Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Chân dung các ứng viên Giáo Hoàng

Kể từ ngày 28/02 tới, khi Đức Giáo hoàng Benedict XVI chính thức thoái vị, chiếc ghế của đấng kế vị Thánh Phêrô sẽ để trống và Tòa Thánh sẽ triệu tập Mật nghị Hồng y (Conclave) để bầu Giáo hoàng mới. Để được tham gia bầu Giáo hoàng, các vị Hồng y đó phải dưới 80 tuổi. Năm nay dự trù sẽ có khoảng 115 Hồng y tham gia Mật nghị, trong đó có khoảng hơn phân nữa là người châu Âu.
Sau đây là chân dung các ứng cử viên "nặng ký" nhất cho chức vụ Giáo Hoàng, xếp theo độ tuổi từ cao đến thấp:

 
Hồng y Angelo Scola 72 tuổi người Ý, giới quan sát cho rằng quyết định của Giáo hoàng năm 2011 về việc điều chuyển Hồng y Angelo Scola từ Venice về Milan cho thấy ông được xem là một ứng viên triển vọng.
Hồng y Leonardo Sandri 70 tuổi (hai quốc tịch Á-Căn-Đình, Ý) Tổng trưởng Bộ giáo hội phía đông của Vatican.
Đức Hồng Y Gia-Nã-Đại Marc Ouellet - 69 tuổi
Hồng y Christoph Schonborn người Úc - 68 tuổi
Hồng y Peter Turkson, người Ghana (Châu Phi) - 65 tuổi
 Tổng giám mục Sao Paula (Ba Tây) Odilo Scherer - 64 tuổi
Hồng Y Timothy Dolan - người Mỹ 63 tuổi
Theo kế hoạch, các vị Hồng y sẽ tập trung tại Tòa thánh Vatican trong vòng 15 ngày sau khi Đức Giáo hoàng Benedict XVI chính thức từ chức vào ngày 28/2 và tuyên thệ giữ bí mật khi họ bước vào các cuộc họp kín bầu Giáo hoàng. Các Hồng y sẽ được cách ly biệt lập với bên ngoài cho đến khi một Giáo hoàng mới được bầu ra.
Quyết định bầu chọn sẽ được thể hiện qua lá phiếu kín và Hồng y được bầu chọn là Giáo hoàng phải nhận được 2/3 số phiếu.
Theo quy định của Giáo hội Công giáo, các phiếu bầu sẽ được xử lý bằng hóa chất trước khi đem ra đốt cháy ngay sau buổi biểu quyết. Hóa chất sẽ giúp đám lửa tạo ra khói trằng, báo cho thế giới biết đã có một Giáo hoàng mới.
Tham khảo thêm:
-Ai sẽ kế nhiệm Giáo Hoàng Benedict XVI?

-Bầu chọn Giáo Hoàng
-Chi tiết về cách thức bầu Giáo Hoàng

4 nhận xét:

  1. Vatican hôm Thứ Sáu loan báo cơ mật viện sẽ bầu Giáo Hoàng tương lai sớm hơn dự liệu, điều này có nghĩa là người Công Giáo có thể sẽ có một Giáo Hoàng mới trước thời gian lễ Phục Sinh, theo tường thuật của ABC News.

    Linh Mục Federico Lombardi, phát ngôn viên của Vatican, nói, “Trường hợp lần này khác hẳn với lần trước.”

    Luật lệ của giáo hội nói rằng thông thường hội nghị hồng y phải bắt đầu từ 15 đến 20 ngày sau khi ngôi Giáo Hoàng bị để trống, do trải qua một thời gian tang lễ.

    Lần này vì không phải để tang và vì ghế bị để trống không phải do Giáo Hoàng qua đời, nhưng vì Giáo Hoàng Benedict 16 sẽ thoái vị vào ngày 28 Tháng Hai, nên các hồng y có rộng thì giờ để đẩy mạnh việc bầu bán được sớm hơn.

    Việc đẩy mạnh tiến trình bầu cử là để giáo hội có được một Giáo Hoàng mới kịp vào dịp tuần lễ thánh, là thời gian quan trọng nhất trong lịch của giáo hội.

    Giáo Hoàng tương lai có thể sẽ nhậm chức tại Vatican kịp lúc để ăn mừng ngày Chủ Nhật Lễ Lá, 24 Tháng Ba; Thứ Sáu Tuần Thánh, 29 Tháng Ba; và Lễ Phục Sinh ngày 29 Tháng Ba. Ðồng thời, các hồng y cũng có kịp thời gian để trở về ăn mừng Tuần Thánh tại giáo phận của mình.

    Trả lờiXóa
  2. Phil Lawler, trên catholicculture.org, cho rằng những câu truyện ấy nhiều đến nỗi không thể nào đính chính hết được. Tuy nhiên sau đây là một số những điều không đúng, nhưng đã “được” truyền thông thế tục thổi phồng sai lạc:

    1) Vatican không hề che dấu chứng cớ khủng hoảng y khoa khiến Đức Giáo Hoàng từ nhiệm. Đúng là mới đây Đức Thánh Cha được thay pin cho chiếc máy trợ tim pacemaker của ngài, nhưng đây là một thủ tục thông thường. Đúng là ngài bị té và bị thương ở đầu khi tông du Mexico năm ngoái, nhưng vết thương không nặng, ngài đã hoàn tất cuộc tông du như dự định và đã hoàn toàn bình phục. Những người được gặp Đức Giáo Hoàng thường xuyên không ghi nhận bất cứ dấu hiệu nào cho thấy ngài mắc một trở ngại đáng kể nào về thể lý, ngoại trừ các hiệu quả thông thường của việc về già nói chung và của căn bệnh thấp khớp nói riêng. Rất có thể trong mấy tuần gần đây, Đức Giáo Hoàng bị một trở ngại mới về y khoa, nhưng nếu đúng như thế, thì ngay đến các chức sắc cao cấp nhất của Vatican cũng không hay biết gì cả. Cho nên lý thuyết cho rằng có âm mưu che dấu một căn bệnh cũ hoàn toàn không chính xác.

    2) Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI sẽ không ảnh hưởng trực tiếp tới việc chọn lựa người kế vị mình. Ngài sẽ rời Rôma sau khi từ nhiệm, để sống ít lâu tại Castel Gandolfo. Có lẽ ngài sẽ không trở lại Rôma trước khi có vị giáo hoàng mới. Ngài sẽ không tham dự cuộc họp của các vị hồng y trước khi tham dự mật nghị bầu giáo hoàng. Mà dù gì đi chăng nữa, ngài cũng không hội đủ điều kiện làm cử tri bầu cử vì đã quá 80. Dĩ nhiên, bất cứ ngài nói điều gì từ nay cho tới 8 giờ tối ngày 28 tháng 2 cũng đều được truyền thông “chẻ” ra làm tám làm mười để tìm ra dấu chỉ có thể ảnh hưởng tới cuộc bầu cử sắp tới. Nhưng những ai biết rõ Đức Bênêđíctô đều nhất trí rằng ngài sẽ cố gắng hết sức tránh ảnh hưởng tới cuộc bầu cử này.

    3) Đức Giáo Hoàng không từ chức vì gương mù xách nhiễu tình dục, vì ngài từng gánh cái gánh nặng này cả mười năm nay và đã thực hiện được nhiều tiến triển. Cũng không phải vì vụ rối bời ở Ngân Hàng Vatican, vì với viễn tượng sẽ có vị chủ tịch mới được cử nhiệm nay mai (nay có tin đã cử nhiệm rồi, một luật gia Đức, ông Ernst von Freyberg), các rối bời sẽ được vượt qua. Cũng không phải vì ngài bị trầm cảm bởi những điều đọc được trên Twitter, vì ngài không hề sử dụng internet: các nhân viên phải trình các trích dẫn trên twitter cho ngài. Ngài đã hai lần cho biết động cơ khiến ngài từ nhiệm: không đủ năng lực để tiếp tục thi hành nhiệm vụ nữa. Một lần nữa, lý thuyết cho rằng có âm mưu là điều bịa đặt.

    4) Đức Giáo Hoàng không có dự định gia nhập một đan viện. Ngài sẽ có trú sở tại một tòa nhà thuộc sở hữu của Vatican mà trước đây có lúc đã được dùng làm đan viện. Các nữ đan sĩ từng cư ngụ ở đấy nay đã rời khỏi và tòa nhà đang được trùng tu. Đức Giáo Hoàng cho hay ngài muốn biến nó thành nhà cầu nguyện của mình.

    5) Đức Bênêđíctô XVI không hề ra sắc chỉ buộc vị kế nhiệm ngài phải tham dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới tại Rio de Janeiro, hay vị thư ký riêng của ngài là TGM Georg Ganswein tiếp tục đứng đầu phủ giáo hoàng sau khi ngài từ nhiệm. Dù hai việc này rất có thể xẩy ra, nhưng Đức Giáo Hoàng không có quyền buộc vị kế nhiệm mình bất cứ điều gì. Mà dù có ra sắc chỉ như thế, thì vị tân giáo hoàng cũng không bắt buộc phải thi hành, ngài vẫn có thể không đi Rio và không giữ TGM Ganswein tại chức vụ cũ.

    6) Không vị hồng y nào mất quyền bầu giáo hoàng giữa ngày Đức Giáo Hoàng từ nhiệm và ngày mở mật nghị. Giáo luật qui định rằng một hồng y chỉ mất quyền bầu cử nếu ngài quá 80 tuổi trước khi Tòa Thánh trống ngôi. Ngày trống ngôi này là ngày 28 tháng 2. Như thế Đức Hồng Y Walter Kasper sẽ có quyền bầu giáo hoàng mới, vì ngài sẽ 80 vào ngày 5 tháng 3.

    Trả lờiXóa
  3. Năm 2005 khi Ðức Giáo Hoàng John Paul II qua đời, dư luận không dự đoán là Hồng Y Ratzinger, người Ðức, sẽ được bầu lên vì lúc đó ngài đã 78 tuổi nghĩa là tuổi quá cao gần tới mức không còn trong danh sách chọn lựa của Hội Ðồng Hồng Y. Nhưng nổi tiếng về thần học, ngài được coi là người bảo vệ truyền thống và các giá trị giáo lý Công Giáo, hơn nữa là người thân cận nhất được tín nhiệm của vị Giáo Hoàng vừa tạ thế, cuối cùng Hồng Y Ratzinger đã trở thành vị Giáo Hoàng cao tuổi nhất được bầu lên kể từ gần 300 năm.

    Trong hoàn cảnh ấy, giới quan sát tin là Giáo Hoàng Benedict XVI chỉ có một vai trò tạm thời duy trì những thành quả của Giáo Hoàng John Paul II tiếp tục thực hiện đường hướng còn dang dở. Không ai kỳ vọng Giáo Hoàng Benedict XVI đem lại những ý hướng cải cách quan trọng như Giáo Hoàng Jean XXIII hay Paul VI. Ngài không tích cực trong việc tuần du đến các quốc gia khác như vị tiền nhiệm, nhưng cũng đã đến nhiều nước trong đó có Hoa Kỳ, Cuba và nhất là Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia Hồi Giáo. Ngài đã thực hiện được tuyên bố chung với Giáo Chủ Bartholemew I trong một nỗ lực hàn gắn giữa Công Giáo và Chính Thống Giáo.

    Năm 2009, Ðức Giáo Hoàng Benedict XVI lên tiếng kêu gọi thế giới phải có hành động quyết liệt và hiệu quả chống nạn đói. Ngài được thế giới kính nể vì nhiều lần lên tiếng thúc giục thế giới từ bỏ bạo lực, xây dựng hòa bình. Thông diệp đầu năm 2010 của Ðức Giáo Hoàng kêu gọi “Tôn trọng người khác, bất kể màu da, quốc tịch, ngôn ngữ, tôn giáo của họ và quý vị sẽ cảm thấy niềm vui hòa bình trong tim, điều mà quý vị có thể đã quên mất từ lâu”.

    Những gì mà người ta mong đợi ở vị tân Giáo Hoàng không thể là quá lớn và toàn diện trên tất cả mọi vấn đề. Nhà lãnh đạo và Tòa Thánh Vatican có nhiều khó khăn không thể giải quyết hết trong một vài thập niên và có những hạn chế tất yếu như bất cứ tôn giáo nào. Người ta chỉ có thể mong đợi vị Giáo Hoàng luôn luôn là một mẫu mực mà thế giới chưa chắc đã hoàn toàn tin tưởng nhưng vẫn là một chỗ dựa vững chắc của nhân loại trong những trường hợp xảy ra khủng hoảng lớn.

    Trong lịch sử rất hiếm khi có trường hợp dự đoán vị Giáo Hoàng tương lai đúng với sự thật, nhưng kết quả bầu chọn vị Giáo Hoàng của Hội Ðồng Hồng Y thể hiện khuynh hướng của giáo hội mà vị Giáo Hoàng sẽ là người triển khai trong tương lai. Thông thường, mật nghị sẽ bầu lên một vị thuộc thành phần các hồng y đã có nhiều kinh nghiệm làm việc tại nội bộ Tòa Thánh, khó có trường hợp bầu lên một hồng y đang cai quản một giáo phận từ một quốc gia ngoài Vatican. Vì thế nếu như một hồng y từ Nam Mỹ, Phi Châu hay Á Châu sẽ là Giáo Hoàng tương lai thì chắc chắn sẽ còn có nhiều điều mới mẻ ngoài dự đoán mà người ta có thể chờ đợi ở Giáo Hội Công Giáo Vatican. Một tháng nữa chúng ta sẽ biết kết quả ấy.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  4. - Đức Thánh Cha sẽ tiếp tục giữ tước hiệu Bênêđíctô hay trở lại tên gọi Joseph Ratzinger?
    * Có lẽ ĐTC sẽ lấy lại tên đời Joseph Ratzinger của ngài nhưng theo thói quen bình thường thì việc một vị Giáo Hoàng sau khi từ nhiệm lấy lại tên đời của mình chưa hề xảy ra.

    - Ngài sẽ mang tước hiệu cựu Giáo Hoàng, Hồng Y hay Tổng Giám Mục?
    * Câu trả lời là không chắc chắn. Nhưng một điều khác hoàn toàn chắc chắn là nếu một ngày nào đó ngài băng hà thì sẽ được an táng tại Đền Thờ Thánh Phêrô với tước hiệu "Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI"

    - Ngày 28.2.2013 sẽ có một cuộc tiễn biệt long trọng được công khai tổ chức tại Vatican?
    * Việc tìm ra được một hình thức tiễn biệt thích hợp không phải là chuyện đơn giản, vì Đức Thánh Cha luôn khiêm tốn và chỉ muốn tuân giữ trọn tinh thần Mùa Chay Thánh và không muốn một sự nhộn nhịp ngoại lệ không cần thiết.

    - ĐTC Bênêđíctô XVI sẽ có mặt khi Đức Tân Giáo Hoàng đã được bầu xong?
    * Chắc chắn là không. Đây là một điều đã được Lm Federeco Lombardi, phát ngôn viên của Tòa Thánh, khẳng định một cách rõ ràng và dứt khoát.

    - ĐTC Bênêđíctô có thể gây ảnh hưởng trong việc bầu vị kế vị ngài?
    * Câu trả lời là không, và chính ngài cũng không hề tìm cách ảnh hưởng trực tiếp trong việc bầu chọn này. Tất cả sự lựa chọn và bầu Tân Giáo Hoàng hoàn toàn phó thác cho sự soi sáng và dẫn dắt của Chúa Thánh Thần.

    - Phải chăng trong quảng đời còn lại, Đức Bênêđíctô phải giữ im lặng và không được phát biểu một cách công khai nữa hay ngài vẫn tiếp tục được phép can thiệp vào công việc của Giáo Hội?
    * Như chính ngài đã công bố là ngài sẽ để toàn tâm vào đời sống nội tâm cầu nguyện trong thinh lặng, chứ không còn bày tỏ quan điểm riêng một cách công khai hay can thiệp vào các công việc của Giáo Hội.

    - ĐTC Bênêđíctô sau khi từ nhiệm sẽ nhận được lương hưu?
    * Lương hưu được hiểu theo nghĩa bình thường thì chắc chắn là không, vì chính bản thân ngài hoàn toàn không cần đến. Trên thực tế, do khoản thu nhập trong việc xuất bản các sách của ngài cũng như do ngân quỹ Tòa Thánh chu cấp, Đức Bênêđíctô XVI sẽ không cần phải bận tâm về vấn đề "lương thực hằng ngày" nữa.

    - Đức Bênêđíctô sẽ sống ở đâu sau khi ngài từ nhiệm?
    * Sau khi từ nhiệm, Đức Thánh Cha sẽ cư trú tại Tu Viện Mater Ecclesiae, tọa lạc trong nội thành Vatican, hiện đang được trùng tu lại. Trong thời gian chờ đợi công việc trùng tu xong, Đức Bênêđíctô sẽ tạm cư trú tại dinh mùa hè Castel Gandolfo ở ngoại thành Roma. Điều đó cũng muốn nói rằng, không lâu nữa sẽ xảy ra một hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử Giáo Hội là tại chính Vatican sẽ đồng thời có hai vị Giáo Hoàng cư ngụ, một Vị tại chức và một Vị khác hưu trí.

    - Khi nào Đức Bênêđíctô XVI lại ghé thăm quê hương Đức Quốc của ngài?
    * Có lẽ một điều khá chắc chắn là sau khi từ nhiệm, ĐTC Bênêđíctô sẽ không bao giờ trở lại nước Đức nữa.

    - Sau khi từ nhiệm, Đức Bênêđíctô sẽ mặc áo màu gì?
    * Một điều chắc chắn là qua cách ăn mặc bên ngoài của ngài sẽ phải có một dấu chỉ rõ ràng cho thấy là ngài đã từ nhiệm và không còn là Giáo Hoàng nữa. Vì thế, có lẽ chắc chắn ngài sẽ không sử dụng màu trắng nữa. Trong trường hợp đó, ngài sẽ sử dụng áo chùng thâm có viền màu đỏ như các Đức Hồng Y. Nhưng cả trang phục này, có lẽ ngài cũng chỉ sử dụng trong ngày Chúa Nhật mà thôi, còn hằng ngày ngài chỉ mặc chiếc chùng thâm đơn giản của một Linh Mục. Còn chiếc nhẫn Giáo Hoàng của ngài sẽ được hủy bỏ ngay sau khi ngài từ nhiệm. Chính Lm Lomabrdi, phát ngôn viên Tòa Thánh, cũng đã cho hay: "Tất cả những vật dụng có liên quan trực tiếp đến chức vị Giáo Hoàng đều phải được hủy bỏ" Bình thường theo truyền thống của Tòa Thánh thì chiếc nhẫn của mỗi Đức Giáo Hoàng đều được dùng búa công khai phá bỏ sau khi vị Giáo Hoàng ấy băng hà.
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips