Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Lizzie Velásquez người phụ nữ tuyệt vời

Lizzie Velásquez, năm nay vừa tròn 25 xuân xanh, nhưng khi đạt danh hiệu “Worlds ugliest woman,” cô mới lên 17; cái tuổi mà cổ nhân Việt Nam mình thường mô tả là “bẻ gẫy sừng trâu.” Ngoài tên cúng cơm Lizzie Velásquez, cô còn mang một “tên Mỹ” là Elizabeth Ann.
“Dung nhan” của “Worlds ugliest woman” này đã “được” triển lãm trên trang mạng xã hội YouTube, tính tới nay, ngày 16-03-2015, đã có trên 4 triệu người xem.
Chào đời bất bình thường...
Lizzie Velásquez hay Elizabeth Ann cũng vậy, chào đời ngày 13-3-1989, tức là cô vừa đón sinh nhật thứ 26 của mình vào thứ Sáu tuần vừa qua; thiết tưởng tiếng hát mừng của thân nhân, “Happy Birthday to Lizzie...” vẫn còn như vang vọng đâu đây. Khác với tuyệt đại đa số “thai nhi” khác, cô vĩnh biệt tử cung của mẹ sớm 4 tuần lễ, có lẽ vì vậy mà trọng lượng của cô cũng quá ư khiêm nhượng vào cái “thuở lọt lòng mẹ lưu luyến ấy,” chỉ có 1.219 kilograms (tức 2 pounds, 11 ounces). Dầu vậy Lizzie Velásquez vẫn... từ từ lớn lên trong vòng tay của mẹ Rita Velásquez, sự bảo vệ của bố Guadalupe Velásquez và niềm quấn quít của hai người em.
Tuy gốc Mễ, nhưng gia đình cô qua hai, ba thế hệ cho tới nay vẫn “cố thủ” ở thành phố Austin, tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, nhưng đặc biệt hơn cả, họ bao đời vẫn trung thành với tín ngưỡng gốc rễ của mình: Công giáo! Điển hình cho đức tin này là một trong những câu nói thường được cô Velásquez thổ lộ khiến nhiều nguời - trong số đó có bản thân tôi vốn thường xuyên là một con “chiên ghẻ” hạng nặng - phải suy gẫm, “Thiên Chúa vẫn ban phúc lành cho tôi; ân đức lớn nhất của Ngài trong đời tôi chính là hội chứng tôi đang mang trên người.
Một cuốn phim tài liệu về cuộc đời của Lizzie Velásquez mang tên “Brave Heart” đã được trình chiếu ra mắt vào sáng thứ Bảy tuần rồi, ngày 14-03-2015, ở lễ hội South Southwest Festival, thành phố Austin, Texas.
Vì đâu nên nỗi?
Trẻ nít vốn ngây thơ vô tội, bao giờ nhìn đời cũng chỉ thấy một mầu hồng và đầy hoa thơm cỏ lạ. Những giấc mộng tuyệt vời này sẽ sinh động mãi mãi nếu không bất ngờ xảy ra một “sự cố”... tang thương nào đó. Theo lời “thuyết minh” trong cuốn phim tài liệu nêu trên, bé Velásquez cũng vậy thôi - không kể trong tổ ấm gia đình - với những ngày đi vườn trẻ.
Lời “tự thuật” của Velásquez trong cuốn phim tài liệu nêu trên như sau, “Tôi vẫn phải chống chọi nhiều lắm với trò bắt nạt, ăn hiếp. Tôi đã luôn luôn được giáo dục một cách hết sức bình thường. Chẳng thế mà khi tôi khởi sự đến vườn trẻ, tôi đã không có một cảm nhận nào là tôi khác biệt. Vâng, tôi không hề biết mình khác với những đứa trẻ khác... Cho tới một lúc, quả thật như một cú đấm thật mạnh vào mặt tôi, một đứa trẻ 5 tuổi...”
Cuốn phim tài liệu đã cho người xem thấy được cuộc chiến đấu như thế nào của Velásquez chống lại sự bắt nạt, ăn hiếp. Bé gái đầu tiên mà Veláquez rụt rè đến định nói chuyện, đã tỏ vẻ sợ hãi và nhìn Veláquez như thể một con quái vật.
... Cho tới năm 17 tuổi, khi Lizzie Velásquez “lướt” trên “net” để tìm âm nhạc nghe cho khuây khỏa thì chợt cô đã tìm thấy một video dường như viết về chính cô với tựa đề, “Worlds ugliest woman,” tức “Người đàn bà xấu nhất thế giới.”
Cuộc đời của cô vì thế đã hoàn toàn bị xáo trộn. Lời lẽ bình phẩm ghi bên dưới cuốn video còn ghê gớm, tệ hại, phải nói đúng hơn là ác độc, tàn nhẫn, vô nhân đạo... hơn cả chính cuốn phim. Trong số hàng ngàn “lời vàng ý ngọc” như vậy của những kẻ không có trái tim, vô cảm, bất nhân... điển hình như câu dưới đây được chuyển sang Việt ngữ từ tiếng Na Uy đăng trên nhật báo điện tử Dag Bladet, số phát hành ngày 14-03-2015:
Người ta đã viết trong khung bình luận là “làm ơn Lizzie, hãy làm cho thế giới này một dịch vụ là hãy đặt một khẩu súng lục vào đầu mày và bóp cò.”
Tiếp đến là lời “trần tình” của chính Velasquez, “Xin quí vị thử nghĩ xem, người ta nói như thế với tôi. Những người xa lạ. Tôi đã khóc... và khóc...”
Cuộc chiến... và khúc ca khải hoàn...
Đáp câu hỏi - “thế cô tự định nghĩa mình” như thế nào?” - Velásquez kể rằng cô vẫn hằng nuôi hy vọng chân thành và cầu nguyện nhiệt tâm liên miên để xin cho mình được dứt hoàn toàn khỏi hội chứng này. Để cô có thể trở thành bình thường. Thế nhưng sau khi cuốn video kể trên “được” phổ biến với nhiều “khán thính giả” thì, theo lời cô Velásquez, “Tôi đã bắt đầu hiểu là cuộc đời của tôi nằm trong bàn tay của tôi. Tôi có thể chọn lựa là không để sự kiện ấy định nghĩa mình.”
Rồi cô quyết định đi diễn thuyết về “động lực” (motivation) và viết sách. Nay Lizzie Velásquez đã được cả thế giới biết đến và cô đã có hai tác phẩm được xuất bản, “Lizzie Beautifull: The Lizzie Velasquez Story” (2010) vừa bằng Anh văn, vừa bằng tiếng Tây Ban Nha (Spanish) - “Be Beautifull: Be You” (2012). Cuốn sách thứ ba có thể “chào đời” nội trong năm nay.
Nữ đạo diễn Sarah Hirsh Bordo của cuốn phim tài liệu nói trên đã xác quyết rằng cuốn phim này không chỉ đề cập riêng đến trường hợp cô Lizzie Velásquez mà tới tất cả những ai bị bắt nạt, bị ăn hiếp.
Trả lời một câu phỏng vấn của tạp chí Efilmcritic, bà Hirsh Bordo cho biết, “Sau bài diễn thuyết tuyệt vời của cô vốn đã được biết đến một cách rất rộng rãi, chúng tôi đã thấy sự phản hồi thuận lợi của dân chúng trên khắp thế giới dành cho lòng dũng cảm của cô. Quả thật rõ ràng là dân chúng đã cần đến một vị anh hùng vốn đã sống sót khỏi sự bắt nạt,sự ăn hiếp.”
 
Một chiến dịch chống tệ nạn bắt nạt, ăn hiếp...
Chả cần nói nhiều, ai cũng biết thời nào và bất cứ ở đâu cũng xảy ra những vụ bắt nạt, nhẹ thì như “đứa nọ” bắt “đứa kia” phải... “nộp phạt” bằng những cục kẹo, trái cây, nắm xôi, đồ chơi hoặc cho... chép bài. Mà nặng thì có thể cả một phe hay một tên to con, lớn xác thỉnh thoảng lại đánh một “bạn” cùng lớp hay cùng trường như thể “cho đỡ ngứa tay” hoặc để “trình diễn văn nghệ,” hay để tỏ ra có uy quyền hoặc để “giật le”...
Đặc biệt hơn bao giờ hết là tệ nạn bắt nạt, ăn hiếp ở học đường Việt Nam ngày nay như đang được “đất dụng võ” mà phát triển “vượt chỉ tiêu,” không khác gì quang cảnh “trăm hoa đua nở.” Nhiều vụ đã được chính những “nhân vật chính” - kể cả nữ sinh - đưa lên “phô hàng” trên các mạng xã hội như để “khoe” với toàn thế thế giới về những “chiến thắng vĩ đại” của họ. (ảnh trên)
Trong hầu hết trường hợp, “nạn nhân” vì bị sợ trả thù nên không dám “bật mí cho phụ huynh hay những người hữu trách. Nạn nhân nếu mạnh mẽ về tinh thần thì “vùng lên” được hay vượt qua các giai đoạn đen tối ấy; nhưng yếu đuối thì cả cuộc đời kể như “xuống dốc không phanh” trong đêm tối, xuống vực sâu...
Sau khi “sự cố” Lizzie Velasquez được phổ biến trên net, nhiều nơi đã tổ chức các “chiến dịch chống tệ nạn ăn hiếp, bắt nạt.” Đây là một dấu tích “hồ hởi phấn khởi,” tuy nhiên vấn đề không chỉ đuợc giải quyết ngày một ngày hai mà giới hữu trách, cách riêng giới phụ huynh phải hành động liên tục, không ngừng nghỉ...
Lizzie Velasquez - “Người đàn bà xấu nhất thế giới” - nạn nhân của nạn bắt nạt nhưng đã trỗi dậy và chiến thắng, chiến thắng chính bản thân và hoàn cảnh, trở thành “nhà lãnh đạo” của “chiến dịch chống tệ nạn ăn hiếp, bắt nạt” - nay cô đã trở thành “Người Đàn Bà Tuyệt Vời Nhất Hoàn Cầu”.../HOÀI MỸ - Xem bài gốc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips