Thứ Ba, 24 tháng 11, 2015

Kiếp sau xin chớ làm...

Chó được Diêm Vương ưu ái cho đầu thai ở trời Tây, nhất là ở Mỹ, coi như trúng xổ số PowerBall, sướng hơn người gấp trăm lần. Đàn ông không được xếp ngang hàng với chó.
Với số lương bèo 20-30.000/năm thì đừng có mơ đến việc làm bạn với một chú cún xinh xinh, vì nuôi một con chó ở đây có thể tốn bằng hay hơn nuôi một đứa con nít, đó là chưa kể đến những rắc rối khác, nếu lỡ hôm nào ngứa ngáy tay chân (vì bị xếp xài xể hay vợ “bất hợp tác”), mà đá cho hắn một phát, thì có thể bị dính còng số 8, ra trình diện quan tòa ngay.

Một chú cún con giống coi được phải trên 1000 đô. Nếu không kham, có thể đến ASPCA (Hội ngăn chận đối xử độc ác với thú vật) ở các thành phố lớn để xin nuôi một con với giá rẻ hơn, chỉ chừng 550 đô, chưa kể phải đăng bộ với thành phố để có licence nuôi chó. Đối với chó đã hoạn thì mất 15 đô, chó còn xung độ thì phải 30 đô... Còn phải chích ngừa cảm cúm, lãi sán, ngừa dại.
Dẫn đi exercise phải có dây cột cổ, bao tay và bao ny lông để hốt ổ khi hắn ta nổi hứng bất tử. Bỏ qua nhiệm vụ này có thể mất 50 đô, nếu phú lít bắt gặp.
Giấy tờ xong xuôi phải dẫn đi học một lớp ESL (English as a second language) để chú hiểu được lệnh ngồi xuống, đứng lên, lại đây, đi, chạy, đừng có hỗn, biết xả hơi đúng nơi, đúng lúc…
Phong trào nuôi chó cưng đang phát triển mạnh, nên cả nước Mỹ có hơn 78 triệu con, lớn hơn dân số của nhiều nước. Nhiều công ty thực phẩm, đồ chơi, dược phẩm, dịch vụ y tế, vui chơi, giải trí, y phục… đã làm ăn rất phát đạt nhờ vào “cẩu số“ này, từ 17 tỷ Mỹ Kim năm 94 lên đến 60,6 tỷ trong năm 2015.
Chó Mỹ có nhiều đẳng cấp. Cao cấp thì có loại chó Nam Phi, giá có thể đến 10.000 đô/con, chó Mễ Chicahuahua bé xíu của cô nàng đỏng đảnh Paris Hilton đi lạc, được treo giải thưởng 5000 đô cho ai tìm được. Chó nhà giàu có nanny riêng, ăn ở “cẩu cao lâu” xịn, ở khách sạn 5 sao có Jacuzzi và đầu bếp riêng. Xe đẩy chó đi chơi (vì sợ dơ và nóng chân) hiệu Louis Vuitton giá 2.700 đô chiếc.
Chúng có nuớc hoa riêng, hàng ngày cũng đánh răng, xúc miệng bằng mouthwash, bận đồ hiệu và hàng ngày đi “Doggy Day Care” để được chăm sóc và xem phim hoạt hình Disney trên TV.
Hàng tháng, chó thượng lưu đi salon hớt, tỉa, chải, nhuộm lông, cắt móng, gội shampoo… và đến sinh nhật cũng có tiệc và bánh birthday cùng bài hát “Happy birthday to dog….gie".
 
Thậm chí đời sống tình dục của các chú cẩu cũng được chăm sóc tới bến luôn. Một búp bê có hình dạng, kích cở, giống hệt như một cô cẩu, có đầy đủ phụ tùng, điện nước tên “Hot Doll” (đáng lý là phải HotDog), dùng để cho các chàng chưa bị hoạn, vui chơi, khi bị tẩu hỏa nhập ma.

Chó Hoàng Gia thì sướng như vua. Bạch Ốc Cẩu đi chơi bằng Air Force One, được báo chí nâng bi là “The First Dog”. Chó có hộ khẩu ở lâu đài Buckingham của nữ Hoàng Elizabeth, trong cung điện của các vua Pharaons, Ai Cập, của Sa Hoàng Nga. Khi chó cưng của Alexander Đại Đế chết, ông lấy tên của nó đặt cho một thành phố mới thành lập: thành phố Peritas. Khi bà Leona Helmsley mất, bà có làm di chúc để lại 2 triệu Mỹ Kim cho con chó Trouble của bà.
Các bác sĩ thú y cũng giàu lên nhờ có chó. Những Doggie Clinic trang bị máy móc hiện đại nhất, chuyên trị các loại bệnh, từ lọc máu, thay xương chậu, hóa trị, chụp hình cắt lớp, laser, làm chân giả… Bác sĩ nhãn khoa cũng có phần. Mỗi lần khám mắt cho cô, chú cẩu là 400 đô.
Được ăn no, ngũ kỹ, sực toàn sơn hào hải vị, bơ, sữa nên hội chứng béo phì của thú cưng đang gia tăng. 53% có trọng lượng trên trung bình, khiến họ cẩu nhà ta sinh lo âu, trầm cảm, rối loạn tâm thần, phải nhờ đến bác sĩ tâm lý, tâm thần chữa trị.
Có một chuyện tưởng đùa, nhưng có thật. Bà Maureen Harmonay cho biết, mặc dù mấy con chó đã tốt nghiệp lớp ESL, nhưng vì chúng không nói được nên phải cần có thông dịch viên cho chúng. Bà tự nhận là nhà thần giao cách cảm (hay nhà ngoại cảm theo tiếng Tàu), có thể trò chuyện và hiểu được cẩu ngữ.
Hiện nay ở Việt Nam, đám đại gia mánh mung, bọn đầy tớ nhân dân tham nhũng không biết xài tiền chỗ nào cho hết nên cũng xãnh xẹ nuôi chó kiểng. Chó được ăn bít tết, ở villa, ngồi xe hơi, có ô sin,… chả bù với hàng triệu người công nhân khốn khổ miệt mài trong các xí nghiệp, nhà máy của ngoại bang để có đồng lương chết đói để cháo, rau qua ngày.
Nhìn thiên hạ xài tiền cho đám chó cưng mà ngứa mắt. Với số tiền đó, nhiều gia đình lao động ở Việt Nam có thể có được một thúng xôi, một gánh chè, một chiếc xe hủ tiếu gõ, một chiếc xe lăn gíúp một anh thương binh bán vé số, sách vở, quần áo cho các học sinh ở miền quê xa xôi, nghèo khổ.
Từ chuyện chó sang chuyện người, mắt không chỉ ngứa mà còn thấy cay cay.
Thu 2015
Kông Li -Bài gốc
Bài cũ:
-Người  Chó Chó Người
-Nuôi con vẫn tốt hơn nuôi thú cưng
-Nghi án thịt chó ở Ba Lan
-Cậu Chó ở Luân Đôn

1 nhận xét:

  1. Một dự luật chi tiêu quốc phòng lớn được Tổng thống Mỹ Barack Obama ký hôm thứ Tư sẽ cho phép đưa các chú chó nghiệp vụ của quân đội, hay quân khuyển, khi giải ngũ về lại Mỹ, và dành ưu tiên một cho quân nhân điều khiển các chú khuyển đó quyền nhận nuôi.

    Trước đây, các chú quân khuyển của Mỹ có thể giải ngũ ở nước ngoài, trở thành những chú chó ngoài quân đội, và không còn hội đủ điều kiện để quân đội vận chuyển lại về Mỹ.

    Đạo luật Quốc phòng thay đổi các quy định đó và được sự ủng hộ của Hiệp hội Nhân đạo Mỹ. Hiệp hội này nói rằng mỗi quân khuyển bảo vệ an toàn mạng sống cho từ 150 đến 200 quân nhân bằng việc phát hiện bom tự chế và các kho giấu vũ khí.

    Luật mới quy định các chú quân khuyển khi giải ngũ phải được đưa trở về Mỹ, và ưu tiên cho quân nhân điều khiển quân khuyển đó quyền nhận nuôi.

    Luật mới được ban hành giữa lúc việc chăm sóc cho cựu chiến binh Mỹ đang bị kiểm tra gắt gao trong bố cảnh Mỹ đang chật vật giải quyết việc chăm lo cho hàng ngàn thương binh từ các chiến trường Iraq và Afghanistan trở về. Hiệp hội Nhân đạo nói rằng việc tái đoàn tụ các quân khuyển với người điều khiển chúng có thể giúp cho các cựu chiến binh vượt qua tổn thương tâm lý vì chiến tranh và tái hòa nhập với đời sống dân sự.

    Chủ tịch Hiệp hội Nhân đạo Robin Ganzert phát biểu: "Đây là một ngày trọng đại cho các anh hùng quân đội ở cả hai đầu của chiếc dây buộc quân khuyển. Chúng tôi tin rằng tất cả các cựu chiến binh của chúng tôi – hai chân và bốn chân – phải được đón tiếp bằng nghi thức chào đón anh hùng khi trở về nước".

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips