Thứ Ba, 12 tháng 8, 2014

Bé trai Úc 'bêu thủ cấp' ở Syria

Thủ tướng Úc Tony Abbott đã lên án mạnh mẽ hình chụp một bé trai, được cho là con một cựu tù nhân người Úc, đang bêu thủ cấp của một người Syria.
Thủ tướng Abbott tại sân bay Rotterdam, Hà Lan hôm 10/8/2014
Tấm hình được đăng trên tài khoản Twitter của Khaled Sharrouf, người hiện đã gia nhập phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria, báo The Australian đăng tin. Ông Abbott nói hình ảnh này cho thấy "sự man rợ" của các thành viên IS.
Hình chụp một bé trai, ở độ tuổi học sinh tiểu học, mặc áo thun xanh và đội mũ lưỡi trai, dùng hai tay để nắm một cái đầu bị cắt rời. Bức hình kèm theo lời chú thích bên dưới "con trai tôi đấy", The Australian đưa tin, đồng thời cho biết hình ảnh trên được chụp ở thành phố Raqa, phía bắc Syria.
Một hình khác chụp Sharrouf đang mặc quân phục và đứng tạo dáng cùng ba đứa trẻ, được giới chức an ninh xác nhận là con trai của ông này, báo này cho biết thêm. "Chúng ta cần ý thức được rằng Nhà nước Hồi giáo... không chỉ là một tổ chức khủng bố mà là một đội quân khủng bố, chúng không chỉ đang muốn thiết lập một vùng đất khủng bố mà là một quốc gia khủng bố," ông Abbott nói với Đài phát thanh Australia từ Hà Lan, nơi ông đang có mặt để thảo luận về các vấn đề liên quan đến vụ máy bay MH17 bị rơi ở Ukraine. "Điều này mang lại những vấn đề nghiêm trọng... không chỉ cho người dân ở Trung Đông mà còn cho cả thế giới." "Ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy sự man rợ của tổ chức này".
Sharrouf và những kẻ ủng hộ y rời tòa án Sydney tháng  9/2012
Sharrouf bị tuyên án 4 năm tù hồi năm 2009 do tham gia vào âm mưu thực hiện các vụ tấn công ở Sydney và Melbourne. Sau khi được trả tự do, ông này bị cấm xuất cảnh nhưng sau đó đã dùng hộ chiếu của anh trai để bay sang Syria cùng gia đình.
Australia đã phát lệnh truy nã Sharrouf hồi tháng Bảy sau khi nhiều hình ảnh xuất hiện trên tài khoản Twitter của ông này chụp Mohamed Elomar, một công dân Úc khác, đang bêu thủ cấp của các binh sỹ chính phủ Syria./Xem toàn bài/BBC

3 nhận xét:

  1. Tài xế xe tải Peter Nettleton, sống ở thành phố Sydney, nói rằng ruột gan ông như thắt lại khi nhìn thấy bức ảnh cháu trai mình đang cầm chiếc đầu người trên trang bìa của tờ báo hôm qua.

    Ông Nettleton là bố vợ của phiến quân người Australia Khaled Sharrouf. Ông vẫn đinh ninh rằng 5 đứa cháu của mình đang sống ở Malaysia với mẹ trong khi Sharrouf chiến đấu cho tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Iraq.

    "Tôi rất lo cho bọn trẻ", The Australian dẫn lời Nettleton nói. "Cuộc sống của chúng giờ sẽ ra sao?", ông nói.

    Tình cảm giữa ông Nettleton và con gái bắt đầu rạn nứt cách đây 9 năm, khi cô này cải đạo sang Hồi giáo và kết hôn với người bạn trai đang tuổi thiếu niên, là con của một gia đình nhập cư người Lebanon.

    "Chính phủ không thể làm gì đó để giải thoát những đứa trẻ khỏi tên đó sao?", ông nhắc đến con rể.

    Sharrouf, 33 tuổi, có ba con trai và hai con gái. Bức ảnh gây sốc về cậu con trai 7 tuổi mới đây được y chia sẻ trên trang Twitter của mình với chú thích đầy tự hào: "Con trai tôi đấy!".

    Trong ảnh, cậu bé có khuôn mặt khôi ngô mặc áo phông xanh và đội mũ bóng chày. Hai tay em đang nắm chặt lấy chiếc đầu đã bị cắt lìa khỏi thân của một binh sĩ Syria. Bức ảnh này được chụp ở thành phố Raqa, phía bắc Syria.

    Anh trai của y, Mostafa Sharrouf, cho rằng người Australia nên "quên" bức ảnh trên đi. "Cậu ta đã đi rồi, hãy quên nó đi. Tôi chắc các vị còn từng nhìn thấy nhiều thứ tồi tệ hơn thế", Mostafa, sống ở ngoại ô phía tây Sydney, nói về em trai.

    Tuy nhiên, khi được hỏi về sự an toàn của các các cháu mình, Mostafa cho biết "không có gì để nói".

    Trả lờiXóa
  2. Hôm 12/8, Hội đồng Tòa Thánh về Đối Thoại Liên Tôn ra tuyên ngôn nghiêm khắc lên án việc tái lập cái gọi là ‘Nhà Nước Hồi giáo’, và cực lực lên án những hành vi man rợ không thể biện minh được.

    Hội đồng Tòa Thánh khẳng định rằng:

    “Toàn thế giới kinh hoàng chứng kiến cái gọi là ‘sự tái lập Nhà Nước Hồi giáo (Caliphate)’ là điều đã bị Kamal Ataturk, vị sáng lập nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, bãi bỏ ngày 29-10-1923.

    Sự phản đối chống lại sự ‘tái lập’ này của đại đa số các tổ chức tôn giáo và các chính trị gia Hồi giáo vẫn không ngăn cản nổi những chiến binh ‘thánh chiến của Nhà Nước Hồi giáo’ phạm và tiếp tục phạm vào những hành vi tội ác khôn tả.

    Hội đồng Tòa Thánh này, cùng với tất cả những người dấn thân trong công cuộc đối thoại liên tôn, tín hữu của tất cả các tôn giáo cũng như những người nam nữ thiện chí không thể không đồng thanh tố giác và lên án những phương thức sỉ nhục con người như:

    - Chủ trương tàn sát dân chúng chỉ vì tín ngưỡng của họ;
    - Hành vi đáng kinh tởm là chặt đầu người, đóng đinh và treo thi thể nơi trường sở công cộng;
    - Chính sách tùy tiện bó buộc các tín hữu Kitô và người Yezidi phải theo Hồi Giáo, hay là trả tiền thuế (yizya) hay là phải di cư;
    - Việc trục xuất hàng mấy chục ngàn người, trong đó có các trẻ em, người già, phụ nữ đang mang thai và bệnh nhân.
    - Hành động bắt cóc các thiếu nữ và phụ nữ thuộc cộng đoàn Yezidie và Kitô như chiến lợi phẩm (sabaya);
    - Hành vi cưỡng bức man rợ các phụ nữ phải khâu kín bộ phận sinh dục;
    - Việc phá hủy các nơi thờ phượng và lăng tẩm của Kitô giáo và Hồi giáo;
    - Hành động chiếm đóng hoặc xúc phạm đến các nhà thờ và tu viện;
    - Việc tháo gỡ các thánh giá và các biểu tượng tôn giáo khác của Kitô giáo và các cộng đồng tôn giáo khác;
    - Hành vi phá hủy các gia sản Kitô vô giá về tôn giáo và văn hóa;
    - Việc bạo hành dã man với mục đích làm cho dân chúng phải kinh sợ để bó buộc họ khuất phục hoặc phải chạy trốn.

    Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn khẳng định rằng: Không nguyên cớ nào và chắc chắn là không tôn giáo nào có thể biện minh cho những hành vi man rợ như vậy. Đó là một sự xúc phạm cực kỳ trầm trọng đối với nhân loại và đối với Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường nhắc nhở.

    Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể quên rằng các tín hữu Kitô và Hồi giáo đã có thể sống chung với nhau qua bao thế kỷ, tuy có những lúc thăng trầm, kiến tạo một nền văn hóa cùng tồn tại và một nền văn minh đáng hãnh diện. Hơn thế nữa, chính trên căn bản đó mà trong những năm gần đây, cuộc đối thoại giữa các tín hữu Kitô và Hồi giáo đã được tiếp tục và tăng cường.

    Tình trạng thê thảm của các tín hữu Kitô, của những người Yezidis và các cộng đồng tôn giáo và chủng tộc thiểu số tại Iraq đòi phải có một lập trường minh bạch và can đảm từ phía các vị lãnh đạo tôn giáo, nhất là Hồi giáo, những người dấn thân trong cuộc đối thoại liên tôn và tất cả mọi người thiện chí. Tất cả phải đồng thanh quyết liệt lên án những tội ác vừa nói và tố giác việc lạm dụng tôn giáo để biện minh cho những việc làm ấy. Nếu không như thế thì các tôn giáo này, các tín đồ và thủ lãnh của họ còn có gì đáng cho người ta tin? Cuộc đối thoại liên tôn đã được kiên nhẫn theo đuổi trong những năm qua còn chút uy tín nào nữa không?

    Các vị lãnh đạo tôn giáo cũng được mời gọi hãy dùng ảnh hưởng của mình với các chính quyền để chấm dứt những tội ác này, trừng phạt những kẻ phạm tội và tái lập pháp quyền trên miền đất này, đồng thời bảo đảm cho những người bị trục xuất được hồi hương. Trong khi nhắc nhở sự cần thiết phải có luân thường đạo lý trong xã hội loài người, chính các nhà lãnh đạo các tôn giáo này không được quên nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ, tài trợ và cung cấp võ khí cho khủng bố là điều vô luân.

    Ngoài ra, Hội đồng Tòa Thánh đối thoại liên tôn cũng cám ơn tất cả những người đã lên tiếng tố giác nạn khủng bố, nhất là thứ khủng bố lợi dụng tôn giáo để biện minh cho mình.

    Trả lờiXóa
  3. Bày tỏ "những lo ngại rất nghiêm trọng" trước hiện trạng là nhiều vùng rộng lớn của Iraq và Syria đang phải nằm dưới sự kiểm soát của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo và Mặt Trận Al-Nusra, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 15 tháng 8 đã cáo buộc 6 tên đầu sỏ của bọn khủng bố Hồi Giáo IS là Abdelrahman Mouhamad Zafir al Dabidi al Jahani, Hajjaj Bin Fahd Al Ajmi, Abou Mohamed al Adnani, Said Arif, Abdul Mohsen Abdallah Ibrahim al Charekh và Hamid Hamad Hamid al-Ali đã phạm vào những tội ác chống nhân loại.

    Trong một cuộc bỏ phiếu nhất trí hiếm khi xảy ra tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, tất cả các quốc gia thành viên đã đồng thanh chấp thuận một nghị quyết do Vương quốc Anh đề nghị trong đó kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới chú ý quan tâm đến "những tác động tiêu cực nghiêm trọng của hệ tư tưởng cực đoan bạo lực và những hành động gây phương hại đến sự ổn định của khu vực, những hành vi vô nhân đạo đang tàn phá các quần thể dân sự và vai trò của các nhóm cực đoan này trong việc kích động căng thẳng giữa các tôn giáo."

    Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cũng đặt cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở miền Bắc Iraq ở mức độ khẩn cấp cao nhất – là "Cấp 3" - vì quy mô và sự phức tạp của tình hình, trong đó ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn người đã phải di tản bởi quân khủng bố Hồi Giáo IS.

    Hội đồng Bảo an đã lên án với các điều khoản mạnh nhất "những hành động khủng bố của IS và hệ tư tưởng cực đoan bạo lực của nó, cùng những vi phạm nhân quyền và pháp luật nhân đạo quốc tế."

    Hội đồng, chỉ ra rằng IS là "một nhóm tách ra từ Al-Qaeda”, và nhắc lại rằng Mặt Trận Al-Nusra cũng đã từng bị đưa vào danh sách trừng phạt. Vì thế, Hội đồng cảnh cáo bất cứ ai và bất cứ quốc gia nào ủng hộ bọn IS dưới mọi hình thức "bao gồm việc tài trợ, trang bị vũ khí, lập kế hoạch tuyển dụng hoặc thông tin bằng các công nghệ truyền thông bao gồm cả phương tiện truyền thông internet và xã hội hay qua bất kỳ phương tiện nào khác. "

    Hội đồng đòi hỏi IS, Mặt Trận Al-Nusra và tất cả các cá nhân khác cũng như các nhóm liên quan đến Al-Qaeda phải chấm dứt tức khắc tất cả các hình thái bạo lực và các hành động khủng bố và lập tức giải tán.

    Hội đồng kêu gọi tất cả thành viên của Liên Hiệp Quốc có những biện pháp ở tầm mức quốc gia hầu "ngăn chặn việc gia nhập vào hàng ngũ các chiến binh khủng bố”, và "đưa chúng ra trước công lý cũng như tiếp xúc ngay với những người có nguy cơ bị tuyển dụng vào hàng ngũ bọn khủng bố, cảnh cáo họ không được đến Syria và Iraq.”

    Hội đồng cũng tái khẳng định rằng các quốc gia có trách nhiệm ngăn chặn việc bán hay cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp các vũ khí cho IS và Mặt Trận Al-Nusra.

    Hội Đồng cũng quyết định phong toả tài sản trong các trương mục ngân hàng, và cấm đi lại đối với 6 tên đầu sỏ được nêu ở trên.

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips