Thứ Năm, 24 tháng 1, 2013

Giáo Hoàng tiếp lãnh tụ cộng sản Việt Nam

VATICAN CITY 22/1/2013 - Tin Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam hội kiến với Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI tại Vatican vào buổi sáng ngày 22 tháng 1 năm 2013 đã được các hãng thông tấn quốc tế loan tải một cách rộng rãi. Nói chung, các bản tin nhận định rằng quan hệ ngoại giao giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam đang từng bước được củng cố thêm qua việc Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI lần đầu tiên tiếp một vị không phải là nguyên thủ một quốc gia mà là Tổng Bí Thư của một đảng phái chính trị.
Trong cuộc họp báo, Linh mục Federico Lombardi, phát ngôn viên Tòa Thánh, cho biết: Phái đoàn của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng có 11 người, gồm giới chức cao cấp trong đảng và chính quyền. Phái đoàn đã được Tòa Thánh đón tiếp với tất cả nghi thức ngoại giao dành cho vị nguyên thủ quốc gia.
Ông Tổng Bí Thư đã hội kiến riêng với ĐGH nửa giờ đồng hồ trong phòng đóng kín. Sau đó, ông Tổng Bí Thư và phái đoàn đã gặp Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Dominique Mamberti, Bộ Trưởng Ngoại Giao đặc trách liên lạc giữa Tòa Thánh với các quốc gia. Phái đoàn cũng đã gặp một số giới chức khác trong Bộ Ngoại Giao Tòa Thánh.
Thông cáo báo chí của Tòa Thánh cho biết các buổi thảo luận đã diễn ra trong tinh thần thân ái, thành thật và xây dựng. Hai bên hy vọng những vấn đề còn tồn đọng sẽ được giải quyết sớm và sự hợp tác có kết quả hiện nay được củng cố thêm.
Tòa Thánh Vatican và Việt Nam đang hướng đến việc thiết lập đầy đủ quan hệ ngoại giao. Hiện giờ Tòa Thánh chỉ có đại diện không thường trú tại Việt Nam và cả hai bên đang tiếp tục thảo luận vấn đề này.
Sau khi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng gặp Đức Thánh Cha vào năm 2007, Tòa Thánh và Việt Nam đã thiết lập uỷ ban nghiên cứu quan hệ ngoại giao. Đây là cuộc họp đầu tiên giữa Thủ Tướng Việt Nam với giới chức cao cấp của Tòa Thánh. Đến năm 2009 Chủ Tịch Nhà Nước, Ông Nguyễn Minh Triết, đã gặp ĐGH và giới quan sát cho đây là một bước tiến mới trong quan hệ Việt Nam – Vatican. Sau đó, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli đã được bổ nhiệm làm Đại Diện không thường trú tại Việt Nam. Vậy sau phiên họp này, liệu có bước đột phá nào trong quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Việt Nam không? Chúng ta còn phải chờ xem.
Trên bình diện ngoại giao, theo nhận định của giới quan sát, mối liên hệ Vatican – Hà Nội đã có tiến triển và vấn đề tự do tôn giáo đã có cải thiện. Nhưng các chính phủ và các cơ quan nhân quyền trên thế giới vẫn coi Việt Nam là nước đàn áp tôn giáo, đặc biệt là Thiên Chúa Giáo. Chính quyền Việt Nam bắt chước Trung Quốc vẫn can thiệp vào việc bổ nhiệm Giám Mục. Tại các giáo phận và các giáo xứ xa xôi, việc hành đạo vẫn bị giới hạn và gặp nhiều khó khăn, vẫn phải qua thủ tục xin – cho. Tài sản Giáo Hội vẫn bi tịch thu. Người Công Giáo vẫn bị coi là thành phần không đáng tin cậy, không được hưởng trọn vẹn quyền lợi dành cho một công dân bình thường.

Việc Giáo Hoàng tiếp Nguyễn Phú Trọng khiến giới quan sát quốc tế về tình hình tôn giáo và chính trị tại Việt Nam phải ngạc nhiên vì bốn lý do bất thường sau đây:
Thứ nhất, ngày thứ Ba, thông thường là ngày nghỉ của Đức Thánh Cha.
Thứ hai, theo thông lệ, Đức Thánh Cha chỉ tiếp các vị quốc trưởng của một quốc gia, Ngài không tiếp vị nào là lãnh đạo đảng phái chính trị.
Thứ ba, giữa chính quyền Cộng Sản Việt Nam và Tòa Thánh Vatican chưa thiết lập đầy đủ quan hệ ngoại giao. Hai bên mới chỉ thiết lập Nhóm Làm Việc Chung để thảo luận việc thiết lập đầy đủ quan hệ ngoại giao, nhưng cho tới nay, Vatican chỉ mới có đại diện không thường trú tại Việt Nam.
Thứ tư, một trong những điều trở ngại lớn nhất là việc chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp, khủng bố Công Giáo và các nhóm Thiên Chúa Giáo nói chung.
Nhiều quan sát viên quốc tế là những người đã bày tỏ âu lo trước những trò cộng sản lợi dụng uy tín của Tòa Thánh và của Đức Thánh Cha để che đậy trước dư luận quốc tế những thành tích khét tiếng về vi phạm nhân quyền và tự do tín ngưỡng trầm trọng.
Hơn thế nữa, một khi có cơ hội trình bày được trước thế giới một bộ mặt bớt bẩn thỉu, cộng sản lại nhanh chóng tăng tốc các vi phạm nhân quyền mà nạn nhân trước hết của chúng lại chính là những người Công Giáo.
Thật vậy, ngày 25 tháng Giêng năm 2007, Nguyễn Tấn Dũng được Đức Thánh Cha tiếp kiến. Ngày 18 tháng 2 cùng năm linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý bị bắt. Năm sau đó xảy ra hàng loạt các vụ cướp đất tại Long Xuyên, Vĩnh Long, Nha Trang, và hàng loạt các vụ đàn áp để cướp đất trong đó nghiêm trọng nhất là tại Thái Hà, Tòa Khâm Sứ hồi tháng 9 năm 2008. Rồi đến vụ đánh đập các linh mục và anh chị em giáo dân tại Tam Tòa Đồng Hới hồi tháng 7/2009.
Ngày 11 tháng 12 năm 2009, Nguyễn Minh Triết được Đức Thánh Cha tiếp kiến. Chưa đầy một tháng sau, ngày 6 tháng Giêng 2010, lại xảy ra vụ triệt hạ thánh giá ở Đồng Chiêm.
Trong bối cảnh âm vang của phiên tòa tàn bạo kết án 14 thanh niên Công Giáo và Tin Lành với tổng cộng 80 năm tù, cuộc tiếp kiến hôm nay không khỏi gây kinh ngạc cho nhiều người.
Bonus:
Các nữ tu tại Castel Gandolfo, vùng ngoại ô Rome đang chờ Giáo Hoàng đến giảng đạo hàng tuần...
Ống kính trực diện một nữ tu đứng trước mặt Giáo Hoàng đã tạo thành một bức chân dung ngộ nghĩnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Best Blogger TipsBest Blogger Tips