Thứ Hai, 7 tháng 5, 2018

Nhiệt liệt chào mừng

LS. Lê Công Định viết:
"Hôm nay tròn 200 năm ngày sinh của tên tội đồ của nhân loại mang tên Karl Marx (ở Việt Nam gọi là Các Mác). Nhân đây xin bàn thêm về một trong những luận điểm khôi hài nhất bào chữa cho sự thất bại thảm hại của học thuyết phi nhân của Marx trên toàn cầu: các mô hình xã hội chủ nghĩa nhân danh Marx được vận dụng và thực hiện sai, chứ chủ nghĩa Marx xét về phương diện học thuyết vẫn đúng đắn.
Chủ nghĩa Marx được tung hô (ở các nước XHCN) là học thuyết cải tạo thế giới hoàn hảo. Nếu nhằm mục đích "cải tạo thế giới" ắt hẳn đó phải là một học thuyết không chỉ có giá trị trên lý thuyết, mà còn có giá trị trên phương diện thực hành, nghĩa là nó phải dự liệu một mô hình có thể thực hiện trên thực tế.

Vậy mà mọi mô hình áp dụng nó, từ Liên Sô đến Đông Âu, sang Mỹ Châu như Cuba và Venezuela, rồi Á Châu như Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Triều Tiên, đều mang đến những xã hội nghèo đói, kém phát triển và chà đạp nhân phẩm con người.

Những mô hình vận dụng chủ nghĩa Marx theo chiều này và chiều ngược lại, thậm chí trung dung nửa vời cũng đều thất bại thảm hại. Vậy mô hình nào đúng đắn? Đó là thứ chủ thuyết thần thánh gì mà cứ phải hy sinh tương lai các dân tộc và thân phận hàng tỷ người chỉ để mãi thử nghiệm, sai đâu sửa đó, nhằm cố tìm cho ra một mô hình đúng đắn, dẫu có thể phải mất hàng trăm năm?
Nói cách khác, mãi mãi chẳng có mô hình thực nghiệm nào đúng cho nó, ngoài hậu quả nghèo đói và bản chất phi nhân của nó là vĩnh viễn không sai. 
Luận điểm nguỵ biện nói trên khôi hài ở chỗ rồi đây sẽ có hàng trăm kẻ ngớ ngẩn bỗng dưng một ngày đẹp trời tuyên bố thành lập các học thuyết vớ vẩn, rồi bảo học thuyết của tôi là đỉnh cao tư tưởng, chỉ chúng sinh thực hành sai, chứ nó luôn luôn đúng, vì tôi chỉ đưa ra những quy luật lý thuyết mở tuyệt đối không sai. Tin được không?
Người ta nói, nhìn quả biết cây. Nếu quả nào sinh ra cũng độc hại cho con người, thì chỉ còn cách đốn bỏ cây đó mà thôi. Bao giờ người Việt mới trắng mắt và đủ can đảm đốn bỏ cái cây ung nhọt vô dụng và lạc loài mang tên Marx khỏi xã hội này, để tìm đến những mô hình hiệu quả và thực dụng hơn, mà không cần đến những lý thuyết ảo tưởng, phi thực tế?"

Bài cũ
Giải thiêng anh 6 Lé

5 nhận xét:

  1. Cốt lõi của chủ nghĩa Marx là “giai cấp” và “đấu tranh giai cấp” để “xóa bỏ giai cấp”. Marx chia xã hội ra làm hai thành phần dựa vào tài sản của họ “vô sản” và “tư sản”, và giai cấp vô sản phải đoàn kết lại để tiêu diệt giai cấp tư sản, khi không còn giai cấp tư sản nữa thì toàn xã hội chỉ còn một giai cấp “vô sản”, tài sản sẽ được “cộng lại” và chia “đều”, gọi là “cộng sản”.

    Sai lầm của Marx, thứ nhất là ở phép chia, con người – theo Marx là “tổng hòa của các mối quan hệ xã hội” họ: cao, thấp, mập, ốm, quan hệ, giáo dục, tư tưởng v.v…và vì vậy không thể phân chia theo giá trị tài sản mà họ sở hữu. Sự phân chia đó đã phá nát các mối quan hệ xã hội khác giữa người và người, khi một người con nói rằng “tao với mày không có cha con họ hàng gì với nhau cả” chỉ có “nông dân nghèo” và “địa chủ, phú nông”, và bây giờ là hai phía với lòng “căm thù giai cấp”. Trường Chinh Đặng Xuân Khu, Bí Thư Đảng CSVN là một ví dụ, khi ông đấu tố cha mẹ mình trong cuộc Cải Cách Ruộng Đất.

    Thứ hai: Marx kêu gọi giải quyết sự chênh lệch trong việc sở hữu tài sản trong xã hội bằng cuộc đấu tranh giai cấp, bằng cách mạng bạo lực. Nhân loại được kêu gọi để bước vào những cuộc chém giết nhau để san bằng sự chênh lệch về tài sản. Những cuộc “cách mạng” này ở Liên Xô, Trung Quốc, Đông Âu, Việt Nam, Triều Tiên, Cuba đã cướp đi sinh mạng của trên 100 triệu người, hơn gấp đôi số người đã chết trong hai cuộc thế chiến cộng lại. Liên Xô với những trại giam ở vùng Siberia băng giá, Trung Quốc có Cách Mạng Văn Hóa, Việt Nam có Cải Cách Ruộng Đất, đánh Tư Sản, trại cải tạo. Đây mới chính là “sự thật khoa học” không thể phủ nhận của chủ nghĩa Marx.

    Thứ ba: Marx cho rằng, sau “cách mạng” thì xã hội sẽ được công bằng hơn vì đã “xóa bỏ” “giai cấp”. Cái “sự thật khoa học” sau cách mạng là một sự thật bi thảm, vì khi quyền lực được giao cho một nhóm nhỏ, không có sự kiểm soát hữu hiệu, nhóm nhỏ đó đã trở thành giai cấp “siêu tư bản” tận thu tài sản xã hội để làm của riêng. Các nhóm quyền lực trong Đảng CS là một ví dụ. Phải, không có giai cấp tư sản nữa, chỉ còn “quan” và “dân” cùng với sự xuống cấp của toàn xã hội vì tất cả các giá trị nhân bản đã được hình thành qua nhiều thế hệ đã bị “phá móng”.

    Marx mất năm 1883, đã 135 năm qua, tư tưởng của Marx đã lạc hậu và lỗi thời, nếu không nói là ấu trĩ, tự mâu thuẫn và sai lầm nghiêm trọng. Lịch sử cũng đã minh chứng rằng những người tôn thờ tư tưởng Marx đã tạo ra quá nhiều thảm trạng, đau thương, tang tóc cho đồng loại, điều đó mới chính là “sự thật khoa học” của chủ nghĩa Marx.

    Cái mà Marx nhắm tới đó là sự công bằng, nhưng con đường mà Marx chủ trương đã dẫn đến thảm họa và bất công nghiêm trọng.

    Những kẻ cầm quyền ở vài quốc gia cộng sản còn sót lại trên hành tinh này đang có những cố gắng vô vọng dùng Marx như một bình phong để che đậy tham vọng quyền lực và tài sản trên những vùng đất đã chịu quá nhiều khổ đau, trong đó có Việt Nam.
    NGUYÊN ĐẠI

    Trả lờiXóa
  2. Phẫn nộ trước những người vẫn đang ngưỡng mộ lý thuyết gia cộng sản, tác giả Nicolas Lecaussin trong bài « Karl Marx ? Tôi đã biết quá rõ ! » trên Le Figaro nhận định rằng các tư tưởng của Marx đã bị thực tế phủ nhận.

    Là người gốc Rumani, tên thật là Bogdan Calinescu, tác giả bài viết trong thời thơ ấu đã từng sống dưới chế độ độc tài của Ceausescu, cha của ông là một nhà trí thức đối lập. Hiện nay Lecaussin lãnh đạo một think tank tự do : Viện nghiên cứu kinh tế và thuế khóa (IREF) và đã xuất bản nhiều tác phẩm tại Pháp, trong đó có « Chí nguy, bọn chúng muốn tiêu diệt chủ nghĩa tư bản », và « Nỗi ám ảnh chống chủ nghĩa tự do ở Pháp ».

    Chủ nghĩa Mác-Lênin là mầm mống của những thảm họa
    Nicolas Lecaussin kể lại :
    Tôi còn nhớ rất rõ những buổi học về chủ nghĩa xã hội khoa học tại Rumani (cũng như tại các nước « anh em » khác). Chúng tôi bị buộc phải học môn này ở trường trung học và cả khi lên đại học. Quy trình này nằm trong chương trình học chính trị, góp phần tẩy não sinh viên học sinh. Họ dạy cho chúng tôi về chủ thuyết Mác-Lênin.

    Vào thời đó, tôi không hề biết rằng tất cả những thứ vô nghĩa như chủ nghĩa duy vật lịch sử, đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản hay « chủ nghĩa tư bản giãy chết »; tuy đã khiến cho nhiều dân tộc đã phải sống trong cảnh khốn khổ và « đần độn hóa » toàn bộ, lại chinh phục được nhiều trí thức phương Tây.

    Cần nói cụ thể là những điều ngu xuẩn mà chúng tôi phải học nhiều lần trong tuần, rõ ràng là từ chủ nghĩa Mác-Lênin, được áp dụng rập khuôn tại nước Rumani cộng sản. Bởi vì ngược với điều mà những người còn nuối tiếc chủ nghĩa cộng sản khẳng định sau khi khối xã hội chủ nghĩa sụp đổ năm 1989, tình trạng bi thảm và những vụ thảm sát do người cộng sản gây ra không phải là do những tư tưởng sai lệch. Chính lý thuyết Mác-Lênin là mầm mống cho những thảm họa của nền kinh tế kế hoạch, và độc tài cộng sản.

    Hơn nữa, khi ra khỏi các bài giảng về chủ nghĩa xã hội khoa học, tôi có thể nhận ra rất rõ những thành công cụ thể của chủ thuyết này : nạn nghèo đói, thiếu thốn hàng hóa, sự độc tài, đàn áp, vân vân. Xã hội cộng sản đã chứng minh thất bại của chủ nghĩa mác-xít, và Marx đã hoàn toàn sai lầm. Khi áp đặt việc hủy bỏ sở hữu tư nhân và buộc cá nhân phải tan biến trong tập thể, Marx đã đặt ra những nền tảng cho chủ nghĩa toàn trị hiện đại.

    Tác giả của « Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản » không che giấu sự ngưỡng mộ khủng bố, và cho rằng việc xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa và con người mới cần phải được áp đặt bằng vũ lực. « Nhờ » chống lại chủ nghĩa tư bản, nạn bần cùng hóa trở thành phổ biến. Marx, con người chưa bao giờ bước vào một nhà máy lại muốn xóa bỏ giai cấp. Độc tài cộng sản được nghiêm chỉnh tuân theo, qua việc « diệt chủng giai cấp » : lưu đày các nông dân khá giả (kulak), giới trí thức, tu sĩ và tất cả « kẻ thù giai cấp » khác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. GIAI CẤP THỐNG TRỊ MỚIlúc 13:15 11 tháng 5, 2018

      Giai cấp thống trị mới

      Do thực thi chủ nghĩa mác-xít, tuy không còn giai cấp tại Rumani, nhưng Lecaussin lại thấy hình thành nên một giai cấp mới. Đó là giới quan lại đỏ thống trị, đặc quyền đặc lợi. Họ được vào những cửa hàng mà dân đen bị cấm đoán, có được căng-tin riêng ở trụ sở Đảng. Chuyên chính vô sản đã chuyển đổi thành độc tài đảng trị và quan chức chuyên quyền.

      Việc hình sự hóa chủ nghĩa mác-xít đã được chứng tỏ tại tất cả châu lục, ở những nơi mà chủ thuyết này được áp dụng, vì chỉ có độc tài mới có thể thực hiện được. Hàng mấy chục triệu người đã chết do chủ nghĩa cộng sản, họ là nạn nhân của giải pháp cực đoan mà Marx đã thẳng thừng đề ra.

      Chưa hết. Theo Lecaussin, cần phải đọc những tác phẩm của Karl Marx. Ông tổ cộng sản còn muốn trừ khử « những bộ tộc đang hấp hối như người di-gan, người Korinthos (ở Hy Lạp), người Dalmatia (ở Croatia), vân vân ». Engels đòi hỏi tiêu diệt người Hungary. Tính thượng đẳng của người da trắng đối với Marx là một sự thật « mang tính khoa học ».

      Nhà kinh tế người Áo Ludwig Von Mises nhận diện mười biện pháp khẩn cấp do Marx đề ra trong « Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản » cũng nằm trong chương trình hành động của Hitler. Ông viết năm 1944 : « Tám trên mười điểm này đã được bọn quốc xã thực hiện, với mức độ triệt để mà Marx đã rao giảng ».

      Xóa
    2. CHỦ NGHĨA TƯ BẢN VẪN CHƯA GIÃY CHẾTlúc 13:16 11 tháng 5, 2018

      Tuy vậy, may thay, từ sau khi « Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản » và « Tư bản luận » được xuất bản, lịch sử đã tiến triển theo hướng khác hẳn lời « tiên tri » của Karl Marx. Chủ nghĩa tư bản không hề « giãy chết », và kinh tế thị trường là nền kinh tế duy nhất hoạt động tốt, là chế độ duy nhất đã giải phóng và làm giàu cho « giai cấp vô sản ».

      Tác giả Nicolas Lecaussin kết luận : Nếu Marx là người chính trực, thì đã nhận ra được điều đó ngay từ hồi ông còn sống. Từ năm 1818 khi Karl Marx được sinh ra, cho đến năm 1883 khi ông qua đời, lương công nhân đã tăng gấp đôi, và tổng sản phẩm nội địa tính trên đầu người tại Anh quốc tăng gấp ba !

      Ngày nay, tài sản trung bình của một người dân ở Rheinland (Marx sinh ra ở Trier, tức Trèves theo tiếng Pháp) cao gấp 20 lần so với năm 1818, tuy đã trải qua hai cuộc đại chiến ! Đó là nhờ chủ nghĩa tư bản.

      Theo Nicolas Lecaussin, Karl Marx đã hoàn toàn sai lầm. Tất cả những gì mà chủ thuyết của ông để lại, ở những nơi nó được áp dụng, là những trận địa hoang tàn và những xác chết.

      Nhà văn Guy Sorman trên Le Point cho rằng sai lầm lớn nhất của Karl Marx là không hình dung ra được chủ nghĩa tư bản sẽ sản sinh ra một tầng lớp trung lưu rộng lớn – không bóc lột ai, cũng không bị bóc lột. Giai cấp trung lưu này chiếm đến 90% dân số, nếu tính tổng cộng các nền kinh tế phát triển, khiến hai thái cực còn lại trở thành thiểu số.

      Những nhân vật hậu mác-xít như Lênin cố gắng mở rộng khái niệm đấu tranh giai cấp ở tầm mức toàn cầu, giữa các quốc gia bóc lột và các nước thuộc địa. Tuy nhiên theo Guy Sorman, lý thuyết này đã bị thực tế bác bỏ, vì các nước cựu thuộc địa, thông qua trao đổi quốc tế và phát triển tư bản của chính họ, lại phát sinh giai cấp trung lưu. Chính ở các Nhà nước tự nhận là cộng sản như Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cuba, mà giới quan chức đảng đã bóc lột và đàn áp nhân dân của mình.

      Xóa
    3. MARX SAU 200 NĂM VẪN GÂY TRANH CÃIlúc 13:17 11 tháng 5, 2018

      Marx sau 200 năm vẫn gây tranh cãi

      Tại Đức, quê hương của Karl Marx, các hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông diễn ra trong không khí bất đồng. Ở thành phố Trier (Trèves theo tiếng Pháp) nơi nhà triết học sinh ra, bức tượng Marx cao 5,5 mét do Trung Quốc tặng càng gây thêm bất mãn tại một đất nước từng bị chia đôi trong nhiều thập niên, và nạn đàn áp tại Đông Đức cộng sản vẫn còn để lại dấu ấn.

      AFP mô tả trong ngày kỷ niệm chính thức 5/5, rất nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra. Liên minh các nhóm nạn nhân của độc tài cộng sản phản đối việc dựng tượng, đảng cực hữu AfD – mà thành công lớn trong cuộc bầu cử Quốc Hội mới đây chủ yếu nhờ lá phiếu cử tri Đông Đức cũ – hô hào : « Đừng quên các nạn nhân của cộng sản. Hãy lật đổ tượng Marx ! ». Ngược lại, đảng Cộng Sản Đức và cánh tả xuống đường ủng hộ Marx, kêu gọi « Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại ! »

      Còn tại Trung Quốc, đất nước mang danh là cộng sản lớn nhất thế giới với 89 triệu đảng viên, chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố « Trung Quốc tiếp tục giương cao ngọn cờ mác-xít ». Ông Tập khuyến khích các đảng viên tập thói quen đọc sách của tác giả cuốn « Tuyên ngôn Đảng Cộng Sản ».

      Hãng tin Pháp ghi nhận thêm một nghịch lý : sau khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, Trung Quốc đã quay lưng với tư tưởng mao-ít, chạy theo kinh tế thị trường và nay đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới. Trung Quốc hiện có ít nhất 370 tỉ phú đô la, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, và bất bình đẳng ngày đào sâu giữa lớp người giàu có thành thị và « giai cấp » nông dân, thay vì một xã hội không giai cấp như Marx dự đoán.

      Xóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips