![]() |
Bí ẩn của William Tell (The Enigma of William Tell), Salvador Dali - 1933 |
Nhìn vào bức hoạ này, cảm giác của người xem bùng dậy mãnh
liệt, bị sốc và xáo trộn giữa sự kỳ quái, thô tục, khó chịu, chen lẫn kinh ngạc.
Đây là một trong những bức tranh kỳ lạ nhất của Salvador Dali.
Lý do nó gây tranh cãi không những ở đường lối nó thể hiện nhân vật William Tell một cách kỳ
quái đầy ấn tượng mà nó còn ám chỉ hình tướng của lãnh tụ Lenin.
Theo truyền thuyết, William Tell là một anh hùng dân gian của
Thụy Sĩ, có tài thiện xạ và có sức khỏe phi thường. Ông nổi tiếng vì trong một
hoàn cảnh bắt buộc, ông đã phải buông tên xẻ
đôi quả táo trên đầu con mình. Khi tạo hình nhân vật này, Salvador Dali cũng đã
liên tưởng đến cảm giác bất an của mình khi cha ruột ông thường đặt con mình vào
tình thế hiểm nguy, hệt như William đã bắn trái táo trên đầu đứa bé, con mình.
Sự nổi danh gây dư luận của bức tranh khiến Andre Breton, người
sáng lập trường phái siêu thực, sinh ghen tỵ. Ông và những người ủng hộ chủ
nghĩa Marx-Lenin đã muốn tìm cách hủy hoại thanh danh và tên tuổi Dali. Họ cho
rằng sự nổi tiếng của tranh Dali sẽ mang đến sự
thương mại hoá và đe doạ đến giá trị của nghệ thuật trường phái siêu
thực. Tuy nhiên càng đả phá, dèm pha, tranh Dali càng lẫy lừng.
![]() |
Cưỡng Dâm (Le Viol, The Rape), René Magritte, 1935 |
Bức tranh này do một hoa sĩ người Bỉ vẽ năm 1935. Thoạt nhìn có
người cho rằng bức hoạ thật buồn cười. Tuy nhiên nó rất ấn tượng và gây cảm xúc
mạnh cho người xem. Magritte đã vẽ một bức tranh phụ nữ theo lối truyền thần
thông thường nhưng lại thay đổi những chi tiết
chính trên khuôn mặt. Đôi mắt được thay bằng hai núm vú mù, mũi là cái
rốn sâu và miệng trở thành mảnh âm hộ hình tam giác. Tận dụng ý tưởng phong phú
và phương pháp ẩn dụ của Siêu Thực, Magritte đã mang đến cho khách xem tranh một
góc nhìn thô nhám, trần trụi của phái nam dành cho phái nữ: Khi nhìn vào phụ nữ,
họ chỉ thấy cơ thể vật lý người nữ mà thôi.
Sự tranh cãi nổ ra chỉ vì sự diễn giải ý nghĩa bức tranh này. Cái nhan đề The Rape và hình ảnh đánh mạnh vào thị giác là trái bom gây sốc. Phần lớn người xem cho rằng Magritte đã ám chỉ đến thái độ của phái nam đối với phái nữ và chỉ xem họ như một đối tượng tình dục. Trong một liên tưởng với nghĩa rộng, chúng ta có thể nghĩ, thời điểm đó, xã hội đã xem nhẹ người phụ nữ, họ chỉ là một dẻ xương sườn của người nam, một bộ máy chỉ để sinh đẻ và làm tình không hơn không kém.
Susan Gubar trong một bài viết đã nhìn bức tranh của Magritte qua lăng kính một nhân vật tưởng tượng trong tiểu thuyết của nhà văn William Faulkne. "Một người đàn ông tán dương ý tưởng phụ nữ chỉ như một cái âm hộ không chân để khỏi bỏ đi, không tay để níu giữ và không đầu để nói năng nhiều chuyện và với một định nghĩa đơn giản hơn, họ chỉ là một cơ quan sinh dục".
Bà còn lý luận thêm. Khi khuôn mặt với những cơ quan được hoán đổi trông chúng như vô hình,
vô cảm và nó cũng ám chỉ một cái óc đần độn. Hơn
thế nữa với cái nhan đề "Cưỡng dâm", người
đọc thấy ngay cái nghĩa dường như phụ nữ đáng phải bị hiếp dâm khi dung nhan của
người nữ bị cưỡng đọat và thay thế bằng
những bộ phận sinh dục. Điều này tựa như người phụ nữ bị đem ra chặt đầu và thay
cho một cái đầu mới bằng cơ quan sinh dục trong khi khuôn mặt của họ trước đó là
cửa sổ của linh hồn. Giờ cái đầu và linh hồn của họ chỉ còn trơ trẽn
không gì hơn một vật dục.
![]() |
Ngày phán xét cuối cùng (The last Judgment) của Michelangelo |
Bức "Ngày phán xét cuối cùng" trên tường thờ Nhà Nguyện Sistine là
một kiệt tác trong tất cả các tác phẩm nghệ thuật của Michelangelo. Hoạ phẩm này
đã gây tranh luận dữ dội giữa nhà thờ Thiên Chúa Giáo và các người mến mộ những
sản phẩm nghệ thuật của nhà danh tài xuất chúng Michelangelo. Toàn thể bức tranh
đặc kín những hình ảnh khoả thân, kể cả Đấng Christ và Đức Mẹ Đồng Trinh làm sửng sốt mắt nhìn người xem.
Tuy nhiên những nơi được xem là nhạy cảm trong
tranh đã bị xoá đi hay che kín lại trong đợt trùng tu hồi thế kỷ thứ 16.
Mãi đến giữa năm 1980 và 1994 bức hoạ mới được
chỉnh sửa và phân nửa những nơi bị che đậy mới được tháo ra, phô bày những bí
mật đã chôn sâu hàng thế kỷ.
Sự chống đối bùng dậy ngay khi hoạ
phẩm được những nhân vật đứng đầu giáo hội Nhà Nguyện nhìn thấy. Những vị
có chức sắc cao như Đức Hồng y Carafa và Sernini đã kết tội bức hoạ là vô đạo đức, và dâm ô. Họ mở ra một chiến dịch vận động tẩy
xoá và che đậy bức tranh lại. Vị trưởng lễ Biagio da Cesena nói rằng bức
tranh này chỉ xứng đáng được vẽ ở quán rượu thay
vì ở nhà thờ vì "có thể nó làm các con chiên liên tưởng đến những thú
vui xác thịt".
Michelangelo rất giận dữ về sự kết tội và chỉ trích của Biagio.
Ông đã đáp lễ bằng cách vẽ thêm vào bức tranh nói trên khuôn mặt Biagio với đôi
tai lừa tượng trưng cho thần Minos, với thân hình trần truồng bị một con rắn độc
quấn ngang và cắn ngay vào.. "hạ bộ". Theo giai thoại kể lại, khi phát hiện ra điều đó, viên trưởng lễ bất bình báo cáo với Giáo Hoàng, ngài nói đùa rằng:
"Phạm vi quyền hạn của ngài chưa vươn được tới địa ngục." Do đó bức vẽ
thêm được để yên.
Điều gì sai trong bức tranh
này? Theo kinh thánh nó phải chuyển tải hàm ý linh hồn con người bất tử. Khái
niệm Đấng Christ đang cố gắng cứu rỗi thế gian và
Đức Mẹ Đồng Trinh đã được tặng giữ ngai vị cao trên tất cả các Thánh.
Biagio bị sốc khi thấy Michelangelo dùng những hình tượng khoả thân tượng trưng
cho sự nhục nhã, hổ thẹn và tội lỗi để vẽ. Những
người đứng về phía Michelangelo lý luận rằng, Michelangelo yêu nghệ thuật
hơn cả đức tin dù ông là người có đạo. Ông đã xem
cái đẹp thể hình chính là cái đẹp của tâm hồn, nên ông đã vẽ tất cả các
nhân vật trong tranh được khoả thân. Tôn giáo, đức
tin và mỹ thuật được tranh cãi kịch liệt trong bức The Last Judgment này,
tạo nên bao nhiêu dư luận mâu thuẫn kéo dài hàng bao thế kỷ.
-Trịnh Thanh Thủy
Bài cũ: Trình diễn gây sốc trước bức tranh cực sốc
-Trịnh Thanh Thủy
Bài cũ: Trình diễn gây sốc trước bức tranh cực sốc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét