Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

Tem đồng tính ai cũng thích, chỉ một người không...

Chỉ trong vòng nửa năm, bộ tem hàm chứa những hình ảnh về người đồng tính đã thu hút được đơn đặt hàng từ 178 quốc gia trên thế giới. Mang tên “Tom of Finland” (Touko Laaksonen), loạt tem này được phát hành hôm thứ Hai 8-9-2014.

Theo cơ quan bưu chính Phần Lan, đây là sự kiện được giới truyền thông để tâm nhiều nhất trong lịch sử bưu chính thế giới. Trên kênh truyền hình quốc gia, nhà thiết kế đồ họa Timo Berry được nhận “trọng trách” chọn lựa các bức vẽ và đưa lên tem cho hay: thật tuyệt diệu khi những bức ảnh trước nay chỉ được trao tay lén lút, thì giờ đây có cơ hội hiện diện chính thức trên phong thư, hoặc tấm thiệp.
Phát ngôn viên Markku Penttinen của Cơ quan Bưu chính Phần Lan cho hay họ đang lên kế hoạch tiếp tục phát hành các bộ tem phản ánh thời đại của chúng ta. Được biết, ngoài nước chủ nhà Phần Lan, đặt mua nhiều nhất bộ tem đồng tính là từ các nước Thụy Điển, Anh, Hoa Kỳ và Pháp. (HOÀNG TUẤN)
Cùng thời điểm này tại Gambia, Quốc hội nước này đã thông qua luật kết án tù chung thân với người có xu hướng tính dục đồng tính và yêu cầu nhà nước bảo trợ chống đồng tính. Những người có nguy cơ bị xử tù là những người "tái vi phạm", người nhiễm HIV bị nghi là do quan hệ đồng giới và người quan hệ tình dục đồng tính với đối tượng chưa đến tuổi thành niên. 
Trong khi đó, bộ luật hình sự hiện tại của Gambia cũng đã quy định hình thức phạt tù đối với người đồng tính là 14 năm tù giam. Tổng thống Yahya Jammeh (ảnh trên) có thời hạn 30 ngày để ký phê chuẩn để luật có hiệu lực chính thức, hoặc trả về cho quốc hội. Các nhóm hoạt động nhân quyền đã cố gắng kêu gọi Tổng thống không ký phê chuẩn dự luật. Tuy nhiên, lời kêu gọi của họ có thể chỉ là vô vọng.
Năm 2008, Tổng thống Yahya Jammeh từng tuyên bố sẽ chặt đầu những người đồng tính nếu bị phát hiện tại Gambia và họ nên rời khỏi quốc gia này. Không dừng lại ở đó, trong một bài phát biểu gửi đến Liên Hiệp Quốc vào 27.09.2013, ông viết: "Đồng tính - dù ở bất kỳ hình thức hoặc biểu hiện nào cũng đều là tà ác, phản nhân loại và chống đối thánh Allah. Ở một số cường quốc, nó được quảng cáo như quyền con người. Và đó chính là những kẻ muốn đem đến sự tận diệt cho loài người". Đầu năm nay, Tổng thống Jammeh lại tiếp tục gọi đồng tính là "sâu mọt" và cam kết chiến đấu với người đồng tính đến cùng. (MTG)

2 nhận xét:

  1. Một người Việt Nam bị bắt hôm 16/9 tại miền bắc Burundi ở đông nam châu Phi vì có hoạt động "đồng tính luyến ái", theo hãng tin Pháp AFP.
    Tin nói đây là nhân viên của tập đoàn viễn thông Viettel.
    Nếu bị buộc tội, đây sẽ là trường hợp đầu tiên bị xử theo luật hình sự Burundi đưa ra từ 2009, trong đó có quy định phạt "quan hệ tình dục với người cùng giới tính" từ ba tháng tới hai năm tù giam.
    Ông Richard Nzokirantevye, Tỉnh trưởng tỉnh Karuzi nằm cách thủ đô Bujumbura chừng 100km về phía đông, xác nhận với AFP qua điện thoại rằng người đàn ông Việt Nam này đã bị bắt vì "quan hệ tình dục với bạn tình người Burundi".
    "Theo điều tra của cảnh sát, đây không phải lần đầu tiên họ ngủ chung với nhau nhưng bạn tình của anh ta đã trốn chạy và cảnh sát vẫn đang truy tìm người này."
    Các nguồn tin cho hay người Việt này là nhân viên của Viettel, công ty viễn thông quân đội của Việt Nam, vốn được trao hợp đồng phát triển điện thoại di động ở Burundi từ hồi tháng Hai.
    Được tin người này bị bắt khi đang dựng ăng ten viễn thông.
    Các nguồn tòa án và cảnh sát cũng xác nhận người Việt bị bắt ở Karuzi, thị trấn chính của tỉnh.
    Tòa án Karuzi sẽ mang vụ này ra xử vào ngày 19/9.
    Theo tổ chức Ân xá Quốc tế, quan hệ đồng tính bị cho là tội phạm ở 38 trong số 54 quốc gia châu Phi.
    Tại Uganda tội này có thể khiến người bị mắc tội lãnh án tới chung thân, trong khi ở Mauritania, Sudan và Somalia nó có thể dẫn đến án tử hình.

    Trả lờiXóa
  2. Sự kiện một công dân Việt Nam bị bắt ở Burundi với “tội danh” quan hệ đồng tính gây chấn động cộng đồng LGBT và các cơ quan bảo vệ quyền con người. Theo hãng tin AFP, một người đàn ông Việt Nam làm cho Viettel bị cảnh sát địa phương bắt khi đang thi công công trình cơ sở hạ tầng viễn thông. Anh này có thể bị mang ra xử và có nguy cơ bị kết án từ 3 tháng đến 2 năm tù giam, và/hoặc bị phạt tiền từ 680,000 đến 1,300,000 VNĐ.
    Sự kiện này đặt ra một số vấn đề mới cho việc bảo vệ công dân Việt Nam nói chung và quyền của người LGBT nói riêng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.

    Thứ nhất, việc thông tin về luật pháp và văn hóa của nước sở tại cho công dân Việt Nam đi du lịch, công tác hoặc đầu tư rất quan trọng. Điều này giúp cho công dân Việt Nam biết được những khác biệt của nước sở tại để có cách hành xử phù hợp. Việt Nam có câu tục ngữ “nhập gia tùy tục” nhưng rất nhiều người Việt Nam không để ý điều đó khi ra nước ngoài, và nhẹ thì gây ra cảm xúc khó chịu cho dân nước sở tại, nặng thì vi phạm pháp luật và bị bỏ tù. Trong trường hợp này, Nhà nước Việt Nam không can thiệp vào quan hệ cùng giới nhưng trên thế giới vẫn còn khoảng 81 quốc gia hình sự hóa quan hệ đồng tính, có nước thậm chí tử hình. Các công ty du lịch, xuất khẩu lao động, hoặc đầu tư nước ngoài cần nắm rõ thông tin này đề cảnh báo cho khách hàng cũng như nhân viên của mình.

    Thứ hai, khi công dân Việt Nam bị bắt ở nước ngoài thì việc bảo vệ họ phải được đặt lên hàng đầu, trong trường hợp này là đưa công dân Việt Nam về nước. Có nhiều cách tiếp cận khác nhau, ví dụ như lên án mạnh mẽ Burundi vì có một bộ luật vi phạm quyền bình đẳng, bỏ tù hoặc xử phạt một người chỉ vì họ là họ. Điều này có thể chính đáng nhưng chưa chắc đã có hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh một loạt các nước châu Phi phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào công việc nội bộ của họ, và thông qua những bộ luật bất công và hà khắc trong việc bỏ tù người đồng tính. Rất có thể việc gây sức ép quốc tế với Burundi làm nước này càng giương cao ngọn cờ chủ quyền quốc gia và phạt công dân Việt Nam mức án cao nhất để “răn đe”. Chính vì vậy, các cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ cần thận trọng trong việc đàm phán để đưa công dân Việt Nam về nước.

    Thứ ba, trách nhiệm bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài là một điều quan trọng và thiêng liêng thuộc về nhà nước. Nhà nước phải dùng mọi kênh ngoại giao, nguồn lực sẵn có để làm việc với chính phủ Burundi trong việc bảo vệ quyền con người của công dân Việt Nam. Điều quan trọng, chính phủ phải được giám sát trong việc thực thi nghĩa vụ của mình bằng chính người dân, truyền thông, và đặc biệt là các tổ chức phi chính phủ bảo vệ quyền con người.

    Đây là lần đầu tiên một công dân Việt Nam bị bắt vì “phạm tội” quan hệ đồng tính, một tội không tồn tại ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Về lâu dài, Việt Nam cần tích cực tham gia vào việc vận động bỏ việc xử tội những người có quan hệ đồng tính ở mức khu vực và trên thế giới. Trong tuần này, Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc sẽ bỏ phiếu cho một nghị quyết về “xu hướng tính dục và bản dạng giới” trong kỳ họp 27 ở Geneva với nội dung kêu gọi đối thoại và xóa bỏ phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới. Với tư cách là một thành viên của Hội đồng nhân quyền, đặc biệt với những tiến bộ gần đây ở trong nước, Việt Nam cần lên tiếng ủng hộ cho Nghị quyết. Đây cũng là một nỗ lực cụ thể, tiếp tục khẳng định quan điểm của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới.
    DIỄN NGÔN

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips