đó có nhà thờ Đức Bà đi và xây lên đó các toà nhà lừng lững như đã làm với Việt Nam, trong đó có Hà Nội, thì Paris sẽ trở thành Hà Nội ngay lập tức.

    Và nếu dại miệng, nếu một công trình tựa Notre Dame mà cháy ở xứ ta hẳn các anh ấy sẽ mừng lắm. Ừ rằng thì mà là tiền đâu mà phục dựng lại, chi bằng cho mọc lên đó một trung tâm thương mại có thể cao nhất nhì châu Á gì đó rồi báo chí ngợi ca như một niềm tự hào đương đại, các anh ấy lại ngồn ngộn ngồi lên bìa tạp chí Forbes để vinh danh thứ bậc bao nhiêu trong hàng tỷ phú thế giới.

    Bạn đang khóc cho Paris ư? Từ lâu rồi, tôi khóc cho Chúng ta. Chúng ta có hàng ngàn hàng vạn di sản đã bị san bằng trong thời kỳ “xoá dấu phong kiến” thời cải cách ruộng đất. Những tưởng cái thời mông muội ấy lùi xa vào quá vãng cả gần thế kỷ, còn lại hôm nay một số công trình kiến trúc thực sự có giá trị ở Hà Nội, Sài Gòn và đặc biệt là Đà Lạt, đồng tiền của các anh ấy cất tiếng, và di sản bị san phẳng, biến thành cái sân khấu đương đại thật thật giả giả để người Việt hôm nay đến đó mà sống ảo.

    Người Pháp để lại những gì giờ mọc lên cái gì ở ngay Trung tâm Sài Gòn? Người Pháp để lại một thành phố ẩn nấp trong rừng thông để thành Đà Lạt, và rồi thì phá thì dỡ thì để cho hoang tàn, thay vào đó là những hổ lốn nhà nhà cửa cửa thành Đà Lạt hôm nay.

    Và Trung tâm Đà Lạt với ít ỏi những di sản người Pháp để lại, một lô một lốc bè phái, trong đó có những ông kiến trúc sư từng “ở chùa” rồi quay lại “đốt chùa” như ông Hồ Thiệu Trị, quyết san phẳng cho được để đưa Đà Lạt về “diện mạo đô thị mới”.

    Vâng, nếu các anh giàu bằng mọi giá, kể cả xoá dấu di sản, thì mồ mả các anh cũng chẳng bao giờ yên được khi các anh nhắm mắt. Hãy tin đi, điều đó là thật.

    Hôm qua Nhà thờ Đức Bà Paris cháy, người Pháp thành bé nhỏ trước ngọn lửa hung tàn và họ không níu giữ được bộ mặt trường tồn phi thời gian của di sản; Hôm qua Nhà thờ Đức Bà Paris cháy, Chúng ta có thấy mình bé nhỏ trước sự phá hoại của đồng tiền và lòng tham để quyết xoá bỏ những di sản mà chúng ta đã có?

    Ngọn lửa thiêu đốt một di sản thì di sản đó sẽ được tái dựng khi mà lòng người còn hướng về di sản. Nhưng lòng tham thiêu đốt di sản thì sẽ không bao giờ phục dựng được.

    Bạn đừng khóc cho Paris nữa, hãy quay về thực tại mà khóc cho chúng ta đi!
    Vũ Hoàng Nguyên

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ...Trong khi đó, một thảm kịch tương tự đang diễn ra ở Việt Nam năm này qua năm khác, nhưng nó đang nhận được chú ý ít hơn nhiều.

      Một số lượng lớn các nhà thờ và thánh đường xinh đẹp nằm rải rác trên cả nước, trong đó có một nhóm nhà thờ tuyệt đẹp nằm ở tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Những nhà thờ và thánh đường này được xây dựng dưới sự cai trị của Pháp, và chắc chắn chúng là hiện thân cho các giá trị thực dân bị chối từ bởi hầu hết mọi người (kể cả người dân Pháp).

      Nhưng những tòa nhà này và trang trí nội thất bên trong chúng thật sự là những viên ngọc kiến trúc nhờ sự kết hợp giữa kiến trúc Beaux Arts với thẩm mỹ truyền thống của Việt Nam. Sự hủy hoại những công trình kiến trúc này là một mất mát cho nhân loại.

      Ngày 5-8-2017, nhà thờ Trung Lao (xã Trung Đông, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) cũng đã bị bốc cháy. Không giống như Nhà thờ Đức Bà Paris được cứu những phần kiến trúc quan trọng, nhà thờ Trung Lao đã bị sụp đổ hoàn toàn.

      Trước đó, tháng 3-2017, nhà thờ Trà Cổ (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) đã bị đập bỏ để nhường chỗ cho một công trình lớn hơn, hiện đại hơn. Đây được coi là nhà thờ đẹp nhất ở vùng Đông Bắc, đã hơn 120 tuổi.

      Và nay thì nhà thờ Bùi Chu tuyệt đẹp và nổi tiếng bậc nhất ở Nam Định cũng sắp phải đón nhận số phận buồn thương tương tự như nhà thờ Trà Cổ.
      Đây là những mất mát bi thảm cho bất cứ ai, không chỉ với người Việt Nam. Sự phá hủy một công trình như Nhà thờ Đức Bà, hay Nhà thờ Bùi Chu, là một vết thương lòng cho mỗi chúng ta.

      Theo tôi biết, chỉ có một nhà thờ ở Việt Nam, nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình, được xếp hạng Di tích quốc gia, được bảo vệ theo Luật di sản Văn hóa.

      Nhà thờ Phát Diệm ở Ninh Bình
      Không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc và di sản, nhưng tôi tin rằng một tập hợp các tòa kiến trúc đáng chú ý như các nhà thờ công giáo ở miền Bắc Việt Nam hoàn toàn có thể khát vọng lọt vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO. Nếu chúng được bảo vệ và cải tạo đúng cách, chúng sẽ trở thành một mạch du lịch hấp dẫn và mang lại thu nhập cao hơn cho người dân địa phương.

      Tuy nhiên, các chức sắc tôn giáo và giáo dân ở Việt Nam dường như không yêu quý di sản của họ nhiều như người Paris. Việc cải tạo và bảo tồn các tòa nhà cũ là rất tốn kém. Xây dựng mới các nhà thờ sau khi các công trình cũ đã bị kéo đổ, hoặc bị thiêu cháy bởi hỏa hoạn, chắc chắn là rẻ hơn nhiều và dễ hơn nhiều so với việc nỗ lực cải tạo và bảo tồn công trình di sản cổ.

      Nhưng tôi thực sự hi vọng rằng thảm kịch với Nhà thờ Đức Bà Paris khiến cả thế giới xúc động sâu sắc vào ngày 15-4 sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho các chức sắc tôn giáo và giáo dân của Việt Nam.

      Và sẽ thật tuyệt vời nếu chính phủ giúp những chức sắc tôn giáo này hiểu rằng họ đã được giao phó các di tích vốn là một phần trung tâm di sản quý giá của đất nước. Trách nhiệm của họ là phải có những hành động, những quyết định tương xứng với sự tin tưởng này.

      Xóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips