Thứ Năm, 26 tháng 5, 2016

Kịch sĩ Obama và vai diễn trong chuyến quá cảnh VN

Tại thủ đô có bốn triệu dân của một quốc gia trước đây từng là địch thủ đã đánh cho Mỹ cút, việc tổng thống Mỹ thong dong đi nhậu như một thường dân là một sự dàn dựng. Miếng ăn trị giá có sáu Mỹ kim, lại do Anthony Bourdain thanh toán như ông ta đã khoe.
Phần tốn kém khác thì khó ai biết...
Việc bảo vệ một yếu nhân có ảnh hưởng nhất thế giới vì lãnh đạo siêu cường toàn cầu là bài toán đau đầu cho các cận vệ Mỹ lẫn cơ quan an ninh của Việt Nam.
Khu phố đã được rà soát từ nhiều ngày trước và tối đó các ngôi nhà chung quanh được lệnh đóng cửa bớt đèn ở tầng trên để phòng ngừa. Thực đơn, nước uống, bát đĩa hay đũa ăn đều được chuẩn bị và kiểm soát từng chút. Vị trí bàn ăn và các “thực khách” ngẫu nhiên ngồi quanh đều được bố trí kỹ lưỡng để có hình ảnh bắt mắt cho ống kính của nhiếp ảnh gia chính thức của Tòa Bạch Cung. Kể cả mẫu giấy gói đũa màu đỏ nằm chơ vơ dưới chân tổng thống cũng là một cách điểm xuyết sắc thái “bình dân” của nhà hàng...
Show truyền hình thực tế này sẽ phát trên CNN tháng 9/2016
Ngay sau khi tổng thống Mỹ thưởng thức xong miếng ngon và thức uống Hà Nội trước ống kính, tất cả những gì ông chạm tới trong tiệm đều được cơ quan Mật Vụ (Secret Service) của Mỹ thu hồi và xử lý, để không một tế bào hay DNA nào của ông có thể lọt ra ngoài, vào tay ai khác. Đấy chỉ là nghiệp vụ thông thường và dễ hiểu của mọi sở bảo vệ yếu nhân của một cường quốc, huống hồ là cường quốc Hoa Kỳ. Ông Obama cũng gián tiếp xác nhận đặc tính thận trọng ấy khi ra ngoài bắt tay những người ngưỡng mộ và kín đáo tháo nhẫn cưới bỏ vào túi. Ông ta không chỉ ngại trộm cắp...
Obama bái Ngọc Hoàng tại chùa tàu Saigon
Nhưng vì sao tổng thống Hoa Kỳ lại phải mất công như vậy? Vì ông muốn chứng tỏ là người bình dị, bậc lãnh đạo một cường quốc dễ thương. Thế thôi!
Nhu cầu chứng tỏ một điều gì đó là đặc tính của mọi chính khách, nhất là chính khách của một xã hội khoái biểu dương như Hoa Kỳ.
Là chính khách đảng Dân Chủ, Barack Obama được hai thành phần chủ yếu bầu lên năm 2008 và bầu lại năm 2012: người Mỹ da trắng, khá giả và có học tại thành phố cùng các nhóm thiểu số da màu. Ông phản ảnh rõ đặc tính ấy của thành phần cử tri đã dồn phiếu cho mình: dân da trắng điệu nghệ, thích thăm thú nơi xa lạ, tìm ra qua phương tiện thông tin hiện đại, và sống hòa mình với thiên hạ một cách an toàn và mang đầy vẻ bình dân với các sắc tộc khác. Rất dễ thương, kiểu Mỹ có tiền.
Vừa nhậm chức, Obama đã được giải Nobel Hòa Bình năm 2009 sau khi trình bày với thiên hạ đặc tính khiêm nhượng của một nước Mỹ chẳng có gì là xuất chúng. Khi tranh cử, ông cũng hứa hẹn sẽ triệt thoái khỏi hai chiến trường Iraq và Afghanistan để cải tạo xã hội ở nhà, v.v...
Nhưng sắp hết hai nhiệm kỳ, ông vẫn chưa thể rút hết quân khỏi Trung Đông, lại còn mở rộng chiến tranh qua Libya và triệt để sử dụng máy bay tự động để ám sát các lãnh tụ khủng bố, thành tích mới nhất là bắn chết thủ lãnh Mullah Mohammad Mansour của lực lượng Taliban.

Nghịch lý ấy giải thích hai chuyện trái ngược: Hoa Kỳ là một đế quốc đáng sợ trong khi ông Obama muốn tạo ra hình ảnh của một nước Mỹ đáng yêu. Vì đáng yêu nên lãnh tụ có thể chà lết trong quán cóc như mọi người bình thường trên đời. Nhưng dưới tay lãnh tụ vẫn là sức mạnh rợn mình của một đế quốc đang chế ngự hai đại dương lớn nhất địa cầu.../-Bài gốc: Đế quốc dễ thương

5 nhận xét:

  1. Trái với chuyến đi thăm VN, nơi người dân Saigon đón tiếp ông một cách nồng hậu, chuyến đi thăm Nhật của TT Hoa Kỳ chưa gì đã có dấu hiệu sóng gió, khi Thủ Tướng Nhật Shinzo Abe giận dữ bình luận về cái chết của một phụ nữ Nhật.

    Người phụ nữ này đã bị một nhân viên Hoa Kỳ đang làm việc ở Nhật giết chết. Chỉ vài giờ sau khi TT Obama đến Nhật, trong một cuộc họp báo, Thủ Tướng Abe đã nói thẳng với ông Obama ‘nỗi tức giận to lớn của ông đối với vụ giết người đáng khinh bỉ ở Okinawa’

    Một cựu Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ làm việc cho một căn cứ Mỹ ở Okinawa đã bị bắt trong tuần qua do bị tố giác là thủ phạm, Ông Abe nói ‘ông dành gần như hết thì giờ đón ông Obama để nói về trường hợp này’

    Các nhà quan sát cho là vụ này sẽ phủ bóng mây lên lịch trình làm việc của TT Obama ở Nhật, vốn bao gồm Hội Nghị Thượng Đỉnh G7 và chuyến viếng thăm lịch sử đến thành phố bị bỏ bom nguyên tử Hiroshima.

    TT Obama thừa nhận ‘vụ sát nhân đã làm rúng động dân chúng Nhật Bản và Okinawa và hứa chính phủ Hoa Kỳ sẽ cộng tác tối đa với chính phủ Nhật điều tra vụ này’

    Ông Obama cũng chia buồn và nói lên nỗi ân hận sâu xa của mình với TT Abe. Ông nói: “Chúng tôi xem vụ này là không sao tha thứ được và cam kết sẽ làm bất cứ điều gì trong khả năng nhằm ngăn chận loại tội ác này tái diễn’

    Trả lờiXóa
  2. Khi ba chuyến bay C17 chở những chuyến hàng tốn kém cho một siêu cường công du VN, những chuyến xe mà VN gọi "xe khùng" xuất hiện tại Hà nội cũng như Sài Gòn nó mang tính biểu tượng cho một siêu cường. Nhìn chung người dân VN hân hoan chào đón biểu tượng này với bao niềm hi vọng. Khi ông Obama ban hành ngay lệnh dở bỏ vũ khí nó cũng biểu tượng cho sự bang giao mới Mỹ-Việt đang gia tăng. Những khi ông Obama ăn "bún" trong một tiệm bình dân tại Hà nội và ngay cả cho 'cá ăn" trong 'hồ Bác" và ngay cả những hành động tại Sài Gòn đều mang tính biểu tượng cho cá tính thân thiện và bình dân cho ông.

    Cuối cùng vấn đề phục vụ cho một di sản cho ông Obama trước khi ông chính thức rời Toà bạch Ốc, di sản này sẽ sâu đậm thêm nếu ông Obama thành công được TPP qua QH Mỹ để đặt bút ký ngay trước khi rời Toà bạch Ốc đầu năm 2017.

    Tiếc rằng, cái trong di sản này của ông Obama (hay cũng như hai tt trước là Bill Clinton, George W. Bush khi sang thăm VN) lại thiếu một thứ mà dân tộc VN đang cần và rất cần là giúp cho VN cải thiện dân quyền và nhân quyền.

    Hi vọng từ vấn đề này các nhà đấu tranh cho nhân quyền dân chủ VN, người dân VN sẽ rút ra được một bài học cũng như một nguyên lý đúng đắn nhất:

    Dân chủ và Nhân quyền là những "sản phẩm" do chính tay chúng ta, từ công sức chúng ta tạo thành, thật sự không do ai mang lại cho chúng ta cả.
    ĐINH HOA LƯ

    Trả lờiXóa
  3. Tôi cũng như nhiều người Việt Nam khác, mong chờ chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Việt Nam. Vì Obama là hiện thân giá trị Mỹ, là hiện thân những giá trị bình dị, tự nhiên, thiết thực của cuộc sống, của con người, những giá trị dân chủ và quyền con người mà người dân Việt Nam đang thiếu hụt, đang khát khao. Sự mong chờ đó như người đang đi trong đêm tối mong chờ một nguồn sáng.

    Obama đến Việt Nam không phải chỉ là sự kiện chính trị của đất nước Việt Nam mà còn là sự kiện tình cảm trong mọi trái tim Việt Nam. Ông đi đến đâu, thành phố nghiêng ngả, lòng người nghiêng ngả, trái tim rạo rực ở đó.

    Ông đọc thơ Lý Thường Kiệt gợi nhớ không gian hùng tráng của lịch sử Việt Nam: Núi sông nước Nam vua Nam ở / Rành rành định phận tại sách Trời.

    Ông nhắc đến lời hát trong bài hát của nhạc sĩ tài hoa mà khốn khổ vì cộng sản, nhạc sĩ Văn Cao. Lời hát về tình thương yêu của một dân tộc chỉ có thể tồn tại bằng thương yêu đùm bọc: Từ nay người biết yêu người. Từ nay người biết thương người.

    Ông nói về lòng tin còn lại trao nhau sau những đổ vỡ mất mát bằng câu Kiều rưng rưng: Rằng trăm năm cũng từ đây / Của tin gọi một chút này làm ghi.

    Uyên bác, lịch lãm và tinh tế, một chính khách lớn làm chính trị bằng văn hóa, bằng giá trị nhân văn chứ không làm chính trị bằng trò lừa dối và sức mạnh bạo lực. Một người như vậy làm sao không mong chờ.

    Nhưng khi con người được mong chờ đó có mặt ở Việt Nam thì tôi lại muốn con người đó nhanh chóng rời khỏi Việt Nam. Vì trong những ngày con người là hiện thân của giá trị dân chủ và quyền con người có mặt ở Việt Nam thì tôi lại bị tước đoạt quyền con người cơ bản nhất là quyền tự do đi lại. An ninh nhà nước cộng sản Việt Nam rải quân chốt chặn trước nhà tôi từ sáng đến khuya không cho tôi ra khỏi nhà. Không chỉ riệng tôi, tất cả những người sống ở Hà Nội và Sài Gòn nói tiếng nói khát vọng tự do dân chủ và quyền con người đều chung thân phận như tôi, đều bị an ninh nhà nước cộng sản cầm tù tại nhà.

    Một nguồn sáng rọi vào nơi tăm tối thì vùng tối ở cạnh nguồn sáng là nơi tăm tối dày đặc nhất. Trong những ngày nguồn sáng Obama đến Việt Nam, chúng tôi đã phải sống trong ngột ngạt tối tăm đậm đặc như vậy.
    PHẠM ĐÌNH TRỌNG

    Trả lờiXóa
  4. Các thực khách hoàn toàn ý thức về sự hiện diện của TT Hoa Kỳ và đầu bếp nổi tiếng, bởi sự xuất hiện của nhân viên an ninh, phóng viên ảnh và công nhân truyền hình. Đáng yêu biết bao những thực khách vờ như không biết ai ngồi tại bàn gần bên họ. Đám đông bên ngoài tiệm ăn không tự chế đuợc như thế.
    SOFIA PERPUTUA

    Trả lờiXóa
  5. Không rõ, sau khi Obama rời Việt Nam, có ai đang lặng lẽ ngồi đọc những bài viết của anh Trần Huỳnh Duy Thức (những lá thư gửi từ trong tù ra và những entries post trên blog Trần Đông Chấn trước khi anh bị bắt – vẫn còn tồn tại và vẫn còn giá trị).
    Nên nhớ, bài diễn văn của Obama được viết bởi một speech writer chuyên nghiệp với sự cố vấn của những người am hiểu Việt – Mỹ nhất; trong khi những bài viết của Trần Huỳnh Duy Thức là của chính anh, của một người Việt Nam yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì đất nước.

    Cho dù, theo nguồn tin của tôi, các cuộc đàm phán vì tự do của anh Trần Huỳnh Duy Thức đang có tiến triển tốt, chúng ta cũng nên cảm thấy xấu hổ khi phải để một tổng thống nước ngoài nhắc nhở rằng, “tương lai của Việt Nam phải do người Việt Nam định đoạt”. Hãy lắng nghe nhau, hãy đứng bên nhau, thúc đẩy sự thay đổi của đất nước bằng những bước đi cần thiết trong tinh thần trách nhiệm nhất.

    Chúng ta phải hướng tới những giá trị phổ quát mà loài người đã và đang đạt được nhưng chúng ta không thể trông đợi vào ai ngoài chính mình. Chúng ta có thể cảm kích trước những gì mà Obama đã nói, đã làm ở VN nhưng nếu chúng ta say sưa với Obama mà quên những đồng bào của chính mình đã nói và đã làm những điều tương tự và đang phải trả giá thì những gì chúng ta nhận được từ Obama chỉ có giá trị như một show diễn. “Cọc nhổ đi rồi, lỗ bỏ không”.
    HUY ĐỨC

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips