Thứ Năm, 15 tháng 10, 2020

Đáng lẽ...

Một sản phụ ở xã Phong An, huyện Phong Điền có dấu hiệu trở dạ nên thuê thuyền đi sinh. Thuyền đi được một đoạn thì sản phụ bị rơi xuống nước và bị nước lũ cuốn trôi. Người chồng gào khóc tại hiện trường vụ việc.
Sao không đứng trong nhà mà trao nhỉ?

Suy nghĩ từ vụ cứu nạn ở thủy điện Rào Trăng 3

Đáng lẽ không bao giờ xảy ra vụ thủy điện Rào Trăng
Phái đoàn tìm kiếm công nhân mất tích lại tự mình… mất tích
Đáng lẽ chỉ cần vài chiếc trực thăng
Là việc cứu người trong sạt lở không rơi vào bi kịch

Đáng lẽ trẻ con vùng núi đến trường không đu dây qua sông như diễn xiếc
Người chồng đáng thương không phát điên khi vợ đi đẻ bị chìm xuồng
Đáng lẽ chỉ cần một chiếc cầu cho học sinh và một chiếc ca nô trong bão lũ
Là cuộc đời sẽ bớt những tang thương

Đáng lẽ những nhà hát, tượng đài, cổng chào ngàn tỉ xuống mồ chôn
Và được tái sinh bằng cầu cống giao thông, bằng trực thăng, bằng ca nô cứu nạn
Đáng lẽ những cuộc thi nhan sắc búp bê, thời trang, hoa hậu vô hồn
Được thay thế bằng những bộ sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư xứng đáng

Đáng lẽ con người sẽ chết không uổng mạng
Nếu bọn quan tham không vẽ mánh, moi tiền
Và đáng lẽ đất nước thoát gông cùm Đại Hán
Nếu bọn cõng rắn cắn gà nhà nhớ lại gốc Rồng Tiên …

BÙI CHÍ VINH 14-10-2020

1 nhận xét:

  1. Ông Nguyễn Văn Man (Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4), ông Nguyễn Hữu Hùng (Đại tá, Phó Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) cùng với 11 người khác vẫn còn mất tích. Sự kiện này chính là một ví dụ về nhận thức và khả năng ứng phó với thiên tai tại Việt Nam yếu kém tới mức đáng ngạc nhiên…

    ***

    Cả tuần sau khi gần như toàn bộ hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế chìm trong nước, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 mới thông báo thành lập Sở Chỉ huy Tiền phương để chỉ đạo các đơn vị quân đội trong vùng hỗ trợ chính quyền và dân chúng các địa phương bị lũ, lụt, ứng phó với lũ, lụt ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế.

    Sở Chỉ huy Tiền phương được thành lập vào chiều 11 tháng 10 với Chỉ huy trưởng là ông Man. Tờ Quân đội nhân dân loan tin này vào ngày hôm sau (12 tháng 10), kèm ảnh ông Man cùng với tùy tùng tặng… một thùng mì cho… một nạn nhân lũ lụt ở Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế (1).

    12 tháng 10 cũng là ngày chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế nhận được tin vừa xảy ra sạt lở ở Thủy điện Rào Trăng 3 và có hàng chục công nhân bị vùi lấp. Theo tờ Nhân Dân, đó là lý do ông Man, ông Hùng, ông Nguyễn Thanh Bình (Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế) cùng với 18 người khác khẩn trương lên rừng tìm kiếm, cứu nạn (2).

    Tờ Tuổi Trẻ cho biết Đoàn Tìm kiếm – Cứu nạn do ông Man làm Trưởng đoàn, khởi hành lúc hai giờ chiều 12 tháng 10, dự trù đi từ Huyện ủy Phong Điền đến Thủy điện Rào Trăng 3. Do đường ngập sâu trong nước, bốn giờ chiều, đoàn này phải bỏ xe và dự tính đi bộ đến hiện trường. Chín giờ tối 12 tháng 10, đoàn này đến Trạm Kiểm lâm Sông Bồ và quyết định dừng lại, nghỉ qua đêm. Khoảng 0 giờ ngày 13 tháng 10, sau một tiếng nổ lớn, đất, đá từ trên núi đổ xuống phủ kín Trạm Kiểm lâm Sông Bồ. May mắn là có tám người chạy thoát, trong số này có ông Nguyễn Thanh Bình. 13 người còn lại, trong đó có ông Man, ông Hùng mất tích (3)…

    ***

    Tổn thất nhân mạng dù bất kỳ là ai cũng đều đáng buồn và là điều đáng tiếc, song sự kiện Phó Tư lệnh Quân khu 4 kiêm Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy Tiền phương ứng phó với lũ lụt ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, cùng với Phó Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, lâm nạn với 11 người nữa, cho thấy, ngay cả khi xảy ra tình huống đặc biệt khẩn cấp (cứu những người đang bị vùi trong đất, đá), hoạt động cứu nạn tại Việt Nam vẫn nặng về… trình diễn, thiếu thực chất.

    Vì sao đề nghị cứu nạn gửi tới Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết rất rõ, đất, đá sạt lở đã vùi kín tòa nhà điều hành Thủy điện Rào Trăng 3, hàng chục người đang bị chôn sống mà Đoàn Tìm kiếm – Cứu nạn chỉ có 21 người và không hề mang theo phương tiện chuyên dụng?

    Làm sao tìm kiếm và cứu nạn khi đoàn chỉ toàn viên chức: Phó Tư lệnh Quân khu 4 kiêm Chỉ huy trưởng Sở Chỉ huy Tiền phương ứng phó với lũ lụt ở Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế. Phó Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Phó Chủ tịch tỉnh. Đại diện Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thừa – Thiên Huế. Lãnh đạo UBND huyện Phong Điền, Ban Chỉ huy quân sự huyện Phong Điền và một số cơ quan liên quan (4)… Thành phần như thế đến hiện trường tai nạn để tìm gì và cứu gì?..
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips