Thứ Ba, 9 tháng 9, 2014

Đèn cù (trích đoạn Trí thức buộc đấu Cha tố Mẹ)

Một tối họp chi bộ nghe và nhận xét các bản tự kiểm thảo của  nhau. Sau mỗi bài học cơ  bản  lại  có  một  cuộc  tự  kiểm  thảo và cuối lớp sẽ có bản tổng kết tư tưởng, gọi ra tên hệ tư  tưởng của mỗi người. Tố Hữu xuống dự chi bộ chúng tôi tối  đó. Tôi có phần đao to búa lớn phê phán người vừa trình bày xong bản kiểm thảo. Tố Hữu bỗng giơ tay ngăn tôi lại. Rồi từ  tốn,  nhỏ  nhẹ  nói  “Đồng  chí  vừa  phê  phán  ai,  đồng  chí  biết  không?  Phê  phán  đồng  chí  của  đồng  chí  đấy,  đồng  chí  phải  biết  điều ấy! Đồng  chí  của  đồng  chí  là  gì?  Là hòn ngọc..., tôi nói lại, là hòn ngọc, hòn vàng của đảng, là người mà chúng ta  phải yêu mến nâng niu...”Tôi phát hiện một chân lý cảm động. Tôi là hòn ngọc hòn  vàng  của  đảng! Nhưng  cùng  lúc  tôi  tự  ái  vì  bị  “uốn  nắn  thái  độ.”  cùng   lúc   nhận  thấy  trong  con  mắt  Tố  Hữu  nhìn  người  vừa bị chỉnh đốn kia một ánh trắng xỉn, lạnh lẽo, một cái gì  khinh khỉnh.

Định nghĩa đảng viên là ngọc là vàng của đảng cho nên vào  tổng kiểm thảo Tố Hữu yêu cầu học viên rất ngặt. Hễ là con  em hay liên quan với địa chủ, học viên đều phải thành khẩn  tự khai báo với đảng mọi sai lầm tội lỗi của bản thân, chẳng  hạn đồng tình, về hùa với gia đình, thậm chí cùng với gia đình trực tiếp đàn áp, bóc lột nông dân...
Thứ hai, phải vạch ra mọi  thủ đoạn đàn áp, bóc lột nông dân cùng tội ác của bố mẹ, gia  đình, họ hàng địa chủ, cường hào gian ác. Thứ ba trên cơ sở  thành khẩn khai báo kia mà tuyên bố là căm thù bố mẹ, tỏ ra  đã  dứt  khoát  lập  trường  vô  sản,  đoạn  tuyệt  với  kẻ  thù  giai  cấp. Không đạt yêu cầu căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt với bố mẹ  thì bản tổng kiểm thảo bị “phá sản,” học viên đó phải ngồi học  lại  cho  tới  khi  nào  lập  trường  vô  sản,  lập  trường  nông  dân  thắng, anh ta công khai tuyên bố căm thù bố mẹ, đoạn tuyệt  với bố mẹ mình.
Tố  Hữu  làm  đúng  lời  Bác  Hồ  thôi.  Sắp  vào  tổng  kết  tư  tưởng,  Bác  Hồ  đến  nói  chuyện  -  thực  chất  “động  viên”  học  viên dứt khoát với tư tưởng sai và lầm lạc, tội lỗi của cá nhân. Như  thấy  làm  việc  cho  thực  dân  Pháp  là  nhục  nhưng  vẫn  chưa  triệt  để,  phải  tiến  lên  một  bước  nữa  là  thấy  tội  của  mình… Bữa ấy Bác lôi cả nhục và tội của cụ Bùi Bằng Đoàn ra. Tôi  nhớ  chi  tiết  này  vì  tôi  đã  ái  ngại  cho  cụ  thượng  thư  cũ. Nhất là khi Bác Hồ nói “Xin lỗi cụ Bùi”  thì cụ Bùi rất ôn tồn  đáp  lại: “Không  dám,  xin  cụ  cứ  nói.”  Tôi  có  phần  thiện  cảm  với  chữ  “Không   dám”  mà  từ  khi  lên  ATK  trên  rừng  bây  giờ  mới lại nghe đến. Cũng thương cụ Bùi chỉ được gọi là Cụ!
Lúc ấy tôi chưa biết Mao bày mẹo chỉnh huấn bắt khai tội  cốt để hạ nhục bề dưới để dễ thu phục sai khiến - tao bắt mày  khai  cái  thối  tha  nhất  của  mày  ra  mà  mày  nghe  tao  là  mày hàng tao, tao nắm được ruột gan mày thì mày còn hòng thóat  đi đâu.

Ở  chi  bộ  chúng  tôi,  Nguyễn  Tư  Nghiêm  là  học  viên  duy  nhất rơi vào cảnh gay go phải làm hai bước nhận nhục và có  tội. Mẹ anh năm ấy đã già, có hơn hai mẫu ruộng cho cấy tô,  một  mình  nuôi  người  em  của  Nghiêm  bị  điên.  Nguyễn  Tư  Nghiêm nhất định không khai “tội ác”  của mẹ. Chi bộ thuyết phục, răn đe, anh vẫn khăng khăng nói không thể căm thù mẹ,  không  thể  coi  mẹ  là  kẻ  thù  giai  cấp,  là  có  tội  ác,  không  thể  đoạn tuyệt mẹ mà trái lại anh biết  ơn mẹ đã nuôi nấng anh  thành người, cho anh được học mỹ thuật.
Tóm  lại,  đảng  coi  anh  là  ngọc  là  vàng  để  anh  nghe  đảng  nhưng  anh  lại  coi  mẹ  anh,  kẻ  thù  giai  cấp,  hơn  cả  ngọc  cả  vàng.  Và  Nghiêm  đã đơn  thương  độc  mã  nhỏ  nhẹ,  ấp  úng  chặn đứng một mầm văn hóa  ác bắt đầu ló mòi mà người ta  toan vun trồng nhân giống trên đất nước.
Cuối lớp học, xong phần tổng kết tư tưởng từng người, học  ủy chọn đưa ra toàn thể hội trường ba báo cáo điển hình.
Một của Thế Lữ. Anh đã phạm sai lầm tham gia Việt Nam  Quốc Dân Đảng, Tự Lực Văn Đoàn, lại làm thơ kêu gọi nhân  dân ta, nhất là thanh niên, đi vào con đường thoát ly chính trị,  lờ đi tiếng kêu cứu của đất nước nô lệ tủi nhục. Rồi đời sống  sa đọa, đĩ điếm, thuốc phiện...
Một của Tô Ngọc Vân. Anh là tiêu biểu rõ nét nhất của  tư  tưởng văn nghệ thoát ly  chính trị mà tiêu biểu nhất là cuộc  tranh  luận  kéo  dài  của  anh  với  Trường  Chinh  năm  1948  ở  trên báo Sự Thật về “nghệ thuật là tuyên truyền hay không là  tuyên truyền?” Anh thẳng cánh bác bỏ nghệ thuật phải tuyên truyền.
Và một của Th. Lên tự nhận mắc chứng hủ hoá trai gái gần  như bệnh lý mà có lẽ do, anh công khai thú nhận, “cái của tôi  nó to quá!” Truy nguồn gốc tư tưởng đến thế, nhân tiện phô  diễn  tính  dục  bằng  lời - verbal   exhibitionism  thay cho   hàng thật. Một dạo dài, tôi sinh hoạt chi bộ ghép với vợ chồng Th.
Đầu những năm 90, giỗ 49 ngày Trịnh Kính thổi clarinet ở  cạnh nhà tôi, Song Kim, dì họ của anh đến. Chị buồn rầu nói:
- Báo cáo điển hình của anh Thế Lữ ở cái lớp ấy tôi vẫn  còn giữ... Xấu hổ anh ạ...
- Chính bọn chúng tôi mới xấu hổ, - tôi khẽ nói. Đã xúm lại  nghe... Nhưng có lẽ xấu hổ hơn cả là người đã đặt ra cái trò cho nhòm hội đồng vào đời tư người khác qua lỗ khoá.
Tôi đã giữ lại không nói tiếp: Chẳng lẽ hễ nhân danh cách  mạng là có quyền đánh trống ghi tên cho đến nhòm lỗ khoá  vào đời người khác hay sao chị ơi.

Thời đánh Nhân Văn, Song Kim đã từng phải che chắn cho  Thế Lữ. Người ta đòi anh viết kiểm thảo cái tội không nhận rõ  sai  lầm  của  bọn  phản  động  Nhân  Văn. Nguyễn  Khải  được  phân công đến động viên Thế  Lữ viết. Chả biết thật hay giả, Thế Lữ liền nhờ Khải viết hộ bản tự kiểm điểm lệch lạc của  mình. Kể lại cho tôi chuyện này, Khải còn đỏ mặt ngượng.
Làm nhục và sợ là yêu cầu sâu kín của “tự  kiểm  thảo.”  Nhiều  người  đã  tự sát.  Bảo  là  vì  nhục cả  thì không  chắc.  Có thể  là  một  cách  phản  kháng  chăng?  Người  đầu  tiên  tự  sát trong chỉnh huấn là Thân Mỡ, nguời đảng viên do Kỳ Vân kết  nạp đầu tiên ở Đình Bảng, lúc học ở trường Mác - Lê Bắc Kinh  rồi treo cổ chết khi tổng kết tư tưởng  Ở lớp chỉnh huấn Lưu Động, Chính Yên báo Cứu Quốc dự, có Thướng, biên tập viên cùng báo với hai anh. Thướng treo cổ bên ngòi Thia, sông Đáy. Hai anh đã phải lặn lội tìm xác kẻ “phản  bội,”  lời  của  bí  thư  học  ủy  Nguyễn  Chương.  Học  viên phải họp mít tinh ở hội trường rầm rầm hô đả đảo tội ác của  tên  Thướng  mưu  phá  hoại  chỉnh  huấn,  một  phương  thức  quan trọng của xây dựng đảng. Chính Yên bảo tôi là trước đó  Thướng ngồi trong hội trường một mình rất lâu. Bước ra thấy  Chính Yên, Thướng quay đầu lại sau chửi: - Mẹ chúng nó cao cao tại thượng. Trên cao chỉ có ảnh Mác, Ăng - ghen,  Lê-nin, Stalin,  Mao  Trạch  Đông  và  Hồ  Chí  Minh.  Chính   Yên   nói   anh không nghĩ Thướng chửi mấy cụ đó. Động cơ nào khíến một số anh em tự thủ tiêu. Nhục rồi tự  xoá bỏ? Hay mượn diệt bản thân mà hy vọng diệt chính cái kẻ  đã đưa mình tới nông nỗi tuyệt vọng này?
Cha - Mẹ không có chỗ trong trái tim những đứa con hoang
Tự sát biết đâu chẳng phải là muốn lẩn trốn một cách sống  kinh hoàng? Đời thuở nào ngồi trước chi bộ lại lôi việc bố đi  nhà thổ, mẹ ngủ với đày tớ ra trình báo?
À,  lại  còn  tế  nhị  cho  phép  là  nếu  việc  xấu  xa  quá  thì  sẽ  được báo cáo riêng với học ủy. Tại lớp học tôi theo có người  đau đớn khai ra việc mình ngủ cả với mẹ vợ và em gái vợ, có  khi một đêm riêng rẽ với cả ba người. Khai rõ đủ thủ đoạn dụ  dỗ, lừa bịp và cách tiến hành “tội ác”  để lôi được tận gốc rễ của tư tưởng địa chủ nó ích kỷ, đểu giả, tàn bạo đến thế nào. Chăm  chú  ghi  từng  câu  hỏi  của  tập  thể  để  trình  bày  cụ  thể  động cơ, địa điểm, thủ đoạn phạm tội. Có đồng chí khai mắc  sai  lầm  thủ  dâm.  Năm  chục  tuổi  mà  còn  mắc  cái  đó  thì  tư  tưởng  chiếm  hữu  và  hưởng  thụ  của  địa  chủ  ở  đồng  chí  lớn  quá thật. Nào đồng chí nói cho biết khi phạm tội đó đồng chí  nghĩ  chiếm  hữu  ai? -  “Báo   cáo  (người  trong  chi  bộ  tôi  và  Nghiêm  vừa  tự  thú  bỗng  nghẹn  ngào)… báo   cáo,   tôi …  Báo cáo …, cả chi bộ lắng nghe. Báo cáo tôi nghĩ đến cô con gái nhà chủ ở địa phương. “Thành phần gia đình?” “Có lẽ phú nông...”  “Đấy, ngưu tầm ngưu mã tầm mã, tư tưởng bóc lột gặp nhau  đấy.” 
Cứ thế nghiêm chỉnh xây dựng tư tưởng vô sản cho nhau. Đấu tranh tư tưởng là phải truy lùng triệt để như thế!
Nhưng  có  những  người  khóc  vờ  cho  qua  cầu. Thí  dụ  Dương Bích Liên. Anh bảo tớ có cách. Tớ nghĩ đến thuở bé tớ  lấy lửa đốt các tổ kiến cho cháy xèo xèo thế rồi tớ chảy nước  mắt thật. Sau này đi cải cách Liên luôn thủ một hộp sữa bên  mình, đêm mút trộm. Tự bào chữa: cái này mình có mời thì nông dân cũng lắc.
HCM - tranh khắc gỗ của Tô Ngọc Vân, 1946
Xin trở lại chuyện Nguyễn Tư Nghiêm.  Thương  anh,  kẻ  bị  Tố  Hữu  “uốn  nắn  thái  độ”  không  yêu thương đồng chí là tôi đã xui bậy anh khai bừa đi là căm thù  cho  xong  chuyện. Bảo  anh  là  nói  vâng,  tôi  căm  thù  trống  không như kiểu Galilée nhận quả đất đứng nhưng miệng lẩm bẩm cho một mình mình nghe là nó vẫn quay ấy!

Nhưng Nghiêm cứ đau khổ lí nhí bảo tôi: - Không..., không căm thù mẹ được. Nghiêm cũng không căm thù được cả các địa chủ khác.
Một  xẩm  tối,  chờ  lên  hội  trường  nghe  giải  đáp,  Nghiêm  bảo tôi: - Tớ biết thế nhưng tớ không theo nổi. Tớ đọc Marx - Engels thấy nói Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa là sự đoạn tuyệt  triệt  để  nhất  với  chế  độ  tư  hữu;  như  thế  tất  nhiên  nó  phải  đoạn tuyệt triệt để nhất với các tư tưởng truyền thống “Table rase” cơ mà, xóa sạch… Tớ biết thế nhưng tớ không theo thế  được … 

Lúc ấy cố nhiên Nghiêm chưa nghe Cụ Hồ nói đại ý giữa  nhà to là nước với nhà nhỏ là gia đình riêng thì cái to là nặng,  cái  nhỏ  là  nhẹ,  vậy  nên  người  cách  mạng  chọn  gia  đình  to.

Nhưng  có  nghe  thì  Nghiêm  cũng  không  theo.  Marx  còn  chả  làm gì nổi được Nghiêm mà.

… Lần tham gia cải cảch ruộng đất ở Đức Lân, gần kè Úc  Sơn, Thái Nguyên, sau một cuộc phát động quần chúng đấu tố  địa chủ, Nghiêm mất tích. Tiêu tan đi như một cái bóng. Đội đã nghĩ tới phản động thủ tiêu. Ai hay quá kinh hãi về sự độc  ác của con người với con người, anh bỏ trốn đội. Lủi ra ẩn ở  giữa  đồng  lúa  đang  cữ  trổ  đòng.  Bạch  Mao  nữ  trốn  địa  chủ  còn  có  rừng  sâu,  Nghiêm  trốn  đội  cải  cách  chỉ  còn  có  cánh  đồng và những đòng lúa non cho anh bứt nhá thay cơm nhiều  ngày.  Phát  hiện  ra  anh,  người  ta  chỉ  có  thể  kết  luận  là  anh  điên.
Và  Nghiêm  đã  vào  nhà  thương  điên  Bạch  Mai. Chung phòng  với  một  anh  lính  điên.  Kim  Lân  lúc  đó  là  chi  ủy  viên  phải đến thăm Nghiêm  (“chả hiểu sao lại cho mình chui vào cơ  quan  lãnh  đạo  như  vậy  chứ?,”  -  Kim  Lân  lè  lưỡi  bảo  tôi) Cậu lính khen Nghiêm tốt lắm nhưng hễ lên cơn anh ta lại cứ  nhè đầu Nghiêm mà nện. Tài, - Kim Lân nói, đau thế, ngày hai  ba  trận  đòn  điên  thế  mà  nhất  định  không  chịu  ra  nhá.  Sau nhiều  lần  vào,  tớ  cứ  dỗ  cu  cậu. Nào  về  với  anh  em  đi, Nghiêm... Về..., về vẽ với anh em cho vui nhỉ...
Minh họa truyện Kiều của Nguyễn Tư Nghiêm

Về  một  thời  gian  được  đặt  hàng  minh  họa  Truyện  Kiều. Trường Chinh cho xổ toẹt. Phê rằng truyện Kiều là của Trung  Quốc mà lại vẽ ăn mặc kiểu Việt Nam? Thật ra ông ấy không  xài được những nét vẻ run rẩy mà mọi người kinh hãi lên vì  đẹp và gọi là phong cách “thời kỳ điên."

Sau  đó,  Trường  Chinh  muốn  an  ủi  Nghiêm,  ba  lần  mời  Nghiêm đến gặp. Nghiêm từ chối. Rúc vào đồng im lặng. Nay những bức vẽ Kiều được săn lùng ngang đồ sứ Minh - Thanh...

Bây giờ, thế kỷ 21, Nghiêm vẫn hoàn toàn rúc vào tranh và  im  lặng. Tây  Tàu  đến  tìm  gặp  người  đàn  bà  sống  chung  với  anh nói anh đi vẽ xa. Bao giờ về? Không biết... Mà có khi chết  giữa đường, ông ấy dặn trước như thế.

Khoảng  2009,  2010,  một  tối  ở  nhà  Trần  Lưu  Hậu  tôi  gọi  cho Nghiêm Vợ anh, người đàn bà hay từ chối khách nói ông  ấy  ốm. Tôi  nói  xin  bà  nói  giúp  với  ông  ấy  tôi  là  thế  này.  Ba phút sau Nghiêm ra. “Ốm thật... Ừ, đến chơi nhé... Nhớ đến nha. Có tránh nhưng  tránh  ai thôi... Vẫn thoáng  cái giọng Nghệ từ tốn, thấp trầm. Tôi hài lòng. Có thế chứ. Rủ tôi bỏ cộng sản từ rất sớm cơ mà...
TRẦN ĐĨNH
Bài cũ:
-Ngô Nhân Dụng giới thiệu Đèn cù
-Vì sao chế độ cộng sản tồn tại lâu?

1 nhận xét:

  1. Đèn Cù hay từ cái tên
    Tôi đã từng nghe cái tên đèn cù, nhưng chưa bao giờ hiểu nó là đèn kéo quân, có lẽ, nó là phương ngữ của người miền Bắc Việt Nam. Nên khi tìm định nghĩa đèn cù, tôi mới hiểu tư tưởng của tác giả muốn nói gì? Và lúc ấy, đèn cù thu hút tôi.

    Đèn Cù là một tác phẩm tự sự - tự truyện - những gì có thực dưới hình thức hiện thực phê phán. Tác giả chỉ kể lại những điều tai nghe, mắt thấy, đã sống với nó, sờ được nó, ngủ với nó, ăn uống với nó, trăn trở nó, thậm chí khiếp sợ nó suốt 50 năm qua - những sự kiện suốt con đường tác giả đi theo cụ Hồ.

    Từ đó, cụ Hồ là nhân vật trung tâm, kéo sềnh sệch đoàn quân đi theo con đường "cách mạng" mà cụ Hồ tự cho là đúng. Sau rốt, là cụ Hồ đã lôi cả dân tộc vào trò chơi lịch sử như một lũ mọi rợ, vong nô từ tâm thế, đến tư thế đi vòng quanh dưới tâm thế nô vong, chư hầu của ngoại bang, không tư tưởng, không sách lược, mà chỉ làm kỹ chiến thuật theo lệnh của Stalin và Mao.

    Đèn Cù hay từ cái tên là vậy, và đó là tư tưởng chủ đạo của tác phẩm văn học, hiện thực phê phán có lối tự sự của một người đã từng viết thuê những chuyện giả sử chuyên nghiệp, mà vẫn làm cả dân tộc mê muội - Trần Đĩnh - bây giờ ông viết thật về mình. Nếu tác giả Trần Đĩnh đặt tên cho tác phẩm của ông là Đèn Kéo Quân thì lại mất hay, vì:

    Đèn kéo quân sang trọng quá, trong khi những gì người cộng sản làm thể hiện tính cách bần nông, độc ác kiểu thời Trung Cổ như súc vật, chứ không thanh cao, quý phái của tầng lớp thượng lưu đi làm cách mạng như các cuộc cách mạng dân chủ tư sản phương Tây. Và ngay từ đầu, họ đã gọi họ làm cách mạng vô sản - cách mạng của những kẻ khố rách áo ôm, vô học, và lưu manh. Nó phải có cái tên Đèn Cù rất bần nông, dân giả, và đượm màu sắc văn hóa gốc rạ. Nó không thể được đặt cái tên mỹ miều - Đèn Kéo Quân được.

    Đèn Cù mô tả tâm thế và tư thế vong nô cho ngoại bang
    Trọn bộ 599 trang, trong đó, 583 trang của tác phẩm Đèn Cù - trừ 16 trang của lời giới thiệu và nhà xuất bản - Đèn Cù mô tả đầy đủ tính súc vật của cuộc cách mạng vô sản không chỉ ở Việt Nam, mà còn loáng thoáng thấy ở Liên Xô và Trung Hoa. Điều này tác giả đã tả đầy đủ ở chương 4 - chương nói về phương pháp đấu tố từ trong chính đồng đội ra đến toàn dân theo cái phàm là thứ 2 của Mao - cán bộ cốt cán của đảng phải có tỳ vết.

    Đèn Cù nói lên cái yếu hèn của trí thức
    Bàng bạc trong toàn bộ tác phẩm Đèn Cù cho ta thấy trí thức chỉ là con tốt trên một bàn cờ. Những trí thức - nói đúng nghĩa hơn là những con mọt sách, mà người Mỹ thường hay dùng từ NERD để diễn tả về họ. Trí thức, họ chỉ có thể là kẻ làm thuê, chịu sự chăn dắt để yên thân, họ chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ muốn làm chủ hay làm đầu tàu để kéo quân. Hơn nữa, họ thiếu sự đoàn kết, vì họ tự cho mình là trí tuệ cao. Nên họ yếu hèn, họ trở thành kẻ sai vặt, tự đi vặt lông mình, và vặt lông đồng đội sống chết với mình dưới sự sai khiến chỉ một con người có chữ, ít học, nhưng thừa kinh nghiệm lọc lõi của đời, và thừa vô liêm sĩ để làm bất cứ điều gì, nhằm đạt được tham vọng của chính bản thân phần con của mình đòi hỏi.

    Ngay từ những lúc cùng cực nhất của cuộc cách mạng vô sản phải rút lui vào rừng chờ thời cơ, đám nerd kia, vẫn biết mình bị o ép để tự mình đấu tố mình, để đám chính trị gia nắm yếu huyệt sai khiến, nhưng đám nerd ấy vẫn cắn răng chịu đựng trong sợ hãi, túng quẩn, để có kẻ điên, người tự vẩn. Đám nerd học trường Tây, vẫn tự cho mình là thông minh hơn người, nhưng vẫn không thoát ra được cái hèn yếu của tư tưởng an phận - như Nguyễn Tuân... Không có ai như Phạm Duy của đám nerd thời Tây học, dám vứt bỏ để Nam tiến và làm lại, dám vứt bỏ ra đi sau 30/4/1975 để làm lại. Đó là sự khác biệt của cái dũng, cái hiểu biết của trí thức thực sự.

    Đèn Cù đã giải thích tất cả số phận dân tộc Việt, và bi kịch lịch sử đã chọn cho dân tộc này, đi theo hướng của mặt trời lặn, rồi vòng lại kiếp nô lệ của hình nộm trên chiếc Đèn Cù, vào màn đêm tăm tối cho đến hôm nay.
    HỒ HẢI
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips