Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Xin em cúi mặt...

“Nếu anh có về khi tan chinh chiến
Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”

Câu hát khiến tôi xúc động. Sự xúc động đột ngột khiến tôi rùng mình.
Giọng hát nữ, nhưng tình ý lời ca là của người con trai lính chiến. Trước khi trở lại chiến trường cùng đồng đội, anh đã dặn dò người bạn gái, người yêu, hay người vợ chưa cưới của mình một lời nhẹ nhàng mà trong đó chứa đựng một điều hết sức lớn lao. Điều đó, hiện giờ ta thường gọi là “tính nhân văn.”

Nhớ hai câu thơ trong bài Lương Châu từ của nhà thơ Vương Hàn thời Thịnh Đường của nước Tàu xưa:
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!
(Bạn đừng cười ta say nằm lại ở sa trường
Xưa nay ra trận có được mấy người trở về đâu!)
Chẳng mấy người ra trận còn giữ được mạng sống trở về, thân nhân mình còn sống trở về là quý lắm, mình phải vui mừng, như sau này người ta kỷ niệm ngày chiến thắng phải giăng khẩu hiệu, treo cờ, bắn pháo hoa, hát vang bài ca “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng…” để rầm rộ ăn mừng chớ. Sao lại “xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em?”.


Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi! Xưa nay chinh chiến mấy ai về!
Chấm dứt chiến tranh ta còn sống trở về nhưng nhiều đồng đội của ta không còn cơ hội trở về nữa. Sự vui mừng lộ liễu của ta có khác gì rạch thêm nhiều nhát dao vào những vết thương lòng của thân nhân những đồng đội xấu số của ta. Họ không phải một hai người, mà hàng triệu người, kể cả hai bên, đã không về nữa từ chiến trường, từ các trại tập trung, từ rừng sâu biển cả. “Em nên cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”.
Em nên cúi mặt, vì giọt lệ mừng của em không chỉ làm đau xót thêm nỗi đau trong lòng thân nhân tử sĩ đối phương, mà cũng xát muối vào vết thương sâu muôn đời không lành của thân nhân đồng đội mình trên khắp nước nữa.
“Nếu anh có về khi tan chinh chiến
Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”
Một lần nữa, ngày 30/4 sắp trở lại. Trong khi hàng triệu người vui cũng có hàng triệu người buồn, “Xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em!”.
Thiếu Khanh (toàn bài)

2 nhận xét:

  1. Hôm nay, ngày 29/4/2020. Còn một ngày nữa tròn 45 năm!
    Trích điện thư (email) từ một người ở Việt Nam gửi qua: “Điều mà em chú ý là thế này: Có vô số điều em cứ nghĩ là mình đã biết, nhưng chỉ vài ngày sau đó mới nhận ra mình mới chỉ biết có một tý thôi; thậm chí có những việc em cứ tin là mình đúng, nhưng chỉ ít lâu sau lại xấu hổ, khám phá ra mình đã sai hoàn toàn, sai choe choét chòe choẹt…

    Thí dụ, đã có lúc em cũng nghĩ tên Giáo phận sẽ đơn giản là lấy tên của thành phố hay tỉnh, vì vậy cho nên khi tên Saigon được thay bằng tên HCM thì Giáo phận cũng phải thay tên? Thậm chí em đã đọc rất cẩn thận văn bản của HĐGMVN thì Giáo tỉnh vẫn là Saigon; nhưng lại là Tổng Giáo Phận Tp. HCM…”

    Tôi hồi đáp bức thư của người bạn tại Việt Nam, đại để như sau: Cám ơn bạn đã chuyển cho tôi thư bạn hồi đáp ý kiến của Lm NTH cũng như ý kiến của Ông TMD về một cái tên gọi… Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh hay Tổng Giáo phận Sài Gòn.

    Riêng tôi, hồi tháng 11/2019 cũng đã viết về đề tài này, nhưng không chia sẻ suy nghĩ và cái nhìn của mình với bất cứ ai ở trong nước [Việt Nam], kể cả với bạn, vì “suy nghĩ là suy nghĩ của tôi, cái nhìn là cái nhìn của tôi..”. chỉ là tương đối, thậm chí chủ quan, phiến diện, một chiều… “chân lý bên này núi Pyrénées không hề là chân lý của bên kia núi Pyrénées”.

    Tôi chấp nhận thân phận kẻ đầu hàng, bên thua trận, tù đày và trốn chạy… và là ngụy! Con cái tôi cũng là “lũ con của bọn ngụy ác ôn” mà bạn bè của chúng được chỉ thị phải “cực kỳ cảnh giác”. Cho nên, tôi dứt khoát không nhận mình là “ân nhân của cả hai phía” như bạn phán “những người đầu hàng là ân nhân của cả hai phía”.

    Trả lờiXóa
  2. Những ngày này, lá cờ đỏ đang treo tại nhiều tỉnh thành miền Nam, nơi từng là vùng lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hoà trước năm 1975.

    Ngày 30 tháng Tư đối với nhiều người Việt là ngày giải phóng miền Nam nhưng không ít coi đó là ngày Sài Gòn thất thủ để lại nhiều di hoạ về sau.

    Ngày càng nhiều người ở quốc gia có độ tuổi dưới 40 chiếm trên 50% hoài niệm về chế độ Việt Nam Cộng Hoà qua tranh ảnh, sách báo, phim tư liệu. Nhóm group, fanpage trên nền tảng Facebook với chủ đề miền nam, Sài Gòn xưa, thu hút lượng tương tác lớn. Hầu hết mang tâm lý tiếc nuối, thương xót về một miền Nam với nhiều chính sách tiến bộ.

    Nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn trong một nội dung trên BBC Tiếng Việt, ông đánh giá cao các thành tựu tri thức của miền Nam thời trước 1975 mà ông gọi đó là ‘những tinh hoa trong thực hành của văn hóa giáo dục miền Nam’ trong các lĩnh vực. Nhiều ngành khoa học pháp luật, xã hội đi trước cả miền Bắc. [https://bbc.in/357zGLs].

    Giáo dục khai phóng, thể chế trọng tự do vẫn là điểm thu hút sự ngưỡng mộ của không ít người khi nhìn về quá khứ. Đáng chú ý, những lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà như Dương Văn Minh, Nguyễn Cao Kỳ đang lùi dần, nhường chỗ cho anh em Tổng thống Ngô Đình Diệm và các tấm gương lãnh đạo Việt Nam Cộng Hoà thực học khác trong các lĩnh vực dân sự, quân sự được tôn xưng, thương tiếc trên mạng Facebook.

    Người già thường hồi tưởng nhưng ngày càng xuất hiện những người trẻ, những người chưa trải qua chiến tranh và xung đột lại quan tâm ngày nhiều hơn về chế độ miền Nam.

    Học sinh ở Việt Nam được học nhiều về cuộc chiến tranh mà sách giáo khoa ghi nhận là ‘chiến tranh chống Mỹ và bọn tay sai.’ Trong sách luôn đề cập đến số lượng lính địch bị bắt và giết, số vũ khí bị bên cách mạng tịch thu.

    Văn Đoàn, một sinh viên đại học, nói với tôi: tất cả những cuốn sách lịch sử do chính quyền viết, vì vậy chế độ cộng hoà miền nam luôn là một kẻ xấu xa, đáng bị trừng trị.

    Khi mạng xã hội phát triển, giới trẻ như Văn Đoàn bắt đầu tiếp xúc tư liệu nhiều hơn so với thời kỳ còn ngồi trong ghế nhà trường, và anh bắt đầu đánh giá lại di sản chế độ ‘nguỵ quân, nguỵ quyền’, một cách xỉ vả nặng nề mà nhà nước Việt Nam khi nói đến chế độ miền Nam trước năm 1975.

    “Tôi đã có cơ hội nhìn về hai phía, và kẻ chiến thắng có thể nói bất cứ điều gì họ muốn. Nhưng sự thật thời gian đã khiến giá trị khai phóng – nhân bản thời Việt Nam Cộng hoà được nhìn nhận lại ngày một nhiều.”

    Anh nói rằng đó cũng là một cách để anh và nhiều người ‘tỉnh ngộ trước khi quá muộn.’

    “Điều tuyệt vời nhất là miền Nam đã hưởng được sự tự do trong hoạt động chính trị, điều trở nên nguy hiểm hiện nay” – anh nói.

    Anh tự chế giễu: “Có lẽ tạo hoá trêu người dân Việt, họ đấu tranh để được tự do, hạnh phúc hơn, để giờ họ phải đi tìm lại.”

    30 tháng Tư trở thành ngày hoài niệm.

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips