Thứ Sáu, 3 tháng 4, 2015

Giấc mơ ấy mới tuyệt làm sao

tôi nổi tiếng
Tôi nổi tiếng. Nổi tiếng là nổi tiếng, là được nhiều người biết đến. Nổi tiếng không có nghĩa là được tất cả mọi người thương yêu và mến mộ. Mãi đến năm 40 tuổi tôi mới hiểu được trọn vẹn điều đó, trước đó thì chưa. Trước đó, tôi sướng râm ran với cái tên của mình mỗi khi nghe nó được thiên hạ nhắc tới. Danh vọng là sự bù đắp cho những khiếm khuyết về thể chất mà tôi phải chịu.

lãnh đạo đất nước này
Có thể ví dụ về sự nổi tiếng của tôi như thế này: nếu một tay trong cái đám từng là lãnh đạo đất nước này qua đời thì tôi tin chắc rằng hắn có thể có một quốc tang rình rang trọng thể, nhưng hắn sẽ không được người dân biết đến hay nhớ đến nhiều hơn là cái chết, vì một tai nạn lãng xẹt, như nhậu xỉn té xuống ao chẳng hạn, của tôi.
tôi lăn đùng ra chết, bạn sẽ nổi danh
Bạn là một tay tài xế taxi hay anh đạp xích lô vô danh ư? Sáng mai, bạn canh me khi tôi đang lơ ngơ đứng bên lề đường, nhắm ngay tôi mà phóng xe đến tông rầm một phát, tôi lăn đùng ra chết, 15 phút sau tên của bạn sẽ được cả ngàn người nhắc đến trên Facebook của họ. Bạn sẽ nổi danh như cồn theo cái chết của tôi. Này, tôi chỉ giả định thế thôi nhé, nổi danh mà nằm tù thì không vui chút nào, hãy khoan tông tôi đã.
Từ lúc nào, người Việt bắt đầu gọi nhà cầm quyền Trung Quốc, chứ không phải nhân dân Trung Quốc, bằng một từ rất đặc biệt: KHỰA. Ai yêu nước nồng nàn thì kệ họ, tôi yêu nước vừa phải, yêu lơi khơi vừa với sức mình, nhưng tôi chống Khựa. Chống bằng những gì tôi có, trong khả năng của tôi. Bằng chữ. Bằng lời nói. Bằng cách ký những kiến nghị, góp ý với nhà nước; nhưng dần dà tôi thấy cách ký cọt này là vô ích, chúng không còn hiệu quả trước sự ù lì, bạc nhược. Chán, tôi không ký nữa.
Sau cùng, tôi xuống đường. Tôi tham gia biểu tình. Một lần, hai lần, ba lần, nhiều lần.
tôi trở thành nguy hiểm
Rồi, ngày nọ tôi nhận ra điều kinh khủng: tôi trở thành nguy hiểm. Ít ra là vậy, theo nhận định của những kẻ quan tâm đến tôi một cách quá mức cần thiết. Tôi cần được/cần bị theo dõi, cách ly và đối xử đặc biệt hơn những thường dân còn lại trong xã hội. Những người như tôi không được xem là “con người”, họ gọi chung là “thành phần”, “thành phần phản động” — thành phần luôn rắp tâm chống phá nhà nước và những “thành quả cách mạng” của họ.
nhiều người phản kháng đã bị trừng phạt
Tôi nghĩ, có lẽ chính vì sự nổi tiếng mà tôi được an toàn cho tới lúc này. Họ sợ biến tôi thành một ông thánh nếu giết tôi hay xử tệ bằng bạo lực với tôi. Có nhiều người phản kháng đã bị trừng phạt bằng cách hành hung, tông xe, bỏ tù... Nhẹ thì cũng bị gây khó khăn trong đời sống, trong công việc làm ăn; ở nhà thuê thì bị công an làm áp lực để chủ nhà đuổi, không cho thuê nữa, mở công ty hay buôn bán thì bị cán bộ thuế hạch sách, làm khó, và vô số trò tệ hại khác. Mà thật ra thì tôi có làm gì quá đáng, nguy hại đến họ đâu chứ? Họ sợ tôi kích động quần chúng, sách động đám fan cuồng của tôi xuống đường chống đối ư? Một nỗi sợ thiệt là tào lao!
Tôi không khuyến khích, hay kích động. Tôi không hoan hô hay đả đảo. Tôi không phải mẫu người hùng kiểu đó, tôi có trò chơi của riêng tôi.
tôi thấy mình dấy loạn
Có đêm tôi nằm mơ thấy mình là thủ lãnh, tôi thấy mình dấy loạn. Tôi phất cờ khởi nghĩa, dẫn đầu một đoàn bồ bịch, thê thiếp, sồn sồn có, thanh xuân mơn mởn có, là nữ độc giả, nữ ca sĩ, nữ người mẫu, nữ thi văn sĩ mầm non, nữ tài tử, nữ doanh nhân... Quý bà, quý cô đi rùng rùng ngay hàng thẳng lối trên con phố chính của thành phố, trong lúc bọn chính khách, bọn đại gia, nói chung là bọn giàu có và quyền lực, đứng hai bên đường há hốc miệng chiêm ngưỡng tôi. Cả đoàn vừa đi vừa đồng thanh hát những khúc nhạc tình thơ mộng của tôi.
cà chớn vậy đó
Nghe thì cà chớn vậy đó, nhưng thiệt tình tôi thấy giấc mơ ấy mới tuyệt làm sao!
-THẬN NHIÊN

2 nhận xét:

  1. Có những khi chán hết mọi thứ, tôi nghĩ: hay thử cắt lưỡi mình đem đi bán, có sao không nhỉ? Quan trọng nhất là, có ai mua không nhỉ?
    Tôi về thè lưỡi trước gương xem. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi nhìn kỹ cái lưỡi của mình đến thế. Lưỡi có màu đỏ rất tươi, như tứa máu, và dĩ nhiên nó ngoe nguẩy, không xương, như con đỉa to đùng.
    Bạn sẽ thắc mắc: được mỗi cái lưỡi để ăn để nói, để liếm mép thèm thuồng, cớ sao lại bán đi?
    Tôi chán rồi, chán ăn, chán nói, chán liếm mép thèm thuồng. Tôi cắt. Tôi bán. Kệ tôi.
    Tôi treo biển “Ở đây có bán lưỡi người” ngay trước cổng nhà. Nhiều người đi qua nhìn rồi tặc lưỡi cười. Có người, quan tâm hơn, xuống xe, ghé vào hỏi: “Này, ông bị thế này lâu chưa, sao chưa đi bác sĩ?” Tôi trả lời: “Mua thì đưa tiền đây tôi bán, không thì đi chỗ khác giùm đi!” Họ vừa đi vừa thở dài. Sao thế nhỉ?
    Mấy người cán bộ khối phố, phường, cũng có ghé qua, nhìn trước nhìn sau như thể đang tìm kiếm một thằng vượt ngục nào đang nấp trong nhà tôi, rồi đi, không nói gì. Sao thế nhỉ?
    Cũng có người hỏi: “Ông định bán lưỡi thật? Bao nhiêu tiền?”
    Thuở trước, có một nhà thơ rao “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”, ngỡ đã đến độ điên khùng; bây giờ, tôi rao bán lưỡi, thì có khùng không? Nếu tất cả ai muốn rao bán một thứ gì đó của mình hay không phải của mình, thì họ có khùng không? Nếu tất cả đều khùng, thì tôi có khùng không? Nếu tất cả tỉnh táo, chỉ riêng tôi khùng, thì có sao không?
    Nhưng rồi không phải băn khoăn lâu. Vào một buổi chiều muộn, có một người ghé vào nhà tôi, đòi xem lưỡi để mua. Gã nói tiếng gì như không phải tiếng người, nghe thấp thoáng như tiếng bướm đập cánh. Gã bắt tôi thè lưỡi ra, xem tỉ mẩn, không khác gì chú rể Trung Quốc xem gái Việt Nam để mua về làm vợ. Tôi hơi mất tự nhiên nhưng vẫn cố. Gã hết gật đầu lại lắc đầu, sau đó đưa hai ngón tay lên miệng như hình cái kéo cắt phập. Tôi hiểu rồi, gã quyết tâm mua. Tôi xoè mười ngón tay ra. Gã gật đầu. Tôi bán.
    Gã lái buôn cắt xoẹt, nhanh, dứt khoát, không khác gì động tác của mụ vợ cuồng ghen ra tay cắt con giống của chồng. Xong, gã vứt cái khăn tẩm thuốc để tôi nhét vào miệng cho cầm máu, vứt thêm cục tiền nữa, rồi gã lẻn vào bóng đêm, y như một kẻ buôn hàng lậu.
    Tôi thoáng nghĩ: ngày mai tôi không còn lưỡi nữa. Nhưng tôi không kịp hoang mang thì đã ngủ mất rồi. Thuốc mê ngấm rất nhanh, tôi ngủ say như chưa hề có một cuộc mua bán vừa diễn ra.
    Buổi sáng, tôi thức dậy, miệng hơi đau, như thể vừa cắt amidan. Tôi nuốt nước bọt đánh ực, đi ra đường...
    Chuyện bán lưỡi, kể ra y như thật, nóng hôi hổi như vừa mới hôm qua, nhưng kỳ thực, nó diễn ra lâu lắm rồi. Từ lâu lắm, tôi đã không có lưỡi. Tôi ít nói, ít cười, mặt khó đăm đăm.
    Sau cái đêm mua bán tàn bạo ấy, không còn ai ghé nhà tôi nữa. Các anh cán bộ phường lâu lâu ghé qua và tỏ ra rất vui mừng vì trong nhà tôi không hề có dấu hiệu của tên tù vượt ngục nào hết. Trái lại, tôi rất ngoan, nói gì tôi cũng gật đầu, hoặc ngồi im, không lắm lời tranh luận, không cãi cọ lằng nhằng. Trước khi ra về, thế nào các anh ấy cũng bắt tay thật chặt: “Tốt, tốt lắm, công dân gương mẫu, xuất sắc!”
    Ở cơ quan thì khỏi phải nói, sếp mừng, đồng nghiệp mừng, vì có một nhân viên chỉ gật đầu hay lắc đầu, hoặc cười mủm mỉm, không nói xấu ai, cũng không trình bày sáng kiến nọ kia vớ vẩn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Từ ngày không còn lưỡi, tôi treo bằng khen đầy nhà. Tôi được biểu dương ở cơ quan và ở khu phố nơi cư trú. Tôi đứng lên bục nhận giấy khen, rồi được mời phát biểu chia sẻ kinh nghiệm hoặc bí quyết thành công. Tôi ôm lấy tờ giấy khen, đứng yên, cười mỉm, và hai hàng nước mắt trào ra. Không ai biết rằng, lưỡi bán lâu rồi, nên tôi không nói được! Đám đông vỗ tay, huýt sáo, trầm trồ về sự khiêm nhường lặng lẽ của tôi. Họ nghĩ tôi khiêm tốn nên không nói. Họ nghĩ tôi cảm động nên chảy nước mắt. Họ không biết bí mật của tôi!
      Tôi yên tâm với sự khiếm khuyết tự nguyện của mình. Nhưng rồi, không bí mật nào có thể thoát khỏi tai mắt quần chúng, nhất là đám quần chúng rỗi hơi lắm chuyện xung quanh tôi. Gã hàng xóm, trong một phút thông minh rạng rỡ đột xuất, chợt nhớ rằng, một lần nào đó trong quá khứ, tôi đã từng treo biển bán lưỡi. Thế là cả khối phố, rồi cả thành phố đều nhớ lại rằng tôi là kẻ không có lưỡi! Họ thầm thì sau lưng, họ xỉa xói trước mặt, họ nói móc, họ chửi thẳng… nhưng tôi vẫn im lặng. Sự im lặng kì diệu ấy đã đánh gục họ. Nhà tôi vẫn treo đầy giấy khen và bằng khen. Cuộc họp nào tôi cũng được nêu gương và mời phát biểu. Làm sao họ bằng tôi được?
      Rồi một ngày, gã hàng xóm của tôi rụt rè cắm biển báo: “Ở đây có bán lưỡi người”. Ba hôm sau thì cả khu phố đầy rẫy biển báo có nội dung tương tự. Một tuần sau thì cả thành phố giống nhau. Họ quyết định học theo tôi! Đứa nào dám bảo tôi khùng nhỉ?
      Và rồi thì, như một quy luật biện chứng của cơ chế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có cung thì ắt có cầu gì đó, nhiều tốp lái buôn ở đâu kéo đến mua lưỡi. Nửa lén lút, nửa công khai, không khác gì những tên cò mồi đi về các vùng nông thôn tuyển gái mại dâm ra thành phố, họ nhộn nhịp mua và bán, y như hội chợ.
      Đến lúc này thì tôi không còn đơn độc nữa. Tôi là một tấm gương trong muôn ngàn tấm gương, lặng lẽ âm thầm cống hiến cho đời mà không hề đòi hỏi hay cãi cọ bắt bẻ linh tinh. Ùn ùn các đoàn khách tham quan không biết từ xó xỉnh nào trên trái đất kéo tới. Họ muốn học hỏi kinh nghiệm và bí quyết thành công của chúng tôi. Thế nhưng, chúng tôi làm sao chia sẻ được? Bí quá, tôi nảy ra một sáng kiến: viết một dòng chữ trên tờ giấy rồi phát tận tay cho du khách. Mỗi ngày, từ sáng đến tối, tôi cặm cụi ngồi viết, hàng trăm, hàng ngàn tờ vẫn không kịp. Chỉ có mấy chữ mà viết đi viết lại mãi thôi:
      “Ở ĐÂY CÓ BÁN LƯỠI NGƯỜI”
      NGUYỄN VĂN THIỆN

      Xóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips