Thứ Năm, 14 tháng 8, 2014

Thời Sản mạt...

Sự khác nhau giữa quan và dân ở Việt Nam hiện nay!
Qua vụ mất cắp của ông Đào Anh Kiệt người dân lại phát hiện ra một chi tiết rất lý thú. Hẳn nhiều người còn nhớ đến vụ tiệm vàng Hoàng Mai ở quận Bình Thạnh, tiệm vàng này chỉ vì mua 100 USD mà suýt nữa bị tịch thu luôn cả tủ vàng và bị chính quyền xử phạt 400 triệu đồng.
Thông tin về ông Đào Anh Kiệt (ảnh trên) , Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi Trường tại Sài Gòn bị mất 1 tỷ đồng tiền Việt và 30 ngàn dollar khiến nhiều người bàng hoàng. Họ bàng hoàng cũng phải thôi, vì trong một quốc gia mà thu nhập bình quân đầu người chỉ gần 2 ngàn dollar/năm (2013) mà quan chức lại có số tiền khủng trên thì đúng là cần phải đặt ra câu hỏi. Ấy là chưa nói, đã từ lâu nay báo chí luôn ta thán về lương công chức không đủ sống, thì việc một ông Giám đốc Sở “dành dụm” được khối tài sản khổng lồ quả là việc làm phi thường.
Có một chi tiết đáng chú ý là, cho dù bị mất cắp từ ngày 4/8/2014 nhưng mãi đến ngày 11/8 báo chí mới được biết thông tin. Nó làm cho chúng ta nhớ lại vụ mất cắp 65 lượng vàng ở nhà một Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum với tổng giá trị bị mất cắp lên đến hơn 3 tỷ đồng nhưng mãi 5 ngày sau, gia chủ mới dám đi báo Công an, đã vậy chỉ khai là mất 5 lượng vàng mà thôi. Nhưng ông Kiệt một mực quả quyết với báo Tuổi Trẻ số tiền trên là do “dành dụm qua mấy chục năm làm việc mới có”.
Ông Kiệt quả là người “dành dụm” siêu phàm, vì với lương công chức, cứ cho là khoảng 8 triệu/tháng thì ông phải mất đến 200 tháng, tương đương với 17 năm thì ông mới có được khối tài sản 1,6 tỷ nói trên. Nhưng lẽ nào ông lại không ăn, không uống, không tốn tiền xăng, không cho con đi học, không đánh răng mà chỉ biết “dành dụm” thôi?
Tên trộm nào đó thiệt là quá quắt, vì đã dám lấy đi tiền “mồ hôi, nước mắt, do ông để dành mà có”, mà đó lại là tiền ông để mua trả góp một căn hộ chung cư cho con trai. Có lẽ chính vì thế mà ông đã “không e ngại gì khi đi báo Công an về số tài sản bị mất, cũng không ngại bị tiết lộ thông tin”. Vì số tiền trên ông đã khai báo rõ ràng với đảng, với nhà nước và Ban phòng chống tham nhũng của ông rồi. Ở Việt Nam, chỉ có trộm mới biết được mấy tài sản thực của mấy ông quan chức.
Cách đây vài hôm, báo chí trong nước lại lật lại một vụ thương tâm cho dù sự việc này đã xảy ra khoảng gần một năm trước. Tại Cà Mau, một người phụ nữ nghèo, là mẹ của những đứa con đang đến tuổi ăn học nhưng vì mắc trong người trọng bệnh, để khỏi tốn tiền của chồng bà đã tự tử để mong rằng với số tiền phúng điếu của bà con lối xóm sẽ giúp cho đứa con của bà được đi học, hòng thoát khỏi cảnh nghèo. Đó là người phụ nữ yểu mệnh Nguyễn Thị Mỹ Nhân, bà ra đi lúc chỉ mới 38 tuổi. Cái chết của bà khiến cho nhiều người thương tiếc, nhưng họ không dám trách chị dại dột mà lại trân trọng trước những tình cảm của chị dành cho những đứa con của mình.
Hiện trường vụ án và 2 mẹ con nạn nhân Trần Minh Phước
Và một vụ thương tâm khác cũng đã xảy ra vào ngày 10/8, trong lúc phát cơm miễn phí cho người nghèo, một thanh niên 23 tuổi đã bị đâm chết do phát cơm chậm. Gia cảnh của anh này cũng thật thê lương. Mẹ anh 42 tuổi là người phải rửa chén thuê cho các quán ăn, còn anh thì ai thuê gì làm đó. Nếu không có việc làm thì phải đi lượm ve chai bán. Anh có một vợ và một người con, hằng ngày vợ anh phải đi xin ăn để có tiền trang trải, và anh đảm nhận công việc phát cơm không lấy tiền mà chỉ giữ lại cho mình 2 hộp cơm để cho anh và vợ. Đó là số phận của anh Trần Minh Phước.
phải lao động đến thối tay mới có được túp "lều" trong hình
Ở Việt Nam có rất rất nhiều những số phận nghiệt ngã như chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân và anh Trần Minh Phước. Và đương nhiên cũng có rất nhiều quan chức như ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tại Sài Gòn và ông Đặng Xuân Thọ, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tây Nguyên.
Qua vụ mất cắp của ông Đào Anh Kiệt người dân lại phát hiện ra một chi tiết rất lý thú. Hẳn nhiều người còn nhớ đến vụ tiệm vàng Hoàng Mai ở quận Bình Thạnh, tiệm vàng này chỉ vì mua 100 USD mà suýt nữa bị tịch thu luôn cả tủ vàng và bị chính quyền xử phạt 400 triệu đồng. Vậy nhưng, ông Đào Anh Kiệt sở hữu đến những 30 ngàn USD thì không biết liệu ông này mua từ đâu (!). Và sau khi tìm ra thủ phạm, liệu chính quyền có xử phạt ông quan này?
Trong một xã hội mà trên các thông tin tuyên truyền luôn ví công chức như là những công bộc, đầy tớ của nhân dân thì lại là người sở hữu những khối tài sản kếch xù, còn người dân được ví như là những người chủ lại phải sống trong điều kiện bần cùng, túng quẫn, đến vì một hộp cơm miễn phí mà phải giết người. Qua những hình ảnh trên chúng ta mới thấy được sự khác nhau ghê gớm giữa quan chức với dân, nó rất khác với những gì mà chính quyền tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
-Người quan sát/calitoday
Bài cũ: Xạo hết chỗ nói (1) - Xạo hết chỗ nói (2)

10 nhận xét:

  1. Chế độ CSVN là một chế độ hàm chứa rất nhiều mâu thuẫn và nhiều điều khó hiểu, khó hiểu đến nỗi có nhiều người không hiểu nổi hoặc không sao giải thích được.

    Chẳng hạn, có thể nói: xét về khả năng xây dựng đất nước thì CSVN là một chế độ ngu xuẩn và tệ hại nhất trong lịch sử nước ta, và không chừng còn là ngu xuẩn nhất thế giới. Thế mà những người lãnh đạo chế độ này thường vỗ ngực tự xưng là “đỉnh cao trí tuệ loài người”. Thật vậy, trước 1975, VNCH hay miền Nam Việt Nam − vốn văn minh hơn những nước chung quanh như Thái Lan, Lào, Miến Điện, hay ít nhất là ngang hàng hoặc hơn chứ không thể kém Philippines, Đài Loan, Đại Hàn. Thế mà sau 1975, khi chiếm được miền Nam, CSVN đã biến cả Miền Nam lẫn miền Bắc trở thành một nước lạc hậu hàng trăm năm so với những nước kể trên. Sự tự hào của bọn lãnh đạo CSVN quả là một ngu xuẩn, ngu xuẩn đến nỗi người bình thường khó mà hiểu được!
    Tuy nhiên, nghĩ theo chiều hướng hoàn toàn cục bộ thì sự tự hào ấy xem ra cũng có lý. Hồ Chí Minh khi sinh tiền đã từng nói: “Đánh thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng bằng năm, bằng mười ngày nay”. Khi thấy thực tế là đất nước dưới chế độ CSVN đã nghèo đi gấp năm gấp mười lần trước đó, chúng ta thường nhạo báng lời của ông Hồ. Sở dĩ thế là vì chúng ta tưởng ông Hồ có ý nói về việc xây dựng đất nước. Nhưng nếu áp dụng cho việc xây dựng đảng và đời sống của các đảng viên CSVN thì lời đó của ông Hồ đúng 100%. Thật vậy, sau khi “đánh thắng giặc Mỹ” và chiếm được Miền Nam, đảng và các đảng viên CSVN đã giàu lên không chỉ gấp năm gấp mười mà gấp đến cả trăm, cả ngàn lần.

    Cũng vậy, sự kiện các lãnh đạo CSVN vỗ ngực tự xưng là “đỉnh cao trí tuệ loài người”, nếu đừng hiểu trí tuệ này áp dụng vào việc xây dựng đất nước, mà chỉ áp dụng vào việc bảo vệ đảng, bảo vệ sự độc tôn trường trị của đảng, thì ta phải công nhận họ đã thật sự đạt đến đỉnh cao của trí tuệ loài người. Có thể nói tóm gọn là CSVN rất ngu xuẩn trong điều thiện, nhưng lại vô cùng khôn ngoan trong điều ác; rất ngu xuẩn trong việc bảo vệ và phát triển đất nước, nhưng lại rất khôn ngoan và hữu hiệu trong việc bảo vệ và phát triển độc quyền thống trị đất nước của họ. Trí tuệ hay sự khôn ngoan ở đây cần phải hiểu theo chiều hướng gian manh, quỷ quyệt, mưu mô, thủ đoạn…
    NGUYỄN CHÍNH KẾT

    Trả lờiXóa
  2. Bài học đau đớn nhất của 90 triệu người dân Việt là cứ nhìn vào các “tấm gương” dư tiền tiêu không hết, bị mất cắp mà vẫn bình chân như vại thì chẳng khác chi quan lớn, quan cao lớn, quan to lớn, quan lớn đại... bật đèn xanh cho sự vơ vét mặc nhiên.

    Đọc báo, biết tin ông GĐ Sở TN-MT TP.HCM bị mất trộm 1.600.000.000 đồng do ông “đãng trí” để “quên” trong phòng làm việc của cơ quan - không hề bất ngờ, nhưng xót xa nhiều...

    Rất nhiều vụ quan nhơ nhỡ mất cắp từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng nhưng chưa hề (dù chỉ một lần), thấy “khổ chủ” bị điều tra với những câu hỏi như ‘tiền ở đâu ra nhiều thế’?, “nếu tiền “thừa” cơ quan lắm thế thì ở nhà, ở những nơi khác là bao nhiêu?”...

    Chỉ cần với hai câu hỏi trên, người dân buộc phải tự nghĩ rằng: Người ta hô hào chống tham nhũng để... làm gì! Bởi, chỉ cần soi nhẹ từ lương tháng là biết ngay quan GĐ dẫu có nhận lương mỗi tháng 13-14 triệu đồng thì phải mất đúng 10 năm không ăn, không uống, không mua xăng, không đưa vợ, cho con..., nói tóm lại là không tuyệt đối mới đủ 1,6 tỷ VNĐ. Không tuyệt đối là điều không thể có trên đời.

    Chưa hết một nhiệm kỳ mà quan GĐ đã có 1,6 tỷ tiền... thừa, nếu đủ 2 nhiệm kỳ chắc ít nhất cũng dư dăm bảy tỷ đồng?. Người dốt toán đến mấy cũng tính ngay được rằng tổng số tiền quan GĐ nộp vợ, ăn nhậu, bao đỡ cho các quan trên phải nhiều gấp vài lần số tiền 1,6 tỷ đó. Nói chưa hết nhiệm kỳ là có cái lý của nó: Chẳng ai để tiền trong văn phòng vào mấy ngày cuối – lỡ không được o bế để ngồi dai, ngồi gắng nữa thì sao?

    Chuyện của quan GĐ Sở TN-MT TP HCM chỉ là một trong hàng chục vụ (mà báo chí biết, gần nhất là quan nhơ nhỡ Sở Tài chính Kon Tum mất trộm 3 tỷ đồng) về số tiền khó hình dung nổi mà quan nhơ nhỡ kiếm được.

    Cả nước có ít nhất 900 ông GĐ sở, có chừng ấy nữa các chức vụ tương đương (như Trưởng Ban Tổ chức, Trưởng Ban Ngoại vụ...); đó là chưa kể đến các chức vụ vừa béo vừa oai vừa có màu, có vị như chủ tịch quận, huyện (cũng thuộc hàng nhơ nhỡ); nếu kê để tính, nhân con số hàng ngàn.

    Vậy mà cứ lâu lâu lại nghe quan chức bị mất trộm hàng tỷ đồng, khiến cho dư luận càng bức bối (tất nhiên không phải tất cả là những con sâu) đến bao giờ thì lộ hết cả "bầy sâu"? Trong nỗi mù mờ, u u minh minh, cứ mường tượng hàng ngàn quan nhơ nhỡ với 1,6 tỷ đồng ấy thì chuyện đất nước không rách nát tả tơi mới là chuyện lạ. Bởi như đã nói ở trên, dư thừa 1,6 tỷ đồng mà không bị coi là tham nhũng cũng có nghĩa là chuyện... bình thường!

    Bài học đau đớn nhất của 90 triệu người dân Việt là cứ nhìn vào các “tấm gương” dư tiền tiêu không hết, bị mất cắp mà vẫn bình chân như vại thì chẳng khác chi quan lớn, quan cao lớn, quan to lớn, quan lớn đại... bật đèn xanh cho sự vơ vét mặc nhiên(!) Sự thật nhãn tiền bao nhiêu năm nay khiến người ta nghĩ như một ngầm định rằng, các chú cứ yên tâm, không sao đâu, miễn là giải thích cho có lý có tình, tỷ như nhờ nuôi heo, nuôi gà, có tiền cất ở nhà sợ mất, gửi ngân hàng sợ vỡ nợ nên đem bỏ cơ quan cho chắc...

    Nghe nói bên Mỹ sẽ cấp ngay thẻ xanh định cư cho bất kỳ ai, miễn là chịu đầu tư vào nước Mỹ 500.000 USD. Không ít quan chức nước ta dư sức bỏ ra khoản tiền ‘bèo bọt’ đó. Chỉ có điều, luật Mỹ khác luật ở ta: Nếu không giải trình được nguồn tiền đó có từ nguồn hợp pháp nào thì đừng có mơ giấc mơ Mỹ vội vàng.

    Thử hỏi các quan to hơn quan nhơ nhỡ: Tại sao không áp dụng cách thức đó để chống tham nhũng? Phương pháp giản tiện, dễ dàng, chẳng cần dự án tốn tiền nghiên cứu, hiệu quả có tức thì mà không làm thì chỉ có thể nói là không muốn làm!
    HÀ VĂN THỊNH

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ngày 18/9/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã ký hàng loạt quyết định tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án liên quan bị can Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “Nhôm”) cùng một số tổ chức, cá nhân tại TP HCM và TP Đà Nẵng.
      Theo đó, cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự để điều tra Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí tại (điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015) xảy ra tại TP HCM.

      Những người bị khởi tố gồm: ông Nguyễn Hữu Tín (61 tuổi, nguyên phó chủ tịch UBND TP HCM); ông Đào Anh Kiệt (61 tuổi, nguyên giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM); ông Lê Văn Thanh (56 tuổi, Phó chánh Văn phòng UBND TP HCM); ông Nguyễn Thanh Chương (44 tuổi, Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP HCM).

      Bốn ông bị khám xét nơi ở và làm việc; bị cấm đi khỏi nơi cư trú; cùng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí...

      Xóa
  3. Cái sự quan chức mất trộm ngày nay, nó muôn hình muôn vẻ lắm. Hồi năm 2013, một nhóm trộm đột nhập vào nhà ông Đặng Xuân Thọ - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kon Tum và bà Trần Thị Xuân Lan - Trưởng phòng tổ chức Cục thuế tỉnh Gia Lai khóa cửa ngoài. Dưới gầm giường nhà ông bà có một vali đã bị bọn chúng nẫng đi với tổng cộng 65 cây vàng.
    Ngặt một nỗi, trộm thì lấy đi 65 lượng vàng, nhưng thoạt đầu gia chủ đi báo lên Công an phường Yên Đổ (TP. Pleiku) là bị trộm đột nhập nhà, nhưng không bị mất tài sản. Khoảng một tuần sau, bà Lan lại có đơn trình báo gửi Công an TP. Pleiku, nhà bà bị kẻ trộm đột nhập lấy cắp 5 cây vàng.
    Các chú trộm biết tin mừng quá, bèn hối hả lấy vàng ra tiêu, vì 65 cây vàng mà gia chủ chỉ dám thừa nhận mất có 5 thì 60 cây kia chả phải đã “kính biếu” không cho trộm rồi chứ còn gì nữa? Và vì quá tự tin với món quà trời cho, nên trộm sa lưới.
    Tháng 6-2013, ba tên trộm đã đột nhập vào nhà một nữ cán bộ văn phòng UBND tỉnh Nghệ An và lấy đi 57 lượng vàng cùng 50 triệu đồng tiền mặt. Chồng nạn nhân là cảnh sát giao thông thuộc Công an tỉnh Nghệ An, đã về hưu.
    Mới hồi tháng 5-2014 vừa qua, nhà riêng của ông Lăng Văn Hòa - Giám đốc sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Bắc Kạn bị trộm đột nhập, lấy đi 40.000 USD, 5 cây vàng SJC, 1 lắc tay, 1 cặp nhẫn cưới và 100 triệu đồng.
    Nói chung những vụ mất trộm của nhà quan chức, chỉ cần bạn đọc chịu khó ngồi tỉ mẩn ngồi tìm kiếm thông tin trên mạng một lúc là ra cả đống. Vụ nào mất cũng cỡ tiền tỷ trở lên cả.
    Một “siêu trộm” tên là Đặng Ngọc Tân sinh năm 1982 tại Đà Nẵng đã 45 lần đột nhập tư gia nhà các doanh nhân, quan chức và thành công 36 vụ, chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng. “Siêu trộm” từng lấy đi 110 cây vàng miếng SJC ở nhà một vị giám đốc sở này tâm sự rất thật trước tòa: “Nhà đại gia, quan chức mới lắm tiền nhiều của chứ nhà dân thường lấy đâu ra tiền mà đột nhập vào cho mất công”.
    Đấy, chân lý thật là dễ hiểu, cứ đột nhập vào nhà đại gia, quan chức thì chắc chắn thành công, chứ ngu gì chui vào nhà dân thường, vừa xôi hỏng bỏng không có khi lại còn bị đánh cho gần chết. Lấy của quan, không những quan thương, mất nhiều thì quan báo thành ít, mà mất ít thì quan ỉm luôn hộ đi cho. Thật là sung sướng không biết đâu mà kể.
    Mối quan hệ giữa “trộm và quan” thật khăng khít gắn bó chẳng khác gì “thuyền và biển” và trong bài thơ tình nổi tiếng của nhà thơ Xuân Quỳnh. “Chỉ có trộm mới hiểu, tiền quan găm chốn nào, chỉ có trộm mới biết, quan giấu vàng ở đâu…” Bí mật của quan không ai biết rõ ngoài trộm, mà cũng không ai “thương” trộm hơn quan, vì quan có lu loa mất của lên thì dại mặt quan, nên nhiều vụ quan đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
    Một thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2007 - 2013, các cơ quan chức năng đã truy tố gần 2.200 vụ án về tham nhũng với gần 5.300 bị can, nhưng chưa có vụ án tham nhũng nào được phát hiện thông qua việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức.
    Còn thống kê của Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2011 chỉ phát hiện 2 trường hợp được xác định kê khai không trung thực và năm 2012 là 3 trường hợp.
    Đọc những con số thống kê này, có người nói vui là sao không nhờ đến các chú trộm và “siêu trộm” kiểm tra, đối chiếu giúp cho bản kê khai tài sản của các cán bộ, công chức xem có thực đúng với những gì họ đang cất giữ trong gầm giường, hộc tủ nhỉ? Đơn giản lắm, chỉ cần một ông “siêu trộm” như ông Tân ở Đà Nẵng, 45 vụ đột nhập và thành công tới 36 vụ đủ biết trình độ cất giấu của chìm của nổi của các quan chức nước mình còn non lắm.
    Nhưng nói cho vui vậy thôi, chứ ai dại gì mà dùng trộm vào việc kiểm tra tính xác thực trong việc kê khai tài sản của công chức, cán bộ, quá bằng “lạy ông tôi ở bụi này” cho các vị quan chưa bị trộm viếng thăm.
    Trộm hay quan, quan hay trộm, trong cái thời buổi nhập nhèm này, trộm là một thứ quan trong bóng đêm, còn có khi quan lại là một thứ trộm giữa ban ngày ban mặt cũng nên. Ai mà biết được.
    MỘT THẾ GIỚI

    Trả lờiXóa
  4. Giám đốc một bệnh viện tâm thần chia sẻ: Không hiểu sao gần đây có rất nhiều người liên lạc với ông để xin giấy chứng nhận tâm thần hoặc một số người không có dấu hiệu nào cho thấy bị bệnh tâm thần nhưng lại cố tình gào thét, đập phá để gia đình đưa nhập viện tâm thần, sau đó lại quậy phá ở bệnh viện một thời gian nữa nhưng mỗi khi đưa thuốc thì lại lén vứt đi, mặc dù các bác sĩ làm một số bài kiểm tra tâm lý và đưa ra kết luận người đó không bị bệnh tâm thần. Nhưng người đó lại tiếp tục quậy phá cho đến khi có giấy ra viện của bệnh viện tâm thần cùng với giấy xác nhận bệnh nhân tâm thần mới chịu thôi.

    Vị bác sĩ này cho rằng một khi người ta chen chân nhau để lấy giấy xác nhận bị bệnh tâm thần như vậy là có hai vấn đề: Xã hội đang mỗi ngày càng giống bệnh viện tâm thần hơn và; Giấy chứng nhận tâm thần rất có ý nghĩa trong xã hội này. Mà một khi giấy chứng nhận tâm thần có giá trị trong xã hội thì cũng đồng nghĩa rằng xã hội đó có quá nhiều vấn đề mờ ám cũng như tội ác tiềm ẩn, rất có thể người ta mượn chứng bệnh tâm thần để chạy tội vì người mang phải bệnh này được xếp vào diện mất năng lực quản lý hành vi, họ không phải chịu bất cứ trách nhiệm hình sự nào.

    Một giáo sư xã hội học người miền Trung, hiện đang làm việc tại thành phố Sài Gòn, chia sẻ:
    “Trốn trách nhiệm pháp luật nghĩa là có giấy chứng nhận tâm thần thì có giết người cũng không có tội lỗi. Bị tâm thần nó thế đó nên giờ nó có tiền nó chạy giấy đó đó, liên quan đến vấn đề tài chính thì có giấy tâm thần thì huề vốn. Vừa rồi có một giám đốc bệnh viện tâm thần ăn hối lội nhiều quá trời rồi ra khám cũng bị tâm thần luôn, thế là huề vốn. Bây giờ có giấy đó lợi lắm, có giết người cũng không ở tù.”

    Theo vị giáo sư này, tất cả những kẻ cố tình tạo dáng tâm thần và chạy cho được giấy chứng nhận tâm thần đều có vấn đề trong các quan hệ xã hội, mà nói cụ thể họ là những kẻ đã gây ra một thứ tội ác nào đó khó bề tránh khỏi lưới pháp luật cũng như khó bề tránh được tòa án lương tâm. Chính vì biết tội ác của mình quá nặng, họ cố tình chạy cho được giấy chứng nhận tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự.

    Và chuyện này đã xảy ra quá nhiều ở Việt Nam, không ngoại trừ những cán bộ, chức sắc nhà nước, sau quá trình tham nhũng dai dẳng, họ biết bản thân không thể thoát tội một khi đường dây quyền lực của họ bị vỡ, cái dù bên trên của họ đã bị vô hiệu hóa thì bệnh viện tâm thần trở thành cái dù khác thay thế cho cái dù quyền lực trước đây. Họ sẽ bằng mọi giá kiếm cho được giấy chứng nhận bệnh tâm thần… Mọi việc xem như xuôi thuyền mát mái, bệnh viện tâm thần trở thành đấng cứu rỗi, thần hộ mệnh cho các quan tham một khi cái dù quyền lực bị hỏng.

    Trong một số trường hợp khác, những kẻ phạm tội giết người cũng tìm cách chạy cho được giấy chứng nhận tâm thần để chạy tội. Có không ít kẻ giết người trước đó là một người lành lặn, không bị gì nhưng khi bước ra trước vành móng ngựa thì mắt mũi kèm nhèm, gật gù, méo mó, nói năng không dầu không đũa… và luật sư của y lại trưng ra giấy chứng nhận tâm thần, mọi việc xem như xong, không đủ cơ sở về năng lực hành vi của y để kết án.

    Chuyện này xảy ra ở khắp đất nước, có một điều lạ là không hiểu vì sao cho đến bây giờ, những kẻ mạo danh bệnh tâm thần kia vẫn chưa bao giờ bị soi xét hồ sơ lần nào và các quan tòa vẫn tin rằng y bị bệnh tâm thần, mọi tội ác của y được gác lại sau tấm bình phong tâm thần của y. Đã có rất nhiều trường hợp như thế trong các phiên tòa hình sự, kinh tế ở Việt Nam nhưng chưa bao giờ có một cuộc điều tra cụ thể nào về trách nhiệm của những bác sĩ tâm thần có thẩm quyền đã cấp giấy chứng nhận tâm thần man trá này.

    Điều này cho thấy hiện nay, xã hội Việt Nam đang ở cao trào mượn giấy chứng nhận tâm thần để chạy tội, hệ thống pháp luật cũng như những cơ quan thi hành pháp luật đã bỏ ngỏ hướng này, để nhiều kẻ gây tội dễ dàng qua mắt pháp luật cũng như lương tri cộng đồng. Thậm chí, rất có thể một số quan tòa đã thông đồng với người nhà kẻ phạm tội và bác sĩ tâm thần để thực hiện phương án tâm thần hóa tội phạm mà thoát tội.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  5. Xã hội Việt Nam hiện nay tràn ngập tin đồn từ kinh tế cho đến chính trị mà trong nhiều trường hợp gây nhiều hoang mang hoặc thiệt hại vật chất lớn lao. Vì thiếu thông tin chính xác, thông tin bị che giấu hay trình độ dân trí thấp khiến cho các loại tin đồn có đất sống.

    Việt Nam có hệ thống truyền thông rất lớn với 800 cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình nhưng thông tin được định hướng. Do vậy người dân ít tìm thấy những thông tin chính trị kinh tế nhạy cảm trên truyền thông lề phải. Với những người quan tâm, các mạng xã hội, blog, facebook hiện nay là nguồn thông tin thay thế, qua kênh thông tin này những tin đồn loan truyền với tốc độ chóng mặt. Tin đồn thì có thể gần đúng hoặc vẫn chỉ là đồn thổi và rồi thời gian sẽ làm cho nó đi vào quên lãng.

    Tại sao xã hội Việt Nam tràn ngập tin đồn, nhất là những tin đồn nhạy cảm chính trị? Nhà báo Lê Phú Khải từng nhiều năm phục vụ truyền thông nhà nước từ TP.HCM phát biểu:
    Theo tôi mọi sự nó đều là không có thật…chỉ có mỗi một sự thật ở đất nước Việt Nam này đó là sự dối trá.

    Gần đây nhất, dư luận Hà Nội râm ran tin ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng Trưởng ban Nội chính Trung ương bị ung thư máu vì nhiễm phóng xạ và qua đời hôm 29/8. Tin đồn này tràn lan trên mạng và râm ran ở quán cà phê, len lỏi vào mọi ngõ ngách ở các đô thị lớn. Đến thời điểm ngày 29/8/2014 tức sau hai tuần im lặng, lúc ấy báo chí Việt Nam mới khéo léo xác nhận ông Nguyễn Bá Thanh đang ở Hoa Kỳ để chữa bệnh, mặc dù không nói là ông Thanh bị bệnh gì, mục đích chỉ để khẳng định là ông còn sống.

    Một số ý kiến cho rằng, ông Nguyễn Bá Thanh là một cán bộ cao cấp Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội Chính, Phó ban chỉ đạo chống tham nhũng Trung ương, như vậy ông là một nhân vật chính trị một người của công chúng. Việc ông đi nước ngoài chữa bệnh nếu loan báo ngay từ khi ông lên đường sẽ tránh được những lời đồn thổi; đặc biệt trong trường hợp ông Thanh vốn được dư luận cho là không thuộc nhóm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và không được vào Bộ Chính trị.

    Trả lời chúng tôi, Tiến sĩ Bác sĩ Đinh Đức Long người vừa công khai rời bỏ Đảng Cộng sản từ Saigon cho rằng, vấn đề công bố thông tin cán bộ đi nước ngoài chữa bệnh không nằm trong Luật. Tuy vậy ông góp ý:
    “Nên công bố, cũng là có cái lợi để người ta biết tại vì nhiều người quan tâm… người bình thường thì không ai để ý nhưng người của công chúng nhiều người quan tâm hơn thì nên công bố, nó đỡ đồn đại, đỡ bị bóp méo. Nhiều người cho rằng nên cung cấp thông tin chủ động, tôi nhớ ông John McCain ứng cử Tổng thống Mỹ, người ta cũng đồn là ông ấy bị bệnh nọ bệnh kia và phải công khai hồ sơ về y khoa. Công khai ra ông này bệnh đã chữa khỏi rồi không ảnh hưởng gì và vẫn đủ điều kiện để trở thành ứng cử viên tổng thống mặc dù ông ấy không trúng. Nhưng tôi nghĩ ở Việt Nam chưa có luật.”

    Những thông tin được cho là nhạy cảm chính trị liên quan đến đảng Cộng sản Việt Nam luôn bị che giấu. Phải mãi đến năm 2012, lần đầu tiên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mới hé lộ kiểu thông tin nửa chừng khi ông nói với người dân rằng, Trung ương Đảng đã không kỷ luật một Ủy viên Bộ Chính trị mà ông gọi là đồng chí X. Khi thông tin như thế, đây là một dịp cho các loại tin đồn phát triển. Dư luận sôi nổi về việc nhận diện đồng chí X là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

    Hậu quả từ tin đồn
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  6. Người đàn ông đứng cạnh một chiếc thùng rác. Ông ta đang dùng tay móc cái thùng rác không biết để tìm kiếm cái gì. Nhưng nhìn kỹ một chút thì người ta thấy ngay: cái thùng rác có hàng chữ Soviet Union, chứa những thứ phế thải chưa kịp đem đi đổ.

    Lúc ấy Liên Bang Xô Viết vừa tan rã. Ðảng cộng sản bị cấm hoạt động ở ngay cái nôi của chủ nghĩa cộng sản. Cái thùng rác là nơi an nghỉ cuối cùng của những thứ rác rưởi người ta vừa thải ra. Trong bức hí họa, người đàn ông là Nelson Mandela. Ông vừa được thả sau gần ba chục năm ngồi trong những nhà tù khủng khiếp nhất của nhân loại. Nên nếu ông có lúi húi móc cái thùng rác mong kiếm được cái gì mang về xài đỡ thì việc làm ấy của ông cũng có thể hiểu nổi. Trong suốt thời gian gần ba chục năm dài ngồi trong những nhà tù apartheid của người da trắng, ông đã bị đối xử bằng những cách đối xử còn thua cả cách đối xử dành cho những con vật. Mà cách đối xử ấy cũng chẳng chỉ dành cho riêng mình ông, mà còn cho luôn cả những người Phi Châu khác cùng mầu da, cùng quê hương với ông nữa. Ông có lý do để đi tìm sự cứu rỗi mà ông nghĩ là có ở những thứ bị quăng không một chút tiếc thương vào trong cái thùng rác ấy.

    Nelson Mandela, dĩ nhiên, sau đó, đã nhìn ra được sự thật. Ông bỏ ý định ôm lấy cái đống rác dơ bẩn đó và chọn đi một con đường khác để dẫn dắt đất nước Nam Phi của ông.

    May mà ông nhận ra được cái thùng ấy chỉ chứa toàn rác rưởi để chọn đi con đường tử tế hơn cho dân tộc và đất nước Nam Phi của ông.

    Vậy mà từ ngày Liên Bang Xô Viết lăn đùng ra chết (26 tháng 12, 1991) đến nay đã được gần 1/4 thế kỷ, vẫn còn một bọn xuẩn động ôm lấy cái thùng rác ấy để moi ra ăn với nhau. Lẽ ra chẳng ai thèm nhắc đến trò chơi ngu dốt của chúng nhưng vì trò xuẩn động này của mấy thằng ranh con lại được tờ Tuổi Trẻ nhắc đến trong một bài báo có cái tựa nguyên văn “Những Chàng 'Bônsêvích.'” Bài báo cho biết mấy ranh con này là sinh viên của Ðại Học Quốc Gia Hà Nội trong một tiết mục của Festival hôm 2 tháng 9 vừa qua. Mấy thằng ranh con này, khoảng hơn 20 đứa ở khắp nước (ở Hà Nội có được 5 mống) đã liên lạc với nhau để “trao đổi” những kỷ niệm và kiến thức về Liên Xô. Bọn này thỉnh thoảng gặp nhau ở một quán cà phê CCCP (Liên Xô) ở Kim Mã, Hà Nội. Chúng tìm mua vài ba thứ quân phục của hồng quân, sách vở tài liệu liên quan đến Liên Xô trước đây để cho...đỡ nhớ. Chúng gọi nhau là “thanh niên cơm sườn” thay cho hai chữ cộng sản.

    Tội nghiệp cho những thằng ranh con ngu dốt này. Ðến bây giờ mà còn moi thùng rác ra mà ăn với nhau. Nhưng mà chúng nó cũng còn khôn chán. Gọi nhau là “cơm sườn” thay vì cộng sản vì theo cộng sản thì chỉ có đói rã họng ra mà chết cả lũ hay sao!

    Bài báo có một bức ảnh đi kèm chụp năm thằng ranh con quỳ và đứng như tư thế của những người lính thủy quân lục chiến Mỹ đang dựng lá cờ Mỹ ở Iwo Jima trong bức tượng ở đài tưởng niệm thủy quân lục chiến Mỹ bên ngoài nghĩa trang quốc gia Arlington, Virginia. Những chi tiết khác cũng làm không nên thân. Lính hồng quân nào lại mặc áo trấn thủ, nón sắt ngụy trang bằng lá cây, đi giày jogging. Có được mỗi một cái mũ calot là chính xác.

    Học đòi có thế mà cũng láo toét hệt như thằng cha gốc gác mù mờ đem mấy cuốn sách về Tân Trào, về Pác Bó dịch ra tiếng Việt để bịp cả nước như nó đã làm bên con suối mà nó đặt tên lại là Le Nin...trong nhưng lúc tạm gác chuyện đi vào bản vồ vài ba chị đàn bà Tày cho vui đời cách mạng.

    Tháng 7 năm 2013, Nguyễn Tấn Dũng ký một sắc lệnh miễn học phí cho các sinh viên ghi tên học chương trình 4 năm về chủ nghĩa Mác-Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh mà không có con chó nào chịu học. Ðài BBC cho biết cả nước không có được nổi 100 sinh viên ghi tên.

    Lý do không phải là vì tốt nghiệp khó kiếm ra việc, mà là vì không thể kiếm ra việc.

    Ðành làm “thanh niên cơm sườn” vậy.

    Lý do là vì hồi này đất khó kiếm, không còn cạp ra mà ăn được nữa.
    BÙI BẢO TRÚC

    Trả lờiXóa
  7. Theo Wikileaks (6/1/2017), có khoảng 65% quan chức cấp cao đã có kế hoạch chạy khỏi Việt Nam (một khi có biến). Như đã thành thông lệ, khi có quan chức tham nhũng nào bị “sờ gáy”, là lại nghỉ phép trốn ra nước ngoài “chữa bệnh” (không biết bệnh gì). Kèm theo dòng người di cư là dòng vốn đi theo. Chỉ tính riêng năm 2015, đã có 19 tỷ USD chạy ra khỏi Việt Nam. Đó là hiện tượng tẩu tán vốn hay “bỏ phiếu bằng chân”, trước thực trạng của đất nước ngày càng bi đát như hình ảnh con tàu Vinashin đang chìm.

    Bức tranh Viêt Nam là một bản sao bức tranh Trung Quốc. Theo phó chủ tịch nước TQ Lý Nguyên Triều (Đại Kỷ Nguyên, 30/12/2016), điều tra nội bộ trước đại hội Đảng 18 cho thấy trên 85% quan chức cấp cao đã cho vợ con định cư, mua nhà ở nước ngoài, chuẩn bị ra đi trước nguy cơ “vong Đảng”. Theo Reuters, dự trữ ngoại hối đã giảm 70 tỷ USD (trong tháng 11/2016) và 41 tỷ USD (trong tháng 12/2016), nay chỉ còn 3.010 tỷ USD.

    Mỹ không còn là địa chỉ an toàn để rửa tiền tham nhũng. Liệu chính quyền Trump có triển khai “Luật Nhân Quyền Magnisky” (mà ông Obama đã ký) nhằm cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản của những người vi phạm nhân quyền? Liệu chính phủ Việt Nam có tiến hành một chiến dịch “Săn Cáo” như chính quyền Tập Cận Bình đang làm?

    Theo giáo sư Minxin Pei, chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình cho thấy tình trạng tham nhũng đã ăn sâu vào mọi ngõ ngách của chế độ (nhất là từ thời Giang Trạch Dân). Tuy nhiên, hoạt động chống tham nhũng vẫn chưa chạm đến cái gốc rễ quan trọng nhất là “tham nhũng đất đai”. Có đến 90% quan chức có thể bị bắt bất cứ lúc nào, trong khi số “quan thanh liêm” chỉ chiếm có 0,000001% dân số. (VOA, 29/10/2016).

    Chỉ cần quan sát dòng người và dòng vốn chạy đi đâu là biết tình trạng đất nước ra sao. Dòng người di cư ngày càng đông, gồm cả doanh nhân, trí thức, và quan chức, là dấu hiệu bất ổn về “chảy máu chất xám” (brain drain) và “tẩu tán vốn”, làm đất nước kiệt quệ. Đó là bi kịch của một quốc gia thiếu dân chủ, bị các nhóm lợi ích thao túng, trì hoãn đòi hỏi cấp bách phải đổi mới thể chế, để họ tranh thủ vơ vét nốt trước khi con tàu đắm.
    NGUYỄN QUANG DY

    Trả lờiXóa
  8. Đứng trước những lo ngại và mong muốn được tìm hiểu về thực trạng làn sóng di cư của các triệu phú Việt Nam, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết, hiện tượng trên không mới, nó đã diễn ra từ nhiều năm trước.

    Đáng nói, đi cùng với cuộc di cư nói trên, Việt Nam cũng phải chứng kiến có một dòng tiền lớn đang bị chảy ra nước ngoài theo các triệu phú, tỷ phú này.

    Cuộc di cư này không chỉ có đại gia, triệu phú mà còn bao gồm cả những quan chức, người có tiền, có quyền.

    Trả lờiXóa
  9. Tôi muốn nói theo cách nói của nhà sử học Trần Quốc Vượng khi ông còn sống. Ông hay bông đùa một cách hóm hỉnh, sâu sắc. Ông là giáo sư sử học uyên thâm, từ chối vào đảng chỉ để tự do ăn nói, rất được sinh viên ngành sử mến mộ quý trọng.

    Ông thường hay nhận xét anh A, anh B ''là đảng viên, nhưng mà tốt, lương thiện.'' Vì theo ông các đảng viên quanh ông thường là cơ hội, tự kiêu, hám danh, hay lừa dối, nói theo, không có tư duy độc lập, hầu hết là không lương thiện, không tử tế.

    Trong trường đại học Hà Nội hồi đó, khi một giảng viên được chọn để kết nạp vào đảng Cộng Sản, thường bày trò thăm dò ý kiến của mọi người trong trường, ông thường mỉa mai thẳng thắn: ''Tôi thường bỏ phiếu tán thành cho anh X hay cho cô Y vào Đảng, để cho hàng ngũ quần chúng ngoài Đảng được trong sạch.'' Ông cho rằng tư cách đảng viên, theo ông quan sát, thường là kém người ngoài Đảng về tư cách, lòng trung thực, tính lương thiện.

    Tuy ông đã mất nhưng nhận xét của ông quả là chính xác, ngày càng đúng đắn, khi Đảng ngày càng suy thoái để tha hóa nặng nề như hiện nay, trong Bộ Chính Trị cũng quyết đấu đá sinh tử với nhau, các đồng chí cao cấp dùng súng sát phạt nhau như ở Yên Bái vừa qua, như vụ Đồng Tâm / Mỹ Đức hiện nay, Đảng đang đối xử bạo lực với dân như một kiểu chiến tranh.

    Mới đây, nhân gần đến ngày 30 tháng 4, trang Việt-Studies đăng một bài luận văn mang đầu đề ''Nhớ lại và suy ngẫm từ mấy câu chuyện sau 30 tháng 4 -1975.'' Tác giả là Giáo Sư Đào Công Tiến, từng được phong Nhà Giáo Ưu Tú, là Hiệu Trưởng trường Đại Học Kinh Tế Sài Gòn từ 1990, là trường có chất lượng, theo hướng rèn luyện sinh viên có tư duy độc lập sáng tạo.

    Bài báo rất thẳng thắn phân tích tình hình đất nước sau 42 năm gọi là ''Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước,'' nhưng đã thất bại hoàn toàn.

    Tác giả cho rằng lẽ ra ''giai đọan mới'' từ sau ngày 30/4 phải là giai đoạn hòa giải hòa hợp trọn vẹn, phát triển đất nước ấm no cường thịnh. Nhưng Đảng Cộng Sản đã có những lựa chọn sai lầm buộc nhân dân và dân tộc ''phải giả giá quá đắt.'' Miền Nam bị chiếm đóng, chính quyền cũ bị đầy ải đi cải tạo theo kiểu khổ sai, hòa giải và hòa hợp dân tộc bị phản bội, đất nước chia rẽ, bị cai trị bởi các nhóm quyền lực tham nhũng ở mọi cấp khắp nơi, kinh tế lạc hậu đến 30 năm, 50 năm so với Thái Lan, Malaysia vốn thua kém nước ta. Đảng Cộng Sản theo đường lối bảo thủ giáo điều sùng ngọai chính là nguyên nhân của mọi khủng hoảng và bế tắc, trong đó mất lòng tin của toàn dân đến mức cạn kiệt hiện nay là nguy cơ lớn nhất...

    Trong kết luận, Giáo Sư Đào Công Tiến nói đến nỗi buồn sâu đậm của người trí thức, của mỗi công dân yêu nước, thương dân khi thấy đất nước tiêu điều ảm đạm, nạn tham nhũng lan tràn không cách nào ngăn, môi trường ô nhiễm nặng, giáo dục xuống cấp, y tế bê tha, đạo đức suy đồi, lòng người hoang mang, cuộc sống ngột ngạt bế tắc. Đảng Cộng Sản phải nhìn thấu đáo điều đó để cùng nhân dân giải quyết, hóa giải tận gốc nỗi buồn đau vô tận hiện nay.

    Đảng phải có dũng khí sám hối, tạ tội với dân, với dân tộc về cả một hệ thống quốc sách sai lầm tệ hại của giai đọan 42 năm qua và trả về cho nhân dân mọi quyền lực để xây dựng lại đất nước theo một mô hình văn minh, hiện đại mà không mất gốc dân tộc kiên cường. Đây mới thật sự là Đổi Mới.

    Đây là bài luận văn toàn dân ta nên đọc, 19 vị trong Bộ Chính Trị, 200 vị trong Ban Chấp Hành Trung Ương, 500 đại biểu Quốc Hội (mà 90% là Đảng Viên Cộng Sản) nên đọc kỹ hơn ai hết, vì đây là tiếng nói dũng cảm, chân thành của một trí thức đảng viên cấp cao có trí tuệ, dũng khí, tử tế và lương thiện, phơi bày tất cả tấm lòng quặn đau và trái tim nhỏ máu của mình ra ánh sáng của công luận để toàn xã hội động lòng xem xét, cùng suy ngẫm và hành động.
    BÙI TÍN

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips