Ảnh trên là voi Pắk Cú, 33 tuổi, voi đực nặng 3 tấn. Năm 2010, Pắk Cú bị bọn săn ngà rình được trong một đêm voi được thả cho ăn ngoài rừng. Chúng chém Pắk Cú tổng cộng 217 nhát vào đầu, chân, thân và mông. Để lấy ngà và chặt đuôi voi đi bán lông. Chém mãi không chết vì Pắk Cú khỏe vùng chạy. Chúng lấy xăng đốt cả phần mặt lẫn mông voi, thịt rớt ra, da cháy đen, người voi rách tơi tả. PắK Cú chết sau gần 3 tháng chống chọi. (dưới)
Không tự nhiên mà Việt Nam được gắn với cái danh rừng vàng biển bạc. Việt Nam xếp hạng 16 trên toàn thế giới về đa dạng sinh học. 10.500 loài động vật trên cạn. 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước. 1.000 loài cá nước ngọt. Khoảng 2.500 loài cá, khoảng 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Dưới biển có 7.000 loài động vật không xương sống. Khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật.
Đặc biệt, có 75 loài duy nhất chỉ Việt Nam mới có.
Nói không ngoa, Việt Nam hoàn toàn có thể bán vé cho du khách, học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu khắp thế giới để ngắm nghía, quan sát và nghiên cứu các loài động vật, thực vật sinh sống trong tự nhiên mà đại đa số quốc gia khác không có.
Nhưng chúng ta không làm thế. Chơi vậy dễ quá, Việt Nam anh hùng không thèm chơi!
Chúng ta chọn cách chơi sốc cho thiên hạ sợ.
Chỉ trong vòng 40 năm, từ 1970 đến 2010, số động vật hoang dã ở Việt Nam đã giảm đến 58%, dự báo sẽ tăng lên 67% vào năm 2020, do các hoạt động của con người. Năm 1992, chúng ta có 365 loài động vật được xếp vào danh mục loài quý hiếm. 12 năm sau, đến 2004 bổ sung thêm 42 loài, thành 407 loài quý hiếm. Chỉ ba năm sau nữa, đến 2017 thêm 11 loài bị đe dọa tuyệt chủng, nâng tổng số lên 418 loài.
Rồi ít năm nữa, với cái nhã thú ăn thịt “tiểu hổ”, “ăn bất cứ con gì nhúc nhích”, chắc đến lượt loài mèo nhà ở Việt Nam cũng sẽ biến mất.
Tháp nhu cầu của Maslow lan tới Việt Nam thì bó chiếu. Sai toét. Lý thuyết Maslow cho rằng khi con người thỏa mãn các nhu cầu thuộc về thể “lý” hay thể “xác” như ăn uống, tình dục, việc làm, gia đình, sức khỏe… thì sẽ vươn lên các tầng tiếp theo, mà cao nhất là “Thể hiện bản thân”. Cụ thể là thể hiện khả năng và bản thân, muốn được người khác công nhận và kính trọng… hiểu theo nghĩa cống hiến, sáng tạo. Không, ở Việt Nam, rất nhiều người “no cơm ấm cật” rồi thì tầng tháp cao nhất là “giậm giật tay chân”. Phải ăn, phải xài, phải chơi những gì hiếm quý nhất, thậm chí ngoài vòng pháp luật và đạo đức nhân loại nhất, mới thể hiện được địa vị và tiền của.
Nên đừng có dở hơi đi thương cho voi Pắk Cú bị loài người tẩm xăng đốt sống. Đừng dở hơi quằn quại tiếc cho tiềm năng nền kinh tế du lịch - nghiên cứu của vô vàn loài cây, loài thú trên cạn, dưới biển và dưới kính hiển vi, và những dịch vụ xung quanh nó, vốn sẽ hốt ra vàng. Cũng đừng nghe các bậc lãnh đạo lên ti vi rưng rưng nước mắt phất tay hô bảo vệ môi trường. Diễn mà được tụi tây ngố bỏ tiền ra cho diễn thì dại gì mà không, có phỏng?
Bảo vệ thiên nhiên là trò rỗi việc của bọn nhà giàu. Còn chúng ta, quân man di mọi rợ, cứ học tập lãnh đạo chén được gì đẫy họng cứ chén, kẻo mai không có miếng mà ăn, có phỏng?
-Toàn bài
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét