Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

Úc tìm cách giải mã Cánh đồng Chum

Rải rác trên khắp Cánh Đồng Chum, tỉnh Xieng Khouang - thuộc miền Trung Lào là hàng ngàn chum đá mà giới khoa học từ lâu vẫn điên đầu không biết nguồn gốc được dùng vào việc gì.

Ông Dougald O'Reilly, thuộc phân khoa khảo cổ trường Đại Học Quốc Gia Úc, nói: “Đây là nỗ lực lớn nhất đầu tiên kể từ thập niên 1930, nhằm tìm hiểu mục đích của các chum và ai là người làm ra chúng.”
Theo ông, qua những cuộc khai quật các nhà khoa học khám phá được ba hình thức tống táng.
Một trong số đó, xương cốt được chôn trong hố với một khối đá vôi lớn được đặt ở bên trên, trong khi chỗ khác, xương được tìm thấy chôn trong những hũ sành, tách biệt với chum.
Ông O'Reilly nói, các chum ngày nay bên trong đều trống không, có lẽ trước đây từng được dùng để đặt xác chết vào cho đến khi thịt da phân hủy hoàn toàn rồi mới lấy xương ra đem chôn.
Ông tiếp: “Chúng ta không thấy chứng cớ có sự hỏa thiêu, điều mà hồi xưa người ta thường nghĩ.”
Ông cũng thêm rằng không rõ những người được chôn tại đây, hồi đó họ sống ở đâu.
Tuy khám phá như thế nhưng theo ông, mục đích nguyên thủy của các chum vẫn còn là một ẩn số.
Chỉ một vài vật thể giản dị như những hạt chuỗi bằng thủy tinh được tìm thấy chôn chung với xương cốt, mà thời gian được ước tính từ 500 hoặc 600 năm trước công nguyên đến 550 sau Tây lịch.
Toán khảo cứu chung của hai nước Úc và Lào đã bỏ ra cả một tháng trời để thu thập dữ kiện tại địa điểm, và ông O'Reilly hy vọng một sự hiểu biết hơn về khảo cổ của Cánh Đồng Chum có thể giúp đưa đến đề nghị cho nơi này vào danh sách Di Sản Thế Giới của UNESCO.
Khu vực Cánh Đồng Chum bao gồm khoảng chừng 90 địa điểm, nơi có những chum có chạm khắc với chiều cao từ một đến ba mét.
Cuộc khai quật được thực hiện hồi Tháng Hai với sự phối hợp của Bộ Thông Tin, Văn Hóa và Du Lịch Lào, cùng trường Đại Học Monash ở Melbourne, Úc, nằm trong dự án kéo dài 5 năm./Bài gốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips