Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Trả lại tên cho "Lá Cải"

BBC: Vài tuần trước ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, một cuộc khẩu chiến nổ ra giữa một số báo trong nước về điều được gọi là 'lá cải' trong làng báo Việt Nam.
Nhưng cũng có những người lý luận rằng tại Việt Nam chưa có thứ gọi là báo lá cải.
Người lại bảo không có tin lá cải mà chỉ có cách khai thác tin lá cải.
Câu chuyện cũng có thể phản ánh 'cơn giật mình' trong xã hội Việt Nam về đạo đức khi các chuẩn mực đều lệch kim.

Vậy báo lá cải có từ khi nào, thế nào là 'lá cải' và có phải cứ 'lá cải' đã là tiêu cực?
Theo Phó Giáo sư Frank Esser từ Institut fuer Publizistik thuộc Đại học Johannes Gutenberg, Đức, mặc dù nhen nhóm ở Hoa Kỳ trong những năm 1890 với phong trào báo hạ cấp Yellow Journalism, sự hình thành toàn diện của báo lá cải bắt đầu ở Anh năm 1903 khi Lord Northcliffe lập ra tờ Daily Mirror và biến nó thành báo lá cải bán chạy nhất.

Từ tiếng Anh của lá cải, tabloid, được xem là xuất phát từ một thương hiệu dược phẩm chỉ loại thuốc được cô lại thành viên hay viên con nhộng.

Irving Fang, tác giả cuốn Lịch sử Truyền thông Đại chúng: Sáu Cuộc Cách mạng Thông tin, nói tính gây nghiện và dễ nuốt của thuốc đã được chuyển sang cho truyền thông vào hồi đầu thế kỷ 20 khi người ta dùng từ tabloid để chỉ báo khổ nhỏ A3 vốn dễ đọc trên tàu điện ngầm và xe buýt so với báo khổ lớn A2.

Các báo lá cải có cùng xu hướng tập trung khai thác scandal, tội phạm, người nổi tiếng và 'buôn chuyện'
Anh quốc được coi là nước có sự phân biệt rõ ràng nhất giữa báo lá cải và báo chính thống, những tờ báo mà trong những năm gần đây cũng đã chuyển từ khổ A2 sang A3 với phương châm 'vẫn tờ báo đó, vẫn những câu chuyện đó, chỉ có khác khổ'.


Tại các quốc gia như Việt Nam, lá cải là khái niệm nhập khẩu và người ta có thể nói về xu hướng 'lá cải hóa' khi sở hữu tư nhân về báo chí không được công nhận nhưng sự quản lý các mảng tin phi chính trị có thể 'du di' tùy vào khả năng quan hệ và thậm chí là mức độ 'lại quả' của những người kinh doanh báo.

Ông Esser dẫn lời Marvin Kalb, giám đốc Trung tâm Shorenstein về Báo chí, Chính trị và Vấn đề Công của Đại học Harvard định nghĩa 'lá cải hóa' là "sự xuống ngôi của tin tức thời sự và sự lên ngôi của tin giải trí, sex và scandal."


Phó giáo sư Esser cũng dẫn lời ông Howard Kurtz, tác giả cuốn Media Circus - The Trouble with America's Newspapers (Gánh xiếc Truyền thông - Rắc rối của Báo Mỹ) nói sự 'lá cải hóa' đồng nghĩa với việc chuẩn mực báo chí sụt giảm, tin tức thời sự như chính trị và kinh tế vắng bóng và sự gia tăng các tin giải trí như các chủ đề nhớp nhúa, scandal, giật gân và tiêu khiển.

Đối với truyền thông tự do ở Hoa Kỳ, nó cũng có nghĩa là sự thay đổi trong cách truyền thông định nghĩa những gì mà họ cho rằng cử tri cần biết để đánh giá khả năng phù hợp của ứng viên chính trị.
Chất lượng và 'đại chúng'
Các chuyên gia nghiên cứu báo chí cũng chỉ ra rằng thuật ngữ 'lá cải' quá rộng, không chính xác và có nhiều hàm ý chỉ giá trị trong đó.
Họ cũng nói sự phân biệt giữa báo lá cải và báo chính ngạch không phải khi nào cũng rạch ròi.
Stephen Harrington, Giảng viên Đại học Công nghệ Queensland, Australia, khái quát các đặc điểm của báo lá cải, mà ông cũng gọi là báo 'đại chúng' và báo chính ngạch, hay báo 'chất lượng'.
Về mặt hình thức, các báo lá cải cũng nhiều ảnh, ít chữ, tít bài thường giật gân, câu khách, kích động trong khi ảnh thường là của các cô gái 'thiếu vải' và 'lộ hàng'.
Báo chạy theo xu hướng lá cải ở Việt Nam có gần như đủ 15 đặc tính của báo đại chúng, chỉ trừ có 'chính trị vi mô', điều có thể được xem là cấm kỵ.
Chính trị vi mô ở đây có thể hiểu là nhìn vào những nét đời thường của đời sống chính trị và cá nhân hóa các chính trị gia.
Đây có thể là chuyện các chính trị gia thích ăn gì, chơi gì, nghỉ ngơi ra sao hay giải trí như thế nào.

Những chủ đề này đặc biệt phổ biến tại Anh, quê hương của báo lá cải nơi công thức thành công của tài phiệt Rupert Murdoch là tập trung vào sex, nhất là sex mang vị xì căng đan và liên quan tới người nổi tiếng, chẳng hạn thành viên Hoàng gia hay các ngôi sao.
Bản thân công chúng Anh cũng cảm thấy báo lá cải tại Anh bị tuột cương. Hơn 50% người Anh có ý kiến như vậy về báo lá cải và 40% có cùng suy nghĩ về báo chí nói chung.

Ngay cả trong thế giới tư bản, xu hướng lá cải tại các nước cũng khác nhau. Chẳng hạn báo chí Đức ít 'moi móc' đời tư của chính trị gia hơn báo Anh.
Theo Phó Giáo sư Esser, Nhà nghiên cứu người Đức Hans Mathias Kepplinger đã nghiên cứu báo chí 'chất lượng' của Đức trong 45 năm, từ 1950-1995 và đưa ra năm 'công thức' viết tin, bài khác nhau:
  • 1. Bài vở đưa những gì thực sự xảy ra hay sự đồn đoán.
  • 2. Lạc quan hay bi quan.
  • 3. Cân bằng hay thiên lệch.
  • 4. Lý trí hay cảm xúc.
  • 5. Xì căng đan hay không xì căng đan.
Nghiên cứu của Kepplinger cho thấy báo chí có uy tín của Đức ít khi khai thác xì căng đan hay để cảm xúc thắng lý trí trong khi đưa tin.
'Gần gũi' công chúng
Thế nhưng có phải báo lá cải đồng nghĩa với sự xấu xa?
Một số nhà nghiên cứu không nghĩ như vậy.
Họ cho rằng nhiều người phản đối báo lá cải dựa trên lập trường phản văn hóa đại chúng truyền thống của họ.
Giáo sư David Rowe của Đại học Western, Australia, cho rằng các vấn đề của cuộc sống hàng ngày luôn có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử loài người.
Báo lá cải cũng thúc đẩy những nét văn hóa khác với văn hóa thượng lưu và thách thức cái gọi là 'bá chủ văn hóa' trong xã hội.
Mine Gencel Bek, giảng viên Khoa Truyền thông, Ankara University, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng báo lá cải có thể mang lại một thực tế khác với thực tế chính thống.
Nó cũng có thể kéo chính trị lại gần với công chúng và khuyến khích nhiều độc giả tham gia vào đời sống chính trị vốn thường khô khan trên báo chính ngạch.

Tại Việt Nam, giải trí là cửa ngách để người ta bước chân vào làng truyền thông vốn bị kiểm soát chặt chẽ.
Cho dù vô tình hay cố ý, các quan chức quản lý báo chí có vẻ xem các ấn phẩm tiêu khiển và giải trí là vô hại về chính trị và không thực sự để tâm tới mảng này.
Nhưng trong 'cuộc chiến' lá cải hiện nay, một số quan chức đã nhắc lại thông điệp 'định hướng dư luận' và người ta có thể tưởng tượng ra một nền báo chí lá cải 'theo định hướng xã hội chủ nghĩa'.
Đây sẽ là nét rất Việt Nam bởi tại quê hương của báo lá cải, các tờ báo như Sun hay Daily Mirror chỉ quan tâm tới việc bán các 'tròng mắt' cho những công ty quảng cáo và độc giả được coi trọng chỉ vì họ gián tiếp mang lại miếng cơm manh áo cho những người làm báo và chủ báo.

"Nơ nà" và "nếu náo"


Thu hồi Vở luyện tập Tiếng Việt lớp 1 in sai chính tả
Chiều 29/5, ông Trương Công Báo - Giám đốc NXB Đà Nẵng cho hay, đơn vị đang tiến hành kiểm tra các khâu thẩm định, xuất bản in ấn cuốn “Vở luyện tập Tiếng Việt” tập 1, đồng thời ra quyết định thu hồi tập vở này vì nhiều lỗi chính tả.
Tập vở dày khoảng 30 trang, do bà Đặng Thị Lanh (nguyên Phó vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT) làm tác giả, được NXB Đà Nẵng cấp giấy phép tháng 2-2012, và in tại Cty in Tổng hợp Cầu Giấy - Hà Nội.
Theo số liệu lưu chiểu cho thấy, tập vở được in với số lượng 2.000 cuốn. Tuy nhiên, khi đưa vào phát hành, nhiều phụ huynh, nhà sách phản ánh, tập “Vở luyện tập Tiếng Việt, tập 1” có nhiều lỗi chính tả. Đáng chú ý, như: viết sai “cây nêu” thành “cây lêu”, giỗ thành “dỗ” trong các câu, cụm từ “có dỗ”, “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày dỗ Tổ mùng mười tháng ba….
Theo ông Báo: trước khi cấp giấy phép xuất bản, tập vở này do biên tập viên Nguyễn Kim Nhị thẩm định. Hiện tại cô Nhị nghỉ hưu (từ tháng 3-2012) và đang ra Huế có việc gia đình nên NXB Đà Nẵng chưa xác minh lỗi từ khâu nào (tác giả, người biên tập ?).
“Trước mắt chúng tôi sẽ thu hồi lại toàn bộ số tập vở trên. Trường hợp sai phạm từ đâu sẽ kiểm tra và xử lý đến đó”, ông Báo nói.
Nguyễn Huy/Tiền Phong
 
Bà Lanh có học vị học hàm là Phó Giáo sư - Tiến sĩ, chủ biên Sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 - một cuốn sách bị dư luận cho là Khó và Xa rời thực tế. Hiện nay việc nói ngọng (l/n); viết sai chính tả rất phổ biến trong đời sống, nguyên nhân phải chăng là từ những thái độ vô trách nhiệm, hết sức "nơ nà" của những con người như trên: Chủ biên - biên tập - nhà xuất bản - nhà in để cuối cùng bọn trẻ con ở lớp đầu cấp phải gánh chịu?
Hệ quả đây:
 
 
 
Thôi thì:
Cám ơn bà Đặng Thị Nanh
Con tôi ngọng nghịu phải chăng... nhờ bà?

Tương nai giáo dục nước nhà
Nhìn sa trẳng thấy có đà đi nên!!!

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

Mán phán...

Trong lúc các báo Sài Gòn đang mải mê tranh luận xem thế nào là lá cải, thì một đại biểu Quốc hội tuyên bố không thể chấp nhận ăn xin tại Việt Nam.
Vị đại biểu Quốc hội ấy là ông Niê Thuật đến từ Đắk Lắk và ông đề nghị không đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.
Đương nhiên, đưa sáng kiến lập pháp và đề xuất dự án Luật là quyền của đại biểu Quốc hội, không đồng tình với đề xuất ấy cũng là quyền của các đại biểu, nhưng ta hãy thử xem đại biểu Thuật lý giải như thế nào cho quan điểm của mình.
Theo lời đại biểu được báo Đất Việt đưa nguyên văn, thì "chưa nói tới biểu tình, để cho quần chúng nhân dân đi ăn xin giữa đường đã là không được!"
Khi nghe những lời này, phản xạ đầu tiên và rất dễ hiểu, là người ta ngay lập tức nghĩ đến đại biểu Hoàng Hữu Phước (Thành phố Hồ Chí Minh) với những phát ngôn để đời trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2011, cũng về lý do ông phản đối xây dựng Luật Biểu tình: “biểu tình là sự ô danh” và Việt Nam chưa đủ điều kiện để “đài thọ cho sự ô danh đó”.
Nếu trí nhớ của bạn còn tốt thì sẽ nhớ các nhà báo khi đó đã đồng thanh lên tiếng phản đối đại biểu Hoàng Hữu Phước như thế nào và đương nhiên là nể phục đại biểu Niê Thuật hôm nay về lòng dũng cảm vô biên và sự kiên trì bảo vệ lẽ phải.
Người ta chỉ băn khoăn chẳng hay đại biểu Niê Thuật dùng từ “không được” với việc ăn xin theo nghĩa nào? Có thể khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, đã là người thì không ai muốn có cái vinh dự được làm cái bang tung hoàng khắp chốn. Và nếu thế thì có lẽ đại biểu Nie Thuật cũng nên dùng từ "không được" đầy kiêu hãnh kia cho các công bộc có trách nhiệm lo miếng cơm manh áo cho dân.
Ờ nhỉ, vế này phải là vế trước chứ, rồi mới đến vế sau là "không được" ăn xin, như thế mới thuận đạo trời chứ. Đã lo miếng cơm manh áo cho dân rồi mà dân vẫn tay gậy tay bị đi ăn xin để làm giàu, để giàu hơn người thì thật là quá đáng, dứt khoát là "không được" rồi và chúng ta không chỉ cấm tiệt mà còn phạt thật nặng!
Nói khác đi, một xã hội không biểu tình, không ăn xin đương nhiên là tốt, thậm chí có thể coi là gần gần giống với thiên đường nữa kia. Giấc mơ của nhà thơ Tố Hữu đã thành hiện thực: Còn gì đẹp trên đời hơn thế/Người với người sống để yêu nhau... Tôi và bạn và tất cả mọi người, ai cũng mang trong mình "một trái tim giàu/Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay"...
Nhưng thử vắt tay lên trán nghĩ một lúc thì thấy, có lẽ đại biểu Nie Thuật khẳng định là "không được" biểu tình, thậm chí không được ăn xin...có cái gì đó "không được" so với chính vai trò đại biểu của ông.
Bởi lẽ, ông là đại biểu quốc hội, ông muốn rằng "không được" ăn xin thì theo lý, ông phải ra luật để xử những kẻ ăn xin làm giàu chứ nhỉ? Nếu chỉ nói "không được" thì khi có kẻ nào đó lỡ hành nghề ăn xin thì lấy luật gì để xử, hả giời?

Xin mời ông mán Niê
Hỏi xem bọn nhỏ cái "mề" căng chưa?
Đứa nào đẩy chúng ra đường?

Năm ngoái, dư luận đã từng choáng váng và sục sôi trước cú “ném lựu đạn về phía nhân dân” của đại biểu Hoàng Hữu Phước khi ông tranh luận về dự thảo luật biểu tình trước quốc hội: “luật biểu tình là một sự... ô danh”.
Năm nay, thêm một “Hoàng Hữu Phước khác”- đại biểu quốc hội Niê Thuật- tiếp tục ném thêm một quả lựu đạn nữa về phía nhân dân khi cho rằng: Việt Nam là nước XHCN nên không cần biểu tình (!?)
Tranh luận tại phiên họp chiều 28/5, ông Niê Thuật, đại biểu quốc hội, ủy viên trung ương đảng, Bí thư tỉnh ủy Đăk Lăk đã đề nghị rút dự luật biểu tình khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của quốc hội năm 2013. Lý do đề nghị rút, theo ông Niê Thuật vì: điều kiện chính trị của Việt Nam khác với các nước đa nguyên, đa đảng, “nước ta là nước xã hội chủ nghĩa, chưa nói tới biểu tình, để cho quần chúng nhân dân đi ăn xin giữa đường đã là không được”!

Băng hoại

Thầy hiệu trưởng cấp 2 cưỡng dâm học sinh; con bỏ thuốc kích dục cho mẹ để được thỏa mãn thú tính; công an lạm dụng tình dục vị thành niên để xí xóa lỗi lầm; xe quân đội tông chết người giữa ban ngày rồi bỏ chạy; phụ huynh xô sập cổng trường cấp 1; con trai kiện mẹ ra tòa đòi tiền nuôi dưỡng; mẹ cho con dùng thuốc tránh thai ở tuổi 13… là những chuyện hà rầm (nghĩa là nhiều và ồn ào) tại Việt Nam hiện nay.
Sau đây là vài đơn cử:
1.
Gần đây nhất là chuyện trường thực nghiệm tại Hà Nội (nơi Ngô Bảo Châu từng học) vì phụ huynh muốn chen chân vào nộp đơn trước, đến mức xô sập cổng trường. Chi tiết của hành động băng hoại này không cần nhắc lại nữa, trên mạng bàn tán quá nhiều rồi, nhưng bản chất của nó là như vầy: Nhà trường đã “đi đêm” với số hồ sơ có phong bì hối lộ nặng trịch trước đó, khi gần đủ thì mới treo bảng tuyển học sinh, hô hào tính khách quan, dân chủ giả cầy, nhằm kiếm thêm khoản lệ phí nộp hồ sơ rất đáng kể.
Mà chuyện xô đẩy này thì không có gì xa lạ ở Hà Nội cả, khi mà trước đây cả chục năm, lúc chính phủ Nhật đem hoa anh đào sang chưng ở không gian công cộng trong lễ hội giao lưu văn hóa, chưa đầy một ngày thì dân ở đây đạp rào vào đã cướp sạch. Tình trạng cướp hoa công cộng này (không chỉ với hoa anh đào) còn kéo dài đến tận hôm nay, dù năm nào cũng được đông đảo công an và dân phòng canh giữ cẩn thận.
Ngay cả đến phát ấn đền Trần cũng thế, chen lấn đến ngạt thở, ngất thỉu, cấp cứu…; đàn ông bị móc túi lấy tiền bạc, đàn bà con gái bị sàm sỡ, quấy rối tình dục ngay giữa chốn linh thiêng.
Gần hai chục năm nay, lễ hội chùa Hương là một ác mộng, khi mà một mâm lễ có thể được bán đến mấy chục lần, bởi người trước đi lễ xong, bị thó đem ra bán lại cho người sau. Đó là chưa nói, ngay cổng chính ra vào, thịt chó thịt rừng được bán nhan nhản, cảnh giết gia súc gia cầm thì ê hề, dân chúng ăn nhậu say sưa, đĩ điếm cũng không thiếu.
2.
Đến nay vụ ông Ngô Xuân Thành kiện mẹ già ra tòa để đòi tiền nuôi dưỡng vẫn chưa có hồi kết, dù tòa đã kết án ông này sai quấy. Cứ tưởng chuyện này chỉ có ở xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Thế nhưng nó lại rất phổ biến ở nhiều tỉnh miền Bắc hiện nay; miền Trung và miền Nam ít hơn, nhưng vẫn bị tác động và ảnh hưởng.
Hay như chuyện hai vợ chồng cụ Nguyễn Văn Quý và Nguyễn Thị Chén (đã hơn 80 tuổi, trú tại thôn Đồng Lư, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, Hà Nội) có đến 7 đứa con, nhưng vẫn bị đuổi ra đường xin ăn, phải sống tá túc trong một cái đình chật hẹp của làng. Chuyện đuổi cha mẹ ra đường hay bán con bán cháu cũng không còn xa lạ ở xứ này.
3.
Lật bất kì số báo công an hay an ninh ra đều thấy chuyện băng hoại, mà con cái đâm chém, giết hại cha mẹ cũng không thiếu hàng tuần. Như chuyện Đinh Ngọc Sơn (ảnh trên - 33 tuổi, trú tại thôn Lạch Sẽ, xã Lập Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) vì cờ bạc mà chém vợ bị đứt rời sống mũi, chém mẹ đứt rời cánh tay, chém con vô số nhát.
Tại khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Thủy Nguyên (Hải Phòng) thì nhân viên phòng chụp X-quang là kỹ thuật viên Nguyễn Văn Tiếp (29 tuổi) đã hiếp dâm L. trong cơn đau bụng dữ dội, dù gia đình đang đứng đợi ngoài cửa.
Tại huyện Cẩm Thủy, Thanh Hóa, bác sĩ Cao Thanh Hùng (32 tuổi) đã hiếp dâm một cô bạn mới quen ngay trên cánh đồng bắp.
4.
Dẫn theo khảo sát của nhà xã hội Trần Hữu Quang, chúng ta thấy: “vụ Lê Văn Luyện giết người dã man khi cướp tiệm vàng ở Bắc Giang vào tháng 8-2011; tài xế gây tai nạn rồi còn rượt đánh cảnh sát; một giảng viên luật bị truy tố vì chạy án cho một bị can ở Bắc Giang (báo An ninh Thủ đô, 8-12-2011); thanh niên chở “hàng nóng” như dao, kiếm... trên đường phố ở Hà Nội (Lao động và xã hội, 23-2-2012); vụ cưỡng chế thu hồi đất một cách phi pháp ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng)...
Một bà mẹ liệt sĩ ở Quảng Bình bị con trai và cháu nội của mình hành hạ đến chết (Công an Nhân dân Online, 15-1-2008); vợ tẩm xăng đốt chồng ở huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An (VN-Express, 13-4-2011) hay ở huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận (Tuổi trẻ, 30-3-2012); con nhốt cha trong mấy năm liền ở huyện Cái Bè, Tiền Giang (Tuổi trẻ, 25-11-2011); mẹ giết con lúc đang cho con bú, ở huyện Tuy An, Phú Yên (Pháp luật Việt Nam, 13-12-2011); con đâm chết cha vì tức giận, ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội (http://giadinh.net.vn, 19-12-2011); quan hệ bất chính với con dâu nên giết vợ (ở Tứ Lộc, Hải Hưng)”…
5.
Báo chí Việt Nam thời CS ít khi nào làm đúng nhiệm vụ và sứ mệnh công luận của mình, thường kiểm duyệt và xuyên tạc các thông tin mà họ đưa ra. Thế nhưng, do quan niệm “cái xấu phải bị phê phán, trừng trị” nên rất tình cờ, họ lại nới tay biên tập trước các vụ án mang tính băng hoại nên độc giả mới thấy sự leo thang của điều này một cách rõ rệt.
Chưa có một khảo sát cụ thể, nhưng bằng cảm tính của người đọc, nhiều người đã cảm thấy ngày một nhiều hơn các vụ án kiểu băng hoại trên báo chí Việt Nam.
Để cắt nghĩa “sự nở rộ” này, chắc không dễ, nhưng chắc nó phải bắt nguồn từ sự băng hoại của giáo dục với chính sách ngu dân: biết chữ nhưng không biết nghĩa; biết nghĩa nhưng không biết đạo lý; biết đạo lý nhưng cứ chà đạp lên nó. Mục đích của chính sách này, là để: Dễ cai trị nhân dân; làm chậm tiến trình phát triển của xã hội, dễ quản thúc; kéo lùi lịch sử để dân nghèo đói; làm yếu khả năng cạnh tranh của dân tộc.
Giáo sư Hoàng Tụy, một tiếng nói uy tín, đại diện của giáo dục Việt Nam, từng nhiều lần nhận định: “Dù bảo thủ đến đâu, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng như bất cứ ai đều không thể làm ngơ trước nhiều vấn nạn giáo dục đã và đang làm đau đầu cả xã hội. Chỉ có nhìn thẳng, gọi tên đúng sự vật và chấp nhận thay đổi, coi cải cách là mệnh lệnh của cuộc sống mới có thể khắc phục tình trạng nguy kịch của ngành giáo dục Việt Nam. Chính Thủ tướng Phan Văn Khải khi từ nhiệm đã thừa nhận chánh thức sự không thành công của giáo dục, đến nay thực trạng nghiêm trọng của giáo dục Việt Nam vẫn chưa được đánh giá đúng mức. Nhiều người có trách nhiệm vẫn tự ru ngủ mình với những thành tựu thực và ảo của giáo dục. Nếu Việt Nam cô lập với thế giới thì không đến nỗi quá lo lắng, nhưng nếu khách quan và có trách nhiệm khi đặt giáo dục trong bối cảnh toàn cầu, thì không thể nhắm mắt trước sự tụt hậu ngày càng xa của giáo dục Việt Nam so với các quốc gia chung quanh. Thực tế, đất nước ngàn năm văn hiến này đang trả giá nặng nề cho sự suy thóai nghiêm trọng của giáo dục kéo dài suốt 30 năm qua”.
Ngay vị GS được xem là “rất đỏ” là Trần Thanh Đạm cũng cho biết: “Giáo dục của Việt Nam ta hiện nay như cỗ xe hai bánh, nhưng một bánh cao một bánh thấp. Chúng ta đào tạo nhiều mà thất nghiệp cũng nhiều, bằng cấp cao mà thất nghiệp cũng cao”.
Sự băng hoại còn đến từ một xã hội thiếu tôn trọng nền tảng cá nhân. Vì một tập thể chung chung nên ai cũng sống vị kỷ, chẳng thèm chịu trách nhiệm trước người khác và cộng đồng. Vì vậy, văn hóa, lối sống và đạo đức bị suy đồi. Giáo sư Thạch Trung Giá (Nha Trang) cắt nghĩa điều này: “… Văn hóa là phần hồn của một nước. Chính văn hóa đã tạo ra mọi hoạt động của đời sống dân tộc. Do đó, những sinh hoạt kinh tế, sinh hoạt chính trị, sinh hoạt trí thức, là những hình thái văn hóa. Văn hóa là văn minh, văn hóa cũng là giáo dục. Giáo dục là xây dựng cơ sở cho ngày mai thừa hưởng và vun bồi truyền thống hôm nay. Nếu guồng máy giáo dục đã khó, nhiệm vụ của nhà giáo càng khó hơn khi mà đất nước thay đổi, và não trạng của dân tộc cũng không còn như xưa, vì tự nó đã không còn giống nó thì làm sao giống những người khác trong xã hội, mà sự mất còn của một nước là do giáo dục. Vì giáo dục đào tạo linh hồn, từ người lãnh đạo cao nhất đến những chuyên viên các ngành các cấp, đến toàn thể dân tộc, tất cả phải được trang bị một ý thức lành mạnh về cộng đồng. Nếu một nền giáo dục mô phỏng thiếu linh động, sẽ đào tạo một xã hội lệch lạc bệnh hoạn, và dân tộc đó chuẩn bị đưa nhau xuống vực thẳm”.
Sự băng hoại, đương nhiên và tất yếu phải đến từ một bộ máy độc tài, độc quyền và yếu kém về năng lực. Lãnh đạo thường được chọn vì lý lịch đảng, chứ không phải vì năng lực và trình độ của bản thân. Chính vì vậy, khi ở trong vai trò chủ quản đất nước, cách hay nhất là họ cứ cấm những gì mà họ không đủ năng lực quản lý, hoặc bản thân họ không cắt nghĩa được. Mà những điều này thì ngày một nhiều hơn, vì nhu cầu thay đổi và phát triển của người dân bắt buộc phải phong phú hơn. Chính vì vậy, nói như nhiều nhà nghiên cứu giáo dục, rõ ràng chủ trương ngầm, nhưng được thể hiện rõ ràng qua thành tích giáo dục, đó là chính sách ngu dân của giới lãnh đạo Việt Nam. Ngu để giống họ và để dễ cai trị.
Chính vì những lý do chưa đầy đủ này, những trường hợp băng hoại như vừa nêu ở trên sẽ không còn là cá biệt, mà ngày một nhiều hơn, là hiệu quả tất yếu. Một đất nước cứ chọn nơi tối tăm mà đến, kể cũng lạ.
Tham khảo:

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Only in VietNam


Bụi - chất liệu độc đáo trong hội họa

Nữ họa sĩ Mỹ, Allison Cortson (34 tuổi) dùng bụi bám trên các đồ vật trong nhà để tạo nên những bức tranh hết sức sống động và ấn tượng.
Alison bắt đầu vẽ tranh bụi cách đây vài năm với mục đích khẳng định rằng không gian trống rỗng vẫn có nhiều giá trị khi đặt trong mối tương quan với các yếu tố khác. Đó là lý do tại sao, trong các tác phẩm của nữ họa sĩ này, con người luôn được sơn màu sắc, trong khi nền lại được tạo nên từ bụi.
Để có được một bức tranh với kích thước 70-inch, Allison phải mất một vài tháng để thu thập bụi. Sau khi đã có đủ bụi, nữ họa sĩ này bắt đầu vẽ hình ảnh con người bằng sơn dầu trên nền nhạt làm từ bụi.
“Tôi rắc bụi trên vải và thao tác với một bàn chải để tạo nền cho những hình ảnh con người phiêu lưu trên đó”, Allison cho biết.
 
Dưới bàn tay phù phép của Scott Wade, những chiếc xe bẩn lấm lem bùn đất, bỗng chốc biến thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Xuất thân trong một gia đình có cha là một nhà vẽ tranh biếm họa nghiệp dư và có vẻ như Scott Wade đã nhiễm điều này từ ông ấy. Và Scott Wade đã cho ra mắt một loại hình nghệ thuật độc đáo, đó là vẽ tranh trên xe bẩn.
Sống trên một con đường rất bụi ở Central Texas trong suốt 20 năm. Vì những chiếc xe của gia đình Scott Wade luôn rất bẩn nên lúc nhỏ anh thường vẽ nguệch ngoạc lên những lớp bụi trên các ô cửa kính của xe. Sau đó anh dần tập tạo bóng cho các hình họa của mình.
Ban đầu Scott Wade thường sử dụng các đầu ngón tay quét rất nhẹ lên lớp bụi để tạo những vùng màu đậm nhạt khác nhau cho hình vẽ. Có lần trong lúc vẽ Scott Wade nhai nát một que kem, rồi nghĩ đến việc dùng đầu que kem đã bị nát để vẽ như một chiếc cọ. Thích hiệu ứng do que kem tạo ra, nên từ đó Scott Wade bắt đầu thử sử dụng các loại cọ vẽ, rồi dần phát triển các kĩ thuật vẽ cho đến ngày nay: “Giờ đây, tôi sử dụng công cụ vẽ nét bằng cao su, đủ các loại cọ và tất nhiên là cả các ngón tay để vẽ”, Scott Wade tâm sự.
Khởi đầu chỉ là một sở thích nhỏ, nhưng đến nay Scott Wade đã phát triển sở thích của mình thành một loại hình nghệ thuật độc đáo có tên Dirty Car Art (Nghệ thuật trên xe bẩn). Scott Wade đã vẽ hàng trăm tác phẩm, lập website riêng cho môn nghệ thuật này (www.dirtycarart.com) và kiếm tiền nhờ nó.
Tuy nhiên, không chỉ thỏa mãn sở thích của mình là có được nhiều niềm vui và kiếm tiền, Scott Wade còn cảm nhận được tính nhất thời và phù du của môn nghệ thuật này vì thế ông đã cố gắng đưa những đề tài mang tính đời sống vào trong các tác phẩm của mình. Nhờ đó, những tác phẩm của ông tuy có thời gian tồn tại ngắn ngủi, bởi chúng sẽ bị xóa sạch khi những chiếc sẽ được đem đi rửa, nhưng nó đã để lại những ấn tượng khó quên đối với người xem.
Một chiếc xe bẩn thỉu là rất khó ưa, nhưng qua cặp mắt và đôi bàn tay điệu nghệ của Scott Wade, chúng lại trở thành những tác phẩm nghệ thuật tuyệt hảo mà nếu mới nhìn, bạn sẽ khó nghĩ rằng chúng được vẽ trên lớp bụi bẩn của những ô kính.
Còn Alessandro Ricci, một nghệ sĩ người Ý, cũng đã thể hiện tài năng với các bức họa từ bụi mà ông thu thập được từ các tòa nhà lịch sử ở Florence. Qua các tác phẩm của mình, ông muốn gửi tới công chúng một thông điệp là hãy bảo vệ môi trường khỏi ô nhiễm.
Best Blogger TipsBest Blogger Tips