Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2018

Aung San Suu Kyi một biểu tượng đang chết dần

Bà Aung San Suu Kyi, lãnh tụ của Miến Điện và từng một thời là “con cưng” của cộng đồng đấu tranh nhân quyền quốc tế, vừa bị một tổ chức quan trọng tại Mỹ tước mất giải nhân quyền, liên quan đến các cuộc bạo động tại quốc gia của bà, chống người Hồi Giáo Rohingya.
Trong một lá thư gởi cho nhà lãnh đạo Miến Điện, bà Sara Bloomfield, giám đốc viện bảo tàng, xác quyết rằng họ “đưa ra quyết định này một cách nghiêm túc,” và bắt buộc phải hành động vì các lực lượng an ninh Miến Điện bị tố cáo xua đuổi và giết người Rohingya.
Trong khi ảnh hưởng chính trị của bà Aung San Suu Kyi ở Miến Điện bị giới hạn, vì phải chia sẻ quyền lực với giới quân đội, bà vẫn bị chỉ trích mạnh mẽ vì không có biện pháp mạnh hơn để ủng hộ người Rohingya bị ngược đãi, nhất là vị trí trên trường quốc tế của bà.

“Khi các cuộc tấn công của quân đội chống lại người Rohingya bị lộ ra trong năm 2016 và năm 2017, chúng tôi hy vọng rằng bà – một người mà chúng tôi và nhiều người khác coi là một nhà đấu tranh nhân quyền quốc tế – đáng lẽ phải làm một cái gì đó để chỉ trích và ngăn cản sự tàn ác của quân đội và bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với người Rohingya,” bà Bloomfield viết trong lá thư, đăng trên trang web của viện bảo tàng.
“Thay vào đó, đảng của bà Suu Kyi từ chối hợp tác với các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc, truyền bá những luận điệu chống cộng đồng người Rohingya, và từ chối cũng như ngăn chặn các nhà báo tìm cách đưa ra ánh sáng những tội ác đang được bao che tại tiểu bang Rakhine,” bà Bloomfield kết luận.
 
Hồi Tháng Mười Một năm ngoái, bà Suu Kyi cũng bị thành phố Oxford, Anh, tước mất giải thưởng Freedom of the City trao cho bà hồi năm 1997 vì bà “đã dám chống lại sự đàn áp và chế độ thiết quân luật tại Miến Điện.”
Bà Suu Kyi từng học cử nhân ở đại học Oxford University, nhưng hình của bà ở trường này nay đã bị lấy ra.
Giải thưởng Elie Wiesel Award là tên của một người Mỹ gốc Do Thái sinh ra ở Romania, sống sót trong cuộc diệt chủng Holocaust và, giống như bà Aung San Suu Kyi, cũng từng được giải Nobel Hòa Bình.
 Theo Independent của Anh, trên trang Change, đã có hơn 400.000 người ký tên đòi tước giải Nobel hòa bình của bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo đảng Liên minh quốc gia vì dân chủ Myanmar.
Theo Liên Hiệp Quốc, kể từ khi quân đội Miến Điện có các hành động mạnh tay bắt đầu từ Tháng Tám, 2017, có gần 700,000 người Rohingya ở tiểu bang Rakhine phải bỏ chạy sang các quốc gia láng giềng, chủ yếu là Bangladesh.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nói các cuộc bạo động đang diễn ra ở Miến Điện là thanh lọc chủng tộc. (Người Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips