Thứ Tư, 9 tháng 1, 2013

Từ chối bằng khen vì có chữ ký đồng chí X

 
Ai làm nhà nước chắc biết để có được cái bằng khen của Thủ Tướng không phải là đơn giản:
ĐỐI TƯỢNG VÀ TIÊU CHUẨN KHEN THƯỞNG


1. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” được tặng cho cá nhân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đã được tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cơ sở” liên tục từ 5 năm trở lên;

b) Lập được thành tích đột xuất.

2. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” được tặng cho tập thể đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Đã được tặng bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương, đạt danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc” hoặc “Đơn vị quyết thắng” liên tục từ 3 năm trở lên;

b) Lập được thành tích đột xuất.

8 nhận xét:

  1. - Nghe nói đợt rồi chị được bằng khen?

    - Ừ, trên có đề nghị viết báo cáo thành tích nhưng chị không làm.

    - Sao thế?

    - Vì chị nghe nói người ký cái bằng khen tặng mình sẽ là “đồng chí X”. Nghe vậy hoảng quá nên chị lắc đầu từ chối.

    - Vì sao hả chị?

    - Vì không muốn trong nhà mình lại chứa chấp cái chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân.

    - Ơ, chị nói sao í chứ. Em thấy mới hôm rồi chị còn diễn kịch cho ông ấy xem. Mà em thấy ổng ngồi chăm chú xem đến hết buổi, xong còn lên tặng hoa cho chị và các diễn viên nữa mà.

    - Hôm đó bọn chị chửi khéo, chọn đúng vở kịch moi gan móc ruột lão ta ra mà chửi.

    - Hì hì. Nhưng em thấy hình như ổng không hiểu, không nhận ra các chị đang chửi khéo ổng?

    - Đấy, chính vì lẽ đấy. Cái loại vừa làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân, bị chửi cũng không biết mình đang bị chửi thì cái chữ ký ấy làm sao treo trong nhà chị được.
    Trương Duy Nhất blog

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. “Lời thề thứ 9” của tác giả Lưu Quang Vũ là vở kịch đặc sắc về đề tài đấu tranh với hiện tượng nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ có chức quyền, tha hóa trong đời sống, không vì lợi ích của nhân dân, trù dập người lương thiện, gây ra những nỗi khổ, những bất công trong xã hội. Sau 24 năm kể từ lần đầu tiên ra mắt, những vấn đề xã hội được đề cập trong tác phẩm vẫn luôn hấp dẫn bởi những thông điệp nhân văn và tính thời sự nóng hổi.
      Mặc dù “Lời thề thứ 9” đã trở lại với khán giả Thủ đô suốt ba tuần qua tại rạp Thanh Niên, nhưng với đêm diễn duy nhất tại “thánh đường” Nhà hát Lớn vào tối qua, vở diễn đã thực sự được cất cánh trong một không gian nghệ thuật trang trọng, đẹp đẽ. Sự có mặt đông đảo của khán giả lấp đầy các ghế ngồi cũng là một yếu tố giúp những người nghệ sĩ thăng hoa hơn với vai diễn. Đặc biệt là khi, trên hàng ghế sát sân khấu có sự chăm chú dõi xem của người đứng đầu Chính phủ.
      (Click tiêu đề xem toàn bài)

      Xóa
  2. Nghệ sỹ Kim Chi, người từng tham gia nhiều phim lớn của điện ảnh cách mạng Việt Nam, vừa từ chối làm hồ sơ khen thưởng nghệ sỹ của Thủ tướng Việt Nam vì cho rằng ông Nguyễn Tấn Dũng “đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân”.
    Bà nói với BBC Tiếng Việt, “để được thủ tướng khen thì tôi không muốn điều đó”.
    Trước đó, bà Kim Chi được Hội Điện ảnh Việt Nam gợi ý làm hồ sơ để đề nghị Thủ tướng khen thưởng, tuy nhiên bà đã gửi một lá thư cảm ơn tới Hội, đồng thời ghi rõ lý do từ chối.
    “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm.
    “...Được các đồng nghiệp có tâm, có tài khen ngợi mới thật là điều vinh dự,” bà viết trong lá thư gửi Hội Điện ảnh.
    Làm khổ dân là có tội
    Diễn viên điện ảnh Kim Chi nói thủ tướng đã làm bà mất lòng tin, và là công dân thì "có quyền thích hay không thích, mà không thích thì không nhận".
    Giải thích về những điều thủ tướng làm khiến bà không hài lòng, bà nói, “thế giới và mọi nơi đều phản đối một số việc và cách thủ tướng điều hành”.
    “Đối với tôi, ai làm lãnh đạo mà làm cho đất nước giàu, nhân dân sung sướng thì tôi quý trọng, còn ai không làm được điều đó thì tôi không thích, không quý trọng, khen tôi tôi thấy không sung sướng.”
    Khi được hỏi liệu bà có sợ bị ảnh hưởng tới bản thân khi đưa ra lá thư này, nghệ sỹ nói, thậm chí cả khi người ta tạo ra những tai nạn để bà "chết" đi nữa, thì điều đó cũng không đáng sợ vì “tôi sống ngay thẳng, sống cho tử tế”.
    “Cuộc đời này bao giờ sống cho ngay thẳng cũng rất khó khăn, sống cho tử tế, cho thật với lòng mình thì không phải ai cũng ủng hộ.”
    “Tôi có thể không tin cá nhân ông thủ tướng nhưng mà tôi tin cái chung, còn nhiều cái điều tốt đẹp.”
    Bà Kim Chi nói có biết được nhiều trường hợp bị bắt, bị tù khi “nói tiếng nói khác”, “nhưng đó là những tiếng nói bảo vệ chính nghĩa”, mà đã là nghệ sỹ dù làm gì cũng nên hướng về điều thiện.
    "Là người có chức, có quyền thì lại càng phải sống ngay thẳng, mẫu mực, chứ làm khổ dân là người có tội."
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  3. Xin đừng khắt khe
    Bên cạnh đa số cảm kích, khâm phục, cũng có người chỉ trích khi nghe chị nói với BBC: “Tôi cũng nói thẳng, tôi là nghệ sĩ cộng sản chính hiệu. Và cho tới bây giờ, trái tim tôi là tim của một người cộng sản, mong đất nước này sẽ được hòa nhập được với thế giới, tốt đẹp hơn, giàu có hơn, và dân không khổ nữa”.
    Xin hiểu Kim Chi, theo quan niệm của chị, đã là người cộng sản là phải sống và cống hiến sao cho xứng đáng với lý tưởng mà chị trân quý. Chính vì vậy, chị mới thẳng thắn bày tỏ không muốn nhìn thấy trong nhà chị có cái chữ ký của một người mang danh ủy viên bộ chính trị ĐCSVN, nhưng làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân.
    Trên thực tế, không ít người chống cộng gắt gao nhất, cũng nhìn nhận nét nhân văn cao đẹp của lý tưởng cộng sản (“lý tưởng” thôi nhé!). Xin phân biệt thật rành rẽ sự khác biệt như ánh sáng với bóng tối, như nước với lửa, như thiện với ác, giữa tính nhân văn của lý tưởng cộng sản với luận điệu tuyên truyền bịp bợm, mị dân của những kẻ khoác áo cộng sản, nhưng độc tài, cơ hội, tham nhũng, bất tài, dốt nát, trơ trẽn tham quyền cố vị, vô cảm – đè đầu bóp nặn nhân dân, kìm hãm đất nước, cốt vinh thân phì gia, cùng cái gọi là “chủ nghĩa xã hội hiện thực” hết sức méo mó như họ đã và đang áp đặt ở nhiều quốc gia.
    Mặt khác, nữ diễn viên – đạo diễn Nguyễn Thị Kim Chi đâu phải triết gia, hay nhà nghiên cứu xã hội học, để có thể/và cũng không phải dịp thích hợp để dài dòng về chủ nghĩa cộng sản dưới con mắt kinh tế – chính trị học trong vụ này.
    Chỉ chừng nửa trang giấy A4, một cách thẳng thắn, dễ hiểu và trên hết là trách nhiệm với nhân dân, với đất nước, nữ nghệ sĩ đáng kính nói được điều cốt tử hệ trọng của nhân dân và đất nước (không cần quá thông minh để hiểu phía sau những câu, chữ súc tích trong lá thư – câu hỏi: tại sao một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân, vẫn chễm chệ ghế Thủ tướng?), mà hàng chục cuộc họp, hàng vạn trang nghị quyết, hàng nghìn buổi diễn thuyết vô bổ, rối rắm, vẫn không bật ra nổi.
    Xứ ta, nghệ sĩ, trí thức phẩm trật mũ cao áo dài lòe loẹt đông như châu chấu, mấy người làm được như chị? Thậm chí, sau sự kiện Kim Chi, mấy ai lặng lẽ (chỉ “lặng lẽ” cũng đã tốt) tháo xuống, đem “phi tang” cái “của nợ” đã “trót” treo lên? Sắp tới, mấy ai khước từ trước tình huống tương tự? Rồi đây, có giảm đáng kể kẻ bon chen, chạy chọt lo lót mua danh phù phiếm? Khó nói trước, nhưng chắc chắn không ít người chẳng dám lấy làm vênh vác sở hữu kiểu chứng chỉ “vinh danh” tương tự.
    Cùng cảnh chị, là học sinh miền Nam tập kết, rồi người lính Sư đoàn 304, may mắn trở về từ “cối xay thịt” Quảng Trị – B5 1972, người viết bài này tự hào là đồng đội thời thanh xuân đẹp nhất của chị – chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân. Nơi sâu thẳm trái tim tôi, cái tên Nguyễn Thị Kim Chi lấp lánh trong số rất hiếm Nghệ sĩ cao quý đích thực của Nhân dân…
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  4. Đại diện của Hội Điện ảnh Việt Nam cho BBC biết “không hài lòng lắm khi công việc chưa đâu vào đâu”.
    “Tôi thấy như thế là không ổn,” theo bà Hồng Ngát, “việc nội bộ mà chứ đã trình đâu mà lại bảo là không thích của thủ tướng”.
    Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát nói đã đọc đơn của bà Kim Chi, nhưng về “nguyên tắc thì như thế là không đúng lắm”, vì đơn gửi cho Hội thì phải để Hội xem xét giải quyết, “chứ Hội chưa có ý kiến gì mà đã tung hết cả lên mạng, trả lời cả BBC”.
    “Tôi chả hiểu là nhân cái đơn này thì để làm cái gì, chỉ vì một việc rất nhỏ thế này mà nói một vấn đề rất là lớn.”
    Phó chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam giải thích, việc xét thưởng đang nằm ở giai đoạn hoàn thành hồ sơ, chưa trình lên thủ tướng, và nghệ sỹ Kim Chi nằm trong danh sách 50 hồ sơ được Ban chấp hành Hội Điện ảnh xét duyệt trong đợt này.
    “Hội mới thấy là có nhiều quá mà tồn lại từ những khóa trước thì trong đợt này Hội mới xem xét để có thể trình lên xin,” bà Hồng Ngát nói, “những người giỏi thì người ta được huân chương độc lập hay là huân chương hạng nhất từ lâu rồi.”
    “Đây là những người cũng vừa phải thôi thì Ban chấp hành nghĩ là xin bằng khen hay là huân chương lao động hạng ba gì đấy.”
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  5. Nếu bà Ngát từ trước đến nay chỉ là quan chức hành chính “chay” (phó cục trưởng Điện ảnh), dư luận không mấy ngạc nhiên. Nguyễn Du đã chẳng chua chát “vào luồn ra cúi, công hầu mà chi” đó sao? Tiếc cho nhiều năm ăn học, công sức thày cô, khi bà cũng được đào tạo tại trường Sân khấu điện ảnh VN, rồi đại học Sân khấu điện ảnh Matxcơva, ít nhất cũng được coi là kẻ có học. Bà cũng từng là diễn viên chèo, rồi đạo diễn, cũng danh phận nghệ sĩ – trí thức như ai.
    Lâu nay, xã hội vẫn nể trọng các trí thức chân chính, không chỉ bởi kiến thức hơn người, mà còn ở đặc điểm coi trọng tự do tư tưởng, dị ứng mọi biểu hiện độc tài chuyên chế, bất công. Nhân chuyện báo chí “quốc doanh” bị đe nẹt phải theo “lề phải”, Giáo sư Ngô Bảo Châu viết “bám theo lề là việc của con cừu, không phải việc của con người tự do”.
    Không biết tự bao giờ, bà Ngát quen cái “vòng kim cô” “nguyên tắc” rất phản trí thức, phản nghệ sĩ. Thật ra, làm gì có cái gọi là “nguyên tắc” Hội chưa trình lên thì nghệ sĩ không được thổ lộ cùng ai. Thật ra, trước khi trả lời BBC, bà Ngát chưa nắm rõ sự việc. Nghệ sĩ Kim Chi chẳng có ý định tung lá thư lên mạng. Một số bạn trẻ đến nhà chơi, thấy câu chuyện đặc biệt có ý nghĩa trước hiện tình đất nước, bèn post lên facebook.
    Cũng chẳng có nguyên tắc nào cấm nghệ sĩ lên mạng, hay trả lời BBC (bà Ngát chẳng trả lời BBC đó sao?). Lẽ ra, với tư cách nghệ sĩ - trí thức, bà phải xem các “nguyên tắc” phản nhân quyền là xiềng xích tệ hại trói buộc, nô dịch con người. Ngay Hiến pháp Việt Nam cũng xác nhận quyền tự do cơ bản, trong có tụ do ngôn luận. Các “nguyên tắc” đặt ra nhằm bịt miệng công dân là vi hiến. Hết tuổi quan chức hành chính, về làm ở hội Điện ảnh, lẽ ra bảo vệ các quyền cơ bản của hội viên là nghĩa vụ của bà. Chẳng bảo vệ, lại còn trịch thượng hăm he “mời nghệ sĩ Kim Chi đến để hỏi xem “tình hình ra sao”. Hết biết!
    Thông minh một chút, bà Ngát sẽ hiểu, dám khước từ chữ ký thủ tướng khen, với lý do ông ta là kẻ làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân, Nghệ sĩ Kim Chi – từng 10 năm chiến trường - chẳng e ngại cường quyền. Hội đối xử có tình thì quý mến Hội, Hội giơ dùi cui quyền lực, điều khiển được ai?
    Ở ta, không ít trí thức đều hiểu, các hội nghề nghiệp quần chúng không tự do hình thành như các xứ văn minh. Nó được nhà cầm quyền tạo ra chủ yếu nhằm thực hiện ý đồ “gông cùm” các giai tầng xã hội, làm “son phấn” mị dân, đối ngoại… Nhân sự chủ chốt phải được cấp ủy “duyệt”.
    Thế nhưng, với các hội khác như hội Nông dân, hội Làm vườn… người ta răm rắp cúi đầu, xã hội chẳng ngạc nhiên. Tiếc là hội Điện ảnh, hội của trí thức – nghệ sĩ mà cũng “nem nép như rắn mùng 5” thì sự nghiệp đưa con người tới bến bờ tự do biết trong cậy vào đâu? Chẳng lẽ lại hy vọng ở hội của người cầm liềm, hội của người cầm búa?
    Có bao giờ bà Ngát tự vấn, vì sao chiến tranh đã qua nhiều thập niên, nước ta vẫn nghèo, ngày càng tụt hậu, dân ta vẫn khổ? Trước hiện tình bi đát ấy, giới nghệ sĩ - trí thức chẳng lẽ vô can? Lẽ ra, với lợi thế tri thức và vị thế, giới trí thức - văn nghệ sĩ có thái độ trung thực, họa may lãnh đạo tỉnh ngộ. Trí thức né sự thật, khuất phục cường quyền, lươn lẹo, luồn cúi, bưng bô nịnh hót… đất nước đi về đâu?
    (Click tiêu đề xem toàn bài)

    Trả lờiXóa
  6. Về mặt này, tôi đồng ý với chị Hồng Ngát. Mới gợi ý làm hồ sơ để đưa đi duyệt, mà chị Kim Chi đã viết cái đơn, để rồi có người biết, tung lên Facebook, thế là ầm ỹ.

    Viết đơn và làm hồ sơ mới là bước đầu. May ra được vào danh sách rồi trình lên ban xét duyệt thi đua. Nếu may thì sẽ gửi lên VP Thủ tướng. Thủ tướng chắc gì đã xem. Mà ông xem chắc gì ông đã ký.

    Ông X đã ký đâu mà chị Kim Chi dám viết “Tôi không muốn trong nhà tôi có chữ ký của một kẻ đang làm nghèo đất nước, làm khổ nhân dân. Với tôi, đó là một điều rất tổn thương vì cảm giác của mình bị xúc phạm”.

    Quên mất, sao mình lại nhắc mãi câu này. Đã bảo không viết trong entry mà.

    Chị Kim Chi làm thế là không được, không kín kẽ và hơi bộp chộp.

    Tôi mà là chị, tôi sẽ nộp hồ sơ đàng hoàng, tìm cách cho mình vào danh sách, vận động hành lang (lobby) sao cho tên mình được đưa lên Thủ tướng và đảm bảo là phải có chữ ký X.

    Có chữ ký đàng hoàng rồi và đưa đi kiểm định, biết chắc đó là của đồng chí X, chị Kim Chi viết đơn cũng chưa muộn. Lúc ấy tầm ảnh hưởng mới lớn.

    Làm như hiện nay, người ta cười cho. Chưa ai xét duyệt, chưa ai làm gì, chị Kim Chi đã từ chối. Bây giờ hỏi cái công văn yêu cầu chị Kim Chi làm hồ sơ đâu, chắc là không có.

    Các nghệ sỹ lần sau muốn học chị Kim Chi thì nên tìm cách cho hiệu quả, sao cho giống món Đại Hàn, ai đó “ăn” vào sốc lên tận mũi, nhớ suốt đời.

    Muốn gì thì gì cũng phải khen chị Kim Chi phát. Cuộc đời chị giống như tập thơ Lục bình mà chị tâm đắc với câu “Lục bình chậm rãi xuôi dòng! Dừng đâu nơi ấy nước trong lắng phèn!”

    Không phải nhà quê mà viết được câu thơ ấy. Đúng là hoa lục bình sống nơi nào thì nơi ấy nước trong. Nhiều Kim Chi lục bình thì đất nước ngày càng sạch hơn.
    Hiệu Minh
    Lời bàn của anh Ba Sàm:
    Chiều qua bài này đã được điểm: Chị Kim Chi làm thế là…không đúng trên blog Hiệu Minh, tới đêm, tôi – BS mới có thì giờ để đọc. Thế nhưng, mới đọc đến nửa bài, đã muốn buột miệng: “Thật ghê tởm Hiệu Minh!” Cố đọc hết bài, thận trọng đọc lần nữa, và viết ngay lời bình, định để đăng sáng nay, rồi lại có người can… Nên tôi đã quyết định: nếu như nhiều độc giả thắc mắc tại sao lại nhận xét vậy, thì sáng mai xin được phép đăng lời bình đó. Ngoài ra, nếu ông Hiệu Minh có đề nghị được biết, tôi sẽ gửi riêng cho ông.

    Trả lờiXóa
  7. “Kim Chi, cho tôi bắt tay bạn thật chặt nào!”
    Thư của Nghệ sĩ Kim Chi từ Hà Nội gửi Nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang, ngày 30 – 1 – 2013.
    “Tạo quí mến!
    Lúc 5 giờ chiều qua, Hội Điện ảnh gặp mặt cuối năm ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô. Chị tới đó lúc 5 giờ 15, đã thấy rất đông rồi. Chị vừa xuống xe, ba, bốn bạn đi nhanh lại bắt tay.
    Một anh đạo diễn nói: “Mình biết thế nào Kim Chi cũng tới, nên chờ ở đây để bắt tay …”. Một anh diễn viên cùng khóa 1: “Bữa biết chuyện lá thư của em, anh gọi điện cho Vũ Linh: “Tao có con em miền Nam là bạn cùng khóa, thật đáng nể… Tao tự hào về nó…”.
    Tiếp đó, khá đông tới bắt tay, gọi chị là “người hùng”. Nhiều chị, nhiều bạn gái tới ôm hôn thắm thiết. Họ nói giống nhau: “Cảm ơn Kim Chi đã nói thay mọi người…”.
    Một anh nói lớn, có ý cho mọi người nghe: “Kim Chi! Cho tôi bắt tay bạn thật chặt nào! Có đứa nó nói rằng bà Kim Chi đang tìm cách đánh bóng tên tuổi… Nhưng tôi gọi Kim Chi là anh hùng. Tôi rất ngưỡng mộ một người can đảm như Kim Chi…”.
    Chị rất xúc động, người tâm huyết với đất nước còn rất nhiều. Chị chợt nghĩ, nếu ở những xứ sở văn minh, tự do thật sự, thì lời chị nói, việc chị làm là rất bình thường. Ở xứ mình, người ta quen cúi đầu, mọi người mới coi việc chị làm là can đảm, đáng nể.
    Lúc vào hội trường, nhiều người tới bắt tay, đề nghị chụp ảnh cùng. Ngay lúc Chủ tịch hội đang đăng đàn, một bạn gái tới nói nhỏ với một nhà văn trẻ – ngồi ghế bìa cạnh chị: “Em vui lòng nhường chị ít phút chỗ này để chị chụp ảnh với chị Kim Chi…”. Vậy là máy ảnh cứ chớp lóe. Tới lúc tiệc đứng, nhiều người tìm tới bày tỏ ủng hộ, lại chụp ảnh.
    Buồn cười là cũng có không ít ánh mắt lạnh lùng hình sự nhìn chị. Chị biết, đó là những người quen cúi đầu. He he … Thế mới kịch chứ!
    Ra về, chị đến bắt tay đạo diễn Tự Huy. Anh nói:”Dũng cảm lắm! Nhớ đi đứng cẩn thận đấy. Chúng nó đang thù cô… Coi chừng cục đá vào đầu thì khổ…”. Đạo diễn Lê Đăng Thực nắm tay: “Cô em gái khiến anh mất bao thời gian lên mạng để tìm hiểu”. Anh vỗ vỗ má chị: “Gan thế!”.
    Bạn bè trong Nam điện ra dặn: “Nhớ từ nay hạn chế ra đường, không ăn uống với người lạ, ốm đau không vào bệnh viện công…”. Buồn cười! Mình hành động là để được tự do, bây giờ lại MẤT TỰ DO? Đó là nghịch lý xứ mình!
    Chia sẻ với em đôi điều thế sự. Chào em nhé. Chị thăm gia đình em và bạn bè cùng chí hướng…”.
    Kim Chi

    Trả lờiXóa

Best Blogger TipsBest Blogger Tips