Chủ Nhật, 1 tháng 11, 2015

Islamic Art Now


Thân thể và chữ viết- nghệ thuật đương đại trung đông
Đặng Thơ Thơ
Một phụ nữ Kuwait vừa selfie vừa bịt mắt, một tác phẩm nhiều nghịch lý, dung chứa những thứ mâu thuẫn tương phản nhau. Người phụ nữ thượng lưu ngồi trên chồng sách ngổn ngang, mặc chiếc áo bó sát. Thế giới của cô  một mặt là chủ nghĩa tiêu thụ đang đè bẹp những giá trị tinh thần, một mặt là ám ảnh của chiến tranh và ảo tưởng hòa bình (hình Saddam Hussein và chiếc bóng trên nền nhà), tất cả trên nền cổ kính của quá khứ: những hiện vật của một nền văn hóa lâu đời, cái tách có tay cầm cong vút, và những cuốn sách bìa cứng chữ vàng - thứ duy nhất “đứng” thẳng trong khi những thứ khác nằm vương vãi trên đất.
Có thể thấy nghịch lý này trong chính tựa đề “Islamic Art Now”, Nghệ Thuật Hồi Giáo Hôm Nay. Nghệ thuật trong triển lãm này không phục vụ cho Hồi Giáo!
Năm nay, triển lãm nghệ thuật đương đại Trung Đông  tại Viện Bảo tàng LACMA  có thêm sự tham gia của  những nghệ sĩ sống ở Âu Mỹ có gốc gác Trung Đông. Họ lấy cảm hứng từ truyền thống văn hóa, vận dụng những kỹ thuật và khái niệm từ những thời kỳ mỹ thuật trước, như một cách định hướng lại các mục tiêu nghệ thuật. Một trong những mục tiêu là cho phép cá nhân quyền tự do phát biểu, tự do sáng tạo ngoài kiểm soát gắt gao của chính quyền vốn là tổ chức bảo trợ và đặt điều kiện cho nghệ thuật.
Chữ Ả Rập là một chủ đề thường trực và chủ đạo trong nghệ thuật cổ điển Trung Đông. Trong thế giới Hồi Giáo, thư pháp được coi là hình thái nghệ thuật cao quý nhất do tương quan giữa thư pháp với kinh Qu’ran, vốn được viết bằng tiếng Ả Rập.
Chữ viết ngoằn ngoèo khắp bề mặt ba bức ảnh. Hàng vải  mỏng của chiếc áo cô gái mặc  như làm bằng ký tự. Những dòng chữ tạo ảo ảnh thị giác như đang  chuyển động. Các ký tự ăn lan trên da thịt người phụ nữ, xâm hằn lên mọi bộ phận của cơ thể, chỉ trừ đôi mắt. Thân thể trong tư thế bất ổn và bị động: nằm và bị cắt làm ba khúc, nhưng vẻ mặt thách thức và ánh  mắt không khuất phục nhìn xuyên thấu qua lớp màng chữ; chằm chằm vào đối tượng ngoài khung ảnh. Bức hình dàn trải, phơi bày, nhưng bí ẩn, vì người xem khó đoán biết điều gì cụ thể từ thiếu nữ: cô có muốn chúng ta đến gần để đọc và hiểu, hay tia nhìn là một cách khuyến cáo người xem nên giữ chừng  mực một khoảng cách nào đó?
Trong hầu hết các tác phẩm hội họa, nhiếp ảnh, điêu khắc, và video của triển lãm này đều có  những hàng chữ Ả rập, hoặc làm nền, hoặc viết hằn lên trên hình ảnh, mà những hình ảnh đó thường là thân thể và dung nhan phụ nữ. Các nghệ sĩ một mặt dùng chữ viết như hình thức nghệ thuật, để minh định bản sắc văn hóa và tôn giáo đặc thù  của họ, mặt khác họ muốn mở ra những đối thoại về áp lực của tôn giáo và văn hóa, thể hiện qua chữ viết, trên quyền tự do cá nhân, cụ thể là quyền  làm chủ thân thể và hành động.
-Xem toàn bài và hình ảnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips