Thứ Tư, 25 tháng 3, 2015

Lý Quang Diệu - Xếp vào mục nào?

Thế nào là một nhà độc tài, thế nào là một nhà dân chủ? Hình như ai cũng cho là mình biết câu trả lời, nhưng rất có thể sai đấy. Sự ra đi của lãnh tụ Singapore Lý Quang Diệu một lần nữa làm dấy lên cuộc tranh luận về “độc tài tốt”, “dân chủ tệ”, v.v... Dĩ nhiên Adolf Hitler, Joseph Stalin, Mao, v.v. là những kẻ độc tài, hệt như Saddam Hussein hay Hafez và Bashar al Assad. Nhà dân chủ thì nhiều lắm, cả số lượng lẫn chủng loại.
Lý Quang Diệu đón tiếp Đặng Tiểu Bình tại Sing năm 1978
Đặng Tiểu Bình cũng là một nhà độc tài, đúng không? Ông ta lên ngôi mà không hề được bầu. Ông cai trị bằng bàn tay sắt nhuốm máu. Ông tán đồng vụ thảm sát Thiên An Môn 1989.
Nhưng ông đưa Trung Hoa tới kinh tế thị trường và qua đó đem lại cho người dân sự cải thiện đáng kể về mức sống và tự do cá nhân. Chưa có ai trong lịch sử từng cải thiện cuộc sống cho chừng ấy người trong một thời gian ngắn (1979-1997) như Đặng - ít nhất thì đó cũng là lý do để coi ông là một trong những nhân vật vĩ đại nhất thế kỷ 20, cùng hàng với Winston Churchill và Franklin D. Roosevelt.
Sẽ không hẳn công bằng nếu ném Đặng vào cùng một xó với Saddam Hussein hay Husni Mubarak, những kẻ chưa hề đem lại lợi ích gì cho dân nước mình. Dù rằng cả ba chẳng được bầu lên một cách dân chủ và đều cai trị bằng nỗi sợ. Những sẽ khá nhuốm màu chủ nghĩa vị lợi nếu khen ông Đặng giúp được 100 người bằng cách giết 10 người.
Mấy hôm nay người ta nhìn về Singapore. Lý Quang Diệu cũng từng nổi tiếng chuyên quyền như Ben Ali ở Tunisia.

Bìa một tờ báo Mã Lai năm 1983 - Biếm họa Lý Quang Diệu như một con quỷ tả xung hữu đột, ăn tươi nuốt sống công nhân (Pekerja), chà đạp đàn áp phe đi lp (Pembangkang ) nn văn hóa dân tc thiu s (Kaum minoriti) và giáo dc Trung Quc (Pendidikan Cina)
Nhưng ông Lý đưa Singapore từ một xứ nghèo như đáy châu Phi 1960 lên hàng giàu nhất thế giới của năm 1990. Ông tạo ra một xã hội ganh đua lành mạnh, một bộ máy hành chính hiệu quả và quy hoạch mấy cây số vuông của ông ở tầm mẫu mực. Trong khi Ben Ali là một tay đồ tể thuần túy, chỉ biết vơ vét và cai trị bằng bộ máy mật vụ và tham nhũng.
Thử xem một số nhà dân chủ như Nawaz Sharif hay Benazir Bhutto là hai nhân vật thay nhau trị vì Pakistan hồi thập kỷ 90. Họ được dân bầu đấy.
Nhưng cả hai đều cai trị với một bộ máy dốt nát và tham lam, đẩy đất nước vào cảnh bất ổn và do đó mở đường cho giới quân sự lên nắm quyền. Nếu được chọn, có lẽ dân Pakistan không bầu mấy nhà dân chủ đó, thà rước ông vua Hussein (Jordan) hay Park Chung Hee (Hàn Quốc) về còn hơn, dù họ là nhà độc tài, nhưng độc tài một cách thông minh và phóng khoáng, ít nhất cũng đem lại no ấm cho dân.
Phải chăng đó là lý do để người ta nhắm mắt lờ đi bản chất độc tài của ông Lý? Vì nói cho cùng, nhiều người không cần gì hơn là đủ cơm ăn áo mặc, những khái niệm cao xa như “dân chủ” hay “xã hội dân sự” thì, xin lỗi, viển vông lắm, không làm no bụng được.
 Lý Quang Diệu qua góc nhìn của nữ họa sĩ trẻ Chan Shiuan
Lại phải quay về Sing. Đọc báo thì thấy người Sing tôn trọng nhưng không yêu mến cái vị “Cha già dân tộc” này một cách dữ dội và mù quáng như đám hàng xóm nhòm qua hàng rào.
Không ai quên một số công lao vĩ đại của ông, nhưng ngó vào bộ máy chuyên quyền của ông thì ngán tận cổ: trong Nghị viện đương nhiệm, di sản của ông Lý, có 87 ghế thì Đảng Nhân dân Hành động cầm quyền của ông chiếm 81, chừa lại vỏn vẹn 6 ghế cho Đảng Lao động đối lập. Nhiều ứng viên Đảng Nhân dân Hành động trơ trọi trên phiếu bầu vì… không có ai tranh cử.
Tôi đã học với nhiều sinh viên Chile nên để tâm theo dõi tình hình nước này. Nhắc đến Chile không thể không nhắc tên Augusto Pinochet.
Trong những năm thập niên 70 thế kỷ trước, chính quyền Pinochet tạo ra hơn một triệu chỗ làm việc mới, kinh tế Chile phát triển hai con số, tỉ lệ trẻ sơ sinh chết giảm từ 7,8 xuống 1,8%, số người nghèo từ 32% xuống 10%. Giống Sing đấy chứ. Đồng thời Pinochet cũng là tên đồ tể khét tiếng. Vậy xếp ông ta vào mục nào?
Túi đeo lưng có hình ông Lý
Và, xếp Validimir Putin vào mục nào? Và Johnnie Walker, xin lỗi, Boris Smirnoff, í nhầm, Boris Yeltsin?
Tôi dốt và bàng quan chính trị, chỉ đưa ra vài chi tiết để các bạn tham khảo trước khi bỏ một đống tiền ra mua vé bay qua Singapore để đưa ma thần tượng./LÊ QUANG
(*) Hơi lạc đề một chút, nhưng có bạn nào chưa biết trong chữ “chuyên chính vô sản” (dictatorship of the proletariat) có chữ “dictator” (độc tài) không?

3 nhận xét:

  1. Lý Quang Diệu, theo tôi, là một lãnh tụ chính trị sáng suốt, và ở một mức độ nhất định, đôi khi là độc đoán, nhưng ông không phải là một nhà độc tài.
    Vậy thì đâu là sự khác biệt giữa một nhà độc tài (hay một hệ thống độc tài) với một nhà chính trị (hoặc hệ thống chính trị) độc đoán sáng suốt?
    Theo tôi, có ba sự khác biệt căn bản sau đây.
    Thứ nhất, xét về sứ mệnh. Một nhà độc tài (hay một hệ thống độc tài) luôn tự huyễn hoặc mình bằng một ảo tưởng thần thánh về sứ mệnh. Ảo tưởng thần thánh là sự mê tín hay niềm tin mù quáng vào một cái gì đó siêu phàm, thoát ly hiện thực. Hitler cho rằng ông ta có sứ mệnh tạo ra một đế chế ngàn năm cho chủng tộc Arial. Polpot muốn khôi phục đế chế Khmer, còn Bắc Triều Tiên lại thêu dệt lên vô số huyền thoại thần thánh về nhà Kim. Hệ thống các nước XHCN đã miệt mài vẽ ra những bức tranh không tưởng về thiên đường cộng sản và các đại lãnh tụ siêu phàm, không bao giờ mắc sai lầm. Do ảo tưởng về sứ mệnh, các nhà độc tài (hay các hệ thống độc tài) này đã đẩy con người vào hết những sự điên rồ này đến sự điên rồ khác, hết sự dối trá này đến sự dối trá khác, và kết quả là họ tạo ra những xã hội bạo động, nghèo nàn và ngu muội.
    Lý Quang Diệu và hệ thống chính trị Singapore hoàn toàn khác. Nó không có bất kỳ ảo tưởng thần thánh nào. Nó duy lý, thẳng thắn, thực tế và luôn lấy thành công thực tế làm thước đo. Nó luôn nhấn mạnh đến sự khắc nghiệt của đời sống, rằng khả năng của con người là hữu hạn, và con người chỉ có thể xây dựng được một xã hội tốt đẹp bằng phẩm giá và sự chăm chỉ nỗ lực hàng ngày.
    Thứ hai, xét về tinh thần tôn trọng tri thức và pháp luật. Một nhà độc tài (hay một hệ thống độc tài) luôn ngồi xổm lên tri thức và pháp luật. Nó có thể đưa ra những chính sách phi lý, tùy tiện và quái gở đến mức một người có đầu óc lành mạnh không bao giờ có thể hình dung ra được. Hitler cấm giảng dạy thuyết tương đối vì đó là “vật lý Do Thái”. Hoa Quốc Phong ở Trung Quốc đưa ra học thuyết “phàm là” (“phàm là quyết sách của Mao Chủ tịch đưa ra, chúng ta đều kiên quyết ủng hộ; phàm là những tiêu chuẩn của Mao Chủ tịch, chúng ta trước sau đều tuân theo vô điều kiện). Chính quyền quân sự ở Miến Điện cho in các đồng tiền là bội số của 3 vì họ cho rằng đó là con số may mắn.
    Lý Quang Diệu và hệ thống chính trị Singapore hoàn toàn khác. Singpapore là đất nước có hệ thống giáo dục và nghiên cứu hàng đầu thế giới, nơi những người tài năng nhất được trọng dụng. Singapore cũng là đất nước nổi tiếng minh bạch, ít tham nhũng và có một hệ thống tư pháp hoàn hảo.
    Thứ ba, xét về năng lực phản tư. Các nhà độc tài (hoặc các hệ thống độc tài) thường không có khả năng phê phán. Nó thường tự lừa dối, huyễn hoặc, bóp méo hiện thực. Nó cũng không có khả năng đánh giá bản thân mình hoặc đất nước mình trong tương quan quốc tế. Các nhà độc tài (hoặc hệ thống độc tài), dù đang ngập chân trong hiện thực thối nát, vẫn luôn khoác lác rằng bản thân họ hoặc hệ thống chính trị của họ là tiến bộ nhất thế giới (như chúng ta đang thấy ở Bắc Triều Tiên), và các thế lực bên ngoài bêu xấu họ, chỉ vì “ghen tỵ” với thành tích (thối nát) của họ.
    Lý Quang Diệu và hệ thống chính trị Singapore hoàn toàn khác. Lý Quang Diệu luôn khâm phục người Mỹ và hệ thống chính trị Anh-Mỹ. Nhưng ông cho rằng, có sự khác biệt nhất định về văn hóa giữa Anh-Mỹ và Đông Á, do vậy Singapore không thể cứ rập khuôn hệ thống Anh-Mỹ mà thành công được.
    Lý Quang Diệu độc tài ư. Hãy xem ông nói gì?
    “Các bạn có thể lên mạng, có thể đăng tải quan điểm của mình, xuất bản tạp chí hay tờ báo của mình, không có gì cản trở các bạn. Nhưng nếu bạn bôi nhọ bất cứ điều gì, chúng tôi sẽ kiện bạn. Bất cứ điều gì sai sự thật và làm mất danh dự, chúng tôi sẽ khởi kiện”.
    Trong tình hình hiện nay, tôi cũng chỉ mong Việt Nam “độc tài” được như vậy mà thôi! Hãy mở cửa cho tự do tư tưởng, tự do nghiên cứu, tự do báo chí, tự do xuất bản. Nếu ai phát ngôn sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm cá nhân, tổ chức nào, hãy phân xử ở tòa!
    ĐINH BÁ ANH

    Trả lờiXóa
  2. Ông Lý Quang Diệu làm thủ tướng Singapore khoảng 31 năm. Ông Phạm Văn Đồng cũng làm thủ tướng [một phần và sau này toàn phần VN] được 32 năm. Nhưng hai người để lại những di sản rất khác nhau.
    Ông Lý đúng là một kiến quốc sư thật sự. Ông “hoán chuyển” một làng chài chỉ độ 100 dân nghèo khó và không có tài nguyên thành một quốc đảo giàu có, một trung tâm thương mại và trung chuyển quốc tế. Ông cầm lái “con thuyền Singapore” đi từ nghèo đói đến thịnh vượng, sang chế độ dân chủ [dù chỉ nửa vời], đến toàn cầu hoá. Ông không bao giờ tự xưng là "cha gia dân tộc", nhưng người dân Singapore xem ông như là một cha đẻ của Singapore hiện đại. Ông ra đi và để lại một Singapore đầy tự tin, xán lạn. Trên trường quốc tế, ông được hầu như tất cả các lãnh tụ quốc gia xem như là một “statesman” – chính khách. Người ta ca ngợi ông là người có viễn kiến sáng suốt, về tính quyết đoán, về cách nói trực tiếp và trong sáng, về trí thông minh, và tính dí dỏm của một người có học. Ông còn để lại những câu phát ngôn trứ danh, những phát ngôn mà thế giới sẽ còn nghiền ngẫm trong tương lai.
    Ông Phạm Văn Đồng sau hơn 30 năm làm thủ tướng và khi ra đi chẳng để lại một di sản gì đáng để xưng tụng. Suốt 30 năm làm thủ tướng hình như ông chẳng có dấu ấn gì đáng nói. Nước VN do ông lãnh đạo từ nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói. Ông để lại cái văn bản ngoại giao đầy tai tiếng và có thể nói là sẽ làm nhơ danh ông rất rất lâu. Ông chỉ được tiếng là người trong sạch và giản dị. Nhưng ông chẳng có những phát ngôn gì để có thể xem là "wisdom".
    Về qui mô, nói cho cùng, tôi nghĩ ông Lý là người chỉ tương đương với vai trò của một thị trưởng mà thôi. Nên nhớ rằng trong quá khứ, ông Lý Quang Diệu từng bị báo chí Nhà nước Việt Nam chửi như tát nước. Ông được cho đội đủ thứ “nón”: nào là tay sai đế quốc, là chống cộng, là chống nhân dân Việt Nam. Thế nhưng đùng một cái, Việt Nam “mặn nồng” với ông Lý Quang Diệu. Ông Võ Văn Kiệt từng mời ông Diệu làm cố vấn và cộng tác. Nhưng ông Lý từ chối, và nói rằng nếu không có Mĩ gật đầu thì VN vô phương phát triển. Ông Lý nói rằng Mĩ là chìa khoá, Mĩ là động cơ để phát triển. Ngay cả Tàu cũng phải ôm lấy Mĩ mà phát triển, thì VN không nên xem thường Mĩ.
    TUAN'S BLOG
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  3. Trung Quốc, Việt Nam đã bày tỏ sự ưa chuộng Lý Quang Diệu bằng một chính sách khả dĩ dung dưỡng nền độc tài. Họ đương nhiên bác bỏ các chuẩn mực phương Tây về dân chủ và kinh tế thị trường tự do, lựa chọn đường lối chủ nghĩa độc đoán có phần cải cách để cai trị.

    Điều mà họ đem ra chống đỡ với dư luận là nền dân chủ phải thích ứng với các giá trị Á đông và liên tục đe dọa rằng sẽ sụp đổ nếu họ trở thành một quốc gia có nền dân chủ.

    Với hơn 30 lần viếng thăm Trung quốc trong đời Lý Quang Diệu, người ta có thể thấy nhà cầm quyền Trung Quốc đã rất tài giỏi và tinh vi trong việc lựa chọn áp dụng mô hình Lý Quang Diệu cho quản lý xã hội, với chủ nghĩa thực dụng để phát triển kinh tế thương mại, bên cạnh đó lợi dụng ông như một bằng chứng thành công rực rỡ của việc đàn áp tự do và nhân quyền.

    Người ta không thể không nhận ra thủ đoạn áp dụng những mặt tối trong mô hình cai trị của Lý Quang Diệu tại Việt Nam hiện nay.

    Hiện tượng gia đình trị, thân hữu trị trong các tập đoàn quyền lực Việt Nam ngày càng phổ biến khi các nhà cầm quyền bằng mọi giá đã đưa con cháu thân tín vào những vị trí quyền lực quan trọng, chuẩn bị cho sự “nối ngôi” về sau.

    Mặc dù tôn sùng Lý Quang Diệu như một ông thánh, nhưng người Singapore đã nghĩ đến một sự chuyển đổi mô hình cho hợp thời đại, khi những người trẻ tuổi ý thức mạnh mẽ hơn về nhân quyền.

    Thủ tướng Lý Hiển Long đã nhận ra nguy cơ đó khi thu nhập bình quân đầu người của Singapore vẫn đang ở top đứng đầu thế giới:

    "Chúng ta đang ở ngã rẽ, cần thay đổi. Hiện nay chúng ta đang thành công, phồn vinh, nhưng không phải không tồn tại các vấn đề và đều cần phải giải quyết."

    Nhà cầm quyền hiện nay của Singapore đã nhận ra những điều bất cập này và đang gấp rút nghiên cứu cải cách thể chế.

    Nhưng nhiều nhà độc tài khác lại chỉ khai thác những hạn chế của mô hình này để làm bùa phép biện minh cho nền chính trị bất công và tàn bạo của họ.

    Khi mới lập quốc trong những năm 60 của thế kỷ 20, Thủ tướng Lý Quang Diệu từng nói “hy vọng một lúc nào đó Singapore sẽ phát triển giống như Sài Gòn”.

    Nửa thế kỷ sau, do thể chế xã hội chủ nghĩa và 'công tích' kìm hãm phát triển đất nước của những nhà cầm quyền Việt Nam, tổng thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người của Việt Nam năm 2013 đã thấp 56 lần so với Singapore (1.400 USD/đầu người Việt Nam, Singapore là 78.744 USD/người).

    Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 14/4/2014 cho biết, theo Báo cáo phát triển Việt Nam năm 2009, thì thu nhập của Việt Nam đã tụt hậu tới 158 năm so với Singapore và 95 năm so với Thái lan chứ chưa nói đến thời kinh tế suy thoái như hiện nay.

    Con đường của Singapore đã đi là con đường ngược lại với lý tưởng và thể chế cộng sản nên đã đem lại những kết quả hoàn toàn đối lập.
    VÕ THỊ HẢO

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips