Thứ Sáu, 8 tháng 11, 2019

Mẹ ơi! Con không muốn làm Việt kiều. Con muốn về nhà

Tôi nhặt được cụm từ “Kho Trời đã khoá” trong truyện ngắn (Chân Dung Một Cô Gái Việt Nam) của Tâm Thanh. Người kể chuyện tên Diễm, sinh ra tại Na Uy, và làm việc như một thông dịch viên (on call) cho sở cảnh sát di trú tại thủ đô Oslo. Nhân vật chính tên Vân, bị bắt giữ về tội ăn cắp và nhập cư bấ́t hợp pháp. Đoạn kết như sau:

“Xin cô nghe đây,” cô cảnh sát mở đề cho một cuộc thẩm vấn cuối cùng. “Cô không đủ lý do xin tị nạn, cộng thêm việc phạm pháp, cô không có con đường nào khác ngoài đường trở về nơi cô đã ra đi.”
“Thế thì trả tôi về Ðức.”“Tại sao lại Ðức? Cô đi từ Việt Nam mà!”
“Tôi từ bên Ðức sang...”
“Trong hai lần thẩm vấn trước đây cô nói từ Việt Nam, đi bộ sang Trung Quốc rồi sang Nga. Bây giờ lại nói từ Ðức sang. Lời nào là thật?”
“Cái thai lày của một thằng Ðức”.
“Nhiều lần chúng tôi đã hỏi cha của thai nhi là ai, cô đều nói là không biết.”
“Không biết... thật đấy. Nói chung đêm không thấy mặt”.
“Dù cô không biết gì hết, không biết mặt người ngủ chung, không biết mình là ai, không biết cha mẹ là ai, không biết từ đâu tới, chúng tôi vẫn có cách tìm ra cô là ai. Và chúng tôi sẽ liên lạc với tòa đại sứ Việt Nam cấp giấy cho cô về Việt Nam”.
Lói thật cũng chết, lói dối cũng chết...” người tù nói nhanh, rồi lại vội nói “Chị đừng dịch cho nghe nhá!”
“Cô ấy nói gì?” thấy Diễm không dịch câu nói của người đối thoại, cô cảnh sát hỏi.
“Cô ấy đổi ý, không muốn tôi dịch câu vừa nói.
Cô cảnh sát nhỏ giọng nói với người đàn bà mang thai: “Xin cô cộng tác với chúng tôi để tiến hành cho sớm việc hồi hương…
Người mẹ đặt cả hai tay lên bụng, cúi xuống lẩm bẩm: “Con tôi sinh trong tù à?”
Diễm cảm thấy xót xa trong lòng… Diễm nghĩ đến thân phận chính mình - sở dĩ mình sống nhởn nhơ được, buổi sáng đứng bán nhà thuốc tây, buổi chiều đi nhảy aerobic, lâu lâu đi thông dịch lấy ngoại tài mua son phấn không cần ăn cắp... là vì cha mẹ mình đã chọn được con đường đúng ý nguyện: tới một nơi có thể lương thiện mà sống được.
Không, không phải cha mẹ chọn. Ðó là Trời ban. Ba chục năm nay, bây giờ ‘Kho Trời’ đã khóa. Nếu cha mẹ nàng chậm chân, không chừng giờ này Diễm cũng là một người mở miệng bằng câu không biết, và không từ làm bất cứ việc gì để sinh tồn.
Chinh Nguyen, father of Nguyen Phan Thang, a suspected victim of 39 deaths in a truck container in UK, cries at his home in Ha Tinh province
So với lúc “Kho Trời chưa khoá” thì tình hiện trạng của bà Vân, xem chừng, khắc nghiệt hơn hồi “ba chục năm” xưa nhiều lắm. Ở thời điểm đó, khi miền Nam vừa “được hoàn toàn giải phóng,” những cô gái ở vùng đất này đều có lời giao ước (rõ ràng) trước khi thuyền ra cửa biển: “Một là con nuôi má, hai là con nuôi cá, ba là má nuôi con.” 
Bây giờ thì thân mẫu của bà Vân, nếu có, phải đi thăm nuôi cả con lẫn cháu vì tội vượt biên trái phép. Đứa cháu mà chính mẹ nó cũng không biết “thằng bố” là ai vì “nói chung nà đêm không thấy mặt.” Tình cảnh của bà Vân, tuy vậy, vẫn chưa đến nỗi nào – so với nhiều người đồng hương khác – theo tường thuật của nhà báo Vũ Ngọc Yên: “Vào ngày 23.10.2019 một thông tin chấn động thế giới khi chiếc xe container chở hàng chứa 39 thi thể người nhập cư bị phát hiện ở Essex, miền Đông Anh, cách thủ đô London 30km. Nhiều thông tấn xã quốc tế loan tin trong số nạn nhân có người Việt Nam.”
Hai hôm sau, 10/25/19, blogger Nguyễn Hữu Vinh (RFA) cho biết thêm chi tiết: “Khi việc điều tra của cảnh sát Anh chưa chấm dứt, thì trên mạng rộ lên thông tin về một tin nhắn của một cô gái nhắn về cho mẹ tại Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh. Cô gái cho biết tên là Phạm Thị Trà My, ở số nhà 1, Ngõ 2, Đường Đặng Dung, Thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Tỉnh Hà Tĩnh. Trong tin nhắn mà gia đình nhận được, cô gái nói rằng: ‘Con đi nước ngoài không thành, con thương bố mẹ nhiều. Con chết vì không thở được…”
Lời cuối của cô Phạm Thị Trà My lại khiến tôi nhớ đến một mẩu đối thoại (giữa hai người Việt đồng cảnh, từ hai phòng giam sát cạnh nhau, tại một nhà tù nào đó ở Âu Châu) trong một truyện ngắn khác của Tâm Thanh:

Tuyết ho, tôi xót ruột. Ho xong, nó nói:“Em mơ còn nằm trong cái xe thùng chở em sang đây. Ðứa con gái nằm ngay bên cạnh em chết ngạt.”
“Chết!?”
“Chết. Bị nhốt trong thùng xe hai ngày hai đêm. Khi bọn đầu gấu mở cửa xe ra, thấy bốn người chết từ bao giờ. Con ấy thân với em nhất. Chúng em đã từng chia phiên nhau kề mũi vào cái lỗ nhỏ để thở.
Thương hại nó hay nhường cho em thở lâu hơn. Dọc đường nó cứ đòi về, không muốn đi nữa. Nhưng em biết về thế nào được với bọn đường dây. Nó mà sống sót cũng bị đường dây hành tới chết về cái tội đòi về... Anh có nghe không đấy?”
“Nghe rõ cả.”
“Nó nói khổ đều quanh năm chịu được, dồn vào một ngày thì chết. Anh nghĩ có đúng không?”
“Chắc đúng.”“Mẹ nó bán ruộng, bán vườn để chung tiền cho nó đi, cứ mong nó mang đôla về chuộc đất, xây nhà như những người có thân nhân Việt kiều. Bây giờ nó chết, chưa kịp nhìn thấy tờ đôla xanh. Trước khi chết nó tựa vai em lầm bầm 'Mẹ ơi! Con không muốn làm Việt kiều. Con muốn về nhà. Con muốn cơ cực ở nhà với mẹ suốt đời.' Giọng nó như đứa trẻ con ba tuổi.”
(“Người Rơm” – Diễn Đàn Thế Kỷ 1/7/2010).
Tâm Thanh qua đời ngày 9 tháng 4 năm 2015. Trước đó một năm, hôm 3 tháng 5 năm 2014, thân hữu tại Oslo đã tổ chức Ngày Văn Hóa Việt Nam để vinh danh những tác phẩm của ông. Bức thư ngắn ngủi ông gửi đi trong ngày hôm đó có đoạn sau: “Tôi đang nằm bệnh viện khi viết những dòng này. Vâng, tôi bị ung thư tụy tạng trong thời ký tái phát. Từ hơn năm nay trên giường bệnh, tôi chỉ có một nỗ lực duy nhất: trở thành trẻ thơ để trở về với Thượng Đế. Tuy nhiên đôi khi tôi cũng suy nghĩ một chút về việc viết lách. Xin cho phép tôi nói ra tiêu chí văn chương của mình: Bản chất văn chương là hư cấu. Khi viết tôi bịa đặt hoàn toàn; nhưng khi sống, tôi ráng không phản bội những điều mình viết, dù một chữ…”
Cái chất “hư cấu” trong văn chương của Tâm Thanh khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Ông dự liệu được cái thảm hoạ mà đồng bào của mình sẽ bị gánh chịu: “Anh giúp chúng ta hiểu đời hơn, báo trước cho chúng ta những bất trắc, những ngộ nhận, những mất mát không thể tránh khỏi trong đời sống, nghĩa là giúp chúng ta biết vui mà không mù quáng, cũng như biết buồn mà không bi lụy.” Nhà văn Nguyễn Mộng Giác đã viết như thế về tác phẩm của Tâm Thanh, trước khi cả hai ông (đều) đi về cõi vĩnh hằng.

1 nhận xét:

  1. Hôm qua đã vào tiết “Lập Đông”, nắng Thu đã nhạt trên những hàng phong trơ xương lá, cái lạnh đã len qua áo khoác vào tận trong ngực. Tôi đi bộ qua cánh đồng bí đỏ. Cánh đồng đẫm sương, xơ xác vài quả bí còn sót lại, lăn lóc cô đơn lẫn trong đám lá nâu xậm dưới sương lạnh cuối thu. Cả khu vườn đang rã mục.

    Tôi co ro, cho hai tay vào túi áo, đi rảo bước cho người ấm lên, qua khúc rẽ, cánh đồng như rộng hẳn lên, Những trái bí bỏ lại nhiều hơn và đặc biệt nhiều “Người Rơm” hơn.

    Ở Việt Nam gọi “Người Rơm” là Bù Nhìn. Nếu về một làng quê vào những ngày gieo mạ, hay bắt đầu rắc hạt giống trên những cánh đồng người ta hay đặt Bù Nhìn, để dọa chim chóc tới ăn hạt mầm vừa gieo xuống. Người Bù Nhìn này chỉ là hai cái gậy tre, cái dài làm thân, cái ngắn là hai tay dang ra, rồi đóng xuống đất, trên nóc chiếc gậy dài, được đội một chiếc nón rách, đeo thêm hai cái lon sắt vào hai cánh tay, để có thể phát ra tiếng động khi gió tới, thế là xong một anh “Bù Nhìn”. Chim chóc cứ tưởng đó là một con người, không dám xà xuống ăn hạt mầm.

    Ở nước Mỹ, nơi tôi sinh sống, người ta gọi người giả canh vườn này là Scare Crow. Tức là người dọa chim chóc vào vườn. Những anh Scare Crow này được bện bằng rơm và mặc những chiếc áo may bằng vải bố hoặc được mặc bộ quần áo cũ rách của một nhà nông (Farmer). Đôi khi có quần jean, có nón đội, có sơ mi cũ của chủ nhân ngôi vườn mặc cho, họ còn vẽ, hoặc gắn ngũ cốc lên mặt làm mắt mũi, nên trông rất dễ thương.

    Những người Rơm trên cánh đồng bí đỏ tôi đang đi ngang qua thì đang xiêu vẹo đổ xuống vì đã hết mùa gặt hái. Người thì mất tay, người thì mất đầu, quần áo tơi tả, người thì nằm sõng soài trên mặt đất mục nát. Họ thật sự là Rơm, không có cái tên nào khác, khi thời tiết thay đổi thì họ sẽ rơi xuống những cánh đồng này.

    Người Anh gọi Bù Nhìn là: Straw man (người Rơm), là Fake (Giả) là Puppet (người Múa rối ) vì bề ngoài giống chứ bên trong không phải thật.

    Cả 3 định nghĩa này cũng được thường dùng cho các tổ chức, chính phủ, con người, có hình thức bên ngoài như thật nhưng bên trong không thật.

    Tôi đi qua cánh đồng bí đỏ cuối mùa thu nghĩ tới 39 người Việt Nam, nằm chồng chất cong queo chết trong cái thùng sắt ở bên nước Anh.

    Những con người bằng xương, bằng thịt, được mẹ cha sinh ra, có gia đình có quê hương, có ngôn ngữ, bỗng một sáng một chiều, bước chân sang một phần đất khác chấp nhận cho người lạ lấy hết tất cả, xóa sổ đời mình, trở thành “Sống vô gia cư, chết vô địa táng”.

    Những người đã chấp nhận sống không quốc tịch, chết không được chôn, gửi đời mình vào cuộc xổ số tử sinh. Người Anh gọi những người đó là “Người Rơm” để phân biệt với “Người Thật” có quốc tịch, có ngày sinh tháng đẻ.

    Ngoài những nạn nhân chúng ta mới biết đây, bao nhiêu người Rơm Việt Nam khác, chết trong những cánh rừng Âu Châu không được biết đến, vì họ không còn bất cứ một hình ảnh, giấy tờ nào chứng minh về xuất xứ của mình. Họ không được trở về dù trong những chiếc hòm sắt đông lạnh.

    Những cọng Rơm đáng thương đó có sinh quán, có xuất xứ chứ, nhưng các hộ chiếu, hình ảnh bị vứt ngay khi bước chân ra khỏi Việt Nam.

    Giống như những người Bù Nhìn trên ruộng lúa Việt Nam, mục nát ngay dưới chân mình.

    Sáng nay ngày 8 tháng 11 năm 2019, nước Anh đã đưa ra danh sách 39 Người Rơm chết đông lạnh trong hòm sắt. Người lớn tuổi nhất 44 và nhỏ nhất là một thiếu niên mới 15 tuổi.

    Cái chết của những con người làm bằng những cọng rơm làm cả thế giới rùng mình.

    Nước Việt Nam của tôi luôn luôn làm thế giới rùng mình vì những điều vượt qua trí tưởng tượng của lương tâm, đạo đức bình thường.
    TRẦN MỘNG TÚ

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips