Thứ Ba, 16 tháng 2, 2021

Vì sao «Năm anh em… » được ưa chuộng ?

Từ một status của Hoàng Linh, tự dưng tôi mất cả đống phút ngồi nghĩ linh tinh không biết tại sao cái bài Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng khỉ gió lại thu hút nhiều người hát tới vậy!
Đám cưới nào mà có “hát với nhau” tra tấn thực khách, là hình như đều có màn tốp ca những ông mặt đỏ gay tràn lên sân khấu, vừa lái xe tăng vừa rống bài này!
Nói gì mấy cái loa kẹo kéo giờ đây đã phát triển vô tội vạ nền văn nghệ quần chúng khắp hang cùng ngõ hẻm trên cả nước! Hơn 90% nhạc bolero Việt Nam Cộng Hòa là cái chắc, nhưng lụi hụi một hồi thế nào cũng có Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng!
Màn tra tấn tới bài này là cao trào đỉnh điểm. Thiệt tình đôi khi bị nghe tôi cứ ao ước mình được ngồi trong một chiếc T54 và quay “tháp pháo một ngôi sao màu lửa” chơi nguyên một phát cà nông vào cái mâm nhậu đang mở hết volume rống “Cứ leo lên xe không còn anh em nữa !” và “Một thằng đau là tất cả ăn thêm!”, cho banh cmn cả đám!
Một bài hát có ca từ thô vụng chả có gì hoa mỹ (thơ của ông lính xe tăng Hữu Thỉnh, và nhờ Năm Anh Em... này mà ông lên như diều, làm chủ tịch Hội Nhà văn 20 năm liền!), nhạc (của Doãn Nho, viết năm tàn sát 1968) thì hùng hồn đơn điệu kiểu... hát nói, không lẽ lại có sức chinh phục người ta dữ vậy?
Lính xe tăng gì mà giống bông hoa (?) và cứ leo lên xe là lại quên tuốt tên tuổi của mình ? Hay tại nó nôm na dễ nghe dễ nhớ dễ hát?
Hay như ông Hoàng Linh nói, phải chăng năm ông lính xe tăng chính là thánh tổ hoặc ông cố nội của đám hát loa kẹo kéo? Bản thân bài hát chỉ dở chớ không có tội tình gì, chỉ từ khi có karaoke và loa kẹo kéo mới sinh nên nỗi!
Tôi hỏi chính một tay chuyên leo lên sân khấu đám cưới hát bài này, thì hắn nói tại nhạc vàng hem có bài nào vui như vậy. Tôi nói có 60 Năm Cuộc Đời của Y Vân đó! Thì hắn nói Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng vui hơn, tha hồ hò hét, lại không có bi quan giới hạn tuổi thọ có 60 năm, mà còn được tha hồ bắn giết!
Tôi từng không tránh khỏi nhiều cuộc nhậu có ca hát. Tôi thường không hát mà chỉ ngồi quan sát. Tôi có cảm giác người ta thay nhau hát như để... trả thù lại mấy đứa hát trước. Để chứng tỏ mình hát hay hơn, to hơn, nãy mầy bắt tao nghe thì giờ tao bắt mầy nghe lại! Mấy đám hát kế bên hoặc bên kia đường hãy coi tao. Đời tao không có gì hơn ai thì còn có cái này!
Và bạn có để ý không, người Việt xưa nghe nói trời sinh có tính hiền hòa. Vậy mà từ năm 1954 (ở miền Bắc) và 1975 (ở miền Nam) bỗng phát triển thói sadique (bạo dâm) thích hành hạ tra tấn người ta về mặt tinh thần. Một thú vui bịnh hoạn không giới hạn.
Và để tra tấn tinh thần con người, thì thiệt tình không có bài nào qua được Năm Anh Em Trên Một Chiếc Xe Tăng, rống hết ga trong đêm trường, phải không các bạn?
NGUYỄN ĐÔNG THỨC
15.02.2021

1 nhận xét:

  1. Hồi ở trong xóm, có nhà kia mới dọn đến. Đêm nào hai anh em anh chủ cũng bật giàn karaoke sáu bảy số gì đó gân cổ hát “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Lạy trời, hên sao nhà đó chỉ có hai anh em.

    Khi đó, hai anh là làn gió văn nghệ mới của xóm, vì nhà tui nằm trong cái xóm toàn ông bà cụ với giáo viên cắm đầu đi dạy học, không ai có hơi sức đâu hát. Riêng má tui bán tạp hóa tới khuya nên càng không rảnh để hát.

    Tuy nhiên, tạo cảm hứng văn nghệ cho xóm được không bao lâu thì các bà hàng xóm chắc hơi mệt nên tối ngày điện thoại lên… mắng công an phường là sao không tới “giải quyết” tụi nó. (Mấy bà làm như công an là bà tiên hay gì, vẩy đũa phép phát giàn karaoke biến mất chắc).

    Sau một hồi bị quần chúng đốc thúc thì trưởng khu phố cũng qua nhắc nhở hai anh, rồi công an nhắc, rồi hội phụ nữ nhắc, rồi hội người cao tuổi nhắc. Tui chỉ còn mong hội nhi đồng trong xóm cũng tới nhắc.

    Không ăn thua gì.

    Rồi một bữa hai anh rủ bạn về nhà hát karaoke xuyên đêm. Tới giữa đêm nảy sinh xích mích vì các giọng ca cạnh tranh khốc liệt trên bảng xếp hạng, các anh đập nhau một trận te tua.

    Từ đó trong nhà vắng hẳn tiếng hát. Giàn karaoke chắc cũng tan vỡ rồi...
    PHẠM LAN PHƯƠNG

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips