Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Gọi tên cho... đỡ nhớ

Người Việt Nam gọi tên bà Aung Shan Suu Kyi cho… đỡ nhớ, vì đã quá lâu Việt Nam không có được một hình ảnh đáng kính như bà.
Nhưng người ta không thể cứ nhớ và ước ao một lãnh tụ không hề có thật trong cộng đồng của mình đang sống. Sự thay đổi chính trị nào cũng phải thay da lột xác và chịu đớn đau. Không thể hỏi chừng nào mà nên hỏi tại sao chưa có cái chừng nào ấy.
Aung Shan Suu Kyi có một đảng chính trị đúng đắn với hàng trăm con người cộng tác đầy tài năng. Những con người âm thầm nhưng mạnh mẽ và cương quyết ấy góp phần tạo nên Aung Shan Suu Kyi trong khi ở Việt Nam chỉ cần một người có vẻ đáng tin cậy liền bị nhiều thế lực khác nhau, trong đó có cả thế lực tranh đấu, đồng minh đè cho bẹp xuống.

Người Miến lưu vong không có khái niệm quốc cộng, họ chỉ tranh đấu nhằm lật đổ quân phiệt để thành lập nền dân chủ và vì vậy sức mạnh của họ không bị phân tán. Tiếng nói bền bỉ của họ đấu tranh cho bà Aung Shan Suu Kyi được tự do đã nhắc nhở Hoa Kỳ và EU về người đàn bà bất khuất này và cuối cùng cũng lật đổ được sự lạnh lùng của thế giới.
Việt Nam không được một khuôn mẫu của Aung Shan Suu Kyi đã đành nhưng kể cả chờ đợi một người tương tự xuất hiện cũng phải biết cách. Tư thế ngồi chờ không phải là tốt đối với người hoạt động chính trị mà phải luôn luôn đứng, cho dù đứng chờ đi nữa, vì khi đứng người ta có thể chạy ngay ra đường khi có dịp, còn ngồi một thời gian quá lâu thì bắp thịt tê cứng, cơ hội đến mà chỉ lê lết chạy sau người khác thì thật quá buồn!
CÁNH CÒ - Bài gốc: Miến Điện tấm gương không dành cho VN

6 nhận xét:

  1. Ngày 8 tháng 11 năm 2015, một lần nữa Nhân dân Miến Điện tiến hành cuộc bầu cử tự do dân chủ đa đảng lần thứ hai tính từ năm 1990. Năm 1990, đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã giành thắng lợi tuyệt đối. Nhưng giới quân sự đã không chấp nhận kết quả bầu cử, không chuyển giao quyền lực và tiến hành quản thúc bà tại gia trong suốt 20 năm.

    Nhân dân Miến Điện dưới sự lãnh đạo của đảng NLD, bà Aung San Suu Kyi và các đảng đối lập khác đã kiên trì đấu tranh trong suốt hơn 20 năm. Hàng ngàn thành viên của các đảng đối lập bị bắt giữ, bị cầm tù, nhiều người bỏ mạng trong lao tù.

    Nỗ lực đấu tranh của Nhân dân Miến Điện, cùng với áp lực từ cộng đồng quốc tế đã đem lại kết quả tuyệt vời. Đó là tập đoàn quân sự cầm quyền của Miến Điện đã thay đổi nhận thức. Họ đã lấy lợi ích của quốc gia và của Nhân dân Miến Điện làm đại cục thay vì lợi ích của một nhóm nhỏ giới quân sự.

    Họ đã cải cách Hiến pháp, cho phép các đảng đối lập ra tranh cử. Kết quả bà Aung San Suu Kyi và đảng NLD đã giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử bổ sung năm 2012. Mở đường cho Miến Điện tham gia hội nhập khu vực và thế giới.

    Rõ ràng lương tâm, lương tri, quyền lợi của Nhân dân và quốc gia đã thức tỉnh tập đoàn quân sự Miến Điện. Và điều đó đã mở ra một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên tươi sáng cho Nhân dân Miến Điện.

    Đảng cộng sản Việt Nam thì sao? Bao giờ lương tâm, lương tri, quyền lợi của Nhân dân và Tổ quốc mới chấm dứt được tham vọng quyền lực, quyền lợi tuyệt đối của họ?

    Chỉ khi nào Việt Nam chấm dứt được chế độ độc đảng toàn trị, xây dựng chế độ dân chủ đa đảng, tôn trọng các quyền con người thì khi đó một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên tươi sáng và rực rỡ mới đến với đất nước và dân tộc Việt Nam.

    Chỉ trong chế độ tự do dân chủ, mọi người dân Việt Nam mới có quyền và cơ hội bình đẳng để cùng tham gia đóng góp xây dựng đất nước. Khi đó những người có tài năng, có đạo đức, đảng chính trị có uy tín, năng lực mới được Nhân dân lựa chọn thông qua bầu cử để lãnh đạo đất nước. Và khi đó, Việt Nam sẽ bước vào một kỷ nguyên mới.

    Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chấm dứt chế độ độc đảng toàn trị?

    Điều này thì một nhóm công dân, một vài tổ chức XHDS, chính trị không thể làm được. Mà để thay đổi được đất nước, chúng ta cần nỗ lực, công sức đóng góp mọi thành phần trong xã hội, mọi người dân.

    Nếu hôm nay, tất cả mọi người dân cùng lên tiếng đòi hỏi thay đổi. Ngày mai Việt Nam sẽ có tự do dân chủ!
    LS NGUYỄN VĂN ĐÀI

    Trả lờiXóa
  2. Mấy ngày nay, ở Việt Nam và thế giới xôn xao về cuộc bầu cử tự do ở Myanmar. Cả nhân loại mừng cho Myanmar. Một chế độ độc tài quân sự ngự trị ở đất nước này đã 53 năm, bây giờ bầu cử tự do. Có tới 92 đảng phái tranh cử, 30 triệu người bằng 80% cử tri đi bầu. Đảng đối lập Liên Minh Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi chiếm 3/4 số ghế trong quốc hội, vượt mức tối thiểu để thành lập chính phủ (2/3 số ghế). Đảng cầm quyền tuyên bố thua cuộc. Kết quả thắng lợi áp đảo của đảng đối lập đã nói lên lòng dân Myanmar. Thế mà trước đây, nếu các quan chức độc tài Myanmar hỏi người dân xem có yêu chế độ không thì có lẽ gần hết người dân bảo có, phần còn lại là những người bị nhà cầm quyền cho là “phản động”, sẵn sàng chấp nhận tù đày.

    Hoan hỉ chia vui với người dân Myanmar, người ta thèm muốn, ao ước và mơ bao giờ thì đến Việt Nam? Rồi thèm quá không chịu nổi, người ta thách đảng CSVN có dám làm như Myanmar không? Cái sự thách này đang biến thành một phong trào trên mạng xã hội facebook.

    Áp dụng mô hình của Mỹ, Châu Âu, cho dù thấy nó hay thật nhưng thế nào cũng có ông lãnh đạo hay ông nghị nào đó, kiểu nghị Phước chẳng hạn cho rằng vì dân trí ta thấp nên không… hợp. Nhưng Myanmar thì sao? Họ cùng dân Đông Nam Á với ta, trình độ sản xuất tương đương ta, dân trí cũng xêm xêm ta; ngoài ra còn nhiều điểm tương đồng khác (!?) như thành thích về nhân quyền kém, không có tòa án độc lập, không chấp nhận đối lập, khủng bố các nhà hoạt động dân chủ, internet bị hạn chế… Thế mà họ đã thả hết tù nhân chính trị, đã chấp nhận các đảng phái đối lập, đã có bầu cử tự do. Vậy thì sao Việt Nam không nhìn sang đó để “đi tắt đón đầu”.

    Bao giờ có bầu cử tự do ở Việt Nam? Tôi tin rằng, đây là nỗi trăn trở, là niềm mơ ước, là khát vọng chung của nhân dân Việt nam.
    NGUYỄN TƯỜNG THỤY

    Trả lờiXóa
  3. Nào, hãy tập có một góc nhìn công bằng đi nào. Lướt qua FB thấy nhiều bạn than thở là bao giờ Việt Nam mới có một lãnh tụ như Aung San Suu Kyi. Theo quan sát của tôi thì những bạn ấy không quan tâm mấy tới những vấn đề xã hội. Thấy mọi người nói tới Miến Điện, tới Aung San Suu Kyi thì cũng tát nước theo mưa.

    Các bạn có biết hiện giờ Việt Nam có bao nhiêu tù nhân lương tâm không? Biết bao người đang chịu khổ ải trong tù và bao người khác đang tranh đấu khổ cực bên ngoài không? Đừng buông một lời ước ao nhưng vô tâm như thế.

    Làm vậy là các bạn xổ toẹt vào bao hy sinh của những con người cao quý ấy. Hơn nữa, tại sao bạn không đứng lên mà làm một Aung San Suu Kyi của Việt Nam đi, hay là một Aung San Suu Kyi của một tỉnh, một huyện, một xã hay của một sự việc cụ thể trước mắt cũng được.

    Trước hết chúng ta cần có ý thức hướng tới một xã hội dân chủ, văn minh. Không nhất thiết phải bằng một cuộc cách mạng to tát mà hãy bắt đầu từ những hành vi nhỏ bé hàng ngày. Đừng hối lộ công an giao thông, đừng tìm cách mua tình cảm thầy cô giáo của con, không chạy theo những danh hiệu viển vông của xã hội, đừng dùng quan hệ và phong bì để thắng hợp đồng, đừng áp đặt gia trưởng lên những thành viên gia đình mình… con đường ta đi có thể chậm hơn, ta có thể ít tiền hơn những kẻ xung quanh nhưng đấy là con đường chính trực và trên con đường ấy ta có thể cảm thấy tự hào về bản thân mình. Đấy cũng là bài học mà ta có thể dạy con em mình mà vững tin rằng bài học ấy là đúng đắn.

    Nào, hãy tập làm Aung San Suu Kyi của ngày hôm nay đi nào, hay chưa được một ngày thì một giờ hay mười lăm phút cũng được, nhưng chúng ta cần một sự bắt đầu đúng đắn.
    CHAU DOAN

    Trả lờiXóa
  4. Người Việt Nam phải ngả mũ tỏ lòng kính phục dân tộc Miến Ðiện. Cuộc bỏ phiếu ngày Chủ Nhật vừa qua là một bước lớn trên tiến trình dân chủ hóa. Cả nước Myanmar đáng ca ngợi, từ những người dân nghèo nàn, ít học ở thôn quê cho tới các nhà tranh đấu vận động dân chủ; và cả đến đảng cầm quyền mới bị thất cử. Cả ba, chính quyền, đối lập và dân Miến cùng chung một bước vững chắc trên đường xóa bỏ chế độ độc tài lạc hậu đã kéo dài hơn nửa thế kỷ, qua một cuộc bỏ phiếu trong sạch và tự do, hiếm đạt được ở những nước mới bắt đầu thí nghiệm “luật chơi dân chủ” lần đầu...
    Dù thắng lớn trong cuộc bầu cử ngày Chủ Nhật, Aung San Suu Kyi sẽ còn phải hoạt động trong khuôn khổ một Hiến Pháp do chế độ cũ soạn ra.
    Bà sẽ phải tôn trọng Hiến Pháp đó cho tới khi có thể thay đổi. Ðảng NLD quyết định tham dự cuộc bầu cử vừa qua cho thấy họ và bà Suu Kyi tin tưởng hai điều. Thứ nhất, cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra trong sạch, thẳng thắn, phe quân nhân không tìm cách gian lận. Thứ hai, dân chúng Miến Ðiện muốn thay đổi chế độ. Cả hai đều diễn ra như họ mong đợi.
    Bây giờ, đảng NLD phải đóng vai trò mới, trở thành một đảng cầm quyền, dù quyền hành còn bị hạn chế. Họ không thể dành hết thời giờ cho việc tranh đấu đòi sửa Hiến Pháp. Dân bầu họ vào Quốc Hội để lo cho cả 30 triệu người, chứ không phải chỉ lo cho một số chính trị gia. Khi chấp nhận tham gia tranh cử, họ cũng chấp nhận các luật chơi, theo đúng luật chơi, chờ tới ngày có thể sửa luật chơi cho tiến bộ hơn. Dân chủ hóa là một con đường rất dài, tiến từng bước một, được một bước rồi lại tính thêm tiến thêm các bước khác.
    Trong mấy năm tới đảng NLD sẽ phải chứng tỏ khả năng cai trị. Phải đưa ra những đạo luật thay đổi cuộc sống của người dân, cải thiện giáo dục, y tế, phát triển kinh tế, bảo vệ công bằng xã hội. Cầm quyền là một thử thách lớn, còn khó hơn khi đóng vai đối lập tranh đấu cho dân chủ tự do. Tranh đấu nhằm cổ động nâng Dân Khí lên cao. Qua những cuộc bầu cử vừa qua, dân tộc Miến Ðiện cho thấy Dân Khí đã rất cao. Dân tộc đang phục sinh. Bây giờ có quyền bính trong tay, đảng NLD còn phải lo nâng cao Dân Trí và phục vụ Dân Sinh nữa. Người Việt Nam nhìn tấm gương Miến Ðiện để tính sao cho dân tộc mình có thể cùng tiến bước được như họ.
    NGÔ NHÂN DỤNG

    Trả lờiXóa
  5. Bà Aung San Suu Kyi chiến thắng. Nhưng bước ngoặt dân chủ của Myanmar phải ghi dấu công lao của nhân vật Thein Sein.
    Không có tư tưởng lột thay táo bạo từ Thein Sein, sẽ không có cơ hội chiến thắng cho bà Aung San Suu Kyi.
    Tất nhiên không loại trừ tác động từ bên ngoài.
    Tác động bên ngoài, Việt Nam không kém Myanmar. Những khát vọng và xung đột Aung San Suu Kyi, Việt Nam không thiếu. Nhưng Việt Nam thiếu Thein Sein. Hay nói đúng hơn, chưa thấy ai trong nhóm tột quyền dám làm Thein Sein.
    Hoặc nói một cách hình tượng như nhà văn Võ Thị Hảo: Ai làm Gióng, ai là người dám co chân đạp đổ bức tường?
    Aung San Suu Kyi thành công. Nhưng cái tên Thein Sein cũng không dễ bị quên lãng. Không chỉ đóng vai trò là người mở cửa, Thein Sein còn là mẫu hình chính khách biết lui đúng lúc, khi cảm ra cơ hội khác tốt hơn cho dân tộc.
    Thein Sein là chìa khoá. Còn Aung San Suu Kyi là cảm hứng. Việt Nam và các quốc gia độc tài khác không thiếu cảm hứng Aung San Suu Kyi. Nhưng họ cần phải tìm ra người mở khoá Thein Sein.
    Trương Duy Nhất

    Cái nhìn của nhà báo Trương Duy Nhất theo chúng tôi là thỏa đáng. Lịch sử Miến Điện ở thời điểm này đã hội đủ điều kiện để kiến tạo nên cặp đôi hoàn hảo Aung San Suu Kyi / Thein Sein.
    Bauxite Việt Nam

    Trả lờiXóa
  6. Trước bầu cử, nhiều nhóm xã hội dân sự từ Indonesia, Singapore, Thái Lan... đã tự tổ chức đoàn sang Myanmar làm quan sát viên.
    Xin nhắc họ cứ đi với tư cách cá nhân, hội đoàn sinh viên, NGO chứ không đại diện cho các chính phủ, không phải quan sát viên của EU hay ASEAN.
    Còn người Việt Nam thì sao?
    Theo những gì tôi biết thì không có nhóm nào như vậy từ Việt Nam sang Myanmar.
    Sau cuộc bỏ phiếu lịch sử, các ý kiến thể hiện ra trên mạng xã hội tiếng Việt cũng không có gì mới mẻ, chủ yếu nói theo báo chí quốc tế.
    Một số nhà vận động nhân đây đòi hỏi chính quyền Việt Nam phải thay đổi tương tự.
    Nhưng cũng chỉ là đòi hỏi chung chung, ai nghe?
    Thậm chí không ít người Việt còn coi nước này còn nghèo - thu nhập bình quân chừng 1200 USD, thấp hơn Việt Nam (2000 USD -2013), nên không có gì đáng học.
    Đây là tư duy rất ngắn hạn, khiến ta không hiểu vì sao bà Aung San Suu Kyi và Myanmar được quốc tế ngưỡng mộ đến thế.
    Chính sự hình thành của dân chủ từ nền tảng kinh tế lạc hậu, chia rẽ sứ quân, xung đột sắc tộc như Myanmar mới đáng nói.
    Khi các lý thuyết xã hội, các giá trị cơ bản bị thử thách mà vẫn thắng lợi, bài học dân chủ Myanmar có ý nghĩa hơn nhiều cho loài người, so với dân chủ ở các nơi ổn định, thịnh vượng lâu đời như Na Uy, Canada, Iceland...
    Nó cũng bác bỏ thuyết rằng phải có dân trí thật cao hoặc thu nhập đến mức nào đó mới có thể bầu cử dân chủ.
    Công dân Myanmar ở nước ngoài cũng có quyền bỏ phiếu trong khi một số nước khác thì không.
    Chưa rõ cuộc bầu cử có tạo ra động lực mới cho ASEAN vốn thường tập trung bảo vệ 'status quo' sao cho chính giới yên thân mọi bề.
    Nhưng tại Myanmar, những gương mặt tươi trẻ, đầy hy vọng đang toát ra độ tự tin của thế hệ 'tôi nghèo nhưng tôi là ông chủ' quyết định vận mệnh dân tộc.
    Họ khiến những người dân Đông Nam Á khác thấy tự hào lây.
    NGUYỄN GIANG

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips