Thứ Ba, 14 tháng 5, 2013

Vì sao chế độ cộng sản tồn tại lâu?

- Lý do thứ nhất là bộ máy kiểm soát chính trị và xã hội. Đảng cộng sản kiểm soát chặt chẽ toàn bộ cơ cấu xã hội một cách tinh vi, từ các đơn vị nhỏ đến các ban ngành lớn. Cơ quan tuyên truyền trung ương đảng kiểm soát từng chi tiết các sinh hoạt tri thức, thông tin, truyền thanh, truyền hình, báo chí.
Hệ thống kiểm duyệt trong chế độ cộng sản không chỉ ở trung ương mà theo nhiều tầng lớp. Ngay cả khi tác giả viết bài cũng đã thực thi tự kiểm duyệt vì họ biết những gì nên viết và những gì không được viết trước khi nạp bản thảo cho cơ quan kiểm duyệt nhà nước. Bức tường bưng bít thông tin dày nhiều lớp như thế đã che đậy tội ác ngập trời của các lãnh tụ cộng sản.
Giáo sư Brian Reynolds Myers giảng dạy môn nghiên cứu quốc tế tại đại học Dongseo University in Busan, South Korea cho biết ngoài một rất ít lén lút mua được vài bộ phim Nam Hàn, máy truyền hình Trung Quốc, tuyệt đại đa số sản phẩm văn hóa nghệ thuật là sản phẩm của tuyên truyền. Các tác phẩm phim ảnh được duyệt nhiều lần để bảo đảm khi đến người dân không có một tình tiết nào đi ngược với đường lối của Đảng.
Chứng tích diệt chủng của Khơ-me đỏ
- Lý do thứ hai vì họ chỉ giết chính nhân dân nước họ. Không giống chế độ độc tài Đức Quốc Xã tàn sát dân Do Thái, lãnh đạo cộng sản các nước thường giết chính đồng bào cùng máu mủ, cùng tổ tiên, cùng đất nước với họ. Ngay từ sau 1975, dư luận thế giới đã biết đến tội ác của chế độ Pol Pot. Tạp chí Time còn đăng cả bức hình một tội nhân đang bị đánh vào đầu bằng cuốc.
Tuy nhiên, ngoài Việt Nam tấn công chế độ bằng một lý do riêng vào tháng Giêng 1978, không một quốc gia nào kể Liên Hiệp Quốc có hành động cụ thể để ngăn chặn tội ác của Pol Pot. Khi một chế độ có toàn quyền sinh sát với nhân dân, họ cũng có điều kiện để tồn tại lâu dài.
Giống như Pol Pot, cha con Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật đã can tội diệt chủng và chống lại nhân loại. Theo ước lượng của báo chí ít nhất một triệu người đã chết trong các trại tù Bắc Hàn từ ngày đình chiến đến nay. Bộ Ngoại Giao Mỹ cho biết khoảng 150 ngàn đến 200 ngàn người vẫn còn đang bị ở tù. Ngoài ra, khoảng 2,5 triệu người dân Bắc Hàn đã chết trong các nạn đói từ 1990.
Hồng vệ binh Trung cộng trong "Cách mạng văn hóa"
- Lý do thứ ba, cũng khác với các lãnh tụ Đức Quốc Xã thường bị truy tố ngay sau chiến tranh, tội ác của các lãnh tụ cộng sản còn được che dấu một cách tinh vi, có hệ thống dưới các nhãn hiệu vô cùng tốt đẹp như "độc lập, tự do, hạnh phúc".
Vai trò của Kim Nhật Thành trong chiến tranh chống Phát Xít Nhật, Hồ Chí Minh trong chiến tranh chống Pháp, Fidel Castro trong chiến tranh chống độc tài Batista, Stalin trong chiến tranh chống Đức, Mao Trạch Đông trong chiến tranh chống Nhật được đề cao đến độ nếu không có họ có thể toàn dân tộc đã bị xóa tên khỏi lịch sử loài người. Hình ảnh Mao Trạch Đông chính thức tuyên bố thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa… đã được đánh bóng sáng đến mức mọi tội tác tày trời khác đã trở thành trộm vặt.
Chỉ trong vòng vài năm sau ngày tuyên bố "Nhân dân Trung Hoa đã đứng lên" 30 triệu "nhân dân" đã bị giết trong hàng loạt các chiến dịch chống hữu khuynh, trăm hoa đua nở, bước tiến nhảy vọt, công xã nhân dân, cách mạng văn hóa. Tội ác của Mao chống lại nhân dân Trung Hoa nói riêng và loài người nói chung vượt qua con số do Hitler, Stalin và Leopold II cộng lại. Tương tự tại Hà Nội chỉ vài năm sau ngày "tôi nói đồng bào nghe rõ không", nhiều vạn "đồng bào" đã không còn cơ hội nghe rõ nữa vì họ đã chết một cách oan ức trong các cuộc đấu tố vô cùng tàn ác.
=> Giang Trạch dân - Mao Trạch Đông - Đặng Tiểu Bình - Hồ Cẩm Đào
- Lý do thứ tư, ngoại trừ trường hợp Khrushchev, ít khi nào một lãnh đạo cộng sản đứng lên thẳng thắn vạch trần tội lỗi của lớp lãnh đạo trước, bởi vì làm như thế là tạo chỗ hở cho kẻ thù chung tấn công vào chế độ. Trường hợp Đặng Tiểu Bình đối với Mao Trạch Đông là một ví dụ điển hình. Đặng Tiểu Bình là một trong những người chịu đựng sự hành hạ và mất mát lớn lao về nhân mạng trong thời Cách mạng văn hóa. Bản thân Đặng Tiểu Bình bị chính Mao thanh trừng nhiều lần và con trai của Đặng Tiểu Bình đã chết một cách thê thảm khi bị ném từ cửa sổ xuống đường. Chuyện đời tư của Mao, từ bản chất độc tài, nghi kỵ cho đến cá tính trăng hoa dâm dật, Đặng Tiểu Bình biết hơn ai hết, nhưng khi lên nắm quyền hành, họ Đặng vẫn tiếp tục sơn son thiếp vàng lên một hình tượng mà cá nhân y vô cùng căm hận. Trên đồng nhân dân tệ từ đơn vị một đồng cho đến một trăm đồng vẫn in khuôn mặt mỉm cười của kẻ từng điều khiển bộ máy giết người khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Bởi vì, là một trong số rất ít lãnh đạo cộng sản lão thành còn sót lại từ thời Vạn lý trường chinh và cũng quá thuộc sử Tàu, Đặng Tiểu Bình biết, giống như các triều đại phong kiến Trung Hoa, đặc tính kế thừa của một quyền lực trung tâm là một yếu tố sinh tử không thể phủ định của chế độ cộng sản. Điểm trung tâm vỡ toàn bộ hệ thống cai trị sẽ vỡ theo.
Che - một rừng không có hai cọp - Phi đen
- Lý do thứ năm, các lãnh đạo cộng sản thường tận dụng vị trí của kẻ thù đã chết. Những lãnh tụ cộng sản thường tận diệt kẻ thù còn sống nhưng ca tụng kẻ thù đã chết. Stalin ca tụng Lenin, Fidel Castro ca tụng Ernesto "Che" Guevara, Đặng Tiểu Bình ca tụng Mao Trạch Đông.
Lấy trường hợp Che làm ví dụ. Nếu Ernesto "Che" Guevara không làm cách mạng phiêu lưu Nam Mỹ mà tiếp tục ở lại Cu Ba, thất khó tưởng tượng ông ta có thể sống sót dưới bàn tay của Fidel Castro. Một rừng không có hai cọp, một nước không có hai vua, đừng nói chi là quan hệ giữa Che và Fidel Castro rạn nứt trước khi Che tạm biệt vợ con lần cuối và lên đường đi Bolivia cuối năm 1966.
Che chủ trương kỹ nghệ hóa đất nước, Fidel Castro chủ trương củng cố quyền lực trung ương. Sự khác biệt của Che và Fidel Castro khá giống trường hợp của Lưu Thiếu Kỳ và Mao Trạch Đông. Nhưng hôm nay, nếu ai đến Havana, sẽ gặp hình ảnh Che trên khắp ngả đường. Xác chết không nghe được lời ca tụng, không nếm được mỹ vị cao lương, không sống trong các biệt thự có kẻ hầu người hạ, chỉ có đám độc tài đang thống trị đất nước mới thật sự là những kẻ hưởng thụ quyền lực.
Đại đồ tề Nuon Chea trước vành móng ngựa tháng 12/2011
- Lý do thứ sáu, che đậy tội ác của nhau. Thật vậy, nếu không chính từ cửa miệng Khrushchev nói ra trong diễn văn dài 4 giờ đồng hồ giữa khuya ngày 2 tháng 5/1956 trước đại hội lần thứ 20 đảng cộng sản Liên Xô, có thể sau khi chế độ Xô Viết sụp đổ, nhân loại mới biết Stalin là "một người luôn ngờ vực một cách bịnh hoạn… Sự hoài nghi bịnh hoạn đó làm cho Stalin không tin tưởng ngay cả những lãnh đạo cao cấp đã từng làm việc với y nhiều năm. Nhìn đâu Stalin cũng thấy những "kẻ thù", "những người hai lòng dạ", "gián điệp". Theo Khrushchev, Stalin đã dùng "tất cả các phương tiện lừa dối, xây dựng vinh quang cho chính bản thân y". Khrushchev kể, năm 1948, tác phẩm "Tiểu Sử Ngắn" của Stalin được trình lên cho y coi lại trước khi in "Stalin không có một sự tự trọng tối thiểu nào khi tự sửa đổi bản thảo để gọi chính mình là lãnh tụ vĩ đại, nhà chiến lược siêu phàm của mọi thời đại và sửa bất cứ đoạn nào ca ngợi y không đủ". Ở Việt Nam cũng có chuyện lãnh tụ tối cao tự ca ngợi đời mình như thế.
Thật vậy, nếu không phải do chính cửa miệng Nuon Chea, Anh Hai (Brother Number Two) của Khờ Me Đỏ, sau Anh Cả Pol Pot thốt ra, thế giới không biết lý do hàng triệu người dân Cambode bị giết chỉ vì "họ là kẻ thù của nhân dân". Tên đao thủ phủ Nuon Chea khi trả lời không hiện ra trên khuôn mặt một dấu hiệu xót thương, hối tiếc, dường như ông ta vừa giết một con gà, con vịt chứ không phải 1,7 triệu người trong một đất nước chỉ có 7 triệu dân. Chỉ trong thời gian 4 năm từ 1975 đến 1979, 21%, dân Cambode đã bị giết bằng các hình thức vô cùng thảm khốc, kể cả cắt cổ, chặt đầu, gây thương thích và để chảy máu cho đến chết. Những chi tiết trong hồ sơ tòa án do Liên Hiệp Quốc bảo trợ về nhà tù Tuol Sleng hay được gọi theo mã số S-21 sẽ mãi mãi ám ảnh trong lịch sử Cambode. Phần lớn tù nhân tại S-21 bị giết sau thời gian tra tấn bằng các thủ đoạn tàn độc như xẻ thịt, đổ rượu vào vết thương. Trong số 17 ngàn tù nhân tại Tuol Sleng chỉ có 7 người sống sót. Trong phiên tòa hôm 8 tháng 12/2011, thậm chí Nuon Chea còn phản đối dư luận dám nói xấu đảng cộng sản: "Khờ Me Đỏ không phải là những người xấu đâu nhé".
Cảnh đấu tố trong cải cách ruộng đất
Một 'chuyện' nữa, nếu không phải do chính ngòi bút của Hoàng Tùng, nguyên bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và là một trong số rất ít người gần gũi với Hồ Chí Minh nhiều năm viết ra có lẽ còn rất lâu người dân Việt Nam mới biết Hồ Chí Minh không những biết trước mà còn là người bỏ lá phiếu quyết định xử tử bà Nguyễn Thị Năm: "Sau cố vấn Trung Quốc là La Quý Ba đề nghị mãi, Bác nói: "Thôi tôi theo đa số, chứ tôi vẫn cứ cho là không phải". "Nếu trong buổi họp đó, với tư cách chủ tịch Ban chấp hành Trung ương đảng và người có quyền lực tối thượng bao trùm lên cả đám đệ tử "đa số" kia trong bộ chính trị, Hồ Chí Minh quyết định khác đi, chẳng những số phận của người phụ nữ yêu nước, cống hiến con cái của mình, tài sản của mình cho cuộc kháng chiến chống Thực Dân Pháp đầy gian khổ của dân tộc không phải chết một cách oan ức mà còn cứu mạng nhiều ngàn người dân vô tội khác trong những lần đấu tố sau đó. Tòa án lịch sử dân tộc Việt Nam hôm nay và ngàn đời sau phán xét ông Hồ không phải dựa vào việc ông ta "cho là phải" hay "cho là không phải" khi giết bà Nguyễn Thị Năm nhưng ở chỗ ông ta đã quyết định bỏ phiếu "theo đa số"...

Liệu có muôn năm?
Chủ nghĩa cộng sản đã tàn rụi ở châu Âu nhưng trong năm nước còn sót lại sự khổ đau, chịu đựng vẫn còn đến hôm nay và không biết đến bao giờ mới hết. Chiến tranh lạnh đã tàn. Các nước tư bản tự do vì lý do kinh tế đã không còn giương cao ngọn cờ dân chủ như trước nữa. Họ mặc nhiên chấp nhận chế độ cộng sản như là một thực tế của mỗi quốc gia hơn là một phong trào quốc tế. Nhân dân Bắc Hàn, Cu Ba, Việt Nam, Lào, Trung Hoa là những dân tộc chịu đựng trong cô đơn. Người dân Bắc Hàn khóc vì sợ hãi, giả dối, bắt buộc hay bị tẩy não, đều đáng thương, đáng được cảm thông hơn là đáng trách hay đáng bị cười khinh dễ. Những giọt nước mắt đó trước lương tâm nhân loại chính là những lời tố cáo hùng hồn về một chế đô phi nhân đang tồn tại ở Á Châu.
TRẦN TRUNG ĐẠO
Trích từ "Lãnh đạo cả tiếng khóc
"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips