Thứ Tư, 24 tháng 4, 2013

Đổi tiền năm 1985

Mấy ngày nay báo đài nhà nước rộ tin "Bác tin đồn đổi tiền", sự kiện này gợi nhớ đến lần đổi tiền năm 1985 được nhà báo Huy Đức kể lại trong tập I, tác phẩm "Bên Thắng cuộc", mời các bạn đọc lại để phán đoán xem: Liệu lịch sử có lặp lại hay không?

Trích: Ngày 11-9-1985, phần lớn nhân viên ngân hàng bị giữ lại trụ sở. Tin tức đổi tiền bắt đầu lọt ra. Trong khi đó, ngày 12-9-1985, báo Tuổi Trẻ vẫn chạy tít lớn trên trang nhất: “Bẻ gy thủ đoạn tung tin đổi tiền của gian thương”. Bài báo đanh thép tuyên bố: “Với sự tăng cường hiệu lực của bộ máy chuyên chính vô sản mọi hậu quả tin đồn phải được thanh toán triệt để”.
Hôm nay 24/4/2013 Tuổi Trẻ giấy và mạng đều có bài, tựa đề:
LÀM GÌ VỚI TIN ĐỒN?
Có bao nhiêu phần hữu lý trong cái tin đại - cồ - vịt “sắp đổi tiền” để rồi chiều thứ hai 22-4, Ngân hàng Nhà nước phải ra thông cáo bác bỏ?
Có lẽ những kẻ đầu têu tung con vịt cồ này vẫn còn nhớ đến thời kỳ mà nền kinh tế đất nước được điều hành bằng “mệnh lệnh cách”, để rồi ngủ một đêm thức dậy thấy tiền bạc tích cóp bị buộc đem đổi đến một ngưỡng nào đó, ai cũng như nhau.
Có thể đoan chắc rằng tin đồn dựa trên những “hoài niệm” trên là phi lý, vô nghĩa trước hiện thực đất nước từ hơn 20 năm qua: kinh tế thị trường (bước đầu) “thuận mua vừa bán” và quyền được tích lũy không chỉ được Hiến pháp và luật pháp bảo hộ mà còn bởi những cam kết quốc tế...
Để rồi, sáng 14-9-1985, hệ thống loa truyền thanh giăng mắc khắp các góc phố
bắt đầu thông báo lệnh đổi tiền. Chính báo Tuổi Trẻ, trong số kế tiếp, ra ngày 14-9-
1985, cũng đăng quyết định của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm văn Đồng về
việc “phát hành tiền ngân hàng mới, thu đổi tiền cũ”. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân
Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Khải lên báo giải thích: “Đổi tiền là lợi ích của
nhân dân lao động”.
“Quyết định đổi tiền không phải là hoàn toàn bất ngờ đối với mọi người dân. Ấy
thế mà lúc sáu giờ sáng thứ bảy, ngày 14-9, khi nghe loa truyền thanh trên đường
phố tiếp âm Đài Tiếng nói Việt Nam bắt đầu thông báo chương trình phát thanh đặc
biệt kéo dài đến 7 giờ 15 những người ra đường sớm đều dừng lại, đứng chụm
nhum thành từng nhóm để nghe cho hết từng quyết định, thông báo. Và từ đó, tin
đổi tiền thành đề tài số một ở tất cả mọi nơi, của tất cả mọi người”.

Chờ đổi tiền
Không sững sờ sao được khi cả thành phố gần bốn triệu dân, chính quyền chỉ
thiết lập 900 bàn đổi tiền và chỉ cho “nhân dân lao động” có một khoảng thời gian
rất ngắn, trong vòng từ sáu đến mười hai giờ trưa ngày 14-9, để kê khai; người dân
chỉ được kê khai một lần và chỉ được đổi ngay một phần. Theo quyết định do Phạm
Văn Đồng ký ngày 13-9-1985: mỗi hộ gia đình được đổi ngay tối đa 2.000 đồng tiền
mới; mỗi hộ độc thân và mỗi người trong hộ tập thể (bộ đội, công an, cơ quan nhà
nươc) được đổi ngay tối đa 1.500 đồng; mỗi hộ kinh doanh có môn bài bậc cao
được đổi ngay tối đa 5.000 đồng tiền mới. Đối với số vượt mức đổi ngay thì nộp cho
bàn đổi tiền, lấy biên nhận, Ban Chỉ đạo Thu Đổi Tiền cấp tỉnh, thành phố, quận
huyện sẽ xem xét và giải quyết sau. Đặc biệt: “Số tiền mặt do đầu cơ, buôn lậu,
nhận tiền phân tán và do nguồn thu nhập bất chính khác đều bị tịch thu, nhập vào
tài khoản của ngân sách”.
Hàng nghìn câu chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra do cách mà nhà nước đối xử
với tiền bạc của người dân theo kiểu đánh úp này. Do có hộ chỉ có bốn mươi đồng
tiền cũ để đổi nên “dịch vụ” đổi tiền giúp đã phát sinh giữa những người không có
lượng tiền mặt vượt quá mức 2.000 đồng tiền mới với các gia đình giàu có. Bằng
kinh nghiệm lần đổi tiền thứ nhất trong “Chiến dịch X3”, biết trước tương lai mất giá
của những đồng tiền “vượt mức đổi ngay” nộp cho ngân hàng rồi chờ “xem xét giải
quyết sau”, nhiều người đã tung tiền ra mua hàng.


Theo Sài Gòn Giải Phóng, ngay trong sáng 14-9-1985, ở chợ An Lạc, giá một con
vịt lên tới 3.000 đồng tiền cũ; một kg thịt heo lên tới 2.000 đồng, trong khi một kg
thịt heo nạc bán trước ngày đổi tiền chỉ là 325 đồng tiền cũ. Trước chín giờ sáng
ngày 14-9-1985, các đội kiểm soát đi bắt “một gian thương” mua gom chín tấn
gạo. Cũng trong buổi sáng, Quản lý Thị trường đã “phát hiện” tại Quận 10 “một hộ
đầu cơ phụ tùng xe đạp; một hộ chứa vải bất hợp pháp; một hộ buôn vàng và đá
quí, tịch thu một khối lượng tiền mặt lên tới 380.000 đồng tiền cũ”.
Bi kịch cũng không tha các cơ quan nhà nước. Ngân hàng biết trước chuyện đổi
tiền từ trước đó, không những đã không chịu thu tiền về mà còn tìm cách dí tiền
mặt xuống cho các cơ quan, đơn vị. Ông Trần văn Thêm, giám đốc Dệt Bình Minh
kể: “Sáng 13-9-1985, ngân hàng ấn cho chúng tôi gần một triệu đồng, bây giờ
chúng tôi phải vất vả giải trình”. Ngay trong ngày 15-9, nhiều xí nghiệp đã phải
ngưng hoạt động vì tiền cũ nộp đi tiền mới chưa được cầm, không có tiền lo bữa ăn
giữa ca cho công nhân. Dệt Bình Minh có 900 công nhân, chỉ nhận được 5.000
đồng. May Hòa Bình nhận được 2.500 đồng. Tình cảnh của nhiều cá nhân, đặc biệt
là với những người đang bị xếp vào diện “khách vãng lai”, thì lại càng bi kịch hơn gấp
bội.
Trường Chinh năm 1985
Vài ngày sau đổi tiền, ông Võ Văn Kiệt gửi thư báo cáo Phạm Văn Đồng và ông
Trường Chinh: “Kết quả của việc đổi tiền cho thấy tiền nằm trong nhân dân tương
đối ít, số hộ có số tiền đổi thấp là khá đông, cho chúng ta một kết luận đáng suy
nghĩ và day dứt về mức sống của nhân dân lao động hiện nay. Một kết quả khác
cho thấy tiền nằm trong tay tư sản không đáng kể, chúng ta đã ‘đánh hụt’ và để cho
bọn chúng quá nhiều thì giờ để chuẩn bị đối phó, thẳng tay thu gom, vơ vét hàng
của nhà nước và chuyển tài sản từ tiền ra những giá trị khác”.

Võ Văn Kiệt năm 1986
Cũng theo ông Võ Văn Kiệt: “Chúng ta có nhiều sơ hở trong vụ đổi tiền, gây nên
những hậu quả bất lợi đáng quan tâm. Sự thiếu bảo mật đã làm cho hàng của nhà
nước tuồn hết về người có tiền, tiền của các hộ buôn bán lớn chuyển hết cho các xí
nghiệp, công ty nhà nước, và thương nghiệp bị rút hết hàng nhanh chóng, suy yếu
khả năng chống đỡ trên thị trường. Chúng ta không thực sự chuẩn bị cho một vụ
đổi tiền, một đồng mới ăn mười đồng tiền cũ, không chuẩn bị một cơ cấu giấy bạc
của tiền mới thích nghi với nhu cầu thanh toán nhỏ. Giả dụ rằng chúng ta chỉ phát
hành đến mức năm mươi đồng tiền mới và nhiều đơn vị tiền lẻ, tình hình có lẽ đỡ
xấu hơn”.
Sau khi tiền mới được tung ra, giá cả tăng còn nhanh hơn ngựa chạy. Ngay
trong ngày 15-9-1985, Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã phải tổ chức hội thảo
và sau đó cho lập các “đội thanh niên kiểm tra giá”. Ủy ban Nhân dân Thành phố
tuyên bố “Rút giấy phép kinh doanh những ai bán phá giá”. Nhưng giá cả đã tỏ ra
không hề sợ hãi chính quyền. Nhiều người dân khi nhận được đồng tiền mới, sức
mua đã giảm hàng chục lần khi họ giao tiền cũ cho nhà nước. Tình hình xấu đi
trông thấy: ngân hàng thiếu tiền, thương nghiệp thiếu hàng, công nghiệp thiếu vật
tư, công nhân đói vì cầm đồng tiền mất giá, nông dân khóc vì phải bán nông sản
với giá thấp hơn chi phí bỏ ra. Sản xuất giảm. Đầu tư nhà nước giảm. Chỉ số giá
bán lẻ trên thị trường tự do năm 1986 tăng 587,2% so với năm 1985.
Lạm phát chưa phải là thảm họa duy nhất của nền kinh tế. Như ông Kiệt phân
tích, mệnh giá thấp nhất của đồng tiền mới tự dưng bị nâng lên gấp mười, một
đồng tiền mới có sức mua theo lý thuyết bằng mười đồng tiền cũ. Cho dù loại giấy
bạc từ mười đồng tiền cũ trở xuống vẫn còn được lưu thông, nhưng nếu dùng một
đồng tiền mới để mua một que kem thì phải nhận thối về một ôm tiền lẻ. Sự bất
mãn tăng nhanh trong xã hội.
Tháng 12-1985, Quốc hội khóa VII triệu tập kỳ họp thứ 10. Trước khi ra Hà Nội,
đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cửu Long quyết định phải “nã pháo” vào Giá-Lương-
Tiền. Người nhận lãnh trách nhiệm này, bà Đào Thị Biểu, với biệt danh là bà Sáu
Trầu, kể lại: “Trước khi đi họp, anh Trịnh Văn Lâu, trưởng đoàn hỏi: ai dám phát
biểu? Nhiều người xung phong. Nhưng anh nói, vấn đề gay gắt lắm, phải có giọng
nữ nhẹ nhàng, nói năng từ tốn, thành tích kháng chiến tốt, phải dũng cảm, có thể
‘hy sinh’. Tôi nghĩ mình phát biểu là đem dân gửi cho Đảng, để dân mất lòng tin
vào Đảng là mình có tội. Thế là tôi nhận”.
Bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn từ ở nhà và được nộp cho chủ tịch đoàn Quốc
hội đăng kí tham luận theo nguyên tắc của thời kỳ đó. Nhưng, theo bà Sáu Trầu,
Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, khi đọc “Báo cáo Tình hình Kinh tế Xã
hội” trước Quốc hội, đã “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách phê bình các địa phương
“không biết phát huy thế mạnh đổi tiền”. Lúc đó, theo bà Sáu Trầu: “Giá tăng cao
gấp mười lần. Lương người sản xuất thấp lẹt đẹt, còn lương kinh doanh cao ngút
trời. Tiền thì không có tiền lẻ; mua thuốc, ăn hủ tiếu... phải thế lại giấy chứng
minh. Giá vé xe đò tăng cao gấp năm đến bảy lần, nhiều người về xa không đủ tiền
phải nằm lại bến. Cuộc sống xã hội đầy khó khăn như phơi bày ra đó, cử tri cực kỳ
bức xúc. Phải chăng đó là ưu thế!”.
Bà Sáu và đoàn đại biểu Quốc hội Cửu Long quyết định viết lại bài phát biểu, nói
thẳng vào vấn đề hơn. Trước khi lên diễn đàn, bà Sáu Trầu dặn các đồng chí của
mình: “Gia đình tôi năm người tham gia cách mạng, hy sinh hết bốn rồi, giờ dẫu có
‘hy sinh’ thêm nữa thì cũng chẳng sao. Nếu tôi có bị sao thì nhớ chăm sóc con tôi
và giáo dục nó sống tốt, xứng đáng như mẹ nó”.
Ngày cuối cùng của kỳ họp, trước giờ bế mạc, bà Sáu - với hình ảnh được gần
500 đại biểu ghi nhớ: “một phụ nữ miền Nam phúc hậu, ăn trầu bỏm bẻm” - bước
lên diễn đàn, chất vấn thẳng vào vấn đề: “Chúng tôi cho rằng mười năm qua chưa
lần nào dân xôn xao, bất bình, thậm chí phẫn nộ bằng đợt phá giá-lương-tiền vừa
qua. Chúng tôi đã chứng kiến biết bao cảnh các cửa hàng ách tắc, bao nhiêu cuộc
cãi vã xô xát, bao nhiêu tiêu cực... Trung ương nói địa phương không biết phát huy ưu thế sau đổi tiền, nhưng ưu thế gì mà phát huy? Giá cả tăng năm, bảy lần so với trước, có thứ gấp mười, mười lăm lần, đội rất xa giá thị trường. Chúng tôi chứng kiến cảnh bắt và tịch
thu hàng của người tự sản, tự tiêu vì bán giá thấp hơn giá nhà nước quy định, đạo
lý gì phải làm như vậy? Đồng chí Đỗ Mười nói rằng tỷ giá công nông hiện nay đã rất
hợp lý, thậm chí nông dân còn có lợi nhiều hơn trước. Chúng tôi chưa nhất trí với
nhận định đó”. Bà Sáu Trầu nói tới đâu “cả hội trường vỗ tay rần rần” đến đó. Hôm
ấy, khi bà Sáu về phòng, nhiều đoàn đại biểu Quốc hội gõ cửa và tặng bà rất
nhiều... trầu cau. Bà Sáu Đào Thị Biểu nói: “Họ đồng cảm vì khó khăn ở đâu cũng
vậy nhưng chưa dám nói”.

Trần Phương năm 2013
Sau kỳ họp này, ông Trần Phương nhớ lại: Tôi quyết định phải từ chức nhưng khi
chia sẻ điều này với Đồng Sỹ Nguyên, Bộ trưởng Bộ Giao thông Đồng Sỹ Nguyên
nói: “Nếu từ chức, phải từ chức cả Hội đồng Bộ trưởng”. Tôi bảo: “Đằng nào cũng
phải có người chịu trách nhiệm. Nếu mình tôi chịu trách nhiệm được với dân thì
không nhất thiết phải kéo thêm nhiều người”. Trần Phương bị kỷ luật, nhưng ngay
từ lúc đó, dân gian đã nói: “Đổi tiền là chuyện Triều đình/Cớ sao chịu tội một mình
Trần Phương”. /Hết trích.


Đọc thêm: "Sắp có đổi tiền" bài viết từ năm 2011.

3 nhận xét:

  1. Vừa lúc đó ngoài cửa quán, cô Ba vợ ông đại tá hưu xách chiếc va li khệ nệ, hai bên có hai thằng vệ sĩ nom như hai con khỉ đột đi kèm. Cô Phượng cave kêu lên:
    “Cô Ba xách va li đi đâu kìa, chú Ba. Sao không đỡ cổ một tay?”
    Ông đại tá hưu thở dài:
    “Sức mấy nó cho mình sờ vào vali của nó. Toàn tiền cả đấy…”
    Cô Phượng cave kêu lên:
    “Ủa… cô Ba mang tiền đi gửi ngân hàng hả?”
    Ông đại tá hưu thật thà:
    “Bộ có điên gửi ngân hàng. Nó mang đi mua vàng miếng đó…”
    Cô Phượng cave cười rinh rích:
    “ Hoá ra mấy hôm nay đôla lên giá đùng đùng, vợ chú đại tá hưu sợ tiền đồng mất giá nên phải chuyển thành vàng…”
    Thằng Bảy xe ôm ra vẻ bí mật:
    “Không chỉ sợ mất giá đâu… sợ đổi tiền nữa kìa… đang có tin sắp đổi tiền như hồi 1985 đó. Một đồng tiền mới ăn một ngàn đồng tiền cũ và mỗi người chỉ đổi được một số thôi, kiểu mấy lần trước đó…”
    Ông đại tá hưu đập bàn:
    “Thằng Bảy xe ôm phao tin đồn nhảm nhé. Cảnh sát gô cổ mày lại bây giờ…”
    Thằng Bảy xe ôm không sợ còn vênh mặt:
    Không có lửa, sao có khói? Không có tin đổi tiền sao cô Ba xách cả va li tiền đi mua vàng? Thường vụ quốc hội mới đề nghị đổi tên nước. Mà đổi tên nước thì thì phải in lại tiền. In lại tiền thì phải đổi tiền chớ sao?”
    Ông đại tá hưu đập bàn:
    “Vậy mày không nghe hôm nay đồng chí Nguyễn Chí Thành - Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ, Ngân hàng Nhà nước tuyên bố “Không có chuyện đổi tiền” à?”
    Cô Phượng ca ve cười:
    “Cục trưởng phát hành và kho quỹ đã ăn thua mẹ gì. Khi nào đich thân Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tuyên bố không đổi tiền thì mới…”
    Thằng Bảy xe ôm hỏi gặng:
    “Thì mới làm sao chị Phượng?”
    Cô Phượng cave lại cười:
    “Thì mới đổi tiền chứ sao?”
    Cả quán cười ồ. Ông đại tá hưu tím mặt không nói gì được đùng đùng ra khỏi quán.
    NHẬT TUẤN

    Trả lờiXóa
  2. Cuối ngày 1-12, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông tin khẳng định tin đồn Ngân hàng Nhà nước sắp đổi tiền là hoàn toàn bịa đặt.
    “Mấy ngày gần đây xuất hiện tin đồn trên mạng xã hội rằng Ngân hàng Nhà nước VN sắp đổi tiền và xúi giục người dân rút tiền để mua vàng và ngoại tệ khiến tâm lý một số người dân hoang mang. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước VN khẳng định đó là thông tin bịa đặt và có dụng ý xấu”, Ngân hàng Nhà nước khẳng định.

    Đồng thời Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến cáo người dân cần cảnh giác trước những thông tin sai lệch, bịa đặt trên để tránh thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống và an ninh tiền tệ quốc gia.

    “Việc thay đổi mệnh giá tiền của một số nước trên thế giới vừa qua không ảnh hưởng và không liên quan đến sự ổn định của đồng tiền VN”, Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

    Trả lờiXóa
  3. Ngày 10/12/2016, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can với một số cựu lãnh đạo của Ngân hàng Đông Á vì vi phạm các quy định hoạt động tiền tệ ngân hàng, trong đó có ông Trần Phương Bình - nguyên Tổng giám đốc DongA Bank, bà Nguyễn Thị Ngọc Vân - nguyên Phó tổng giám đốc và 3 nhân viên khác.

    Tuy nhiên, nguồn tin từ nội bộ cho biết, lý do Tổng GĐ Đông Á Bank Trần Phương Bình bị bắt vì chính là người cố ý để lọt tin đổi tiền tuyệt mật, với hy vọng sẽ trục lợi một khoản lớn trong việc biến động tỷ giá vàng và ngoại tệ. Đây là một sự tính toán không chỉ của riêng ông Trần Phương Bình và Ban lãnh đạo Ngân hang Đông á, mà còn là sự phối hợp giữa các nhà tài phiệt, giới kinh doanh người Hoa trong Chợ Lớn dưới sự chỉ huy của một quan chức hàm Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế.

    Điều đó đã khiến cho KH đổi tiền của nhà nước đã chuẩn bị sẵn bị vỡ lở. Tin này trùng với báo cáo của Cơ quan CS Điều tra của Bộ CA, đã xác định được tin đồn đổi tiền bắt nguồn từ một rò rỉ từ khu vực phía Nam khẳng định rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ đổi tiền bằng cách giảm giá trị mệnh giá quá lớn của đồng Việt Nam hiện đang lưu hành trên thị trường, bằng các đồng tiền mệnh giá thấp nhưng giá trị cao, có sức mua tương đương với đồng đô la Mỹ… là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước đã được Bộ Chính trị thống nhất từ lâu và đã được triển khai trong nhiều năm qua.

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips