Thứ Ba, 17 tháng 5, 2016

FireChat ứng dụng liên lạc không thể thiếu...

FireChat là phần mềm không sử dụng Wifi hay sóng điện thoại mà vẫn gửi được tin nhắn. Đây là phần mềm giúp cho cuộc biểu tình vừa qua tại Hồng Kông diễn ra hiệu quả mà thông tin không bị rò rỉ.
FireChat cho phép người dùng gửi và nhận tin nhắn trong tình trạng không hề có sóng điện thoại hoặc mạng Internet, dựa vào công nghệ mạng hình lưới vô tuyến không dây “mesh networking”.

Nói một cách đơn giản, mạng lưới không dây này “nối dây xích” các điện thoại với nhau, và nó sẽ giúp người sử dụng liên lạc bằng cách đẩy tin nhắn từ điện thoại của họ sang điện thoại khác đã cài sẵn FireChat (trong phạm vi 64 mét), và lại đẩy tin nhắn đó đến điện thoại khác, qua WiFi hoặc Bluetooth.
Nếu không có kết nối nào ở gần bạn, tin nhắn sẽ được lưu trữ đến lúc nó có thể được gửi đi. Không cần phải lo lắng: các tin nhắn sẽ được mã hoá nên chỉ có người nhận mới có thể đọc được. Tin nhắn sẽ “nhảy” từ máy này sang máy khác cho tới lúc nó đến được điện thoại của người nhận.
Dựa vào cách mà FireChat hoạt động, càng nhiều người cài đặt phần mềm này thì việc gửi tin nhắn sẽ dễ dàng hơn. Theo Skift, chỉ có khoảng 5 triệu người trên thế giới sử dụng FireChat, nhưng người sáng chế ra phần mềm này cho biết chỉ cần 5% dân số trong thành phố có cài đặt FireChat, các tin nhắn sẽ có thể được gửi trong khoảng 10 phút.
Lúc mới ra mắt, mục đích của ứng dụng này là để giúp mọi người liên lạc với nhau tại các sự kiện đông đúc. Tuy vậy, FireChat đã trở nên rất phổ biến ở I-rắc vào năm ngoái khi mà nước này bị hạn chế lưu lượng sử dụng Internet, và nó cũng trở thành ứng dụng liên lạc không thể thiếu trong cuộc biểu tình ở Hồng Kông năm 2014, và cuộc biểu tình ở Ecuado năm nay.
Kể cả khi bạn sử dụng Facebook hay Whatsapp mà không bật sẵn FireChat lên khi kết nối mạng, bạn cũng sẽ vô tình giúp người khác gửi được tin nhắn. Điều tạo nên sự hiệu quả thiết thực của ứng dụng này là nó không phụ thuộc vào nhà mạng nào bạn đang sử dụng, và nó hoạt động ở mọi nơi.
Michael Benoliel đồng sáng lập và Giám đốc điều hành FireChat
Khi làn sóng biểu tình ở Hong Kong lan rộng, để đối phó với khả năng bị cắt thông tin liên lạc và Internet, người biểu tình bắt đầu chuyển sang sử dụng phần mềm FireChat. Những người tổ chức biểu tình cũng kêu gọi tải FireChat, vì rất có thể nhà chức trách sẽ chặn mọi cửa ngõ liên lạc giống như ở Trung Quốc Đại lục khi các cuộc biểu tình diễn ra. Thực tế cho thấy lời cảnh báo của những người tổ chức biểu tình đã đúng. Mạng Instagram bắt đầu bị chặn ở Trung Quốc, và các tin ủng hộ người biểu tình bị gỡ bỏ khỏi mạng Weibo.
Phần mềm FireChat do Open Garden phát triển là phần mềm miễn phí cho hệ điều hành iOS 7.0, sử dụng kết nối Bluetooth và WiFi, cho phép người dùng nhắn tin miễn phí mà không cần tới Internet lẫn mạng di động (GSM, CDMA). Đặc biệt, với tính năng Multipeer Connectivity Framework trên iOS 7.0 (kết nối mạng ngang hàng nhiều máy), mỗi máy có FireChat sẽ là một "trạm phát sóng" giúp mở rộng vùng kết nối của phần mềm này với các máy khác.Theo Open Garden, chỉ trong một ngày đêm, khoảng 100.000 người Hong  Kong đã tải FireChat cho điện thoại của mình. Michael Benoliel - người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành FireChat nói rằng: Nếu như ngày thứ 7 số lượng người sử dụng mới chỉ tăng nhẹ, thì sang ngày Chủ nhật, số lượng người dùng tăng lên nhanh chóng và cho đến sáng thứ hai, số thuê bao đã lên đến 33.000.
Người dân Canada, Mỹ, Anh, Úc… ủng hộ người biểu tình tại Hong Kong cũng quay sang sử dụng FireChat.
Trong cuộc đấu tranh vì dân chủ, người Hong Kong đã tỏ ra hết sức nhanh nhạy, có phương pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp và chuẩn bị tốt cho mọi tình huống, mà việc lựa chọn chuyển sang sử dụng FireChat là một trong những ví dụ tiêu biểu.
 Michael Benoliel tại Hong Kong

2 nhận xét:

  1. Phải chăng những cuộc biểu tình, xuống đường thường được tổ chức ở Việt Nam vào ngày Chủ nhật là không thích hợp vì nhiều lý do?

    Thứ Sáu ngày 26-9-2014, 1.000 người tụ tập trước trụ sở chính quyền của Hồng Kông, đánh dấu ngày cuối cùng của chiến dịch Chiếm Trung Hoàn.

    Thứ Bảy ngày 15-2-2013, hàng triệu người ở 600 thành phố thuộc cả năm châu lục đồng loạt biểu tình phản đối chiến tranh Iraq.

    Thứ Hai ngày 18-4-2016, 900 người biểu tình ở Hoa Kỳ phản đối sự thao túng của tiền bạc đối với chính trị nước này.

    Thứ Ba ngày 24-2-2015, những người PEGIDA (một tổ chức bài ngoại) và chống-PEGIDA tổ chức hai cuộc biểu tình đối lập ở TP. Karlsruhe, Đức.

    Thứ Tư ngày 10-11-2010, hàng chục ngàn sinh viên biểu tình ở London để phản đối quyết định cắt giảm đầu tư giáo dục và tăng học phí của chính phủ Anh.

    Thứ Năm ngày 10-4-2014, những sinh viên của phong trào Hoa Hướng Dương rời tòa nhà Quốc hội Đài Loan sau ba tuần chiếm đóng.

    Thực tế chứng minh rằng không có mối ràng buộc gì giữa các cuộc biểu tình và ngày Chủ nhật. Ngược lại, sáng Chủ nhật có thể là thời gian dở nhất trong tuần để tổ chức một cuộc biểu tình trong điều kiện Việt Nam.

    Bởi vì tuần hành trong một ngày vắng vẻ hơn bình thường cũng có nghĩa là thông điệp của người biểu tình sẽ đến được với ít người hơn, nhất là những người vốn không chơi Facebook vì còn bận rộn với cuộc mưu sinh.

    Bởi vì ngày mọi người không đi làm có nghĩa là công an có thể dễ dàng dựng rào thép gai, chặn đường, phá sóng mà không sợ sự phản đối của quần chúng; cũng có nghĩa những hành vi bạo lực sẽ bị ít người chứng kiến.

    Bởi vì ngày mà những đường phố Hà Nội và Sài Gòn không đông nghẹt người có nghĩa là xe buýt dùng để bắt bớ người biểu tình có thể đỗ bao lâu tuỳ ý và nhanh chóng thoát khỏi hiện trường.

    Phong trào bảo vệ môi trường còn khá mới mẻ ở Việt Nam và người dân chỉ mới bắt đầu học cách sử dụng quyền hiến định của mình. Trong tương lai, chắc chắn sẽ cần có những điều chỉnh, sáng tạo trong hình thức và nội dung hoạt động. Hãy học tập kinh nghiệm của Hồng Kông, Đài Loan và bạn bè khắp nơi trên thế giới.

    Lê Ngọc Minh, từ Amsterdam, Hà Lan - Chủ nhật ngày 15-5-2016

    Trả lờiXóa
  2. Gần 200.000 công dân Việt Nam đã chuyển sang Hola, một dịch vụ VPN phổ biến, để chống lại sự kiểm duyệt và truy cập vào các trang web.

    Từ tháng tư, người dân Việt Nam đã chứng kiến hàng triệu con cá chết và các sinh vật biển sâu khác phơi xác trên bờ trong một sự kiện được mệnh danh là thảm họa môi trường tồi tệ nhất của đất nước.

    Thảm họa này dấy lên sự phẫn nộ công khai trên khắp đất nước. Quyết định chặn Facebook, cùng ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram, đã được đưa ra khi giới bất đồng chính kiến cố gắng tiến hành liên tiếp các cuộc biểu tình sang tuần lễ lần thứ ba để phản đối thảm họa môi trường mà họ cho là nguyên nhân do chính phủ Việt Nam và công ty Formosa Plastics của Đài Loan.

    Bất chấp ngăn chặn của lực lượng an ninh, người biểu tình tụ họp tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, nhiều công dân đã sử dụng Facebook để trao đổi thông tin và tổ chức các cuộc biểu tình, do đó chính phủ đã đóng cửa các dịch vụ mạng này. Sau những giờ Facebook bị phong toả, dịch vụ Hola lập tức trở thành ứng dụng được tải xuống nhiều nhất tại Việt Nam.

    Một phát ngôn viên của Hola nói, "Khi Internet trở thành phương cách chính thống để trao đổi thông tin giữa con người, ngày càng nhiều các chính phủ, nhà cung cấp dịch vụ và các công ty đang đóng cửa tự do thông tin của công dân. Công nghệ P2P của Hola loại bỏ những rào cản này và làm cho mạng internet phổ biến trên toàn thế giới một lần nữa.”

    Trong khi một số dân Việt Nam có thể lựa chọn để giao tiếp thông qua các kênh truyền thông xã hội khác, nhiều người trong số họ thích dựa vào các dịch vụ Mạng Riêng Ảo (VPN - virtual private network) để tiếp tục sử dụng Facebook. Hầu hết các VPN có giá từ 5 đến 10 đô la một tháng. Ở một đất nước như Việt Nam, nơi mức lương trung bình hàng tháng là khoảng $ 150, việc tiếp cận VPN bằng 1% thu nhập hàng tháng của gia đình là một khoản chi không nhỏ. VPN đắt tiền như vậy bởi vì họ cần phải trả tiền cho các máy chủ để kham nổi lưu lượng người xử dụng đồng thời họ cũng phải tạo ra lợi nhuận nữa.

    Nguyên nhân tại sao hàng trăm ngàn người quay sang dùng Hola là vì dịch vụ này là miễn phí do công nghệ P2P của nó.

    Trong thực tế, bản chất mạng ngang hàng P2P (peer-to-peer) của Hola, không dựa trên bất kỳ máy chủ nào, vì vậy không có chi phí cơ bản của dịch vụ. Người sử dụng lướt mạng ẩn danh bằng cách an toàn di chuyển thông qua các máy tính của người dùng khác khi họ không sử dụng đến. Hola được miễn phí cho các sử dụng phi thương mại; công ty gặt hái lợi nhuận từ Luminati, dịch vụ proxy tương tự được cung cấp cho các doanh nghiệp để dùng cho thương mại.

    Kể từ khi ra mắt vào năm 2013, dịch vụ này đã được sử dụng bởi 80 triệu người ở nhiều quốc gia để dân chủ hoá mạng web. Đầu tháng năm, người dùng ứng dụng WhatsApp ở Brazil đã cài đặt Hola để truy cập đến các ứng dụng nhắn tin, vốn đã bị chính phủ sở tại ngăn chặn do một phán quyết của tòa án.
    LÊ QUỐC TUẤN

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips